Chính trị và quyền lực kinh tế trong vụ Vũ “nhôm”
Cát Linh
5-1-2018
Chiều ngày 4/1/2018, Bộ Công An Việt Nam ra thông cáo cho biết đã tiếp nhận bị can Phan Văn Anh Vũ, còn gọi là Vũ “nhôm”. Điều này đồng nghĩa với việc những đồn đoán về số phận của Vũ “nhôm” trước đó đã được sáng tỏ.
Nhìn lại diễn biến của câu chuyện để thấy sự hiện diện của chính trị và kinh tế đã đóng vai trò như thế nào trong sự trở về của Vũ “nhôm”?
Chuỗi sự kiện nhiều nghi vấn
Cho đến tận chiều tối ngày 2/1/2018, khi báo Pháp Luật trong nước đăng bài viết “Singapore xác nhận đang tạm giữ ông ‘Phan Van Anh Vu” cùng với hình ảnh tờ báo chính thống của Singapore, tờ Straits Times đăng bài “ICA (Cơ quan nhập cư và Hải quan của Singapore) tạm giữ đại gia bất động sản Việt Nam với cáo buộc vi phạm luật nhập cư” thì câu chuyện về cuộc đào thoát của người được gọi là Vũ “nhôm” mới ‘chính thức’ bùng nổ.
Nhìn lại xuyên suốt sự việc, Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada trả lời RFA rằng theo ông, có vẻ với những khía cạnh pháp lý, chính trị đó đã làm cho dư luận bị cuốn hút vào bề ngoài của một vụ án, cho đến khi mọi chuyện đã an bài thì ông cho rằng “Theo dòng sự kiện, chúng ta sẽ thấy có một cái gì đó làm cho chúng ta nghĩ rằng cái này không đơn giản chút nào hết.” Phân tích rõ hơn ông nói:
“Tại vì nó có nhiều tình tiết mà hình như là một kịch bản nào đó. Ngay cả khi ông ấy bị bắt vào ngày 28/12 rồi lệnh trục xuất ngày 30/12, kể từ ngày đó đến ngày lần đầu tiên ông ấy gặp luật sư là ngày 3/1, thời gian ấy rất dài và vô lý.
Vì theo luật của Singapore, sau khi một đương sự nào đó bị bắt thì phải có quyền tiếp cận của luật sư liền và bất cứ quyết định nào thì đương sự đó cần phải biết.
Ngày 3/1 ông ấy đã gặp được luật sư nhưng luật sư cũng chưa biết chuyện gì hết, mà lệnh trục xuất thì ngày 30/12 đã có rồi.”
Điểm thứ hai, luật sư Vũ Đức Khanh đặt nghi vấn về thời gian Vũ “nhôm” có mặt ở Singapore, mà ông gọi là “trên đường chạy trốn”.
Nghi vấn này liên quan đến những “chứng cứ bên lề” về quốc tịch thứ 2, thứ 3 của Vũ “nhôm” đã được đăng tải trên mạng xã hội.
“Trong sự chạy trốn đó, ông ấy có passport của đảo quốc Antigua và Barbuda, mà passport này được đi 130 nước trên thế giới, trong đó có Singapore và Đức, mà ông ấy có mục đích là muốn tới Đức để gọi là cung cấp 1 số thông tin liên quan đến hồ sơ Trinh Xuan Thanh thì tại sao ông ấy không đi liền mà kẹt lại Singapore cho tới ngày 28, khi rời Singapore đi Mã Lai thì bị bắt.
Cái này có một cái gì đó mà những nguồn thông tin chúng ta sẽ không bao giờ biết. Vì Singapore viện dẫn trong điều luật 33 khoản 6 Luật Di trú là Singapore sẽ không bao giờ cung cấp nguồn thông tin vì sao ông ấy bị bắt.
Ngay cả vấn đề nói ông ấy đi vào Singapore bằng passport nào. Hiện tại có ai đưa ra passport nào mà ông ấy vào Singapore không?
Singapore chỉ nói là ông ấy vào bằng một cái passport không phải tên của ông ấy, có thể là mang tên Lê Văn Sáu.
Hiện tại tôi có nhận được một cái mẫu passport nhưng đó cũng chỉ là một nguồn người ta đưa ra, không có kiểm chứng.”
Tranh cãi pháp lý
Tất cả những bài viết, những bình luận, ngay cả những cái tạm gọi là “chứng cứ” như các hộ chiếu chứng minh quốc tịch khác nhau của Vũ “nhôm” do cư dân mạng đưa ra từ ngày 28/12/2017 đều mang tính chất là “thông tin bên lề”. Nó dẫn đến hàng loạt dự đoán, nhận định của dư luận liên quan đến số phận của Vũ “nhôm”.
Cho đến khi có thông tin chính thức từ Bộ Công an Việt Nam rằng Singapore trục xuất Vũ “nhôm” về Việt Nam trao trả cho chính quyền Hà Nội thì thật sự đã gây ra một tranh cãi cho các diễn đàn luật liên quan đến vấn đề pháp lý. Không ít các luật gia lên tiếng bày tỏ ngạc nhiên khi Singapore đồng ý trao trả Vũ “nhôm” cho chính quyền Hà Nội. Ngay chính luật sư của Vũ “nhôm” ở Singapore, ông Remy Choo, bình luận với BBC hôm 4/1 rằng ông rất thất vọng khi thân chủ của ông bị trục xuất mà chính ông không được thông báo trước vụ việc.
Nhà báo Phạm Lê Vương Các đặt vấn đề trên trang cá nhân rằng “Trục xuất Vũ “nhôm” về Việt Nam là Singapore vi phạm nghiêm trong luât quốc tế.
Thạc sĩ Hoàng Việt có quan điểm khác và ông đưa ra phân tích của mình.
“Mọi người kỳ vọng quá nhiều về Singpore. Và có lẽ, tôi cũng dự đoán, khi ông Anh Vũ sang Singapore thì ổng cũng nghĩ rằng Singapore là một nước tôn trọng pháp quyền khá nhất ở khu vực Đông Nam Á. Nhưng nói gì thì nói, luật pháp của các nước Châu Á vẫn còn rất yếu.”
Tuy Singapore là một quốc gia có nguyên tắc pháp quyền khá là tốt ở khu vực Đông Nam Á nhưng nó vẫn còn rất nhiều lỗ hổng và vai trò của chính quyền can thiệp khá nhiều, trong đó việc Singapore toan tính liên quan đến lợi ích cả về chính trị và kinh tế đối với Việt Nam là chắc chắn có.”
Nói về hệ thống pháp quyền của Singapore, Luật sư Vũ Đức Khanh cũng cho rằng quốc gia này không phải là nước pháp trị có ý nghĩa thật sự (the rule of law), mà quốc gia này dùng luật để cai trị nhân dân chứ không phải dùng luật để bảo vệ người dân và quản trị xã hội.
Sự hiện diện khôn ngoan của chính trị và kinh tế
Sự trở về của Vũ “nhôm” lại tiếp tục dấy lên những ồn ào khác, liên quan đến những điều mà dư luận gọi là “mặc cả chính trị, trao đổi kinh tế”. Người ta cũng dễ dàng liên tưởng đến một cuộc trở về cách đây không lâu và ồn ào không kém. Đó là cuộc “về đầu thú” của Trịnh Xuân Thanh, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam, người sẽ ra toà vào ngày 8/1 tới đây.
Lần này, cũng là một sự “trở về” nhưng với hình thức hoàn toàn hợp pháp theo nghĩa được sự đồng ý của đối tác. Điều này đã cho thấy sự khác biệt rất lớn giữa hai vụ Trịnh Xuân Thanh và Vũ “nhôm”.
Nhận xét về sự khác biệt này, Luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng đây có vẻ như là một kịch bản có những bài học liên quan vụ Trịnh Xuân Thanh.
“Tôi có đặt nghi vấn là phía Hà Nội đang tìm cách giải quyết vấn đề trục trặc giữa Việt Nam và Đức nên kịch bản của Vũ “nhôm” là kịch bản để giải quyết vấn đề đó.
Thêm nữa là ông Vũ “nhôm” bị truy tố cái tội là “cố ý làm lộ bí mật quốc gia”. Cho đến giờ phút này chúng ta không biết bí mật nào bị lộ. Rồi bây giờ lại dính đến vấn đề của Singapore. Giữa Singapore là Việt Nam là một mối quan hệ chính trị, kinh tế, ngoại giao rất mật thiết.
Tôi không nói trường hợp này Singapore đồng loã gì với Việt Nam hết, nhưng Singapore đã khai thác được một cái gì đó để mang lại những quyền lợi rất lớn cho Singapore.”
Ngày 2/1 vừa qua, nghĩa là trước chuyến bay chở Vũ “nhôm” về Việt Nam từ Singapore, báo trong nước cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý tăng vốn từ 875 triệu USD lên 2 tỷ USD và bổ sung thêm hoạt động kinh doanh casino ở Khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô (Thừa Thiên Huế). Khu du lịch Laguna Lăng Cô vốn thuộc Tập đoàn Banyan Tree của Singapore.
Nói về sự hiện diện của chính trị và kinh tế trong sự trở về của Vũ “nhôm”, Thạc sĩ Hoàng Việt nói rằng ông sẽ đánh giá dựa trên cơ sở của văn hoá chính trị và văn hoá pháp luật. Do đó theo ông, ở các quốc gia như Singapore, Việt Nam, việc chính trị can thiệp vào mọi lĩnh vực của xã hội là không thể không xảy ra.
“Vai trò của chính trị rất lớn, chi phối toàn bộ đời sống xã hội. Và luật pháp, như luật pháp khi Singapore trục xuất Vũ “nhôm” như thế nào thì nó cũng bị chính trị chi phối rất lớn. Tôi nghiên cứu về góc độ văn hoá chính trị và văn hoá pháp luật nó là như vậy”.
Phân tích của Thạc sĩ Hoàng Việt đã cho thấy chính trị và kinh tế đã tương trợ để chi phối nhau trong cách giải quyết vấn đề nội bộ của quốc gia. Hai lĩnh vực này đã hiện diện tinh tế đến mức Luật sư Vũ Đức Khanh đã thận trọng cho rằng đó là “thuyết âm mưu”. Ông nói rằng: “Những gì chúng ta phân tích cho đến bây giờ cũng chỉ là những phân tích vì chúng ta không đủ dữ liệu. Chúng ta sẽ không bao giờ biết được những sự thật vì nó liên quan đến an ninh quốc gia. Chính phủ Việt Nam và Singapore sẽ không bao giờ đưa ra.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.