Nhập gia tuỳ… lãnh tụ
Trịnh Hữu Long
26-1-2018
Có thể nói, trong cái nhìn của phần lớn người Việt Nam chúng ta, vị tướng lừng danh Võ Nguyên Giáp chỉ kém Chủ tịch nước Hồ Chí Minh một thứ, đó là một lăng mộ giữa quảng trường Ba Đình.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chiếm giữ một vị trí đặc biệt trong văn hoá chính trị của chúng ta. Vị trí ấy đặc biệt đến nỗi chỉ cần tôi viết là “ông Võ Nguyên Giáp”, hay loại bỏ đại từ nhân xưng đi, chỉ gọi là “Võ Nguyên Giáp” thôi, cũng đủ để tôi hứng chịu cơn thịnh nộ của không ít người.
Trong bài này, tôi gọi tướng Giáp là “ông”, “ông ấy” và dùng các động từ có liên quan đến ông theo những nghĩa bình thường, trung dung của từ đó. Theo tôi, mức độ tôn trọng như thế với một cá nhân đã khuất như ông Giáp là đủ.
Daniel Hauer, không biết vô tình hay cố ý, giờ đã có đủ gạch đá để xây được 10 quần đảo Hoàng Sa lẫn Trường Sa cộng lại.
Quyền sùng bái lãnh tụ
Văn hoá sùng bái cá nhân của nước ta sâu sắc đến nỗi nó được thể chế hoá thành luật. Thật vậy, bạn có thể bị xử phạt hành chính, hoặc thậm chí bị bỏ tù dựa trên những điều luật mơ hồ nếu xúc phạm đến những người được cho là danh nhân, anh hùng dân tộc, dù họ còn sống hay đã chết.
Nhà nước cũng bỏ ra những khoản tiền khổng lồ để tuyên truyền cho những danh nhân này, thông qua việc in ấn sách vở, xây tượng đài, thông qua báo chí và loa phường.
Không thể phủ nhận rằng, tất cả những nỗ lực khổng lồ và có hệ thống đó là một trong những yếu tố chính, nếu không muốn nói là yếu tố chủ đạo, hình thành nên văn hoá sùng bái lãnh tụ như đối với Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp ở nước ta.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, tôi cho rằng người ta có quyền sùng bái một ai đó. Gọi sùng bái thì nghe có vẻ chính trị, trên thực tế nó chỉ là một tình cảm vô điều kiện dành cho một cá nhân, nó là niềm tin nội tâm và vượt ra ngoài những suy xét lý tính.
Ta thấy điều đó trong mọi lĩnh vực. Trong chính trị, chúng ta có Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Trong âm nhạc, chúng ta có những ngôi sao Hàn Quốc đủ sức khiến bao thế hệ người Việt trẻ khóc đứng, khóc ngồi. Trong bóng đá, chúng ta chẳng phải đang có một đội U23 quốc gia được yêu mến đến mức bất kỳ ai đụng đến lông chân của họ thì lập tức sẽ lãnh hậu quả ngay hay sao?
Chuyện sùng bái này cũng chẳng riêng gì ở nước ta. Những ngôi sao như Michael Jackson, The Beatles đều có những “fan cuồng” của họ, những người mất ăn mất ngủ vì họ, và sẵn sàng bảo vệ họ một cách vô điều kiện. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng có hàng triệu “fan cuồng”, sẵn sàng chửi nát nước bất kỳ ai chỉ trích ông ta. (Trong số các “fan cuồng” đó có không ít người Việt Nam, cả trong nước lẫn nước ngoài.)
Tình cảm đó biến thành một hành động bảo vệ tự nhiên, đó là tấn công và tẩy chay những ai chỉ trích thần tượng của mình. Daniel Hauer đang trở thành mục tiêu của một chiến dịch tấn công và tẩy chay đó. Đây là cơ chế vận hành bình thường của xã hội, hoàn toàn nằm trong phạm vi dân sự. Daniel Hauer đã phát ngôn và phải chịu trách nhiệm với phát ngôn đó của mình.
Xúc phạm lãnh tụ
Khi buông lời được cho là xúc phạm tới Võ Nguyên Giáp, Dan hoặc là không biết, hoặc là quên mất một trong những giá trị được người Việt Nam hết sức coi trọng: nhập gia tuỳ tục. Ở trong trường hợp cụ thể này, có thể gọi là nhập gia tuỳ lãnh tụ.
Trên thực tế thì việc dành một sự tôn trọng nhất định đến văn hoá tại địa phương mình đến cư trú là một giá trị được thừa nhận rộng rãi trên thế giới, chứ không riêng gì nước ta. Tuy nhiên, cái thế giới bên ngoài chúng ta cũng muôn hình vạn trạng, chẳng nơi nào giống nơi nào.
Nếu bạn sang Thái Lan và buông lời chỉ trích hoặc xúc phạm hoàng gia hoặc Phật tổ ở nơi công cộng, cứ chuẩn bị sẵn tinh thần vào tù ngồi. Điều luật lèse-majesté về tội phỉ báng hoàng gia khét tiếng của xứ Chùa Vàng không từ một ai. Cơn thịnh nộ của người dân sùng bái hoàng gia sẽ khiến cho bạn không còn dám bén mảng lại đất nước này nữa.
Nếu bạn sang xứ Hồi giáo như Iran hay Arab Saudi mà nói về Muhammad thì có lẽ phải cẩn thận hết mức, lý do vì sao thì chắc không cần phải nói.
Nhưng nếu bạn sang Anh thì mọi chuyện lại khác. Bạn sẽ thấy nhiều show truyền hình chửi hay pha trò chọc Nữ hoàng không thương tiếc, thậm chí còn lôi bộ phận sinh dục của Nữ hoàng ra làm trò cười. Người dân có người phản đối, có người đồng tình, mọi chuyện rồi cũng qua, không ai bị phạt gì. Bạn có muốn chửi góp cũng chẳng sao.
Ở Mỹ cũng tương tự. Bạn có thể đến trước Nhà Trắng giơ biển “Fuck Trump”, chẳng mấy ai thèm đoái hoài đến bạn ngoại trừ mấy người hiếu kỳ (có thể là từ Việt Nam tới). Bạn muốn dựng hình nộm ông Trump khoả thân và tiện tay sờ “chim” ông ấy ở vỉa hè cũng chẳng ai làm gì bạn.
Chẳng riêng gì lãnh tụ Trump, các lãnh tụ khác cũng chẳng thoát.
Khi tới thủ đô Washington vào năm 2016, tôi mê cái Văn khố Quốc gia của họ quá mà dành hẳn hai buổi lang thang trong đó. Ở đó có một quầy hàng lưu niệm bán những thứ liên quan đến lịch sử Mỹ. Tôi đến gian bán tất và thấy mặt mũi của đủ các tổng thống, kể cả Abraham Lincoln, được (hoặc bị) in lên những đôi tất này. Có nghĩa là khi bạn mang những đôi ấy vào thì mặt mũi các ông ấy sẽ nằm dưới chân bạn. Không tin bạn xem hình dưới đây thì biết.
Đó là thế giới mà cái cậu Dan sinh ra và lớn lên, nhưng cái thế giới bên ngoài nước Mỹ thì khác rất nhiều.
Gia đình tướng Giáp có kiện được không?
Khi vụ Dan nói về tướng Giáp trong một nhóm kín trên Facebook bị lộ ra ngoài, nhiều người thắc mắc liệu gia đình tướng Giáp có kiện được không?
Câu trả lời là có. Bộ luật Dân sự 2015 quy định rõ như sau:
Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. (Khoản 2, Điều 34)
Như vậy, các con của ông Võ Nguyên Giáp hoàn toàn có thể khởi kiện Daniel Hauer ra toà dân sự. Đến đây, mọi việc vẫn dừng lại ở đúng chừng mực hợp lý của nó là một vấn đề thuần tuý dân sự, do các bên tự dàn xếp với nhau. Hai bên có thể thoả thuận về việc có tiếp tục ra toà hay không, hay tự đàm phán, họ cũng có thể thoả thuận xem có phải bồi thường không, nếu bồi thường thì là bao nhiêu. Gia đình tướng Giáp hoàn toàn có thể rút đơn kiện và toà án hết phận sự.
Nhưng sẽ rất khác nếu như nhà nước nhúng tay vào vụ này và xử phạt hành chính hay xử lý hình sự đối với Daniel Hauer, bởi khi đó nó sẽ vượt quá giới hạn công quyền và can thiệp vào một quan hệ dân sự. Ở dưới đây tôi sẽ nói rõ hơn.
Yêu thôi, đừng yêu quá?
Có một thực tế chúng ta phải thừa nhận rằng, việc bạn yêu ai đó cũng chính đáng ngang ngửa với việc bạn ghét ai đó. Vậy nên nếu có ai đó ghét người mà bạn yêu thì đó là cũng chuyện bình thường. Nếu họ có lỡ ghét, hay không yêu không ghét người mà bạn yêu thì đó cũng chẳng phải là việc gì to tát.
Cũng giống như mọi người khác trên đời, lãnh tụ cũng có cái hay và cái dở. Cái hay của họ được tôn vinh, cái dở của họ bị phê phán. Đó là lẽ bình thường. Sẽ là bất bình thường nếu như chúng ta chỉ được tôn vinh mà không được phê phán người đó, hoặc chỉ được phê phán mà không được tôn vinh.
Các lãnh tụ chính trị, những người đứng dưới ánh đèn công cộng của đời sống xã hội, lại càng bị soi xét kỹ hơn nữa.
Trong chuyện của cậu Dan, mọi thứ không dừng lại ở việc phê phán, mà còn là tấn công một cá nhân.
Tôi không bàn tới khía cạnh tình cảm và đạo đức vì yêu ghét là chuyện riêng của mỗi người. Tôi không thấy có vấn đề gì với việc ai đó sùng bái tướng Giáp, hay ghét tướng Giáp, hay chẳng yêu chẳng ghét tướng Giáp. Tôi cho đó là chuyện giữa người đó và tướng Giáp, không liên quan gì đến mình, mặc dù tôi cũng có những nghi ngờ và phán xét riêng của mình về văn hoá ứng xử của cậu Dan, cũng như những người phản đối cậu ấy.
Tuy vậy, sự giận dữ của những người sùng bái tướng Giáp sẽ có hại nếu nó hậu thuẫn cho việc nhà nước dùng sức mạnh cưỡng chế của mình để trừng phạt cậu Dan. Bởi ngày nay nó trừng phạt cậu Dan, ngày mai nó sẽ trừng phạt cậu Đàn, ngày mốt nó sẽ trừng phạt cậu Đản, và nó không dừng lại ở việc trừng phạt một người nước ngoài.
Ban đầu nó trừng phạt những ai xúc phạm tướng Giáp, sau đó nó trừng phạt những ai phê phán những quyết sách quân sự của tướng Giáp, sau đó nữa nó trừng phạt những ai dám nghi ngờ vai trò của tướng Giáp trong những sai lầm của đảng Cộng sản Việt Nam trước đây, những sai lầm mà chính họ đã thừa nhận.
Rồi ban đầu nó chỉ trừng phạt những ai phê phán tướng Giáp, sau đó nó trừng phạt những ai phê phán Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau đó nó trừng phạt những ai phê phán Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, sau đó nữa nó trừng phạt những ai phê phán một ông chủ tịch tỉnh. Những chuyện như vậy đã xảy ra rồi.
Cơn giận dữ của những người sùng bái ông Giáp, có thể không có hàm ý ủng hộ chính quyền vi phạm tự do ngôn luận, nhưng sẽ là nguồn dinh dưỡng nuôi sống tham vọng kiểm soát ngôn luận của chính quyền. Đến đây, tất cả chúng ta sẽ là bị hại.
Một lúc nào đó, chính những điều luật hôm nay dùng để trừng phạt cậu Dan sẽ được dùng để phạt chúng ta.
Điều này cũng giống như điều luật chống phỉ báng hoàng gia ở Thái Lan. Ban đầu nó chỉ được áp dụng cho những ai chỉ trích hoàng gia, sau đó nó mở rộng sang bảo vệ họ hàng của hoàng gia, sau đó nó mở rộng sang các công ty của hoàng gia, rồi sau đó nữa nó mở rộng sang những đối tác làm ăn với hoàng gia.
Nói đến đây, tôi lại nhớ tới chuyện nghe được từ một số nhà hoạt động người Myanmar. Họ cho rằng, một trong những sai lầm lớn nhất của phong trào dân chủ Myanmar là đã đặt toàn bộ niềm tin vào bà Aung San Suu Kyi, biến bà thành một dạng lãnh tụ và kêu gọi quần chúng sùng bái bà. Kết quả là ngày nay, Suu Kyi đã biến thành một lãnh tụ bất khả xâm phạm nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của quần chúng, và phản bội lại những lý tưởng tự do mà bà đã tuyên bố trước đây mà chẳng ai làm gì được bà.
Cái giá của việc sùng bái lãnh tụ là có thật, vì nó biến thế giới của chúng ta trở nên đơn sắc, trong khi thực tế cuộc sống lại là cầu vồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.