Thứ Hai, 1 tháng 1, 2018

Tội ông Đinh La Thăng và phiên tòa 8-1-2018

Tội ông Đinh La Thăng và phiên tòa 8-1-2018

31-12-2017
Ông Đinh La Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: internet
Lịch sử thể chế chưa có vụ án tham nhũng nào mà xử đến một cựu UVBCT như ông Đinh La Thăng. Vì thế, đây là một phiên tòa thu hút rất nhiều quan tâm của nhân dân cả nước cũng như dư luận quốc tế.
Tuy nhiên, án của ông Đinh La Thăng đã được lập trình từ trước theo chỉ đạo. Đó là điều chắc chắn.
Dẫu vậy, vẫn còn một khoảng épxilon dao động. Đó là khoảng không rất hẹp mà tình tiết tại tòa cũng như công luận sẽ có thể ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng.
Nói là hẹp, nhưng trên thực tế lại vô cùng hệ trọng với một đời người. Vì đó là biên giới giữa cái chết và cái sống của án tử hình hay án chung thân. Đó là sự khác biệt giữa trần gian và địa ngục khi khoảng tù đày dao động đến cả chục năm trời.
Chẳng hạn như theo dự kiến, thì VKSND sẽ truy tố ông Thăng (theo khoản 3, điều 165 bộ luật hình sự năm 1999) về “Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hiệu quả nghiêm trọng” với khung hình phạt từ 10-20 năm tù. 10 năm tù hay 20 năm tù là địa ngục và trần gian, bởi “một ngày trong tù bằng ngàn thu ở ngoài”. Một khoảng dao động vô cùng đáng sợ, mà sự công tâm hay không công tâm của các vị quan tòa sẽ mang lại niềm vui hay nỗi khổ đau cho bao số phận con người. Nhất là ở giai đoạn hiện nay, khi có hai nhân tố quyền lực tác động ghê gớm lên quyết định của quan tòa: đó là quyền lực chính trị và quyền lực đồng tiền.
Dẫu như trên đã nhận xét, án của ông Đinh La Thăng, ông Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo khác đã được tiền định, thì việc chỉ ra các nhân tố bị bỏ sót cũng như các mục tiêu của phiên tòa ngày 8-1-2018 là điều không thừa. Sau đây là vài lưu ý.
1. TỘI THAM NHŨNG VÀ HỐI LỘ CHƯA BỊ TRUY CỨU
Đã lên đến đỉnh cao quyền lực vào gia đoạn này, chẳng ai còn thanh khiết.
Đã làm Chủ tịch hay Tổng giám đốc PVN ở gia đoạn này, không ai thoát khỏi tham nhũng. Lên được đến chức quyền cao không ai tránh được không hối lộ.
Cho nên, lãnh đạo PVN trong phiên tòa ngày 8-1-2018, những ai không bị truy tố về tội tham ô, hối lộ là đã được bỏ sót chưa truy cứu.
2. CẤP CAO NHẤT THÌ TỘI LỚN NHẤT
Trịnh Xuân Thanh cũng như các lãnh đạo PVN khác sẽ chẳng đi ngập sâu vào con đường tham nhũng, hối lộ và phá hoại, nếu cấp trên của họ trong sạch và sáng suốt.
Bởi thế, tội của ông Đinh La Thăng là lớn nhất trong số các bị cáo PVN.
Những cũng phải công bằng cho ông Đinh La Thăng, rằng ông không phải là người có tội lớn nhất trong quốc nạn tham nhũng.
3. THU HỒI TỐI ĐA TÀI SẢN BỊ THAM NHŨNG LÀ MỤC ĐÍCH QUAN TRỌNG
Cuộc chống tham nhũng sẽ chẳng thỏa đáng, nếu chỉ bỏ tù mà không thu được tiền bị tham nhũng. Cho nên phải lấy tiêu chí thu lại nhiều nhất về tài chính bị thất thoát làm mục tiêu quan trọng bậc một trong phiên tòa ngày 8-1-2018.
4. CHO CHUỘC TIỀN ĐỂ GIẢM ÁN
Việc bỏ tù hàng loạt cán bộ lãnh đạo PVN và ngân hàng Ocean Bank, ngân hàng xây dựng sẽ có tính răn đe nhất định. Nhưng cội nguồn tham nhũng xuất phát từ cơ chế, nên không bao giờ ngăn chặn được quốc nạn tham nhũng kiểu đó trong sự tồn tại của cơ chế này.
Điều thứ hai nữa, là không phải một hai năm mà đã hàng chục năm, nên đội ngũ những kẻ tham nhũng đã kịp sinh sôi phát triển nhan nhản khắp mọi nơi, không thể nào bỏ tù xuể. Họ là nguyên nhân gây ra bao nhiêu thất thoát tài sản của dân, làm nghèo đi đất nước, đưa đất nước vào hoàn cảnh nợ nần đời nối đời chồng lên vai con cháu. Nhưng ở mặt khác, họ là con đẻ của cơ chế mà chính họ cũng là nạn nhân chua xót của cơ chế này.
Bởi thế, từ mục đích thu hồi tài sản thất thoát là tối trọng mà xử sao cho thu hồi được bao nhiêu càng tốt hơn bấy nhiêu. Cũng từ đó mà đi đến giải pháp, lấy tài sản tự nguyện đền bù để làm thước đo giảm nhẹ hình phạt.
5. KHÔNG TUYÊN ÁN TỬ HÌNH
Cuối cùng thì những con người từng gây ra tội lỗi tày đình, tàn phá không tiếc thương một lượng tài sản khồng lồ của nhân dân, những con người từng làm mưa làm gió quyền lực, sống xa xỉ trên tài sản của toàn dân ấy, cũng là những sinh linh khát khao được sống tự do. Nên hãy mở một đường nhân ái. Ở một chừng mực nhất định, họ là con đẻ và là nạn nhân của cơ chế này.
Bởi vậy, đừng tuyên án tử hình ai, ngoài án chung thân. Cho họ tự nguyện nộp tiền đền bù. Tài sản chìm của họ còn nhiều. Họ lấy đó mà kéo dài năm tự do cho chính mình.
CÂU HỎI TRONG NGÀY CUỐI NĂM
Ngày cuối cùng trong năm, không thể không cất lên câu hỏi: Ai đã đẻ ra tham nhũng để rồi phải đi chống tham nhũng? Làm sao để xóa bỏ quốc nạn tham nhũng hiện nay?
Câu trả lời đã có trong lòng mỗi người. Nhưng để biến nó thành hiện thực, thì còn là một quãng đường dài vô cùng gian truân với nhiều đau thương mất mát.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.