Thứ Ba, 4 tháng 1, 2022

Lai rai cách ly

 

Lai rai cách ly

Xã hội chớp loé niềm tin có thể không còn công sở, nhà hát, hay thậm chí không còn trường học. Mọi thứ đều có thể thực hiện tại gia. Làm việc tại gia. Học hành tại gia. Chữa bệnh tại gia. Buôn bán tại gia. Con người nhất định có thể không chạm vào nhau. Cuộc sống mọi thứ đều như có thể chỉ chạm vào màn hình. Người ta nhấn mạnh đến khả năng của thế giới số, của trí tuệ nhân tạo, của internet vạn vật khiến con người có thể làm được mọi thứ diệu kì mà không phải chạm vào nhau.

Cơn đình trệ tiếp xúc gần đã bị kích hoạt thành nỗi sợ hãi tiếp xúc nhau. Con người được phổ biến thần chú cách li đã biến mối nghi ngại tiếp xúc thành nỗi bấn loạn truy vết. Thôi thì đủ thứ, đủ dạng cách li, người cách li người, khu phố cách li khu phố, địa phương cách li địa phương. Người ta tin có thể có những pháo đài yên ổn con người có thể trú ngụ vào. Như hoang tin về một cuộc đời số, hay một xã hội trên App.

Người ta “rất cảm thấy” có vấn đề khi xã hội bị đóng cửa nhà máy hay siêu thị. Nhưng trường học đã đóng cửa trong ròng rã cả năm trời. Thì người ta tin vào giáo dục qua mạng. Cũng là một cuộc vượt thoát bằng niềm tin “chưa có tiền lệ”.

Truyền hình quốc gia buổi sáng đầu năm mới 2022 mô tả một lớp học ở một bản vùng cao có thầy giáo bị nhiễm dịch. Lớp học bị đóng cửa. Thầy giáo bị cách li. Mỗi buổi chiều tàn thầy phải liên lạc điện thoại với trưởng bản để trưởng bản phát loa dặn dò các cháu học sinh bài tập học hành qua mạng.

Đó là một tấn bi hài kịch của công cuộc chuyển đổi số từ một trường học thực tế đến một trường học qua mạng. Bi hài kịch ấy đã diễn ra trong cả năm qua với biết bao con cái chúng ta ở khắp mọi nơi trên đấy nước.

Chỉ cần sắp xếp lại hình ảnh các em đến trường tại gia, đóng đồng phục ngồi trước ipad và hình ảnh các em nhỏ hóng (hoặc chẳng buồn hóng) những dặn dò bài tập của thầy giáo qua loa bản thì thấy xã hội giãn cách không phải là gián cách.

Để thấy một khi Sài Gòn còn yên tâm chọn cách đóng cửa rạp hát, đóng cửa hoạt động biểu diễn, đóng cửa trường học để hạn chế tụ tập đông người… thì chừng đó Sài Gòn còn bị bắt sống một đời sống không bình thường, dị tật, quặt quẹo. Ngày đêm gì cũng còn gập ghềnh trong đời sống Sài Gòn.

Một Sài Gòn không thể tụ tập thì để làm gì?

Cũng như làm sao con người sống mà không chạm vào nhau, xã hội ấy là xã hội kiểu gì?

Vậy mà người ta không ngừng thuốc xã hội niềm tin ấy đấy.

Có những ngôi sao tận hưởng sinh nhật trong một ngôi nhà thông minh mà chỉ góc bếp thôi đã trị giá hàng tỉ đồng. Rồi giới kinh doanh bất động sản ra rả thông tin về các dự án đô thị thông minh, chính quyền thông minh.

Vậy là rầm rập hô hào cho niềm tin chuyển đổi số hy vọng có thể tồn tại một xã hội cách li.

Chẳng rõ là phúc hay hoạ. Còn trong trận dịch đứ đừ, Sài Gòn bỗng ngậm phải nước sôi khi phát hiện một đứa trẻ bị đánh đập đến chết, giữa một khu căn hộ cao cấp bậc nhất, giữa một thành thị phồn hoa bậc nhất.

Đâu còn là thân phận mẹ ghẻ con chồng như hồi nhỏ coi tuồng Phạm Công Cúc Hoa. Như căn kiếp một xã hội cách li. Những Nghi Xuân, Tấn Lực đời mới bị bức chết trước sự dòm ngó của đồng loại, trong một đời sống không chạm vào nhau.

Cuộc chuyển đổi số nào cho Sài Gòn khi trẻ nhỏ còn được dưỡng nuôi thường nhật bằng nỗi khiếp sợ trong thế giới kẻ mạnh người yếu?

Thì thôi cứ phải lòng vòng mà đắt đỏ như những chuyến bay giải cứu.

Quê nhà còn khuya mới hết gập ghềnh cái đận cách li con người.

Giấc mơ thế giới phẳng hơn cho trẻ thơ còn dệt sắc cầu vồng bằng chiếc loa phóng thanh truyền thống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.