Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2018

Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Mô hình đặc khu đã lỗi thời

Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Mô hình đặc khu đã lỗi thời

http://images.motthegioi.vn:8080/media/trilam/24_02_2018/bHVhdC1naWEtbmd1eWVuLXRpZW4tbGFwLW1vLWhpbmgtZGFjLWtodS1kYS1sb2ktdGhvaQ==.jpg
Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - Ảnh: Cafef
Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng thay vì đi con đường cũ là xây dựng đặc khu, Việt Nam cần cải cách tổng thể, nhằm trở thành một đất nước thực sự hấp dẫn cho đầu tư và sinh sống của bất cứ ai - chính là biến cả quốc gia thành một đặc khu của khu vực và thế giới.
Nhân dịp Quốc hội thảo luận về đặc khu kinh tế, phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nhằm cung cấp thêm góc nhìn về vấn đề này.
Đặc khu kinh tế đã lỗi thời
- Thưa ông, mô hình đặc khu kinh tế đã phát triển trên thế giới từ nhiều năm và bối cảnh kinh tế, chính trị cũng khác với sự hội nhập sâu rộng hiện nay rất nhiều, nhưng bây giờ Việt Nam mới thử nghiệm mô hình này thì liệu có cần thiết hay không?
Luật gia Nguyễn Tiến Lập: Trên thế giới có đặc khu kinh tế đầu tiên vào năm 1959 và tới nay có 4.300 đặc khu. Còn Việt Nam thực ra đã thử nghiệm chính sách đặc khu từ năm 1979 với Vũng Tàu - Côn Đảo và sau đó là Khu kinh tế mở Chu Lai.
Cả hai khu này rốt cuộc không mang lại điều gì đáng kể và bị quên lãng. Nay dự luật về đặc khu hành chính kinh tế Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc đang bị tranh cãi gắt gao, cơ bản là từ góc nhìn chính sách kinh tế và phát triển.
Cá nhân tôi đồng tình với nhiều quan điểm trên thế giới rằng chính sách đặc khu kinh tế hay thương mại đã trở nên lỗi thời.
Bởi thứ nhất, đặc khu là thiết lập không gian tự do trong một môi trường phi tự do. Tuy nhiên, các khuôn khổ pháp lý cho tự do hóa đầu tư và thương mại toàn cầu đã được thiết lập rồi và mỗi nước đều đang cải cách để đạt hội nhập vào cuộc chơi chung thì cần gì phải tạo ra các vùng tự do con con như vậy.
Thứ hai, cách tiếp cận theo hướng tạo thêm ưu đãi về thuế, tiếp cận đất đai, hạ thấp việc bảo vệ quyền của người lao động và tiêu chuẩn môi trường cũng không còn ý nghĩa bởi lợi nhuận từ đầu tư trung và dài hạn không còn đến từ kiểu trục lợi chính sách như vậy.
Thay vào đó là các yêu cầu về sự kết nối của hệ thống hạ tầng chung, chuỗi cung ứng và giá trị liên hoàn quốc gia, khu vực và toàn cầu, và cả sự tôn trọng các giá trị chung về nhân quyền, bảo vệ người tiêu dùng và môi trường toàn cầu nữa.
Tóm lại, điều Việt Nam nên làm hiện nay là hãy cải cách thể chế để hội nhập theo các tiêu chuẩn chung đã cam kết thông qua WTO, BTA và FTA đã ký, qua đó làm cho cả nền kinh tế trở nên hấp dẫn hơn là tạo ra vài cái đặc khu nhỏ bé và mang tính cục bộ.
- Nhưng nếu vẫn quyết làm đặc khu, việc lựa chọn Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc để làm đặc khu với hàng loạt ưu đãi có phù hợp không bởi những địa phương này không cần ưu đãi thì các nhà đầu tư cũng đã đua nhau đến đây rồi, thưa ông?
Có nhiều người đã đặt câu hỏi tương tự rằng nếu lựa chọn mục tiêu thu hút đầu tư cho phát triển thì phải thành lập đặc khu ở các địa phương khác, nơi còn nghèo và tụt hậu chứ không phải Vân Đồn hay Phú Quốc, là nơi đã tràn ngập tiền và phát triển sôi động rồi. Tôi đồng ý với quan điểm đó.
Tuy nhiên, phỏng đoán rằng có lẽ quyết định này dựa trên bài học thất bại của Chu Lai hay Vũng Tàu - Côn Đảo trước kia, nơi cũng dành cho những ưu đãi nhất định mà đầu tư vẫn không đến được. Tức là để bảo đảm chắc chắn cho sự thành công của quyết định, theo cách nói trần tục là chúng ta đang “té nước theo mưa”.
Tuy nhiên, cái tôi e ngại thật sự là đó có phải là đầu tư thực sự, đúng với lĩnh vực và mục tiêu cần đạt được của nền kinh tế hay không, cũng như có gắn với hiệu quả và tác động bền vững hay không?
Ưu đãi là cho tiền, vậy cái thu lại là gì?
- Dự thảo luật cũng đưa ra hàng loạt ưu đãi lớn về thuế, tiền thuê đất trong một khoảng thời gian rất dài. Ông có lo ngại việc ưu đãi này sẽ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài kiếm lời ngắn hạn, không thu hút được nhà đầu tư chất lượng dài hạn, đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu công bằng, làm phát sinh tiêu cực như lách luật, trốn thuế, chuyển giá?
Cần nói thẳng ra rằng ưu đãi tức là nhà nước cho tiền, bởi đáng lý thu thì nay không thu nữa. Với nhà đầu tư, đó là được tiền vì cắt giảm chi phí, còn đối với nhà nước là mất tiền vì sẽ không thu được trong tương lai, chưa nói còn là chi phí ứng trước đối với các khoản đáng lẽ thu được ngay từ đầu như tiền thuê đất.
Vậy thì đó phải là bài toán tài chính. Bỏ tiền ra thì sẽ thu được gì? Cá nhân tôi và cũng nhiều chuyên gia kinh tế khác đã không nhìn thấy nhà nước và thậm chí cả nền kinh tế sẽ thu được gì hay ít nhất là cái thu được có tương xứng không, so với các khoản chi và bỏ ra đó.
Còn về cái lý lẽ rằng muốn thu hút đầu tư thì cần có ưu đãi, thậm chí là “ưu đãi vượt trội”, xin thưa, ngoài lý do tôi đã nói thì còn cả cách nhìn nữa. Đó là chúng ta thu hút đầu tư để làm gì?
Với những khoản tiền đầu tư khổng lồ mang vào đâu đó, có thể sẽ làm cho các con số thống kê về thành tích tăng trưởng đẹp hơn một cách nhất thời, nhưng tôi lại thấy nỗi lo lớn bởi tiền đầu tư chảy vào một quốc gia chính là nợ, nếu nó không tạo ra các giá trị gia tăng mang tính hoàn trả và lợi ích phát triển bền vững sau đó.
Do đó, nếu gắn đầu tư với ưu đãi thì đó luôn luôn là đầu tư ngắn hạn và trục lợi, hay về bản chất chính là đầu cơ.
Ngoài ra, đầu tư là kinh doanh và gắn với các quy luật của thị trường, hiểu theo nghĩa môi trường tổng thể chứ không phải cục bộ. Nói một cách khác, để hưởng lợi chính sách, các nhà đầu tư sẽ tìm cách đặt trụ sở doanh nghiệp, tìm kiếm đất đai để đặt ít nhất một phần dự án của họ tại các đặc khu. Tuy nhiên, một cách tự nhiên sẽ có những hoạt động kinh doanh mở rộng và có tính liên kết ở khắp nơi.
Khi đó, không thể tránh khỏi các hoạt động quản trị có tính chất lách luật, chuyển giá, trốn thuế hay thậm chí rửa tiền, trong bối cảnh giảm thiểu sự kiểm soát của chính quyền thông qua hệ thống các cơ quan chức năng đang tồn tại. Thực tế này đã là một bài học được rút ra ở các nước.
- Có nhiều ý kiến lo ngại nhà đầu tư chiến lược sẽ chi phối đặc khu. Thậm chí khi ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược quá, sẽ biến đặc khu thành “con tin” của doanh nghiệp lớn. Quan điểm của ông ra sao?
Tôi cho rằng lo ngại này là có cơ sở. Nếu chúng ta quá chú trọng đến thu hút đầu tư theo kiểu bằng mọi giá thì cái giá phải trả cũng sẽ lớn. Đó là phải chạy theo các đòi hỏi của nhà đầu tư vì lợi ích cá nhân của họ mà giảm nhẹ hay bỏ qua các lợi ích của cả nền kinh tế, người dân và xã hội. Mâu thuẫn hay xung đột lợi ích này sẽ trở thành rủi ro cả về chính trị và pháp lý đối với Nhà nước Việt Nam.
Đặc biệt lưu ý trong trường hợp có các nhà đầu tư quốc tế, hay nhà đầu tư trong nước nhưng hoạt động dưới danh nghĩa pháp nhân nước ngoài. Khi đó, các cam kết của chính phủ Việt Nam, dù là cấp độ chính quyền đặc khu, thông qua các giấy phép và hợp đồng sẽ chịu sự điều chỉnh không chỉ của pháp luật Việt Nam mà cả pháp luật quốc tế.
Hệ quả là bất cứ sự thiếu tôn trọng và vi phạm nào của phía nhà nước, dù trực tiếp hay gián tiếp, dẫn đến gây thiệt hại cho nhà đầu tư thì đều có thể bị khiếu nại, khởi kiện quốc tế và phải bồi thường. Rủi ro này là nhãn tiền và đã trở thành hiện thực trong mấy năm qua.
- Liệu các đặc khu có trở thành thỏi nam châm thu hút đầu tư khiến các địa phương khác ảnh hưởng, thưa ông?
Điều này theo tôi không đáng lo ngại, chưa nói đến các đặc khu dự kiến là Vân Đồn, Vân Phong hay Phú Quốc chỉ ở quy mô địa lý và hành chính cấp huyện.
Ngoài ra, tiềm năng chung về ngành nghề của các nơi nay cũng khá giới hạn. Xu hướng các nhà đầu tư đến Việt Nam với ý định nghiêm túc và dài hạn càng ngày càng ít quan tâm đến các chính sách ưu đãi của Chính phủ mà là môi trường chính sách vĩ mô tổng thể và một thị trường chung với một trăm triệu dân.
Để kinh doanh theo chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu, nhà đầu tư luôn luôn cần sự kết nối với hệ thống hạ tầng, mạng lưới xã hội và doanh nghiệp đối tác, các tổ chức trung gian về tài chính, dịch vụ chuyên nghiệp và nguồn lao động, là những thứ không có ở các đặc khu nhỏ bé kia.
Tuy nhiên, sẽ có thể có một hệ quả khác là sự cạnh tranh tự nhiên về chính sách đầu tư ở cấp địa phương giữa các vùng miền, qua đó tạo ra sự bất ổn vĩ mô nhất định và điều này chưa chắc là tốt đối với tổng thể nền kinh tế.
Thuê đất 99 năm: Đầu cơ hơn là đầu tư
- Ông đánh giá thế nào về quy định các nhà đầu tư nước ngoài có thể thuê đất tới 99 năm? Nhiều người cho rằng quy định này có thể mở đường cho việc “di dân” và không có lợi ở nhiều khía cạnh khác, như an ninh quốc phòng. Quan điểm của ông thế nào về quy định này?
Trước hết vấn đề di dân là hệ quả của chính sách và kiểm soát về di trú và lao động được dự kiến sẽ nới lỏng ở các đặc khu, hơn là chính sách đất đai. Dự báo hệ quả này có lẽ đúng, nhưng theo khía cạnh riêng đáng lưu ý.
Đó là dòng chảy lao động có tay nghề thấp đến từ các nước láng riềng và chủ yếu từ Trung Quốc, nơi nguồn cung đang rất cao kết hợp với chính sách “xuất khẩu con người” của họ.
Đối với quyền thuê đất tới 99 năm, tôi muốn đánh giá từ góc độ kinh tế. Chính sách này e rằng sẽ khuyến khích đầu cơ hơn là đầu tư.
Bất cứ nhà đầu tư tư nhân lọc lõi nào cũng nhìn thấy khả năng thương mại hóa đất đai để vừa vốn hóa kết hợp với kinh doanh theo kiểu đầu cơ bất động sản.
Nếu có trong tay quyền sử dụng đất tới 99 năm, anh có thể thế chấp để vay vốn ngân hàng và khi dự án của anh ít lời hay đổ bể, anh sẽ dễ dàng chuyển nhượng nó dưới hình thức này hay hình thức khác, mà vẫn có thể kiếm lời.
Tôi cũng thực sự ngạc nhiên và khó hiểu về sự khăng khăng với đề xuất này của một số cơ quan chức năng bởi về bản chất và là điều ai cũng biết, rằng kinh doanh ngày nay trong thời đại “cách mạng công nghiệp 4.0” không còn gắn với chủ quyền sử dụng đất dài như trước, dù chỉ là 30, 50 hay 70 năm, chưa nói tới cả một thế kỷ. Nhất là khi ta còn nói tới thu hút các ngành công nghệ cao.
- Nhiều đặc khu trên thế giới đã gặp thất bại, theo ông, Việt Nam cần rút ra bài học gì?
Tôi được nghe nhiều chuyên gia kinh tế và chính sách từng nói châm biếm và chơi chữ rằng “Chính sách khu kinh tế đặc biệt chẳng có gì đặc biệt”. Sau thời gian nở rộ, người ta đã kiểm điểm khá nhiều thất bại của các đặc khu này. Tựu trung do 3 nguyên nhân chính liên quan đến việc quá nới lỏng kiểm soát về đất đai, lao động và môi trường.
Các hậu quả tiêu cực và phức tạp cả về kinh tế, xã hội, thể chế và môi trường do các đặc khu để lại là khá lâu dài và khó khắc phục. Từ các bài học đó, chúng ta cần làm rõ mục tiêu của chính sách đặc khu là gì, đồng thời phân tích cái được và cái mất đi kèm với nó.
Cụ thể, đối với Vân Đồn và Phú Quốc, ai cũng biết hai nơi này chủ yếu có tiềm năng du lịch và chỉ mới bàn đến triển vọng thành đặc khu thì đã tấp nập đầu tư cùng với chiếm đất rồi, vậy có cần thành lập đặc khu nữa không hay chỉ nên kiểm soát quy hoạch và ban hành chính sách đặc thù thôi?
Còn với Vân Phong, không nhất thiết phải là đặc khu thì mới phát triển thành cảng trung chuyển quốc tế và dịch vụ hậu cần được. Có thể có lập luận rằng cần thiết thành lập đặc khu phức hợp về hành chính - kinh tế để thử nghiệm mô hình cải cách về thể chế, nhưng nếu vậy thì các địa điểm dự kiến lại có quy mô quá nhỏ và không điển hình cho điều kiện mặt bằng chung của cả nước.
Cho nên, kết hợp với tư duy và nhãn quan mới về phát triển, tôi cho rằng thay vì đi tiếp con đường cũ là xây dựng đặc khu kinh tế, Việt Nam cần không trì hoãn việc cải cách tổng thể để giải quyết bài toán cạnh tranh quốc gia. Mục tiêu trở thành một đất nước thực sự hấp dẫn cho đầu tư và sinh sống của bất cứ ai, chính là biến cả quốc gia thành một đặc khu của khu vực và thế giới.
- Xin cảm ơn ông!
Trí Lâm thực hiện
Nguồn: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/luat-su-nguyen-tien-lap-mo-hinh-dac-khu-da-loi-thoi-89267.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.