Thứ Tư, 3 tháng 1, 2018

Bản tin sáng 3-1-2018

Bản tin sáng 3-1-2018

Tin trong nước

Tin Biển Đông
Trang Army Times bình luận: Diễn biến mới năm 2018: Ván bài ngửa ở Biển Đông? Tác giả đặt câu hỏi rằng các chỉ huy của lực lượng hải quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương có thể tỏ ra quyết liệt đến mức nào, trong nhiệm vụ ngăn chặn Trung Quốc đe dọa quyền tự do hàng hải quốc tế ở Biển Đông. 
Hải quân Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump đã tăng số lượng các cuộc tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải, nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền quá đáng của Trung Quốc(FONOP), vượt cả số lượng FONOP mà cựu Tổng thống Obama từng cho phép. 
Theo tác giả, một yếu tố then chốt cần được quan sát trong năm 2018, để xem ván bài tranh chấp ở Biển Đông có được lật ngửa hay không, là phía Hoa Kỳ sẽ tiếp tục sử dụng các cuộc tuần tra FONOP nhằm kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông, hay họ lại dùng FONOP để “xuống thang” và thương lượng với Trung Quốc.
Báo Infonet đưa tin: Trung Quốc “chú tâm” Biển Đông. Sự “chú tâm” được thể hiện qua sự kiện “đề bạt một viên tướng có kinh nghiệm về Biển Đông vào đội ngũ hàng đầu trong cơ quan Đảng của lực lượng không quân”.
Vũ “nhôm” du ký
Trang BBC đặt câu hỏi: Ông Vũ ‘nhôm’ là ‘sĩ quan tình báo Việt Nam’? Ngày 2/1/2017, phía Singapore chính thức xác nhận đã bắt giữ doanh nhân Phan Văn Anh Vũ vì “vi phạm luật di trú”. Theo AFP, luật sư Remy Choo cho biết, gia đình Vũ “nhôm” nói Vũ “là sĩ quan cao cấp ngành tình báo Việt Nam”
Luật sư người Đức của Vũ “nhôm”, ông Victor Pfaff “đã nộp đơn cho nhà chức trách Đức để xin Đại Sứ quán Đức ở Singapore cấp visa cho thân chủ của mình” nhằm “bảo vệ lợi ích của Đức”.Reuters cho biết, ông Victor Pfaff nói rằng “sĩ quan an ninh Anh Vũ có thể cung cấp thông tin về cáo buộc của Đức nói ông Thanh bị bắt cóc ở Berlin”.
RFA đưa tin: Vũ ‘nhôm’ tìm đường sang Đức. Bên cạnh các thông tin đã được xác nhận bởi một số trang tin quốc tế, mạng xã hội và báo chí độc lập, RFA dẫn lời luật sư Schlagenhauf, người đại diện cho vụ Trịnh Xuân Thanh: “Một người muốn xin tỵ nạn tại Đức phải nội đơn khi ở trên đất nước này. Ngoại lệ theo luật di trú của Đức chỉ có thể áp dụng trong trường hợp có chứng thực liên quan nhân quyền”.
Hình ông Phan Văn Anh Vũ. Photo: RFA
Facebooker Nguyễn Anh Tuấn bình luận: Vũ “nhôm” trốn thoát: Một cuộc so găng khác. Tác giả nhắc lại chuyện bác Tổng tham gia Đảng ủy Công an Trung ương, sau lúc Trịnh Xuân Thanh trốn thoát khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, cả khi bác Tổng tham gia lãnh đạo công an, Vũ “nhôm” vẫn có thể thoát khỏi vòng vây công an, an ninh Việt Nam. 
Theo tác giả, bác Tổng tuy muốn học tập ông Tập Cận Bình trong chuyện thanh trừng nội bộ, nhưng Ủy ban Kiểm tra Trung ương của bác vẫn chưa giải quyết được vấn đề chấp hành mệnh lệnh từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất.
Sau khi để truyền thông mạng xã hội đưa tin trước gần 2 ngày rưỡi, truyền thông nhà nước đã chịu đưa tin liên quan đến tình hình Vũ “nhôm”: Singapore tạm giữ người mang tên ‘Phan Van Anh Vu’. Báo VnExpress dẫn thông tin từ trang web của Cục Di trú Singapore (ICA) thông báo ngày 2/1/2017 rằng, “hôm 28/12/2017 đã tạm giữ người có tên Phan Van Anh Vu do vi phạm Luật Di trú của nước này”.
Thời điểm “28/12/2017” hầu như trùng khớp với thông tin xuất hiện trên mạng chiều 31/12/2017. Truyền thông trong nước đưa tin chậm như vậy về một trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia, chẳng khác nào họ đã trao quả bóng thông tin cho mạng tự do. Ban Tuyên giáo không nên trách người dân tin vào thông tin trên mạng xã hội hơn là tin vào báo nhà nước.
Ngay cả khi chấp nhận đưa tin về Vũ “nhôm”, truyền thông trong nước cũng chỉ đưa tin nhỏ giọt. Phía Bộ Ngoại giao Việt Nam từ chối bình luận về thông báo của ICA. Còn Bộ Công an vẫn tiếp tục im lặng.
Trang mạng Sở Di Trú & Kiểm Soát Biên Giới Singapore (ICA) xác nhận bắt giữ Phan Văn Anh Vũ ngày 28/12/2017 vì vi phạm luật di trú của nước này. Ảnh: ICA/NV
Chuẩn bị xử Đinh La Thăng và đồng phạm
Báo Dân Việt đưa tin: Phiên xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm sẽ không có vành móng ngựa. Trong phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và 21 đồng phạm ở PVN vào ngày 8/1/2018, Tòa án NDTP Hà Nội cho biết, sẽ thực hiện mô hình phòng xét xử mới, “các bị cáo sẽ không phải đứng trước vành móng ngựa”, họ sẽ đứng trước bục để khai.
phien xu ong dinh la thang va dong pham se khong co vanh mong ngua hinh anh 2
Mô hình phòng xét xử theo Thông tư 01/2017 của TAND Tối cao. Ảnh: DV
Li kỳ chuyện chính trường Việt Nam đầu năm 2018
Trang BBC bình luận về sự kiện Bộ Chính trị siết lại quy định phong tướng. Quy định 105-QĐ/TW mà bác Tổng vừa ký đã cho phép Bộ Chính trị tăng cường quyền toàn trị ở Việt Nam. Từ bây giờ, quy trình phong, thăng quân hàm Đại tướng, Thượng tướng, Đô đốc Hải quân, phải được sự cho phép của Bộ Chính trị. 
Tác giả ghi nhận hiện tượng, “trên có Bộ Chính trị, dưới có Ban Bí thư”. Quy định 105 còn cho phép Ban Bí thư quyết định chuyện phong, thăng quân hàm cho sĩ quan quân đội ở các cấp Trung tướng, Thiếu tướng và một số chức lãnh đạo phía công an. Đến cả cán bộ về hưu “vẫn do Bộ Chính trị quản lý”. Họ phải được phép của Bộ Chính trị trước khi tiếp khách và trả lời đài báo nước ngoài.
Về trường hợp lãnh đạo “đi lạc” được hơn một tuần, công an Hà Nội tìm thấy ôtô của Chủ tịch huyện ‘mất tích’. Chiều 2/1/2017, ông Đỗ Lai Luật, Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Quốc Oai, thông báo đã tìm thấy “ôtô cá nhân của Chủ tịch huyện Nguyễn Hồng Lâm, người ‘mất tích’ một tuần qua”
Ông Luật cho biết thêm, trước khi mất liên lạc, ông Lâm đã gọi điện cho con trai vào sáng 26/12/2017, trong cuộc gọi, ông Lâm nói “đang gặp chuyện rắc rối”. Một ngày trước khi “mất tích”, “khoảng 21h, anh Lâm tự lái xe ra khỏi cơ quan, sau đó đi đâu không ai biết”. Sáng ngày 26/12/2017, ông Lâm đã gọi điện xin phép Bí thư Huyện ủy vắng mặt ở cuộc họp của Ban Thường vụ, và ông “đi lạc” từ đó đến nay. 
Báo Người Lao Động bình luận: Quan tham nảy nở, do ai? Một số đại án kinh tế – chính trị vừa qua cho thấy những đường dây tài chính – quyền lực đã ăn sâu vào tận tầng cao nhất của thể chế chính trị ở Việt Nam. Tác giả biết đặt câu hỏi “những cán bộ sai phạm, yếu kém đó ở đâu ra? Vì sao bây giờ họ đông đảo đến vậy?” nhưng không dám nghĩ đến những quy định, điều luật đã cho phép Đảng Cộng sản tập trung quyền lực đến mức toàn trị.
Tác giả đề nghị: “Hệ thống các cơ quan tham mưu tổ chức cán bộ phải thẳng thắn nhận trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân về những sai lầm, yếu kém của mình”. Đó chỉ là cách giải quyết ở phần ngọn, vì chính các cơ quan tham mưu cũng phải chịu sự kiểm soát từ lãnh đạo ở những tầng quyền lực cao nhất. Tại sao các lãnh đạo ấy không chịu trách nhiệm, mà người dưới phải chịu thay và thành “dê tế thần”?
Nỗi ám ảnh mang tên “nợ công”
Báo Trí Thức Trẻ đặt câu hỏi: Năm 2018, nợ công có tiếp tục là nỗi ám ảnh với người dân? Gần cuối năm 2017, thông tin từ Bộ Tài chính cho biết rằng, số nợ công đã đạt khoảng 3,1 triệu tỷ đồng, “tăng 300 nghìn tỷ so với năm trước”. Theo Bộ Tài chính, tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát vì tỷ lệ nợ công trên GDP đã giảm xuống 62,6%. Tuy nhiên, đã có một số nghiên cứu lâu nay chỉ ra những ngộ nhận trong chuyện chỉ dùng GDPđể đánh giá cả một nền kinh tế.
Tác giả ghi nhận, “phần nợ được Chính phủ đi vay nhằm chi tiêu trong nhiều năm nay luôn nằm trong ‘báo động đỏ’, không năm nào nguồn thu ngân sách đủ cho Nhà nước chi dụng”. Vậy nên, nỗi ám ảnh mang tên “nợ công” vẫn tiếp tục hiện hữu trong năm 2018.
Báo Quân Đội Nhân Dân kêu gọi cả xã hội cùng tiết kiệm. Tác giả tính rằng, nếu mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị sử dụng tiết kiệm điện, nước, “số tiền khổng lồ đầu tư khắc phục tình trạng quá tải điện, nước” sẽ giảm theo, mỗi người lao động tiết kiệm về thời gian “sẽ nâng cao được năng suất lao động”.
Đây là hiện tượng kỳ lạ, xuất hiện khi tình hình ngân sách diễn biến không như ý muốn lãnh đạo: truyền thông trong nước vận động người dân tiết kiệm vì quốc gia. Tuy nhiên, hầu hết các bài tuyên truyền quên tính rằng: chuyện người dân tiết kiệm có bù nổi hàng chục nghìn, trăm ngàn tỷ đồng thất thoát ở các dự án “quả đấm thép”, hay bù nổi số tiền bộ máy công quyền để thất thoát, góp phần tạo nên khoản nợ phải tính bằng triệu tỷ đồng?
Mời đọc thêm: Chớ say sưa, coi chừng… xây xẩm! (TT). 
BOT tiếp tục là gánh nặng
RFA có bài: BOT Ninh An xả trạm 2 lần trong một buổi. Ngày 2/1/2018, trạm thu phí BOT Ninh An ở xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đã phải xả trạm 2 lần vì “tài xế dừng xe ngay trước cửa trạm yêu cầu miễn giảm giá vé”. Sau khi cơ quan chức năng đồng ý xả trạm, phía tài xế yêu cầu trả lại họ tiền vé tháng, và tuyên bố “không có chuyện người được miễn phí, người phải trả tiền”.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải tuyên bố: Để BOT giảm nóng phải quyết toán thu phí tự động. Trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2018, của Tổng Cục đường bộ Việt Nam chiều 2/1/2018, ông Nguyễn Văn Thể cho rằng, phải giải quyết dứt điểm chuyện trang bị hệ thống thu phí tự động cho các trạm BOT.
Nói cách khác, sử dụng hệ thống thu phí tự động thì các tài xế khó đấu tranh “bất tuân dân sự” hơn trước, vì phương pháp này có phần phụ thuộc vào phản ứng của các nhân viên thu phí BOT. “Bộ GTVT sẽ ban hành thông tư xe đi qua trạm (xe dán thẻ Etag) mà không có tiền sẽ bị phạt cao có thể gấp 10 lần”. Đây là cách lãnh đạo ngành giao thông trả lời nỗi bất bình của người dân và tài xế trước gánh nặng phí đường bộ!
Hồ sơ ô nhiễm môi trường Việt Nam
RFA bình luận về tình hình môi trường Việt Nam 2017: ‘Ô nhiễm do công nghiệp và do chính con người’. Cuối tháng 11/2017, thông tin từ Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) xác nhận rằng, Việt Nam đã là một trong các quốc gia ô nhiễm không khí hàng đầu khu vực Đông Nam Á, “các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội không ngừng gia tăng mức tồi tệ về ô nhiễm không khí trong những năm gần đây”.
Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh, “tác giả” của thảm họa môi trường biển Việt Nam năm 2016, là một “gương mặt điển hình” trong vô số dự án chỉ có “hiệu quả” tàn phá môi trường ở Việt Nam. Một “gương mặt tiêu biểu” khác là cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, với dự án đổ bùn thải xuống biển Bình Thuận. Những người quan tâm tới hiện tình môi trường Việt Nam “lo ngại hệ sinh thái biển của Bình Thuận đang đứng trước nguy cơ bị bức tử bởi những nhà máy nhiệt điện”.
Báo Tuổi Trẻ giải thích: Sông đầy bọt trắng ở Hà Nam là do nguồn nước ô nhiễm sông Nhuệ. Tác giả ghi nhận hiện tượng, cả đoạn sông ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, nổi bọt trắng xoá như tuyết bởi “ngành nông nghiệp bơm nguồn nước ô nhiễm từ sông Nhuệ vào sản xuất nông nghiệp ở huyện Duy Tiên”.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Duy Tiên thừa nhận tình trạng “sông Nhuệ ô nhiễm nặng với nguồn nước đen đặc là vấn đề lâu nay rồi”. Về chuyện ô nhiễm sông Nhuệ, huyện Duy Tiên đã nhiều lần kiến nghị với các lãnh đạo cấp trên, gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, nhưng quan chức cấp trên vẫn làm ngơ tình trạng ô nhiễm.
Nhân quyền ở Việt Nam
Dân Làm Báo đăng thư cám ơn của “Tù nhân Nhân quyền” Nguyễn Đình Ngọc, tức blogger Nguyễn Ngọc Già. Trong thư này, ngoài việc gởi lời tri ân đến tất cả mọi người đã lên tiếng cho mình, ông Ngọc còn khẳng định: Việc ông bị bắt không hề liên quan đến bất kỳ báo, đài, hay bất kỳ cá nhân nào. Thậm chí ông còn biết trước ông sẽ bị bắt vì ông đã cố tình cung cấp thông tin cá nhân qua 3 bài viết, phổ biến trên mạng.
Thêm một số tin trong nước: Lực lượng 47 – hạt nhân của quá trình tự diễn biến trong quân đội (TD). Bộ trưởng Giao thông: Cần học Campuchia cách duy tu đường(VNE). – Bộ trưởng GTVT: ‘Chưa có con đường nào tôi đi mà thấy hài lòng’ (VNN). – Ông Sơn Minh Thắng giữ chức Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương (VNN). – Điều động và phân công cán bộ tại Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương(VOV). – Hà Nội kết nạp 13.689 đảng viên mới (ND). – Hà Nội: Hàng trăm m2 vỉa hè bị quây kín, đẩy người đi bộ xuống lòng đường(ĐCS). – Hà Nội siết loạt đại gia nợ 2.500 tỷ (ĐV). – Nạn đói vẫn còn, nên mới phải: Thực hiện Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” (TTXVN).

Tin quốc tế

Biểu tình ở Iran
Trong khi các cuộc biểu tình ngày càng lan rộng, số người chết lên đến 23 người, chính phủ Iran lại tìm cách đổ lỗi cho nước ngoài. Trên báo An Ninh Thủ Đô có bài: Iran chỉ “đích danh” Mỹ, Anh và Saudi Arabia đứng sau các cuộc biểu tình bạo lực. Ông Shamkhani, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran đã chỉ đích danh Mỹ, Anh và Saudi Arabia đứng sau “giật dây, kích động” các cuộc biểu tình chống chính phủ thần quyền ở Iran.
Ông Shamkhani tố cáo các quốc gia trên “là thủ phạm đứng sau các dòng thông tin hashtag và các chiến dịch trên mạng xã hội đưa thông tin sai lệch về tình hình nước này“. Iran đã chặn internet và mạng xã hội để hạn chế ảnh hưởng biểu tình lan rộng trong nước và quốc tế.
Đích thân lãnh tụ tinh thần của Iran cũng đã lên tiếng, TTXVN cho biết, Iran: Đại giáo chủ Khamenei cáo buộc ‘kẻ thù’ kích động làn sóng biểu tìnhĐây là lần đầu tiên Đại giáo chủ Iran Khamenei lên tiếng kể từ khi biểu tình phản đối chính phủ bùng phát. Việc đổ lỗi cho “kẻ thù” hay “thế lực thù địch” có vẻ khá quen thuộc với lãnh đạo các nước độc tài.
Vị lãnh tụ tinh thần này nhấn mạnh, kẻ thù luôn tìm mọi kẽ hở để tấn công, xâm nhập Iran nhằm “tạo ra những rắc rối cho hệ thống Hồi giáo“. Đồng minh thân cận nhất của Iran là Syria cũng đã lên tiếng ủng hộ chính phủ Iran, cáo buộc Mỹ và Israel gây ra bất ổn. Nga, quốc gia cùng hội cùng thuyền với Iran cũng đã lên tiếng phản đối can thiệp công việc nội bộ của Iran.
Trong khi đó, TT Trump tiếp tục lên tiếng ủng hộ người biểu tình. TTXVN đưa tin, Tổng thống Trump chỉ trích chính quyền Iran “tàn bạo và thối nát”Theo bài viết, ông Trump hoan nghênh những người biểu tình chống lại chính phủ “tàn bạo và thối nát“.
Vừa ủng hộ người biểu tình ở Iran, ông Trump không quên tấn công tổng thống tiền nhiệm Obama. Trump viết trên Twitter: “Người dân Iran cuối cùng cũng đang hành động chống lại chính quyền tàn bạo và thối nát Iran. Tất cả tiền mà cựu Tổng thống (Mỹ Barack) Obama đưa cho họ một cách ngốc nghếch đều rơi vào tay khủng bố và trong túi của chúng. Người dân có ít lương thực, lạm phát cao và không có nhân quyền“.
Bất ổn Trung Đông
Ngày 2/1, Quốc hội Israel thông qua luật siết chặt kiểm soát Jerusalem, theo bài viết “Luật này quy định chính phủ không được từ bỏ quyền kiểm soát của Israel đối với bất cứ phần đất nào thuộc thành phố Jerusalem nếu không được sự chấp thuận của ít nhất 80 thành viên trong cơ quan lập pháp gồm 120 thành viên”.
Trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng tại Jerusalem, luật mới nhằm siết chặt kiểm soát này được thông qua sẽ càng đẩy tình hình lên mức khó kiểm soát. Theo TTXVN, phía Palestine cũng đã có hành động chính thức khi tuyên bố: PLO quyết tâm hành động chống dự luật của Quốc hội Israel về Jerusalem
Tổng Thư ký PLO, ông Saeb Erekat cho rằng, “đây là một sự bắt tay mới giữa Mỹ và Israel nhằm phá hủy nguyên tắc 2 nhà nước” và ông nhấn mạnh thêm Palestine sẽ đối mặt “mọi âm mưu của Mỹ và Israel bằng cách hành động để đạt được tư cách thành viên đầy đủ của một nhà nước Palestine trong Liên hợp quốc (LHQ) cũng như sẽ kiện lên Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, Tòa án Công lý quốc tế và Tòa án Hình sự quốc tế“.
Tình hình Bắc Hàn
Trên báo Giao Thông có tin: Trung Quốc cam kết tuân thủ nghiêm túc nghị quyết trừng phạt Triều Tiên. Mẩu tin có đoạn: “Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định, Bắc Kinh sẽ tiếp tục thực hiện toàn diện, chính xác và nghiêm khắc các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên theo luật pháp Trung Quốc“.
Tuần trước, Trung Quốc đã bị “bắt quảng tang” khi chuyển dầu cho Bắc Hàn bất chấp lệnh cấm vận của LHQ. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ các cáo buộc tiếp tục dung dưỡng Bắc Hàn. Các hành động của Trung Quốc, một quốc gia “rộng nhưng không lớn”, luôn gặp sự nghi ngờ của cộng đồng quốc tế vì họ thường nói một đằng làm một nẻo.
Giấc mộng bá chủ của Trung Quốc
Trước việc Trung Quốc đang thò tay khua khoắng khắp nơi, báo Tổ Quốc có bài tổng hợp với tựa đề: “Vươn tay” ngoại giao toàn cầu: Trung Quốc ra tín hiệu mạnh? Bài viết đưa ra phân tích đánh giá về chiến lược “ngoại giao đường sắt” mà Trung Quốc đang tiến hành khắp các châu lục.
Tác giả cho biết, Trung Quốc với lợi thế giá rẻ, đang ra sức xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao khắp châu Á, châu Â, Mỹ-Latinh và đặc biệt tại châu Phi nơi được mệnh danh là thuộc địa kiểu cũ của Bắc Kinh. Các nhà phân tích cho rằng, có thể “so sánh các dự án giao thông trên toàn cầu của Bắc Kinh với các kênh đào Suez và Panama về tầm quan trọng chiến lược“.
Trang Nhịp Cầu Đầu Tư có bài phân tích: 2018 sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng chính trị bất ngờ?. Trong các yếu tố mà bài viết nhắc đến, ảnh hưởng của Trung Quốc với chiến lược bành trướng thời Tập Cận Bình được đặt lên hàng đầu. Bài viết có đoạn: “Và khi mà ông Tập sẵn sàng và sẵn lòng trở thành một sự thay thế và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, đó là rủi ro lớn nhất thế giới trong năm nay“.
Còn RFI lại tập trung vào tham vọng kiểm soát đại dương của Trung Quốc với bài: Trung Quốc tăng cường kiểm soát đại dương bằng mạng lưới ngầm dưới biển. Theo bài viết, Trung Quốc đã cho triển khai dự án kiểm soát đại dương bằng mạng lưới ngầm dưới biển. Dự án này được triển khai từ tháng 11/2017 do hải quân Trung Quốc triển khai.
Tác giả cho biết: “Đây là một phần trong kế hoạch bành trướng quân sự chưa từng có“, bước đầu kế hoạch cai trị đại dương này sẽ được Trung Quốc thực hiện ở Biển Đông, Tây Thái Bình Dương và Ấn Đô Dương. Bài viết kết luận: “Hệ thống kiểm soát đại dương này của chính quyền Bắc Kinh góp phần hiện thực hóa ‘Giấc mơ Trung Hoa’, đồng thời củng cố về mặt quân sự cho kế hoạch ‘Nhất Đới Nhất Lộ’ – tham vọng bành trướng ảnh hưởng kinh tế tới hơn 60 quốc gia trên toàn cầu”. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.