Thứ Năm, 25 tháng 1, 2018

‘Quy Định 102’ là ‘Có Một Không Hai’


‘Quy Định 102’ là ‘Có Một Không Hai’

Bùi Tín
25-1-2018

Quy định 102 là sự xa rời với thế giới dân chủ? Ảnh: Reuters

Trong ý định xây dựng đảng cộng sản vững mạnh, mới đây Bộ Chính trị đề ra “Quy định 102“, một quyết định về xây dựng đảng rất khắt khe, đó là trong đảng, bất cứ đảng viên nào, hễ lên tiếng đòi tách riêng 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp (tam quyền phân lập), đòi tự do hoạt động cho các tổ chức xã hội công dân và đòi đa nguyên đa đảng là lập tức phải bị khai trừ ra khỏi đảng.
Xưa nay trong các văn kiện chính thức của đảng, trong Chính cương, Điều lệ của đảng, chưa bao giờ có quy định nào nghiêm ngặt, chặt chẽ đến mức kỳ lạ như thế. Vì vậy có người gọi Quy định 102 là quy định « có Một không Hai ».
Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng tốt nghiệp Tiến sỹ môn Xây dựng đảng, trước cơn suy thoái toàn diện của đảng, đã nhắm mắt đi một bước thúc đẩy thêm quá trình độc đoán hóa, phi dân chủ hóa của đảng, trong khi lẽ ra phải đổi mới đảng theo hướng dân chủ hóa và quần chúng hóa trong một nền chính trị hiện đại, văn minh.
Đây có thể là một chủ trương mù quáng liều lĩnh do khủng hoảng tâm thần, dẫn đến chỗ đảng tự làm mất thêm tín nhiệm trước nhân dân và thế giới hiện đã xuống rất thấp.
Trong đảng hiện nay, đặc biệt là trong số đảng viên cấp cao, giáo viên, trí thức, luật sư, đảng viên và đoàn viên thanh niên cộng sản trẻ, có không ít người phát biểu công khai mong muốn đảng từ bỏ học thuyết Mác-Lê, từ bỏ chủ nghĩa xã hội mù mờ và chủ nghĩa cộng sản hoang tưởng, xây dựng một đảng xã hội dân chủ hợp thời đại, có tam quyền phân lập kiểm soát kiềm chế nhau, có tổ chức xã hội dân sự đông đảo… Chủ trương trên đây càng làm cho đảng chia rẽ thêm và có thể đổ vỡ, do trong thời mở cửa đông đảo đảng viên được tiếp cận với nhiều sự thật và với thế giới dân chủ rộng lớn.
Chủ trương coi các đảng viên tiến bộ, thức thời, có quan điểm 3 quyền phân lập và mong muốn mở rộng các tổ chức xã hội dân sự, đòi đa nguyên đa đảng là lạc hậu, chống đảng, coi họ là công dân loại 2, không những là chủ trương chia rẽ đảng rất nguy hiểm, nhất là khi đảng đã tan vỡ thành những băng nhóm lợi ích riêng tư. Điều nguy hiểm không kém là nó sẽ làm cho Việt Nam mất đi rất nhiều bạn bè trên thế giới.
Có thể nói chỗ dựa của nước CHXHCH Việt Nam hiện nay chủ yếu là thuộc về các nước dân chủ văn minh, các nước theo tam quyền phân lập, đa nguyên đa đảng và cổ vũ sự hình thành các tổ chức xã hội dân sự đông đảo. Chỗ dựa tài chính quan trọng là Ngân hàng Thế giới WB và Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, là các tổ chức tài chính mang bản chất nền dân chủ đa đảng, rất coi trọng sở hữu tư nhân theo công pháp quốc tế.
Các nước viện trợ và đầu tư cho Việt Nam quy mô lớn theo chương trình ODA và FDI đều là các nước dân chủ đa đảng thuần thục, như Nhật Bản, Ân Độ, Nam Hàn, Úc, Canada, Liên Âu, Thụy Điển, Đan Mạch… đều là những nước dân chủ vững bền, chủ trương tam quyền phân lập rạch ròi và chủ trương phát triển các tổ chức xã hội công dân không hạn chế. Họ sẽ suy nghĩ ra sao khi đảng Cộng Sản lên án kịch liệt những người có lập trường như thế ở trong nước và coi đó là những công dân loại 2 cần phải khai trừ ra khỏi đảng?
Phải chăng ông Tổng Trọng đã ngày càng ngả hẳn về phía Bắc kinh, chỉ coi sự viện trợ và hợp tác với Trung Quốc là có lợi, trong khi trên thực tế chứa đựng những thất bại và hiểm nguy lớn nhất, lũng đoạn nền chính trị, kinh tế tài chính một cách nặng nề. Ta bị Trung Cộng nhập siêu cực lớn, với hàng giả, hàng nhái, hàng độc lan tràn cả nước, các công trường, nhà máy họ xây dựng kéo dài với chất lượng thấp, kỹ thuật cực lạc hậu của thế kỷ XIX, XX, với nguy cơ từ hiểm họa Bôxit như hàng trăm quả bom nổ chậm đặt trên Tây Nguyên, mái nhà lớn của đất nước ta.
Với chủ trương cực đoan giáo điều trên đây, ông Tổng Trọng và Bộ Chính trị đi thêm một nước cờ lẩm cẩm, như tự lấy gạch ghè vào chân mình, tự cô lập mình, làm cho các nước dân chủ chân chính trên toàn thế giới e dè xa lánh, tự mình phủ định thái độ thiện chí khôn ngoan, coi mọi nước là bè bạn để kết thân và hợp tác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.