Thứ Hai, 8 tháng 1, 2018

Vụ ông ‘Vũ Nhôm’ nói gì về chính trị Việt Nam?

Vụ ông ‘Vũ Nhôm’ nói gì về chính trị Việt Nam?

6-1-2018
Vụ Việt Nam tiếp nhận từ Singapore và bắt ông Phan Văn Anh Vũ (tức ‘Vũ Nhôm’) sẽ dẫn tới việc ông này có thể sẽ phải ‘khai ra’ những người liên quan, trong khi người đứng đầu ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam dường như tiếp tục củng cố được quyền lực của mình, theo một nhà phân tích và quan sát chính trị Việt Nam từ Hoa Kỳ.
Trả lời phỏng vấn cuối tuần này về chính trị Việt Nam thông qua vụ ông ‘Vũ Nhôm’ bị bắt và một số nhân vật quan trọng khác trong đó có cựu Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, Đinh La Thăng, hay nguyên Phó Chủ tịch Tỉnh Hậu Giang, ông Trịnh Xuân Thanh, sắp được đưa ra xét xử, hôm 06/01/2018, từ Đại học George Mason, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, nói:
Vụ bắt ông ‘Vũ Nhôm’ chỉ là một diễn tiến nối tiếp quá trình ‘đánh tham nhũng’ nay đã ở trong tay của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và cho thấy sự ‘củng cố quyền lực’ của lãnh đạo Đảng, theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: BBC
“Tất nhiên là ông Vũ Nhôm sẽ bị đưa ra tòa án và ông sẽ phải khai ra những người quan hệ với ông, thành ra vụ này sẽ ‘giằng dây’ lên tất cả những người khác đó, nhưng đấy là nhìn đó trong hiện tại, còn nếu nhìn đó như một quá trình, chúng ta thấy đó là quá trình củng cố quyền lực của Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, từ sau Đại hội vừa qua năm 2016.
“Họ đã bắt đầu nắm lại quyền đánh tham nhũng về Trung ương Đảng rồi, sự củng cố quyền lực bắt đầu ngay trước Đại hội, sau Đại hội, sau khi ông Nguyễn Phú Trọng ‘thắng’ ông [Nguyễn Tấn] Dũng, nó bắt đầu ngay từ đó.
“Bây giờ nó chỉ là tiếp nối cuộc đánh tham nhũng và một cuộc thành trừng trong nội bộ mà thôi, cho nên năm 2018, chúng ta sẽ thấy tiếp tục nữa,” người cũng là chuyên gia cao cấp từ Trung tâm về Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) của Mỹ nêu quan điểm riêng.

‘Hai điểm nổi bật’

Theo nhà phân tích này, nhìn vào toàn bộ quá trình ‘củng cố quyền lực’ ở trên, trong năm 2017 nổi lên hai điểm, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói tiếp:
“Năm ngoái có hai điểm rất lớn, thứ nhất, họ ‘đánh’ vào Petro Vietnam và thứ hai, họ ‘đánh’ ngân hàng. Petro Vietnam đánh hết mọi người rồi, thì cuối cùng là đến ông Đinh La Thăng.
“Còn bây giờ, họ ‘đánh’ ngân hàng là đánh hết rất nhiều người trong hệ thống ngân hàng, thì bây giờ vấn đề đặt ra là ông chỉ huy ngân hàng lớn nhất, như kiểu ông Thăng, thì liệu có đụng đến không?
Theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng việc ‘đụng hay không đụng’ đến vị ‘chỉ huy ngân hàng’này sẽ đặt ra một số câu hỏi, ông nói tiếp:
“Nó sẽ đặt ra một số câu hỏi cho việc đánh tham nhũng đến mức độ nào, nó có mục tiêu gì và nó sẽ chờ ai, thì đó là những điều mà dĩ nhiên những người quan sát Việt Nam sẽ để ý.”

Tiến thoái lưỡng nan?

Về ‘logic’ và mối quan hệ giữa việc ‘đánh tham nhũng’ này với điều được cho là quá trình ‘củng cố’ hay chuẩn bị ‘chuyển giao quyền lực’ nào đó, nếu có, trong nội bộ Ban lãnh đạo Việt Nam, ở tương lai ngắn và trung hạn tới đây, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng bình luận và cho rằng đang có một thế lưỡng nan đặt ra với giới lãnh đạo đảng cộng sản VN, ông nói:
“Về việc chính trị, việc làm này của Việt Nam cũng thường trong tất cả mọi nước thôi, thành ra người ta củng cố quyền lực là đúng. Và việc tìm cách chuyển giao quyền lực cho người thân tín của mình thì cũng là thường thôi, không có gì cả.
“Nhìn vào Việt Nam một cách cụ thể, chúng ta thấy là ông Nguyễn Phú Trọng đã tìm cách củng cố quyền lực của mình và của đảng Cộng sản Việt Nam từ ngay sau Đại hội của năm 2016, chuyện đó tiếp tục cho đến ngày nay.
“Nhưng bây giờ vấn đề đặt ra là một trong những phương cách để ‘đánh’ tham nhũng, và khi đánh tham nhũng, thì nó rắc rối lắm. Đánh tham nhũng càng đánh cao thì càng nhiều kẻ thù và càng nguy hiểm.
“Bây giờ đến mức độ này là ông nắm cái chóp nghĩa là bỏ tù, hiện nay tạm giam ông Đinh La Thăng là việc từ trước đến nay chưa có, chưa bao giờ mà có chuyện tước bỏ, đuổi ra khỏi Bộ Chính trị, mà ngày xưa ông [Nguyễn Cơ] Thạch và [Trần Xuân] Bách ‘bị đuổi’ là vấn đề chính trị, còn lần này với ông Thăng là vấn đề không quản lý đúng (mismanagement), mà có thể có tham nhũng nữa…
“Và hơn nữa lại đi bắt giam nữa, vì thế đó là một trường hợp rất nguy hiểm, bây giờ, đụng đến chuyện cao như vậy mà không tiếp tục nữa, thì bị mang tiếng đánh tham nhũng chỉ đánh từ vai xuống thôi. Tức là bây giờ còn có một số người nghĩ là muốn đánh tới, phải ‘đánh thêm’ nhiều người nữa.
“Và đánh thêm kẻ thù thì gây thêm kẻ thù và thêm nguy hiểm, nhưng ông ấy [TBT Nguyễn Phú Trọng] trong tình trạng là ông đã tới đó, thì tiếng Mỹ gọi là ‘point of no return’, đến chỗ đó là chỗ không lùi được nữa, nếu mà lùi thì mất hết uy tín, người ta sẽ nói là ‘đánh từ vai thôi’, đây chỉ là ‘thanh trừng nội bộ’ mà ‘không đánh tham nhũng’ cả.
“Mà một trong những mục tiêu mà ông muốn đánh tham nhũng là ông muốn phục hồi cho đảng cộng sản, mà nếu chuyện này không tiến tới, tiến tới thì nguy hiểm, mà không tiến tới, thì sẽ mất uy tín,” Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nêu nhận định và quan sát từ quan điểm riêng với Quốc Phương của BBC Tiếng Việt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.