Thứ Năm, 4 tháng 1, 2018

Vụ nổ kho phế liệu Bắc Ninh: 7 tấn đầu đạn lọt ra ngoài bằng cách nào?

Vụ nổ kho phế liệu Bắc Ninh: 7 tấn đầu đạn lọt ra ngoài bằng cách nào? 


LĐO | 
Vụ nổ kho phế liệu Bắc Ninh: 7 tấn đầu đạn lọt ra ngoài bằng cách nào?
Hiện trường vụ nổ kho phế liệu Bắc Ninh

“Xây một cái chuồng gà trái phép thì ngay lập tức cả bộ máy chính quyền vào cuộc xử lý, trong khi một kho vũ khí phế liệu lại tồn tại ngang nhiên nhiều năm”, đó là sự bức xúc của dư luận sau vụ nổ kinh hoàng mới xảy ra tại kho phế liệu ở Bắc Ninh.




Theo ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực ra, chúng ta có các quy định rất chặt chẽ về quản lý các kho phế liệu hay quản lý vật liệu nổ. Theo các quy định về quản lý, các kho phế liệu này phải nằm xa khu vực dân cư, có những quy định nghiêm ngặt về môi trường cũng như an toàn, thế nhưng xem lại các vụ việc nổ tại các kho phế liệu gần đây thì hầu hết các quy định trên đều bị “ngó lơ”.
Chúng ta cũng có những quy định hết sức chặt chẽ về việc sử dụng, quản lý vật liệu nổ. Theo đó, chỉ có đơn vị công binh của quân đội hoặc công an hoặc cơ quan khác được Chính phủ đồng ý thì mới được phép tổ chức đào bới vật liệu nổ. 
Bên cạnh đó là các quy định chặt chẽ về trình tự thủ tục phân loại, thanh lý, tiêu hủy vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Chỉ có cơ quan quân sự, cơ quan công an cấp huyện và đơn vị quân đội cấp trung đoàn trở lên mới có quyền phân loại để thanh lý và tiêu hủy các vũ khí đó. 
Ngoài ra, việc thanh lý tiêu hủy vũ khí vật liệu nổ còn có một hội đồng bao gồm nhiều cơ quan như cơ quan kỹ thuật chuyên ngành, đại diện cơ quan về môi trường, đại diện UBND cấp xã nơi tiến hành tiêu hủy. Thậm chí sau khi tiêu hủy xong, hội đồng còn phải tiến hành thanh kiểm tra kỹ càng lại hiện trường.. 
Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao với một quy trình chặt chẽ như vậy mà vẫn có hàng tấn đầu đạn được buôn bán công khai ở một cơ sở phế liệu?
“Việc hàng loạt đầu đạn cũ loại 12 ly 7 được cơ sở phế liệu ở Bắc Ninh thu mua khiến tôi khá ngạc nhiên, bởi lẽ đây là loại đạn pháo bộ binh, khác với những thứ mà người dân có thể đào bới. Có nghĩa là ở đây khâu thanh lý, tiêu hủy vật liệu nổ đang có vấn đề. Đáng nhẽ, những thứ này phải bị tiêu hủy tận gốc thì lại sơ xuất để lọt ra ngoài”, ông Pha nói.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng các cơ quan quản lý, trong đó trực tiếp là chính quyền xã phải có trách nhiệm trong vụ nổ nghiêm trọng trên. Có hay không việc chính quyền làm ngơ để cơ sở này buôn bán tới 7 tấn đầu đạn như vậy? Và lấy đâu ra số đầu đạn lớn như vậy để buôn bán? 
“Tôi đề nghị Bộ Công an phải vào cuộc điều tra, làm rõ trách nhiệm, nguồn gốc của số vật liệu nổ trên và công bố công khai để công chúng biết và giám sát, không có chuyện “xử lý nội bộ”, bà An nói.
DUNG HÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.