Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

Bản tin tối 4-1-2018

Bản tin tối 4-1-2018

Tin Trong Nước

Tin Biển Đông
Báo Thanh Niên bàn về động thái của Mỹ ở Biển Đông năm 2018. Trong năm 2017, Hải quân Hoa Kỳ đã có ít nhất 4 lần triển khai chiến hạm để thực hiện tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải, nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền quá đáng của Trung Quốc (FONOP) ở Biển Đông. Theo Reuters, giới chức Washington tuyên bố rằng hoạt động tuần tra FONOP được tiến hành nhằm “thách thức tuyên bố chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh ở vùng biển này”.
Tuy nhiên, “có ý kiến cho rằng FONOP nói riêng và áp lực quốc tế nói chung ‘chưa đủ’,” vì Trung Quốc vẫn tiếp tục quân sự hóa Biển Đông. Báo Washington Post dẫn lời nhà phân tích an ninh Richard Javad Heydarian:  “Chúng tôi biết rằng Lầu Năm Góc, không giống với các quan chức dân sự, rất lo lắng về Biển Đông. Lầu Năm Góc đang xem xét các lựa chọn để… tăng mức độ hoạt động trong vùng biển này”
“Chống tham nhũng” và những vụ bê bối khác
Báo Người Lao Động viết: Muốn chống tham nhũng, phải dựa vào dân. Trong hội nghị lần thứ 13 Đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII do UBMTTQ tổ chức ngày 4/1/2018, có cựu Phó chủ tịch UBMTTQ phát biểu: “Năm nào tổng kết cũng báo cáo thành tích đã chặn đứng, đẩy lùi mà sao tham nhũng vẫn tràn lan”.
Một cựu Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam ghi nhận, vẫn còn không ít điều chưa làm được, như chuyện chống tham nhũng, chống tiêu cực, kết quả của lộ trình tinh giản biên chế là bộ máy hành chính vẫn “phình ra”. Thái độ làm việc của cán bộ hiện nay, “đông nhưng không mạnh, nhiều mà vẫn ít, có nhưng cũng như không”.
Blog VOA có bài của nhà báo Trân Văn, bình luận: 2018: Vẫn trung thành với “chính sách ba không”? Một hiện tượng lạ ở Việt Nam: trong khi Hoa Kỳ và một số nước ở Tây Nam Thái Bình Dương luôn giám sát hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, thì các lãnh đạo Việt Nam xem chuyện “đốt lò” quan trọng hơn chủ quyền trên biển bị xâm phạm.
“Song nhóm củi – đốt lò với nhiều tình tiết ly kỳ dường như đã hút cạn tinh lực của công chúng”, các lãnh đạo Việt Nam không đưa ra được tuyên bố nào trước sự kiện “hệ thống truyền thông Trung Quốc quảng bá rầm rộ cho căn cứ không quân ở đảo Phú Lâm”. Quan chức Việt Nam vẫn tin rằng họ có thể “làm bạn với tất cả các nước”, và họ không cần đồng minh, liên minh quân sự. 
Ngày về của Vũ “nhôm”
Hồi kết Vũ “nhôm” phiêu lưu ký: Máy bay chở Vũ ‘nhôm’ sắp hạ cánh xuống Nội Bài. Báo Pháp Luật TP HCM dẫn nguồn tin riêng: Chiều 4/1/2018, Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, “đã được lực lượng chức năng của Việt Nam đưa từ Singapore về sân bay Nội Bài trên chuyến bay VN 662”. Trước đó, Vũ đã bị chính phủ Singapore trục xuất vì vi phạm luật cư trú, đi lại của Singapore.
Dẫn nguồn từ hãng tin Reuters, ghi nhận: Cục Xuất nhập cảnh Singapore (ICA) đã “thông báo lệnh trục xuất Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ ‘nhôm’, người bị cơ quan chức năng Việt Nam khởi tố và phát lệnh truy nã”. Trong thư gửi cho LS Remy Choo, ICA thông báo rằng thân chủ Phan Văn Anh Vũ của luật sư này đã vi phạm Đạo luật di trú Singapore và bị trục xuất.
BBC tường thuật trực tiếp sự kiện Vũ “nhôm” về tới Hà Nội. Thông báo chính thức của Bộ Công an chiều 4/1/2018: “Ngày 21/12/2017, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra Quyết định truy nã đối với Phan Văn Anh Vũ; khi bỏ trốn Phan Văn Anh Vũ đã vi phạm Luật di trú của Singapore và bị trục xuất. Ngày 04/01/2018, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiến hành tiếp nhận bắt bị can Phan Văn Anh Vũ và tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật”.
Trao đổi với BBC, LS Đặng Đình Mạnh cho rằng chuyện Vũ “nhôm” về nước là tin tốt lành ngày đầu năm. Nhiều vấn đề khuất tất không chỉ trong chính trường Đà Nẵng sẽ cùng với Vũ “được đưa ra ánh sáng”So sánh 2 vụ “mang củi về nước”, LS Mạnh đánh giá, trong vụ Vũ “nhôm”, “phía Việt Nam dường như đã ra tay nhanh, rất chủ động và tránh được nhiều sai lầm về ngoại giao, pháp lý” so với bê bối ngoại giao trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Về hiện tượng truyền thông trong nước đưa tin quá chậm vụ Vũ Nhôm, so với mạng xã hội, nhà báo Nguyễn Công Khế nhận định qua bài viết trên BBC: ‘Báo chính thống lẽo đẽo theo mạng xã hội’. Theo cựu TBT báo Thanh Niên, “Các trang mạng ầm ĩ đưa tin ngay… Thế mà các báo chính thống không thể có một tin tức nào kịp thời để dư luận tin rằng đã có một nguồn tin chính thức để người đọc yên tâm”.
Báo Tiền Phong có bài: Nhân chứng kể chuyện Vũ ‘nhôm’ khi bị áp giải về Việt Nam. Lời kể một nhân chứng trên chuyến bay đưa Vũ “nhôm” về Việt Nam: “chuyến bay VN 662 được báo về ở vị trí sân đỗ số 40 nhưng sau đó lại hạ cánh xuống vị trí số 24. Khi máy bay hạ cánh, lập tức có 5 xe ô tô biển xanh áp sát”.  
infographic: nguyen bi thu xuan anh noi ve vu “nhom” va da nang hinh anh 1
infographic: nguyen bi thu xuan anh noi ve vu “nhom” va da nang hinh anh 3
Hồ sơ Đinh La Thăng và đồng phạm ở PVN
Ong Dinh La Thang va cac mat xich trong 2 vu an hinh anh 1
Báo Dân Trí bàn về những “cái giá” của chiếc “ghế nóng” PVN. “Thành tựu” của nhóm cựu lãnh đạo PVN – những khoản tiền thất thoát “kỷ lục” được truyền thông nhà nước cho biết:  “Vụ góp vốn vào OceanBank gây thiệt hại 800 tỷ đồng, PVC thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng, PVTex với dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Đình Vũ thua lỗ hơn 1.470 tỷ đồng sau 3 năm hoạt động”.
Tác giả viết, vì PVN là một trong các tập đoàn “hàng đầu”, các lãnh đạo PVN có thời “gần như ngang hàng với các vị bộ trưởng”, nên chỉ cần những người dẫn đầu phạm sai lầm là “có thể đẩy cả một tập thể lớn vào khó khăn và nền kinh tế phải trả giá đắt”
Báo Infonet đặt câu hỏi: Vì sao ông Nguyễn Ngọc Sự vẫn “vô sự” trong vụ án Đinh La Thăng? Ông Nguyễn Ngọc Sự là cựu Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính của PVN. Viện KSND Tối cao cho rằng ông Nguyễn Ngọc Sự phải chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh của OceanBank trước khi PVN tham gia đầu tư góp vốn lần thứ nhất và thứ hai. Tuy nhiên, ông Sự đã không bị truy tố cùng Đinh La Thăng và 6 đồng phạm.
Ong Dinh La Thang va dong pham lam mat 800 ty cua PVN the nao? hinh anh 1
Đặng Văn Hiến, nạn nhân của nạn cướp đất
Trang VOA đưa tin: Hỗn loạn sau khi tòa tuyên tử hình ‘người nông dân cầm súng’ ở Đắk Nông. Sau khi ông Đặng Văn Hiến bị Tòa án tỉnh Đắk Nông tuyên án tử hình vì đã nổ súng trong vụ tranh chấp đất đai hồi năm ngoái, “Nhiều người dân đã gây hỗn loạn ngay trước cửa tòa án để phản đối phán quyết của tòa”
Vụ nổ súng để giữ đất xảy ra tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, hôm 23/10/2016 diễn ra như sau: Công nhân Công ty Long Sơn đến “cưỡng chế đất, san ủi, hủy hoại vườn cây của người dân”. Các nông dân đã dùng súng tự chế bắn 2 phát chỉ thiên cảnh cáo. Tuy nhiên, công nhân Long Sơn không dừng lại và tiếp tục ném đá, tấn công nông dân, “dẫn đến hành động bắn trả của ông Đặng Văn Hiến và Ninh Viết Bình”.
Báo Dân Việt đặt câu hỏi: Nổ súng ở Đắk Nông – bạo lực sinh ra từ đâu?Trong khi những người nông dân chỉ có hành động tự vệ, bảo vệ đất của họ, thì “Công ty Long Sơn được giao đất, không thông qua thương lượng bồi hoàn, đưa công nhân xuống dùng máy ủi san phẳng những cây cà phê, cây tiêu của người dân”. Các lãnh đạo chỉ nhìn bản đồ rồi giao đất cho doanh nghiệp, bất chấp hậu quả.
Báo Người Lao Động gọi phát súng của ông Hiến là phát súng thức tỉnh sự vô cảm, quan liêu. Chuyện lạ mà không lạ trong vụ Đặng Văn Hiến: bị cáo giết người bị tuyên án tử, rất nhiều người dân phản đối tòa án. Bởi vì, “trước khi trở thành tội phạm thì Hiến và các bị cáo đều là nạn nhân của một hệ quả về tranh chấp đất đai dẫn họ đến chỗ không kiềm chế nổi và mất kiểm soát hành vi”.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Đắk Nông, ở thời điểm xảy ra vụ án, “Công ty Long Sơn chỉ mới đền bù cho người dân được hơn 400 ha đất”. Họ đền bù chưa xong nhưng đã tính đường “cướp” đất của người nông dân, “thì đến ai chịu cho thấu, chưa kể những người dân này sống trong núi sâu rừng thẳm nên hẳn là hiểu biết về pháp luật còn nhiều hạn chế”.
Nhà báo Mai Quốc Ấn đặt câu hỏi: Muốn thêm mấy mạng người nữa ư? Lời một người dân sau vụ nổ súng Đắk Nông: “Nếu chính quyền vẫn bao che cho công ty Long Sơn, súng sẽ còn nổ tiếp!”.
Các cơ quan hữu trách chỉ tập trung vào tội của ông Đặng Văn Hiến và Ninh Viết Bình, nhưng hoàn toàn bỏ qua một số “thành tích” của bảo vệ Công ty Long Sơn: “1 phụ nữ có thai bị đánh sảy thai, 1 người đàn ông bị chém “vạt nửa đầu” thương tật 90% , cụ già 94 tuổi bị đánh vào ngực phun máu tại chỗ”.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh bình luận“Có thêm một mạng người khác sẽ mất đi vì bảo vệ gia đình mình, tất cả đều là nạn nhân trong một quy trình khốn nạn nhất ở Việt Nam: chính quyền thỏa hiệp với bọn tư bản đỏ, để trục lợi trên khổ đau của người dân”.
Facebook Thanh Niên Công Giáo viết: Khoan hồng ở đâu khi tử hình Đặng Văn Hiến. Người dân phản đối phán quyết của tòa án vì tòa đã không “xem xét nguyên nhân buộc anh Hiến phải sử dụng súng để bảo vệ tài sản hợp pháp cùng vợ con của anh ấy. Chính công ty Long Sơn đã đẩy anh Hiển đến đường cùng”.
Về chuyện ông Đặng Văn Hiến và Ninh Viết Bình phải chịu án quá nặng, còn công nhân Công ty Long Sơn chỉ chịu án nhẹ, người dân cho rằng các cơ quan hữu trách đã “cố tình che dấu các hậu quả và nguyên nhân mà phía những người công ty hung hãn, ngang ngược, dồn ép, kích động anh Hiến cùng bà con hôm xảy ra sự việc cũng như trước đó”.
Nhân quyền ở Việt Nam
Facebook Thanh Niên Công Giáo đưa tin: Nhà cầm quyền Thu Thủy đòi cấm người dân không được đón rước Giáng Sinh. Tác giả dẫn lời trong văn bản của ông Nguyễn Thanh Tuyền, Chủ tịch UBND phường Thu Thủy, thị xã Cửa Lò: “Hàng ngàn bà con giáo dân, đi trên hàng trăm xe điện 4 bánh rước qua địa bàn nhiều phường của thị xã Cửa Lò mà chưa được các cấp thẩm quyền chấp thuận là trái với Nghị định 92/2012/NĐ-CP ngày 08/11/2012 của Chính phủ”.
BBC có bài: Bộ luật Hình sự mới không còn các Điều 79, 88 và 258?Từ ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự tu chính chính thức có hiệu lực pháp luật, các Điều 79, 88, 258, thường được an ninh sử dụng để trấn áp người đấu tranh, “đều được giữ lại trong Bộ luật Hình sự tu chính nhưng thay đổi số thứ tự điều luật và còn có thay đổi về hình phạt cho mỗi tội danh này”.
Thật ra, luật mới sẽ còn khắt khe hơn cả luật cũ, bởi vì “Bộ luật Hình sự tu chính bổ sung thêm sự chế tài trong cả trường hợp ‘chuẩn bị phạm tội’ mà luật hình sự cũ chưa từng quy định”, theo lời của LS Đặng Đình Mạnh. Chính quyền Việt Nam đang cố gắng dập tắt các hành động, phong trào đấu tranh “từ trong trứng nước”.

Tin quốc tế

Chính trường Mỹ
Liên quan đến các cuộc đấu võ mồm mang phong cách lập dị của TT Trump, tạp chí Người Đồng Hành có bài: Cựu Phó tổng thống Mỹ nhắn ông Trump: ‘Đây không phải trò chơi’. Ông Joe Biden chỉ trích và cho rằng ông Trump đang có lối cư xử “không như tổng thống“, khi tham gia các cuộc đấu khẩu về nút bấm hạt nhân to hơn giữa 2 quốc gia.
Ông Biden nói thêm: “Chuyện này không phải là trò chơi. Đây không phải là chuyện tôi có thể ưỡn ngực cao hơn ông. Đây không phải phong cách tổng thống“. Trong khi đó, báo VTC lại có bài “bóc mẽ” Trump với tựa đề: Nút bấm hạt nhân ông Trump tuyên bố to hơn của Triều Tiên không hề tồn tạiVTC dẫn lời các nguồn tin cho biết, thực chất TT Mỹ không hề có nút bấm hạt nhân như Trump “nổ” trên Twitter.
VOV đưa tin: Nhà Trắng – Quốc hội thảo luận ngân sách tài khóa 2018-2019. Theo đó, 2 viện của Quốc hội và các quan chức Nhà Trắng đang thảo luận về ngân sách cho tài khóa 2018-2019. Phía Cộng Hòa yêu cầu tăng ngân sách cho quốc phòng và xây bức tường Mỹ – Mexico. Các nghị sĩ Dân chủ yêu cầu tăng ngân sách cho các lĩnh vực phi quốc phòng.
Về vấn đề đối ngoại của Mỹ, trang Infonet có bài, USA Today: Nga không còn là Liên Xô, nhưng vẫn là “đế chế ma quỷ”Báo USA Today cho rằng, “trong khi Tổng thống Putin đang làm hỗn loạn thế giới để phục hồi lại vinh quang quá khứ thì phản ứng của chính quyền Trump lại quá ‘yếu ớt’ và mâu thuẫn“.
Bài viết có đoạn, “do cố gắng khôi phục lại sự vĩ đại trước đó của Nga, ông Putin đã tạo ra sự lộn xộn trên trường quốc tế. Để dẫn chứng cho luận điểm của mình, họ gợi nhắc lại việc Nga ‘xâm lược’ Gruzia và Ukraine, ‘thôn tính bất hợp pháp bán đảo Crimea’, và các ‘tội ác’ của quân đội Nga ở Syria”. US Today cũng nhắc đến nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.
Biểu tình Iran
Cuộc biểu tình phản kháng chính phủ ở Iran tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Trên báo Sức Khỏe & Đời Sống có bài phân tích: Iran lâm vào bất ổn vì biểu tình. Bài viết chỉ ra nguyên nhân chính, sâu xa nhất của cuộc biểu tình khắp nơi tại Iran là do “bất mãn vì sự sa sút kinh tế”.
Bài tổng hợp cũng đặt ra nghi ngờ lịch sử sẽ lặp lại, với cuộc biểu tình bạo lực năm 2009 với sự tham gia của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran trong các cuộc đàn áp. Kết thúc bài viết, tác giả cho rằng “để ‘giải bài toán’ lần này Iran cần không chỉ là thời gian, mà còn là nỗ lực của Chính phủ và sự đoàn kết của người dân“.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran trực tiếp can thiệp các cuộc biểu tình là thông tin được báo Kinh Tế & Đô Thị loan tải. Theo bài viết, Tướng Mohammad Ali Jafari, Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran cho biết, “đã triển khai lực lượng xuống 3 tỉnh nhằm trấn áp làn sóng biểu tình chống đối Chính phủ“.
Tướng Jafari cho biết thêm, các đối tượng biểu tình phần lớn “bị những phần tử phản cách mạng kích động” và ông cũng tố cáo, chỉ trích các “yếu tố nước ngoài” trong làn sóng biểu tình chống chính phủ.
Trong khi Mỹ xem xét trừng phạt Iran, cụ thể là TT Trump xem xét trừng phạt thương mại của Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), phía Trung Quốc lại có hành động ngược lại khi tuyên bố Trung Quốc sẽ tăng cường ủng hộ Iran.
Ông Trump cho rằng, IRGC có liên quan và phải chịu trách nhiệm cho các hành động đàn áp biểu tình ở Iran, thì phía Trung Quốc, với những lợi ích đang có và tham vọng bành trướng lại sẵn sàng ủng hộ và đứng về phía chính phủ thần quyền Tehran. Hiện Trung Quốc đang là nhà đầu tư lớn nhất ở Iran với hàng loạt dự án thuộc chương trình “Con đường Tơ lụa mới”.
Căng thẳng Trung Đông
Hàng loạt báo chí đưa tin: Hàng loạt chiến cơ Nga bị trúng đạn cối. Theo đó, có 7 máy bay của Nga bị phá hủy khi căn cứ  Hmeymim của Nga ở Syria trong các cuộc pháo kích của quân nổi dậy ở Syria. Thông tin cũng cho biết thêm, hơn 10 quân nhân Nga bị thương trong vụ việc này.
Ngay trong chiều nay, Bộ Quốc phòng Nga đã phủ nhận 7 máy bay bị phá hủy ở Syria. Các quan chức Nga cho hay, chỉ có 2 quân nhân thiệt mạng trong vụ pháo kích, còn thông tin có 7 máy bay rơi “hoàn toàn là thông tin sai sự thật”.
Báo Lao Động có bài, Nga phản bác thông tin máy bay giết chết 20 dân thường Syria. Các quan chức Nga đã bác bỏ cáo buộc của phe đối lập trong nước và các tổ chức nhân quyền quốc tế. Theo các cáo buộc đó, Nga gây ra cái chết của ít nhất 20 dân thường Syria trong đợt không kích mới đây. Nhiều tổ chức quốc tế cho rằng, Nga phải chịu trách nhiệm cho hàng ngàn cái chết của dân thường trong cuộc chiến ở Syria.
Bán đảo Triều Tiên
Trong khi Hàn Quốc bác tin Triều Tiên sắp phóng tên lửa thì trên VietNamNet có bài: Triều Tiên trúng tên lửa của chính mình. Còn trên báo Giáo Dục và Thời Đại đưa tin: Tên lửa Triều Tiên phát nổ ngay trên thành phố 240.000 người? Hai bài viết cho biết, Triều Tiên đã thất bại trong một vụ thử tên lửa mới. Tên lửa đã phát nổ tại thành phố Tokchon, nơi có 240.000 dân của Triều Tiên.
Các nỗ lực đối thoại giữa 2 miền Triều Tiên đã được xúc tiến. Mới đây, Liên Hợp Quốc hoan nghênh Hàn – Triều nối lại kênh liên lạc, còn chính phủ Hàn Quốc cũng đang cố gắn đối thoại liên Triều với nỗ lực giải trừ hạt nhân. Ngoại trưởng Hàn Quốc, bà Kang Kyung-wha, ngày 4/1 tuyên bố sẽ kết hợp chặt chẽ với Mỹ để tìm cách đối thoại với Bắc Hàn. Bà Kang Kyung-wha khẳng địn,h “các cuộc đàm phán liên Triều sẽ không tách biệt với những nỗ lực giải trừ hạt nhân của liên minh Seoul-Washington”.
Bá quyền Trung Quốc
Trên báo Một Thế Giới có bài viết đáng chú ý: Ông Tập Cận Bình chỉ đạo quân đội Trung Quốc không được sợ chết. Ông Tập đưa ra lời úy lạo này trong khi phát biểu trước 7000 quân sĩ đang tập trận của bộ binh vũ trang hạng nặng.
Tập Cận Bình nói: “Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) phải là một lực lượng mạnh mẽ, tinh nhuệ, sẵn sàng chiến đấu, có khả năng chiến đấu và bảo đảm thắng trận, nhằm hoàn thành các nhiệm vụ mà đảng và nhân dân giao trong thời đại mới”. Theo bài viết, các quân nhân Trung Quốc đã thề “tuyệt đối tuân lệnh của Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình” khi cuộc tập trận diễn ra.
Cũng vấn đề “trỗi dậy trong bành trướng” của Bắc Kinh, báo Tiền Phong có bài: Trung Quốc tuyên bố không muốn thay thế Mỹ trong vấn đề quốc tế. Theo giới chức Trung Quốc, chính sách ngoại giao của nước này là “thúc đẩy loại hình quan hệ quốc tế mới và xây dựng một cộng đồng cùng chung tương lai cho nhân loại, chứ không có ý định lãnh đạo hay thay thế bất cứ nước nào trong các vấn đề quốc tế”. 
Tuyên bố này của Trung Quốc được đưa ra sau khi một cơ quan nghiên cứu Mỹ cho rằng “Trung Quốc sẽ lấp vào chỗ trống do Mỹ để lại do Tổng thống Donald Trump làm gia tăng chia rẽ và phá hỏng trật tự thế giới“. Ông Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói, “Trung Quốc không có ý định lãnh đạo hoặc thay thế bất cứ quốc gia nào trong các vấn đề quốc tế” .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.