Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2021

Một lần nữa anh Công nói: tôi bị oan

 

Một lần nữa anh Công nói: tôi bị oan

LS Phạm Lệ Quyên

26-2-2021

Vụ án Đồng Tâm sẽ được xét xử phúc thẩm tại Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội vào 8h00 ngày 08 tháng 3 năm 2021. Sáu bị cáo kháng cáo trong phiên phúc thẩm như sau:

1. Bị cáo Lê Đình Công

2. Bị cáo Lê Đình Chức

3. Bị cáo Lê Đình Doanh

4. Bị cáo Bùi Viết Hiểu

5. Bị cáo Nguyễn Quốc Tiến

6: Bị cáo Bùi Thị Nối.

Một số bị cáo kháng cáo với nội dung kêu oan và xin giảm nhẹ. Anh Công kháng cáo kêu oan nhưng nội dung đơn kháng cáo nộp được viết với nội dung kháng cáo là giảm nhẹ hình phạt. Vì bị cáo được giải thích là phải viết đơn kháng cáo theo mẫu chung của trại tạm giam. Bị cáo Công cho hay đã phải viết tới 4 lần đơn kháng cáo.

Ngày hôm nay, 25 tháng 2 năm 2021, tôi cùng các Luật sư Luân Lê; Ngô Ngọc Trai đã vào trại Tạm giam số 2 – Công an TP Hà Nội để gặp các bị cáo trước phiên xét xử sơ thẩm.

Tôi gặp bị cáo Lê Đình Công, Luật sư Luân Lê gặp bị cáo Nguyễn Quốc Tiến, Luật sư Ngô Ngọc Trai gặp bị cáo Nguyễn Quốc Tiến và bị cáo Lê Đình Doanh.

Chúng tôi đến trại tạm giam số 2 lúc 14h, làm thủ tục đến 15h30 thì được vào gặp. Sở dĩ thủ tục lâu như vậy vì có bị cáo bị kết án tử hình nên lệnh trích xuất phạm nhân cũng khác và nhiều thủ tục hơn, theo quy định của trại tạm giam.

Trong khi ngồi chờ đợi để vào gặp bị cáo Lê Đình Công, đúng thời gian đó là thời gian các phạm nhân chuẩn bị ăn cơm tối, các xe đẩy cơm và đồ ăn được đưa đến những khu vực giam giữ và phân phát tới các buồng giam.

15h30 thì một cán bộ trại Tạm giam mời Luật sư vào phòng để thăm gặp bị cáo.

Bị cáo Công được 2 cán bộ trại tạm giam dẫn giải vào phòng làm việc, 2 tay bị còng và chân bị xiềng (theo chế độ giam giữ của người bị kết án tử hình). Bị cáo Công nói to và rõ chào Luật sư, qua quan sát tôi thấy bị cáo Công sức khỏe tốt hơn và tinh thần thỏa mái. Lần này tóc được cắt gọn gàng.

Lúc này, các cán bộ trại Tạm giam mở khóa tay và chân cho bị cáo Công, như vậy bị cáo Công có thể thỏa mái trong giây lát và tinh thần làm việc cùng Luật sư cũng tốt hơn.

Những vấn đề chính trong cuộc trao đổi giữa Luật sư là về nội dung vụ án và trao đổi thông tin của gia đình cho bị cáo Công được biết.

Tôi hỏi anh Công đã nhận được Quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 8/3/2021 này chưa? Và anh có quan điểm như nào?

Vẫn với thái độ bình thản như những lần trước gặp Luật sư, anh Công nói: tôi đã nhận được Quyết định xử vào ngày 8/3/2021 rồi. Quan điểm của tôi từ đầu đến cuối vẫn là như vậy. Tôi kháng cáo kêu oan nhưng do mẫu của Trại tạm giam không cho ghi là kêu oan vậy nên tôi phải ghi là xin giảm nhẹ án. Tôi đã phải viết đi viết lại đến 4 lần Luật sư à.

Tôi luôn tin tưởng các Luật sư đã bào chữa cho tôi và tôi sẽ giữ nguyên quan điểm của mình. Tôi có tội, nhưng chỉ là tội “Chống người thi hành công vụ”, tôi không chỉ đạo ai và phân công ai cũng như bàn bạc với ai. Mọi người đều đến để bảo vệ bố tôi là cụ Kình. Tôi mong rằng các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét kỹ lưỡng và đúng pháp luật.

Tôi thương các cháu và con tôi, tôi không thể làm được gì giúp con cháu tôi. Tôi muốn gửi lời để Luật sư nhắn với gia đình tôi là: tinh thần của tôi rất tốt và tôi đã chuẩn bị tâm lý cho phiên xét xử ngày 8/3/2021 này. Mong mọi người giữ sức khỏe.

Luật sư nhắn nhủ những lời nhắn của gia đình như sau: anh Công à, em Duyên là con Dâu của anh có nhờ tôi chuyển lời đến anh:

1. Mấy tháng có nhận được tiền Duyên gửi cho bố không? Vì tháng giáp Tết, con có đi gửi thì thấy tiền lưu ký vẫn còn nguyên vẹn, không sử dụng;

2. Bố Công hãy bình tĩnh và cứng rắn… dù kết quả phiên phúc thẩm có như thế nào;

3. Mọi người bên ngoài vẫn lên tiếng và bảo vệ bố.

Tình hình gia đình mình như sau:

1. Hiện tại, mẹ và con dâu vẫn buôn bán, mẹ bán hoa quả, cây cảnh ở nhà… và đến giờ thì đi đón cháu;

2. Con nhà Duyên Uy thì ông bà ngoại đến đón xuống chăm bẵm từ Tết vì bọn trẻ con được nghỉ học do dịch bệnh;

3. Bố mẹ đẻ của Duyên nói: ông Công cứ Yên tâm, giữ vững tinh thần đi xét xử, bởi ông Công là thông gia mà bố mẹ Duyên tin tưởng, tự hào, lạc quan. Ông hãy lạc quan thì mọi người mới yên tâm được.

4. Mẹ chồng và 2 con dâu đang sống chung một mái nhà… động viên nhau làm ăn và luôn lo cho sức khỏe của bố.

5. Cháu trai Chim, Kiến, Hưng và Thùy Dương rất trộm vía và khỏe mạnh, chúng nghịch ngợm lắm bố à, thi thoảng vẫn hỏi ông nội, ông nội!

6. Về phần Uy, Doanh, Chức thì bố yên tâm nhé, tháng nào gia đình cũng tiếp tế. Uy đang ở trại giam trong Thanh Hóa, môi trường ở đó đỡ khắc nghiệt hơn khi tạm giam, được bạn bè trong tù giúp đỡ.

6. Con Duyên nhắn cho bố nữa đây: bố hãy giữ vững tinh thần và tin tưởng vào các Luật sư bào chữa cho bố, bố nhé. Bố phải giữ tinh thần mạnh mẽ đến cùng thì các con mới yên tâm được, dân làng ủng hộ bố Công.

Khi tôi nhắn gửi những lời trên thì anh Công bật khóc, nghẹn lời làm ngắt quãng câu chuyện. Anh nghe đến các con cháu và ông thông gia, nghe về cụ Kình thì cảm xúc của ông dâng trào, nước mắt cứ thế tuôn ra, làm cán bộ trại Tạm giam nhắc là bị cáo nên giữ tinh thần, tránh xúc động mạnh. Nhưng cảm xúc bao ngày kìm nén trong chốn lao tù, cảm xúc kìm nén sau những biến cố xảy với cả gia đình, những tang thương ập đến làm đảo lộn tất cả, những nỗi đau sự mất mát đã xảy ra với gia đình ông: bố chết, hai anh em bị kết án tử, 1 con trai bị kết án chung thân, 1 con trai kết án 6 năm tù… thì làm sao ông có thể ngăn được cảm xúc đó. Phải mất 10phút để ông có thể dần bình tâm trở lại, tiếp tục với câu chuyện cùng Luật sư.

Mọi lần sẽ có 4 cán bộ trại Tạm giam tham gia vào cuộc thăm gặp giữa Luật sư và bị cáo, 2 cán bộ đứng 2 bên, 2 cán bộ khác thì nhấc điện thoại để nghe toàn bộ việc trao đổi giữa Luật sư và bị cáo. Đôi khi họ chen ngang vào câu chuyện của Luật sư!

Nhưng lần này đã có sự thay đổi, chỉ có 2 cán bộ trại tạm giam và họ chỉ ngồi bên cạnh nghe cuộc nói chuyện chứ không nhấc điện thoại lên nghe như lần trước. Có lẽ sự thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn khi trước đó chúng tôi đã có Bản kiến nghị gửi đến Trại tạm giam số 2, về việc can thiệp vào cuộc nói chuyện giữa Luật sư và bị cáo. Vậy sự thay đổi theo hướng tích cực hơn có được khi ta hành động. Nếu mọi sự sai trái mà không có tiếng nói phản biện để thay đổi thì những sai trái đó sẽ tiếp tục diễn ra, ở bất kỳ đâu, bất kỳ không gian và thời gian nào…

Câu chuyện đan xen với các chủ đề, và tôi muốn kéo dài hơn nữa. Nhưng thời gian gặp bị cáo đã gần hết. Tôi muốn biết được quan điểm của bị cáo như thế nào trong phiên xét xử phúc thẩm sắp tới vì có như vậy mới bảo vệ được tốt nhất cho thân chủ của mình. Tôi muốn thân chủ của mình có một tinh thần vững vàng nhất. Và cũng nhấn mạnh thêm: trong phiên xét xử này, chỉ có 6 bị cáo, còn nhân chứng hay những người liên quan không được triệu tập. Tuy nhiên, với trách nhiệm nghề nghiệp chúng tôi sẽ làm các Kiến nghị gửi tới HĐXX phúc thẩm trước khi phiên tòa diễn ra.

Một lần nữa anh Công nói: tôi bị oan. Tôi hy vọng pháp luật sẽ công minh. Dù kết quả có như thế nào, tôi vẫn kiên định. Tôi cảm ơn các Luật sư, cảm ơn nhân dân đã ủng hộ tinh thần cho tôi.

Đồng hồ đã điểm, cuộc gặp gỡ kết thúc. Tiếng khóa tay, khóa chân lại vang lên. Tạm biệt anh Công, mong anh giữ vững tinh thần và hẹn gặp anh tại phiên phúc thẩm.

Thấy gì qua việc UBND quận Bắc Từ Liêm cúng rằm nơi công sở

 

Thấy gì qua việc UBND quận Bắc Từ Liêm cúng rằm nơi công sở

Blog VOA

JB Nguyễn Hữu Vinh

26-2-2021

Sáng 26/2/2021, những cán bộ công chức có mặt và đến làm việc tại Ủy Ban Nhân Dân Quận Bắc Từ Liêm, đã rất ngạc nhiên và khó chịu khi Văn Phòng UBND Quận đang tiến hành cúng rằm tại Công sở.

Trụ sở UBND Quận Bắc Từ Liêm vừa mới được khánh thành hôm 19/1/2021 nhằm kịp để cơ quan Quận có thể “ăn tết nhà mới”. Công trình này được xây dựng trong thời gian hơn 1 năm, với diện tích khu đất 20.029 m2. Trong đó, diện tích xây dựng là 5.536 m2, với 1 tầng trệt, 4 tầng nổi, 1 tầng mái có tổng diện tích sàn khoảng 24.149 m2 với tổng mức đầu tư là hơn 370 tỷ đồng tiền ngân sách nhà nước.

Trụ sở quận Bắc Từ Liêm được ca ngợi là một trong các trụ sở đẹp, đồng bộ, hiện đại, công năng sử dụng tốt, với gần 120 phòng làm việc cho hơn 40 đơn vị, gần 700 người lao động.

Việc cúng rằm của UBND Quận Bắc Từ Liêm được tiến hành tại phòng 406-N, một căn phòng rất lớn tại tầng 4 của trụ sở này. Đây là một căn phòng rộng rãi chỉ được sử dụng cho mục đích thờ cúng, ở đó đặt ban thờ với đầy đủ hoa quả, bưởi cam và hương khói cũng như trang trí như ban thờ một dòng họ, một gia đình và phía trên đặt bức tượng bán thân Hồ Chí Minh.

Trước hàng trăm người lao động, và là công sở nhà nước của hơn 40 đơn vị, việc UBND Quận tiến hành cúng rằm tháng giêng đã gây nhiều thắc mắc và ngạc nhiên, bất bình cho những người công tác cũng như những người có liên hệ tại đây. Nhiều câu hỏi được đặt ra sau những hành động này từ cơ quan công quyền của một Quận ngay ở Thủ đô.

Trái quy định và luật pháp

Trước hết, đó là việc UBND Quận Bắc Từ Liêm đã đi ngược với “Quy chế Văn hóa công sở”kèm theo Quyết định số 129 /2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Ở đó quy định rõ ràng: “Nghiêm cấm các hoạt động như: lập bàn thờ, thắp hương thờ cúng hay đun nấu trong phòng làm việc” mà đến nay vẫn còn nguyên hiệu lực.

UBND Quận Bắc Từ Liêm cúng rằm tháng giêng ngày 26/2/2021 tại Trụ sở UBND Quận

Tại văn bản này, tại Chương 3, mục 1 về việc bài trí trong công sở các cơ quan công quyền, chỉ có quốc kỳ, quốc huy. Ở đó không hề quy định việc bài trí tượng hoặc hình của Hồ Chí Minh. Càng không có một không gian riêng để làm ban thờ hoặc miếu thờ Hồ Chí Minh như ở UBND Quận Bắc Từ Liêm đang làm tại đây.

Tại văn bản số: 3420/HD-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch ban hành ngày 02/10/2012, quy định chỉ đặt chân dung Hồ Chí Minh dưới quốc kỳ trong một số trường hợp nhất định quy định cụ thể, hoàn toàn không có việc đưa chân dung hoặc tượng Hồ Chí Minh để trá hình làm một phòng thờ cúng mang tính mê tín dị đoan ngay tại công sở.

Trước đây, báo chí đã lên tiếng phản đối rầm rộ về những văn phòng công sở đã bày biện cúng lễ hương khói như văn phòng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sau đó, Bộ này nại ra rằng đó là việc thờ cúng Hồ Chí Minh tại cơ quan và điều này đã không được dư luận cũng như các cơ quan chính phủ chấp nhận, rồi sau đó, Thủ tướng chính phủ đã phải ra văn bản “Quy chế Văn hóa công sở” nói trên.

Thờ cúng Hồ Chí Minh là đi ngược lại và phỉ báng chính Hồ Chí Minh

Ai cũng biết, Hồ Chí Minh là người cộng sản, đã được cấp thẻ đảng số 000.001, nghĩa là đảng xác định đó là người cộng sản đầu tiên của ĐCSVN.

Đảng CSVN lấy Chủ nghĩa Mác – Lenin làm cơ sở, làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho sự tồn tại. Ở đó không có ý thức về tâm linh, tôn giáo, thần thánh hoặc bất cứ những gì liên quan đến việc thờ cúng, hương khói.

Theo Chủ nghĩa Mác – Lenin, thì “Tôn giáo là một hiện tượng tinh thần của xã hội và vì vậy, nó là một trong những hình thái ý thức xã hội, phản ánh tồn tại xã hội trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Nhưng khác với những hình thái ý thức xã hội khác, sự phản ánh của tôn giáo đối với hiện thực là sự phản ánh đặc thù, đó là sự phản ánh “lộn ngược”, “hoang đường” thế giới khách quan. Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, “tôn giáo là những sự rút hết toàn bộ nội dung của con người và giới tự nhiên, là việc chuyển nội dung đó sang cho bóng ma”.

Chính vì thế, Chủ nghĩa Mác – Lenin chống lại bất cứ một người cộng sản nào tin vào việc ma quỷ, thần thánh… dẫn đến việc thờ cúng hoặc những vấn đề thuộc tâm linh con người. Chủ nghĩa Mác – Lenin thực hiện một cuộc cách mạng lâu dài, để tẩy trừ các tôn giáo, tâm linh, thần thánh ra khỏi thế giới cộng sản.

Vì thế, là người cộng sản, lại là người Cộng sản đầu tiên, Hồ Chí Minh không và chưa bao giờ đi theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng nào. Việc Hồ Chí Minh đã có thời vào nhà chùa ở Thái Lan, mang tên Thầu Chín, mang áo cà sa là thời kỳ 1928 khi ông hoạt động cách mạng trong bí mật. Ông ta đã giả dạng nhà sư, lợi dụng Phật giáo tại Thái Lan để che chắn các hoạt động bí mật của mình mà hoàn toàn không phải là một người đi theo Phật Giáo.

Trong đời sống hàng ngày khi còn sống, Hồ Chí Minh không bao giờ có chuyện thờ cúng, kể cả ông bà, cha mẹ tổ tiên, thần hay Phật. Trong hai chuyến khi quay về quê hương sau gần nửa thế kỷ xa nhà, ông ta vẫn không hề thắp hương hoặc có hành động nào trước Tổ tiên, ông bà, cha mẹ hoặc hoặc họ hàng anh chị em ruột đã khuất.

Không chỉ ông Nguyễn Sinh Khơm (Khiêm) là anh trai chết năm 1950 và bà Nguyễn Thị Thanh là chị ruột chết năm 1954 Hồ Chí Minh đã không về thăm viếng khi ốm đau, chôn cất khi từ trần mà ngay cả khi về quê cũng không một lần thăm viếng phần mộ hoặc chí ít là một nén hương tưởng nhớ.

Thậm chí, ngay cả mộ mẹ ông ta là bà Hoàng Thị Loan từ 1942 đã đưa về chôn tại Nam Đàn, chỉ cách 5km từ làng Kim Liên. Nhưng, Hồ Chí Minh đã không hề nhắc đến hoặc đến viếng thăm.

Trong nhà riêng, phòng ở và ngay cả ngôi nhà tại Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An, không hề có ban thờ tổ tiên, ông bà hoặc bất cứ một tôn giáo, tín ngưỡng nào…

Thế rồi, ngay cả khi chết, Hồ Chí Minh đã không đi theo ông bà, tổ tiên hoặc lên cõi niết bàn, thiên đàng hoặc địa ngục mà chỉ “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lenin”.

Nhắc lại những điều này để chứng minh một điều chắc chắn: Hồ Chí Minh là người theo Chủ nghĩa Cộng sản, chủ nghĩa “Tam vô”, đó là Vô gia đình, vô Tổ Quốc và vô tôn giáo.

Do vậy, việc đưa một người cộng sản suốt đời đã đi theo chủ nghĩa vô thần vào để thờ cúng là đi ngược lại tư tưởng cũng như đi ngược lại ý nguyện của chính Hồ Chí Minh. Đó cũng chính là sự nhạo báng và sỉ nhục đối với Hồ Chí Minh, một người đã “suốt đời sống, chiến đấu, làm việc cho lý tưởng Cộng sản vô thần”.

Cũng không thể vịn vào lý do rằng Hồ Chí Minh là “lãnh tụ vĩ đại, là anh hùng dân tộc, là cha già dân tộc”, là nọ là kia theo những lời tuyên truyền của đảng để thờ cúng như một thành hoàng làng, một nhân vật vua chúa trong chế độ phong kiến xa xưa hay ít nhất là một thứ ma quỷ có thể làm người ta sợ hãi. Bởi đơn giản chính Hồ Chí Minh năm 1958 đã nói rằng ông ta “không phải là vua”.

Việc đưa Hồ Chí Minh, một người hoàn toàn vô thần, không phải là vua, là thần thánh hay ma quỷ lên ban thờ và buộc mọi người khác trong hệ thống công quyền phải làm một việc mà nhiều khi trái với ý muốn của họ là điều không thể chấp nhận được, là đi ngược lại với tư tưởng Hồ Chí Minh mà đảng đang ra sức kêu gọi học tập làm theo.

Việc làm đó cũng hoàn toàn trái với luật pháp và hiến pháp quy định. Bởi trong cơ quan công quyền như UBND Huyện Bắc Từ Liêm có hơn 700 cán bộ, công nhân viên chức và những người liên quan đến công tác, làm việc. Tất cả họ không phải ai cũng theo tín ngưỡng thờ cúng, càng không phải ai cũng thừa nhận việc thờ Hồ Chí Minh là đúng đắn. Đặc biệt là với các đang viên đảng CSVN thì đó cũng là sự ngang nhiên sỉ nhục họ, sỉ nhục cái lý tưởng mà họ đã thề nguyền theo đuổi và phấn đấu khi vào đảng.

Cuộc khủng hoảng lòng tin và sự lợi dụng Hồ Chí Minh cho mục đích cá nhân

Báo chí đã nêu hiện tượng này rất nhiều trước đây. Trên tờ báo Thanh Niên, số ra ngày 05/11/2006 có bài viết về chuyện hương khói ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã viết rằng: “nghề “làm quan” ngày nay có nhiều rủi ro: đi thờ, đi cúng các nơi, ngay cả dùng xe công, báo chí, dư luận cũng dị nghị, thế thì làm một nơi thờ cúng ngay tại Bộ cũng rất tiện”. Như vậy, việc bày đặt cầu cúng ngay tại cơ quan làm việc, công sở chỉ nhằm mục đích phục vụ sự u mê và mê tín, dị đoan của một số quan chức nhà nước trước việc mua quan, bán chức ngày càng căng thẳng khó khăn, cũng như việc đấu đá phe nhóm trong nội bộ đảng, nhà nước đã làm cho chính những cán bộ chạy chọt, mua bán được chức quyền không hề yên tâm.

Và trong cơn khủng hoảng, hoang mang về niềm tin, họ đã phải cậy nhờ đến thần thánh, tâm linh và ma quỷ.

Đó là sự thể hiện việc mất lòng tin vào cuộc sống hiện nay, cũng như mất niềm tin, định hướng sống mà không biết bấu víu vào đây nên các cán bộ, đảng viên đã phải đi tìm một niềm tin ở thế giới khác với thế giới mà họ đang sống, đang luôn giơ tay xin thề sẽ phấn đấu suốt đời cho lý tưởng đó.

Dư luận xã hội đã mổ xẻ, phân tích rất nhiều về hiện tượng người cộng sản vô thần đã là đặc trưng cho loại hình “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” trong cả hệ thống đảng Cộng sản từ cao đến thấp. Ở đó, một mặt họ tôn thờ chủ thuyết vô thần cộng sản, họ thề nguyền tin tưởng, hy sinh và phấn đấu cho lý tưởng vô thần ấy. Mặt khác họ lại bí mật hoặc công khai lao theo những trò mê tín, dị đoan như từ bói toán, xin quẻ, cúng sao giải hạn, cầu đồng hoặc xin ấn Đền Trần, vay trả Bà Chúa Kho, cầu cúng chỗ nọ chỗ kia từ gốc đa cho đến mép ruộng, từ nơi riêng tư đến nơi công công cộng. Hàng năm, chỉ riêng việc chính phủ và các tỉnh phải nhắc đi nhắc lại việc cấm cán bộ mang xe công đi chùa, đi lễ đền nọ phủ kia đã chứng minh điều đó.

Mặt khác, ai cũng thấy một điều này, đó là mọi đảng viên khi vào đảng đều giơ tay thế rất cao hứng rằng: “Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị…”. Còn Cương lĩnh chính trị của đảng thì ghi rõ: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng” và nền tảng tư tưởng của Chủ nghĩa Mác – Lenin là vô thần, duy vật. Thế nhưng, ngay cả những nhân vật cao cấp nhất của đảng như Trần Đại Quang, khi chết đã lôi hàng trăm sư quốc doanh cầu siêu niệm chú nhằm được “siêu thoát” mà không chịu đi theo “Cụ Các Mác, cụ Lenin” như Hồ Chí Minh. Hoặc Nguyễn Bá Thanh, trước khi chết là một người Cộng sản bất chấp tội ác với người dân, nhưng khi chết mới lòi ra một pháp danh và cầu cúng linh đình hẳn hoi, công khai.

Thế rồi từ bí mật, những người cộng sản đã thi nhau lập đền thờ từ văn phòng công sở cho đến Phủ chủ tịch, văn phòng Trung ương Đảng.

Tất cả những điều đó được bao biện rằng đó là “ý nguyện của mọi người trong cơ quan”, đoàn thể… điều này cũng na ná như cái mà Bộ chính trị nói rằng: “Thể theo nguyện vọng của tất cả quần chúng nhân dân”, nên đảng đã quyết tâm đi ngược lại lời dặn trong di chúc của Hồ Chí Minh để không hòa táng hay chôn xác ông ta. Mặc dù nhân dân chẳng bao giờ được hỏi một nửa câu và ông ta vẫn muốn thiêu hoặc chôn xác mình để theo tín ngưỡng dân gian thì “sẽ được siêu thoát” nhưng đảng không đồng ý.

Tạm kết

Việc nhiều cơ quan công quyền, nhiều trụ sở của nhà nước bị biến thành nơi thờ tự, nơi cầu cúng, nơi thỏa mãn nhu cầu mê tín dị đoan của một số cá nhân có chức có quyền tại các cơ quan nhà nước là một hiện tượng không chỉ bây giờ mà cả hàng chục năm trước đã diễn ra.

Thế rồi sau đó có nhiều quy định, quy chế, hướng dẫn để thực hiện cái gọi là Văn hóa Công sở… chỉ là việc nước đổ lá môn.

Nhiều cơ quan, từ lén lút đến công khai vẫn cứ tiến hành những việc biến nơi công sở thành nơi thờ cúng, thực hiện mê tín dị đoan và thể hiện sự coi thường chính các cơ quan cấp trên. Oái oăm thay, đây chính là những cơ quan công quyền và họ đều là những đảng viên có chức, có quyền mới có thể ngang nhiên tự tung tự tác làm những việc mà những thường dân có muốn cũng chẳng cách nào làm được.

Ngoài việc biến những không gian công sở được đầu tư bằng tiền dân với cả hàng tỷ đồng đầu tư thành nơi hoạt động mê tín dị đoan trái pháp luật và đi ngược lại tư tưởng, chủ trương của đảng, phỉ báng Hồ Chí Minh. Hành động đó còn là sự coi thường tính mạng người dân ở những nơi, những chỗ mà những học sinh bé bỏng phải phơi mình giữa giá rét để ngồi học bài với chiếc áo mong manh bốn bề trống hoác. Đó là sự xa hoa, lãng phí những đồng tiền máu xương, mồ hôi nước mắt của người dân đã đóng những đồng thuế để xây nên những ngôi nhà khang trang cho họ tùy nghi sử dụng.

Và trên hết, nó nói lên những điều không thể chối cãi sau đây:

– Đó là bản chất của người cộng sản vốn xưa nay vẫn dối trá từ bản chất, vốn nói xuôi làm ngược ngay từ trong lời thề nguyền khi gia nhập đảng vô thần.

– Đó là sự thể hiện một cuộc khủng hoảng tư tưởng, khủng hoảng đường lối của Đảng CSVN, khi mà cái gọi là Chủ nghĩa Mác – Lenin chỉ là cái thây ma thối rữa vẫn được dựng lên làm bình phong, làm khiên đỡ mà chẳng hề có chút nào tác dụng.

– Đó cũng là biểu hiện của sự coi thường Hồ Chí Minh, một nhân vật được đảng dày công tô vẽ thành thần tượng, thành huyền thoại, thành thánh thần của người cộng sản. Những điều đó chẳng lừa bịp được ai, ngay cả những đảng viên cộng sản vốn luôn vâng dạ và miệng leo lẻo về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.

Sùng bái lãnh tụ, hiện tượng thế kỷ tại Mỹ

 

Sùng bái lãnh tụ, hiện tượng thế kỷ tại Mỹ

Nhã Duy

27-2-2021

Tháng 2 năm 1956, ba năm sau khi Stalin mất, tham luận của Bí Thư Nikita Khrushchev trong ngày cuối cùng đại hội đảng Liên Xô lần thứ 20 là một quả bom bất ngờ, làm sững sờ những đảng viên và một quốc gia cộng sản. 

Trong bản tham luận mật có tựa “Tệ sùng bái cá nhân và những hệ lụy của nó”, Khrushchev nêu đích danh Stalin cùng tệ sùng bái cá nhân, biến lãnh đạo thành những nhân vật siêu phàm và siêu nhiên như thần thánh là điều không chấp nhận được.

Khác với sự ngưỡng mộ, yêu thích giới ca sĩ, thể thao hay những nhân vật đặc biệt, các doanh gia thành đạt, khái niệm và cụm từ “sùng bái cá nhân” (cult of personality) nghiêng về hiện tượng sùng bái lãnh tụ trong ý nghĩa chính trị được nhắc lại nhiều hơn trong xã hội hiện đại từ sau tham luận này của Khrushchev, cho dù nó đã từng hiện hữu trước kia.

Bịnh sùng bái lãnh tụ phổ biến trong các quốc gia độc tài và cộng sản khi một chiến dịch tuyên truyền và báo chí nằm trong tay nhà cầm quyền để tô vẽ, thần thánh hóa các nhân vật được tôn thờ. Nó xa lạ với các quốc gia phương Tây và càng xa lạ hơn ngay tại Mỹ, khi các lãnh tụ và chính khách chẳng được người dân mấy gì ưu ái và truyền thông không phải công cụ để chính phủ sử dụng cho mục đích tuyên truyền. Nơi công cộng không hề có ảnh lãnh tụ, ngoại trừ những bảng quảng cáo chính trị.

Mặt khác, với nhiệm kỳ có thời hạn cùng bản hiến pháp giới hạn vai trò và quyền lực của một tổng thống Hoa Kỳ, người dân Mỹ chưa bao giờ xem tổng thống là vị cứu tinh trọn đời của nước Mỹ. Bởi được đánh giá là tài ba hay thất bại, các nhiệm kỳ và chính sách tổng thống cũng mang tính giai đoạn, có thể hoàn toàn bị đảo ngược ở đời kế nhiệm như những gì người ta đã thấy.

Kể từ khi Donald Trump nắm quyền, trong bốn năm qua, điều này đã hoàn toàn thay đổi trong văn hóa Mỹ. Nó không phải là một chọn lựa cá nhân ngẫu nhiên mà có ảnh hưởng từ tính chất và chiến lược nguy hiểm của sự tôn vinh sùng bái cá nhân. Các nghiên cứu về tệ nạn này đã chỉ ra rằng, khi một cá nhân hay thể chế sử dụng kỹ thuật cùng phương tiện truyền thông đại chúng, các chiến dịch tuyên truyền, sự dối trá, tinh thần yêu nước… để tạo ra hình ảnh lý tưởng, anh hùng, thần tượng hóa lãnh tụ, thì có thể tạo ra sự sùng bái số đông.

Hiện tượng sùng bái và cuồng mê Donald Trump ra đời cũng qua những điều kể trên. Nhưng điều này dường như là sự trùng hợp vì nó đánh đúng vào chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cá nhân vị kỷ cùng tinh thần thượng đẳng và bài ngoại của một nhóm Mỹ trắng đang cảm thấy mất mát quyền lực trước xã hội Hoa Kỳ ngày càng đa chủng tộc và đa văn hóa, hơn là nhờ vào chính con người của Trump.

Cho dù Donald Trump đánh đồng lòng trung thành và sự ủng hộ mình là sự trung thành và yêu nước, điều tương tự ở các thể chế độc tài và được người cuồng Trump tin theo nhưng Trump là một hình tượng thô nhám, chưa được gọt rửa trong văn minh và văn hóa Mỹ. Khả năng và tính cách dung tục, gian manh và ích kỷ không che đậy lại thu hút được đông đảo người ủng hộ bởi nó cho họ có được một đồng minh, lãnh tụ đúng như con người và suy nghĩ của họ.

Phải ghi nhận đây là trường hợp hiếm hoi trong lịch sử và văn hóa Mỹ, bởi như đã nói trên, người Mỹ chưa từng bị những cuộc tẩy não cưỡng ép hay tự nguyện để sùng bái cá nhân quá độ như tại các quốc gia cộng sản. Tuy nhiên những lý do nhóm Mỹ trắng ủng hộ Trump là điều dễ hiểu và từng được phân tích nhiều, chỉ có sự ủng hộ Trump trong cộng đồng Việt từ trong nước ra đến hải ngoại là điều khó giải thích hơn. Bởi người Việt tại Mỹ cũng là người di dân, là đối tượng bị kỳ thị và chưa bao giờ thuộc về nhóm da trắng thượng đẳng, ngoại trừ mang cùng chủ nghĩa vị kỷ và sự hung hăng giống họ. Còn với người Việt trong nước, chính Trump cũng có thể không biết đến hay không quan tâm, tuồng lên đồng “ăn mày chính trị” này vì nó hoàn toàn vô giá trị.

Trên thực tế, nhiều người gốc Việt tại Mỹ mê Trump sống quần tụ trong cộng đồng và bị trở ngại ngôn ngữ, xa lạ với văn hóa Mỹ thì có lẽ phần lớn chỉ loáng thoáng nghe tên hay biết sơ sài về Donald Trump trước kia. Nhiều người tự thú nhận chưa từng thực hiện bổn phận công dân của mình. Nhưng bốn năm qua, trong khi quả có một số người Việt nhẹ dạ, vô tình bị dẫn dắt bởi những nguồn tin bịa đặt, còn thì lắm kẻ bỗng nhiên trở nên cuồng tín, “bảo hoàng hơn vua”, không thua kém những kẻ quá khích trong cộng đồng bản xứ. Họ giành chính nghĩa và tinh thần yêu nước về mình. Nhưng có phải vậy?

Khi phủ nhận một nước Mỹ với nhiều đời tổng thống tiền nhiệm, khi phủ nhận hiến pháp và cơ cấu pháp luật, nền tảng dân chủ, phủ nhận các hệ thống cùng sự vận hành công quyền của nước Mỹ thì rốt cuộc lại, họ chỉ tôn sùng và cuồng mê mỗi Donald Trump, cho dù ngụy biện bằng bất cứ lý do gì đưa ra. Hay không quá lời là họ đã phản bội lại chính nước Mỹ, nơi đã từng cưu mang và giúp gia đình họ tạo dựng sự ổn định hay thành công trên xứ người trong vài chục năm qua. Đến hôm nay, không ít người cuồng Trump gốc Việt vẫn còn bám víu thuyết QAnon không tưởng, khi tin Donald Trump sẽ trở thành tổng thống vào ngày 4 tháng 3 tới.

Đại hội chính trị những người bảo thủ CPAC tại Florida vào cuối tuần này vốn quy tụ những nhân vật bảo thủ quan trọng của đảng Cộng Hòa trước kia, thì lần này được xem là nơi tập trung những kẻ trung thành với Donald Trump. Họ tìm kiếm cách đưa Trump hay gia đình ông ta quay lại chính trường Hoa Kỳ để làm một cuộc thanh trừng, trả thù trong tương lai. Cơ hội và tính khả thi là câu chuyện khác, nhưng nó cho thấy việc sùng bái Trump vẫn còn mạnh mẽ, không dễ dàng biến mất.

Phong trào bài Lenin, Stalin không phải dễ dàng, nó kéo dài qua nhiều thập niên tại Liên Xô hay nước Nga sau này. Hiện tượng Donald Trump chắc chắn sẽ còn là một đề tài phân tích sâu hơn cho những nhà lịch sử và xã hội học trong tương lai. Và nó càng cần thiết hơn với người Việt Nam nói riêng bởi đây là một điều đáng xấu hổ và cản trở bước tiến thế hệ tiếp nối trong lịch sử cộng đồng gốc Việt tại Hoa Kỳ.

Vì đâu nên nỗi?

 

Vì đâu nên nỗi?

Trịnh Khả Nguyên

26-2-2021

Ngày 18/2/2021, báo VnExpress đăng bài: “Nam sinh tát cô giáo đòi điện thoại – Vì đâu nên nỗi”. Đọc bài báo này, ai cũng lên án hành động côn đồ của nam học sinh đối với cô giáo đang dạy mình. Mọi người đều lắc đầu, ngán ngẩm.

Chuyện xảy ra năm ngoái, ngày 25/5/2020, nhưng rõ ràng là, vụ việc phản ảnh thực trạng của nền giáo dục ở Việt Nam. Lên án thì lên án, ngán ngẩm thì ngán ngẩm, nhưng không ai ngạc nhiên cả, bởi đây không phải là lần đầu và cũng không phải là lần cuối xảy ra tình trạng nầy.

Lâu nay, chuyện “đánh qua, đánh lại” trong nhà trường hay nói văn hoa là “bạo lực học đường”, xảy ra như “cơm bữa”. Người ta đọc/ nghe đến quen tai ,những tin tức như: ‘Học sinh lớp 11 đánh thầy giáo nhập viện cấp cứu; hay ‘Nữ sinh lớp 6 tử vong sau khi bị cô giáo đánh vì không thuộc bài… Về phía nhà trường, giáo viên còn nghĩ ra những hình phạt phản giáo dục như, phạt học sinh uống nước giẻ lau bảng. Phụ huynh cũng không vừa, đến trường đánh, bắt giáo viên quỳ xin lỗi

Có người nói rằng, thực trạng xã hội băng hoại đâu phải chỉ bấy nhiêu, đâu phải chỉ riêng ngành giáo dục. Xin đơn cử một số lĩnh vực:

– Về văn hóa tín ngưỡng: Thầy tu, thầy giáo, thầy thuốc, từ lâu được thiên hạ kính trọng. Giới tu sĩ lẽ ra rất có uy tín và cả trách nhiệm trong việc giáo dục đạo đức cho con người. Hiện tại, các cơ sở thờ tự được xây to hơn, hiện đại hơn, tín đồ đi lễ, cúng dường nhiều hơn. Bình thường, tôn giáo phát triển thì đạo đức, thuần phong mỹ tục cũng được phát huy, con người sống lương thiện hơn. Nhưng ngược lại, bây giờ mê tín, dị đoan phát triển mạnh hơn, một số người hành đạo, mượn đạo để làm việc trần tục (tình, tiền). Chùa chiền bị biến thành nơi hối lộ thánh thần.

– Về y tế: Tham nhũng, hối lộ trong ngành y, nâng khống giá thiết bị y tế… diễn ra như cơm bữa. Bình thường đã vậy, khi đất nước đang trải qua cơn đại dịch, các quan tham vẫn tiếp tục ăn trên cơ thể người bệnh, như vụ nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19 ở Bệnh viện Bạch Mai và các cơ quan y tế khác. Tháng 9/2020, báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Nâng giá thiết bị y tế: Doanh thu 375 tỉ, bệnh viện chỉ thu 21 tỉ, tiền còn lại đi đâu?

***

Bây giờ, khi thấy học trò đánh thầy cô, người ta than, giáo dục sa dọa, đạo đức xuống cấp, “vì đâu nên nỗi”… Người ta quên rằng, dưới chế độ này, đạo đức sa đọa đến mức con giết cha, vợ giết chồng, anh em chém giết lẫn nhau… đầy dẫy khắp nơi.

Đạo đức trong xã hội xuống tận đáy. Tình cha – con, tình anh – em, máu mủ, ruột thịt mà bị vứt bỏ, thì tình thầy trò là cái thá gì. Đứa con nào chửi cha, mắng mẹ được, thì nó cũng đánh ông thầy, bà cô của nó được. Chúng hành động như vậy, không phải do vô giáo dục, mà do “được” giáo dục theo một thứ đạo đức khác.

Trước đây, thời Việt Nam Cộng hòa, nền giáo dục dưới chế độ cũ, trong chương trình phổ thông có môn “đức dục” hay môn “công dân giáo dục”. Lớp Đệ Nhất (lớp 12) còn có thêm môn “đạo đức học”. Môn “đức dục” dạy cho học sinh biết về hiếu thảo, nhân ái, lịch sự, kính trọng người lớn tuổi…

Các lớp lớn học môn “công dân giáo dục”, là học về quyền lợi, bổn phận của công dân, như dạy về các quyền tự do căn bản: Tự do ngôn luận, tín ngưỡng, cư trú, học hành, làm ăn… Học sinh được dạy, mọi người (dân, quan) đều bình đẳng trước pháp luật. Mọi công dân có quyền ứng cử, bầu cử. Học sinh cũng được học qua các thể chế chính trị (dân chủ, quân chủ, độc tài, phân quyền, tập trung…), các nền kinh tế (tự do, tức kinh tế thị trường; kinh tế chỉ huy, tức kinh tế định hướng) …

Đến thời CSVN, nền giáo dục mới xem giáo dục là công cụ của chính quyền. Về chuyện dạy đức dục cho học sinh thời VNCH, được gọi là “luân lý giáo khoa thư”, thời CSVN đã được thay bằng “đạo đức cách mạng”, dạy học sinh thành “con người mới XHCN”, vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao khoa học kỹ thuật, có tư duy mới, yêu tổ quốc, có lập trường, có tinh thần đấu tranh, phân biệt ta – địch … Ta – địch ở đây, bất kể là ai, dù là cha mẹ hay thầy cô giáo.

Gần đây, người ta nhắc lại “truyền thống văn hóa, tôn sư trọng đạo”, cũng như “luân lý giáo khoa thư” được khơi dậy. Có lần báo chí khen một số học sinh chào người bảo vệ trường, ca ngợi một số học sinh dắt một cụ già qua đường. Họ xem các hành động kia là có văn hóa, đạo đức.

Lẽ ra, những việc như thế phải được xem là bình thường, bởi là con người bắt buộc phải có đạo đức nền tảng, thể hiện qua những hành động đó. Hơn nữa, trước đây trong trường học đều có dạy cả rồi, không có gì mới cả, nhưng bây giờ những hành động như vậy được ca ngợi vì nó hiếm hoi quá, bởi chế độ mới đã đẩy con người xuống chuẩn “bình thường mới”, nên xem chuẩn mực đạo đức trước kia là … phi thường!

***

Chế độ mới cũng phê phán giáo dục ngày xưa “chuộng từ chương”, mục đích “học để làm quan”, nhưng ngày nay họ lại “sao y bản chính”. Muốn nổi danh, muốn học giỏi, đậu cao thì ở đâu, thời nào cũng có, nhưng ngày nay sự háo danh, sính bằng cấp được xem như là “mốt”. Một vị được giới thiệu, ngoài tên họ, kế đến là chức vụ, ủy viên nầy, ủy viên kia, tiếp đến là học vị, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư ngành này, ngành nọ…

Nhân sự trong các cơ quan luôn theo tiêu chuẩn, nhắm tới “lượng” thay vì “chất”, như bao nhiêu người có trình độ đại học, trên đại học, cho nên mới có chuyện “chạy” bằng cấp, mua bán bằng đại học, luận văn tiến sĩ… hoặc theo học tại chức, chuyên tu, để được đứng vào hàng ngũ trí thức, dù bằng cấp không phản ánh đúng khả năng, thực lực của những người nhận bằng. Việt Nam có quá nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhưng khoa học kỹ thuật thì quá tệ, chẳng chế tạo được gì để sánh với thế giới.

“Vì đâu nên nỗi”, là câu hỏi, không những cho ngành giáo dục, mà còn là vấn đề chung cho toàn xã hội, hiện chưa thấy những người có trách nhiệm trả lời. Như thường thấy, khi đối mặt với các vấn đề nhức nhối trong xã hội, không một cá nhân nào đứng ra chịu trách nhiệm. Gặp những trì trệ, bất cập, thì họ đổ lỗi cho “cơ chế”, “quy trình”… mặc dù con người tạo ra chúng.

Thể chế nào, con người đó. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận hồi tháng trước: Nút thắt lớn nhất hạn chế sự phát triển là thể chế. Chỉ khi nào thay đổi thể chế, thì không riêng gì giáo dục, mà các lĩnh vực khác trong xã hội này cũng sẽ thay đổi. Lúc đó, người ta sẽ bớt than vãn “vì đâu nên nỗi nầy”!

Dịch và cơ hội quan sát, ngẫm nghĩ về ‘phận công bộc’

 

Dịch và cơ hội quan sát, ngẫm nghĩ về ‘phận công bộc’

Bà Angela D. Merkel vừa khẳng định rằng bà sẽ “xếp hàng”, chờ đến lượt để được chích vaccine ngừa COVID-19. Cuộc trò chuyện giữa phóng viên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ) với bà Merkel (1) đã được cô Võ Thu Phương lược dịch sang tiếng Việt để người Việt không rành tiếng Đức tham khảo (2).

Tuy đã 67 tuổi nhưng theo qui định của Ủy ban đặc trách Tiêm chủng ở Đức, bà Merkel không nằm trong nhóm được ưu tiên chích ngừa. Đức bắt đầu tổ chức chích ngừa từ cuối tháng 12 năm ngoái nhưng do không đủ vaccine, đến giờ, chỉ có những người đang làm các công việc thiết yếu như nhân viên y tế hoặc đã trên 80 mới được chích ngừa (3)…

Theo bà Merkel, quyết định của Ủy ban đặc trách Tiêm chủng ở Đức – tổ chức chích ngừa cho những người dễ bị tổn thương vì tính chất công việc khiến họ không thể duy trì khoảng cách an toàn – là hoàn toàn đúng đắn. Dù là Thủ tướng nhưng Merkel vẫn “xếp hàng” vì giáo viên (mẫu giáo, tiểu học,…) cần được ưu tiên hơn những người như bà!

***

Dẫu đa số người Đức xem lựa chọn “xếp hàng” của bà Merkel là đương nhiên nhưng lựa chọn ấy lại làm nhiều người Việt ngậm ngùi vì rõ ràng “công bộc” Đức khác xa “công bộc” Việt Nam. Cùng phục vụ công chúng nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Đức không dành cho “công bộc” Đức bất kỳ đặc quyền, đặc lợi nào, còn “công bộc” Đức thì không tìm cách giành, giữ tư thế “ăn trên, ngồi trước”…

Chính quyền Đức do bà Merkel lãnh đạo không ban hành bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào hay dùng công quỹ thiết lập một hệ thống riêng nhằm bảo vệ từ uy tín tới sức khỏe của… Ban Chấp hành Trung ương Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) – đảng cầm quyền ở Đức – mà trước nay, bà Merkel vẫn là một trong các thủ lĩnh.

Cho dù đảm nhận trọng trách quản trị – điều hành nước Đức nhưng Merkel nói riêng và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Đức nói chung luôn tôn trọng hiểu biết, khuyến cáo của các chuyên gia dịch tễ. “Công bộc” Đức giữ đúng… phận, không đưa ra bất kỳ… chỉ đạo nào cho những cơ quan thuần túy chuyên môn như Ủy ban đặc trách Tiêm chủng!

***

Tuần trước, Reuters công bố một video clip khiến nhiều người bật cười bởi được thấy bà Merkel cuống quít do nhận ra đã quên khẩu trang ở bục phát biểu. Sau khi quay về chỗ của mình và đã ngồi xuống, Thủ tướng Đức mới nhận ra điều đó, bà vội vàng đứng dậy, chạy đến bục phát biểu xin nhận lại khẩu trang và mang vào ngay lập tức (3).

Đức là một trong những quốc gia ráo riết thực thi các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn và phòng ngừa COVID – 19 lây lan. Trước nay, Merkel là một trong những người luôn chứng tỏ sự nghiêm túc trong việc thực thi các yêu cầu phòng – chống COVID 19 như phải mang khẩu trang ở những nơi công cộng nhằm bảo vệ cả bà lẫn cộng đồng.

Đức không phải là quốc gia chỉ có một đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối. CDU tuy là đảng cầm quyền nhưng không nuôi tham vọng xây dựng chủ nghĩa xã hội để trở thành tổ chức chính trị duy nhất vĩnh viễn cầm quyền tại Đức, thành ra Đức không thực thi dân chủ XHCN như Việt Nam.

Cũng vì vậy bà Merkel – tuy được đa số dân Đức tin yêu – vẫn không dám “nói một đằng, làm một nẻo”. Hệ thống công quyền Đức buộc toàn dân phải mang khẩu trang khi hiện diện ở nơi công cộng thì Thủ tướng – thủ lĩnh đảng cầm quyền – cũng phải như thế. Nếu không thì khó mà yên thân với dân Đức.

Từ khi đợt dịch thứ ba bùng lên ở Đức hồi tháng 11 năm ngoái, để ngăn ngừa lây lan, các tiệm cắt tóc của Đức bị buộc phải tạm ngưng hoạt động. Thế rồi một số người Đức nhận ra và nêu thắc mắc: Tại sao tóc của Merkel vẫn ngắn và gọn? Phải chăng Thủ tướng Đức đã đến tiệm cắt tóc nào đó, vi phạm lệnh cấm của hệ thống công quyền Đức?

Đức không xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN nên lực lượng an ninh Đức không săn tìm, hệ thống tư pháp Đức không truy tố, đưa ra xét xử – quyết định tống giam những người thắc mắc vì… chống chính quyền nhân dân. Hệ thống truyền thông của Đức không những không lên án những người nêu thắc mắc là… tự diễn biến, tự chuyển hóa, bị các thế lực thù địch, phản động tác động mà còn giới thiệu rộng rãi những thắc mắc ấy. Cũng vì vậy, Thư ký báo chí của Merkel phải soạn – phát hành một thông cáo báo chí nhấn mạnh: Merkel không vi phạm các khuyến cáo của Viện Robert Koch – cơ quan nghiên cứu và tư vấn cho hệ thống công quyền Đức về phòng, chống COVID 19 (5).

Chú thích 

(1) https://www.tagesschau.de/inland/merkel-impfung-corona-101.html

(2) https://baotiengdan.com/2021/02/25/thu-tuong-merkel-toi-se-tiem-chung-khi-den-luot-minh/

(3) https://www.dw.com/en/covid-no-special-freedoms-for-the-vaccinated-in-germany/a-56454942

(4) https://www.youtube.com/watch?v=IEqKO0inTB8

(5) https://thegreatminute.com/merkel-told-who-cuts-her-hair-in-quarantine.html

Tuyên bố của trường đại học UCSF về các cuộc tấn công có động cơ phân biệt chủng tộc, chống người gốc Á

 

Tuyên bố của trường đại học UCSF về các cuộc tấn công có động cơ phân biệt chủng tộc, chống người gốc Á

UC San Francisco

25-2-2021

Gửi Cộng Đồng Bay Area Chúng Ta,

Số vụ tấn công nhằm vào các cộng đồng người Mỹ gốc Á và người Đảo Thái Bình Dương đã gia tăng đến mức báo động, và University of California, San Francisco (UCSF) cực lực lên án các vụ tấn công mang động cơ phân biệt chủng tộc này.

Tâm lý bài châu Á đã tăng cao trên khắp cả nước vào lúc đại dịch bùng phát trong năm 2020, cùng sự thúc đẩy của những kẻ cổ xúy cho thuyết âm mưu và chủ nghĩa bài ngoại, và giờ đây chúng ta đang phải chứng kiến sự trỗi dậy đáng lo ngại của tình trạng này.

Các vụ bạo lực và quấy rối chủng tộc nhắm đến những cộng đồng này đã tăng vọt trong những tuần gần đây, tấn công vào nhóm người dễ tổn thương nhất trong số chúng ta – những người cao tuổi ở Bay Area. Bất hạnh thay, một người đàn ông Thái Lan 84 tuổi đã bị tấn công dẫn đến tử vong ở San Francisco và một người đàn ông 91 tuổi đã bị thương nghiêm trọng do một cuộc tấn công ở khu Chinatown tại Oakland.

Cam kết của UCSF về việc chống phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức – phân biệt đối với người Châu Á, người Đảo Thái Bình Dương, người Da Đen, người La-tin, người Mỹ Bản Địa, và các cộng đồng khác – yêu cầu chúng tôi phải đứng lên và lên tiếng. Chúng tôi sẽ đoàn kết với California Asian Pacific Islander Legislative Caucus (Nghị Hội Lập Pháp Người Mỹ Gốc Á và Đảo Thái Bình Dương Ở California) và gia nhập cùng họ trong việc kêu gọi về sự bất công này và bảo vệ lẫn nhau.

Chúng tôi ngợi khen sắc lệnh của Tổng Thống Biden kêu gọi sự bảo vệ tốt hơn cho cộng đồng người Mỹ gốc Á và người Đảo Thái Bình Dương, và lên án làn sóng phân biệt chủng tộc và bài ngoại đang đi cùng với đại dịch.

Tại UCSF, chúng tôi sẽ tiếp tục các công việc nhất quán của chúng tôi thông qua Anti-Racism Initiative (Sáng Kiến Chống Phân Biệt Chủng Tộc) để xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc có hệ thống nhằm hỗ trợ tất cả mọi người thuộc các nhóm da màu và ít được đại diện, bên trong cộng đồng UCSF của chúng tôi và bên trong các cộng đồng mà chúng tôi được ưu tiên phục vụ.

Chúng tôi biết rằng đây là khoảng thời gian khó khăn và đầy lo sợ cho những thành viên thuộc cộng đồng người Mỹ gốc Á và người Đảo Thái Bình Dương, và chúng tôi khuyến khích quý vị tìm kiếm sự hỗ trợ nếu cần thiết từ mạng lưới của quý vị hoặc các tổ chức như Asian Counseling and Referral Service (Dịch Vụ Tư Vấn Và Giới Thiệu Cho Người Châu Á) hay ACRS. Nhằm giúp đảm bảo cho an toàn cá nhân của quý vị, chúng tôi xin được chia sẻ hướng dẫn được cung cấp bởi UCSF Police Department (Sở Cảnh Sát UCSF), bao gồm:

  • Hãy cảnh giác với những người khả nghi. Gọi 911 nếu quý vị thấy có điều gì đó đáng nghi ngờ.
  • Đi lại theo nhóm bất kỳ lúc nào có thể, đặc biệt là vào buổi tối.
  • Tránh các khu vực không được chiếu sáng đầy đủ hoặc vắng người khi đi bộ vào buổi tối.
  • Luôn để ý đến môi trường xung quanh quý vị; tránh sử dụng tai nghe và điện thoại di động khi đang đi bộ hoặc đứng chờ một mình.
  • Nếu quý vị đang đi đến xe của mình, hãy để chìa khóa xe ở nơi có thể lấy được dễ dàng, tốt nhất là cầm sẵn trên tay quý vị.
  • Nếu quý vị cảm thấy mình đang bị đi theo, hãy đến một cơ sở kinh doanh đang mở cửa và nhờ trợ giúp.
  • Cài các số điện thoại khẩn cấp được lập trình sẵn vào điện thoại di động của quý vị.
  • Nếu quý vị gặp phải đòi hỏi về tiền bạc hoặc tài sản của quý vị, đặc biệt là từ một đối tượng có vũ khí, hãy tuân theo các yêu cầu của họ nhằm đảm bảo sự an toàn của quý vị.

Khi chúng tôi hành động để chống lại sự phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử, và thành kiến trong đất nước chúng ta và trong chính cộng đồng của chúng ta, chúng tôi quyết tâm không để các sự kiện gần đây làm chúng tôi bị mất tinh thần. Thay vào đó, chúng tôi sẽ làm việc cần mẫn hơn để chăm sóc lẫn nhau vì chúng tôi làm việc để mang đến một xã hội bình đẳng và hòa nhập hơn.

Trân trọng,

Sam Hawgood, MBBS

Hiệu Trưởng

Giáo Sư Ưu Tú tại Arthur and Toni Rembe Rock

Mark R. Laret

Chủ Tịch và Giám Đốc Điều Hành

UCSF Health

J. Renée Navarro, PharmD, MD

Phó Hiệu Trưởng, Văn Phòng Đa Dạng và Tiếp Cận

Giám Đốc Đa Dạng

Giáo Sư Gây Mê Lâm Sàng và Chăm Sóc Trước và Sau Phẫu Thuật

Bản tin ngày 26-2-2021

 

Bản tin ngày 26-2-2021

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Hết cuộc tập trận này đến tập trận khác: Trung Quốc sắp tập trận cả tháng ở vịnh Bắc bộ, báo Thanh Niên đưa tin. Cục Hải sự tỉnh Quảng Đông thông báo, TQ sẽ tiến hành tập trận ở vùng biển phía tây bán đảo Lôi Châu của Trung Quốc, tức phía đông vịnh Bắc bộ của VN, từ ngày 1 đến ngày 31/3/2021

Cuộc tập trận diễn ra trong phạm vi bán kính 5 km. Cũng giống như mọi lần tập trận trước, TQ cấm tàu thuyền vào khu vực. Từ đầu năm 2021 đến nay, cuộc tập trận này sẽ là cuộc tập trận thứ tư của Trung Quốc ở khu vực vịnh Bắc bộ. Nếu tính tổng số các cuộc tập trận trên Biển Đông, thì đây là cuộc tập trận thứ bảy từ đầu năm đến nay.

Thêm tín hiệu không tốt cho viễn cảnh hòa bình ở Biển Đông: Chi quốc phòng toàn cầu năm 2020 tăng kỷ lục, Trung Quốc đẩy mạnh phát triển hải quân, theo báo Thanh Niên. Báo cáo “Military Balance” của IISS ở Anh ngày 25/2 cho biết, chi tiêu quốc phòng của TQ năm 2020 là 193,3 tỉ USD, chiếm 10,6% toàn cầu. IISS cảnh báo, “sự phát triển ồ ạt của hải quân Trung Quốc nhằm phục vụ tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông”.

Kẻ khiến tình hình căng thẳng lại diễn trò “phản đối” người khác: Bắc Kinh phản đối vụ máy bay tuần tra Nhật bay qua Biển Đông, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. TQ phản đối Nhật vụ hai máy bay của Lực lượng Phòng vệ hàng hải Nhật đã bay gần Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa. 

Cũng chính TQ gần đây đã công bố thông tin về cuộc tập trận có sự tham gia của ít nhất 10 máy bay ném bom trên không phận Biển Đông. Trong mắt kẻ bá quyền thì máy bay của Trung Quốc tiến hành tập trận gây căng thẳng thì không sao, nhưng máy bay của nước khác thực hiện nhiệm vụ giám sát thì có vấn đề.

Nhà Báo và Công Luận có bài: Trung Quốc chỉ trích khi tàu khu trục Mỹ tiếp tục đi qua eo biển Đài Loan. Vụ tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của Mỹ cùng với tàu JS Hamana của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản và tàu khu trục hạng nhẹ FNS Prairial thực hiện nhiệm vụ 3 bên trên biển, người phát ngôn của quân đội TQ cáo buộc Mỹ phá hoại “hòa bình và ổn định” của khu vực.

VnExpress có bài: Tương lai nhóm Bộ Tứ dưới thời Biden. Bộ Tứ Kim Cương gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc, nối lại thảo luận, “được cho là do lo ngại Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh và ảnh hưởng, đã báo hiệu rằng nhóm có thể đóng vai trò quan trọng trong thiết lập chương trình nghị sự địa chính trị dưới thời Biden, giữa lúc có nhiều đồn đoán về sự gia nhập của thành viên mới”.

Mời đọc thêm: Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu quan điểm về hàng loạt vấn đề nóng liên quan Biển Đông — Đại sứ Nhật ca ngợi Úc về Biển Đông, nhấn mạnh hợp tác (TN). – Tình hình Biển Đông. Pháp đang thể hiện sức mạnh của mình? (Sputnik). – Nhật Bản, Australia đồng loạt bày tỏ quan ngại sâu sắc về Luật Hải cảnh Trung Quốc (TG&VN). – 12 năm kỳ tích Biển Đông (PT). 

Về các vụ đại án

Gia hạn truy tố vụ ông Tất Thành Cang, Zing đưa tin. VKSND TP HCM quyết định gia hạn truy tố đối với ông Tất Thành Cang và 18 đồng phạm trong vụ án “Tham ô” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại Công ty Cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco). Thời gian gia hạn đến ngày 14/3, thời điểm 10 ngày trước khi diễn ra Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV, sẽ quyết định 3 chức danh còn lại của “tứ trụ” trong 5 năm tới.  

Trước đó, ngày 12/1, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển VKSND cùng cấp đề nghị truy tố Sáu Cang và đồng phạm. Cơ quan điều tra cho rằng ông Cang đã có bút phê “Đồng ý” tại Tờ trình 1148, gây thất thoát cho Sadeco hơn 940 tỷ đồng. Trong đó, ông Cang chịu trách nhiệm 157 tỷ đồng.

Zing có đồ họa: Hành trình vướng vòng lao lý của ông Tất Thành Cang 

Diễn biến cho thấy, VKSND TP HCM vẫn chưa thể đưa ra kết luận để truy tố Sáu Cang, nên phải gia hạn truy tố. Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Vì sao chưa thể ra cáo trạng truy tố ông Tất Thành Cang? Lãnh đạo VKSND TP HCM đưa ra lý do: “Vụ án có nhiều tình tiết, nhiều bị can với nhiều vấn đề khác nên cần có nhiều thời gian nghiên cứu hồ sơ”.

Tính từ thời điểm 12/1, là lúc Công an thành Hồ gửi kết luận điều tra sang VKSND cùng cấp, tới nay là đúng một tháng và 2 tuần, nhưng hồ sơ vẫn chưa được “nghiên cứu” xong. Trong khi “nhân vật chính” của vụ án là ông Tất Thành Cang vẫn còn ở thành Hồ chứ không biến mất, cũng không có bất kỳ nhân vật nào khác của vụ án bị phát lệnh truy nã.   

Cũng tin đại án ở thành Hồ, Thông Tấn Xã VN đưa tin: Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài tiếp tục hầu tòa. TAND TP HCM lên lịch xét xử nhóm bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ của UBND TP HCM, liên quan đến sai phạm trong vụ hoán đổi nhà đất ở số 57 Cao Thắng, lấy nhà đất ở số 185 Hai Bà Trưng. Vụ án sẽ được xét xử vào ngày 15/3/2021, dự kiến diễn ra trong 5 ngày.

Bị can Nguyễn Thành Tài. Ảnh: TTXVN

Ông Tài cùng 8 đồng phạm là cựu lãnh đạo, quan chức một số sở, ngành ở thành Hồ bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng nữ “đại gia” Dương Thị Bạch Diệp, GĐ Công ty bất động sản Diệp Bạch Dương bị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Còn bị can Đào Thị Hương Lan, cựu GĐ Sở Tài chính thành Hồ đang bỏ trốn, cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã và sẽ xử lý sau khi bắt được bà Lan.

VietNamNet có bài: Nữ đại gia Bạch Diệp sắp hầu tòa cùng ông Nguyễn Thành Tài. Tin cho biết, phiên tòa xử vụ này vốn đã định mở vào ngày 18/1, nhưng do 2 bị cáo Lê Văn Thanh và Đào Anh Kiệt phải tham gia vụ án của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ở Hà Nội, diễn ra cùng thời gian, nên vụ này đã phải hoãn.

Mời đọc thêm: Diễn biến mới nhất vụ ông Tất Thành Cang bị đề nghị truy tố (PLTP). – Chưa thể ban hành cáo trạng truy tố ông Tất Thành Cang (TP). – Thông tin mới nhất về vụ ông Nguyễn Thành Tài tạo điều kiện giúp một nữ đại gia (NLĐ). – Bà Dương Thị Bạch Diệp sắp hầu tòa cùng ông Nguyễn Thành Tài (Zing). – Sẽ xét xử nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài và 8 đồng phạm ngày 15-19/3 (DNVN). 

Tin môi trường

Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà cho biết“Mitsubishi Corp. của Nhật ngày 25/2 ra thông báo rút khỏi dự án nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3, trong tình hình quốc tế ngày càng lo ngại về các vấn đề biến đổi khí hậu!” Đó chính là dự án nhiệt điện than lớn nhất nước với tổng mức đầu tư khoảng 2,7 tỉ Mỹ kim, dự kiến hoạt động từ năm 2024, nhưng cuối năm 2019 đã ghi nhận lỗ lũy kế 58,6 tỉ đồng. 

Tác giả cho biết thêm: “Trung tâm điện lực Vĩnh Tân có 5 dự án nhà máy nhiệt điện gồm 1,2,3,4 và 4 mở rộng, trong đó Vĩnh Tân 1,4 do Trung Quốc đầu tư. Liên tục nhiều năm nay dân ở Tuy Phong, Bình Thuận lên tiếng phản đối tình trạng ô nhiễm do các nhà máy này gây nên”. Năm 2015, người dân biểu tình đã chặn cả Quốc lộ 1A và tấn công CSCĐ.

Khung cảnh ô nhiễm môi trường ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận do cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân gây nên. Ảnh: FB Lê Nguyễn Hương Trà

RFA có bài: Sông Cầu ô nhiễm nặng nề vì nước thải nhà máy, có đoạn bị cạn kiệt vì đập thủy điện. Sông Cầu bị ô nhiễm nặng do nhận nước từ sông Ngũ Huyện Khê. Còn sông Ngũ Huyện Khê đang phải “gánh” nước thải không được xử lý của các cơ sở sản xuất, nhà máy làm giấy ở xã Phú lâm, Cụm công nghiệp Phú Lâm, ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh và làng nghề tái chế giấy Phong Khê, Cụm công nghiệp Phong Khê ở TP Bắc Ninh. 

Sông Cầu bị ô nhiễm nặng nề. Ảnh: ANTĐ/RFA

Sông Cầu không chỉ bị ô nhiễm, dòng chảy sông này đã thay đổi sau khi Thủy điện Thác Giềng 1 ở phường Xuất Hóa, Tp Bắc Kạn tích nước để chạy thử. “Cụ thể đoạn từ trạm thủy văn Thác Giềng đến trạm thủy văn Chợ Mới, nước sông cạn kiệt từ ngày 6 tháng 2, lên xuống không theo lịch trình cụ thể, từ khi đập Thác Giềng 1 bắt đầu tích nước”.

Báo Tiền Phong đưa tin: Cảnh dòng sông Ngũ Huyện Khê ô nhiễm như bãi sình lầy đổ ra sông Cầu. Tin cho biết, chính nghề tái chế giấy đã giúp cho người dân ở xã Phú Lâm, huyện Tiên Du và phường Phong Khê, TP Bắc Ninh thu được giá trị kinh tế hàng ngàn tỷ đồng, giờ đang tạo ra gánh nặng môi trường cho người dân địa phương. Nước và rác thải khiến sông Ngũ Huyện Khê bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng luôn cả sông Cầu, một trong 5 dòng sông quan trọng nhất ở khu vực miền Bắc. 

Nhiều nhà máy tái chế giấy ở xã Phú Lâm, huyện Tiên Du xả nước thải ra sông Ngũ Huyện Khê. Ảnh: TP

Mời đọc thêm: Mitsubishi rút khỏi nhà máy điện than Việt Nam vì quan ngại về khí hậu(RFA). – Nikkei: Mitsubishi rút khỏi nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 3 ở Bình Thuận(VNF). – Lo ngại về môi trường, Mitsubishi rút khỏi nhà máy điện than ở Bình Thuận(VnEconomy). – Lo ô nhiễm môi trường từ cơ sở tái chế nhớt thải (ĐN). – Thanh Hóa: Bức xúc bãi tập kết rác thải ven đường bốc mùi hôi thối (MTĐT).

Ngày càng có nhiều người gốc Á ở Mỹ bị tấn công do kỳ thị

Các “di sản” đen tối dưới thời chính quyền Trump vẫn đang gây hậu quả ở Mỹ, trong đó những người thiểu số bị ảnh hưởng nặng. VOA có bài: Kỳ thị người gốc Á dâng cao ở Mỹ, nguyên do vì đâu? Các hoạt động kỳ thị, tấn công người gốc Á ở Mỹ vẫn đang gia tăng, một trong các nguyên nhân là cụm từ “cúm Tàu” (China virus) do ông Trump lặp đi lặp lại lúc còn nắm quyền, đã kích động những kẻ kỳ thị chủng tộc tấn công những người họ cho là mang theo “cúm Tàu”.

Hình ảnh do camera an ninh ghi lại cho thấy một cụ ông 91 tuổi bị xô xuống đất ở Phố Tàu, thành phố Oakland. Ảnh: Reuters/VOA

Bà Lan Hoàng, người mẹ có 3 con nhỏ ở Phoenix, bang Arizona cho biết: “Lần đó tôi dắt ba đứa con đi xuống dưới đó ăn. Mấy mẹ con đang đi trên hè phố thì có một bà vô gia cư da trắng thấy mình đi qua, bả lấy chai gì đó xịt trên vỉa hè và nói rằng ‘mấy người này có China virus”.

Ông Nguyễn Bá Trạc, ở San Jose, California, cho biết: Em trai ông là ca sĩ Văn Quân, tên thật là Nguyễn Tấn Hùng, khi đi dạo vào buổi tối 17/8/2020 đã bị hành hung đến xuất huyết não, gãy xương sườn. Ông Trạc cho rằng, em ông bị tấn công do kỳ thị sắc tộc, sau khi có nhiều người gốc Á ở đây cũng bị tấn công tương tự.

Các tổ chức hoạt động chống kỳ thị ở Mỹ đều ghi nhận hoạt động bạo lực nhắm vào người gốc Á đã gia tăng trong năm cuối của nhiệm kỳ Tổng thống Trump và bây giờ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.  

Phản ứng lại vấn nạn kỳ thị, nhóm Nailing It For America vừa tổ chức họp báo, kêu gọi chống thù ghét người Á Châu tại Little Saigon, báo Người Việt đưa tin. Cuộc họp báo được tổ chức ở Garden Grove, California vào chiều 25/2, “với sự tham gia của nhiều giới chức địa phương và một số thành viên trong cộng đồng Á Châu để kể lại những gì họ phải trải qua trong năm 2020 vừa qua, cũng như kêu gọi chính phủ cùng các cộng đồng đứng lên bảo vệ nhau khỏi tình trạng kỳ thị”

Giới chức địa phương của Orange County có mặt tại buổi họp báo kêu gọi chống thù ghét người châu Á. Ảnh: Thiện Lê/NV

Phát biểu trong buổi họp báo, ông Andrew Đỗ cho biết, mình là người tị nạn sau chiến tranh VN và là cư dân của Orange County từ năm 1996 đến nay. Từ đó đến nay, ông chưa bao giờ thấy có nhiều chuyện liên quan đến thù ghét xảy ra ở quận hạt như trong năm 2020. Theo ông Andrew Đỗ, từ tháng 3 đến tháng 12/2020, đã xảy ra hơn 2,800 vụ thù ghét người châu Á ở khắp nơi trên nước Mỹ, “có thể còn hàng ngàn nạn nhân chưa lên tiếng”.

Quan chức TP Garden Grove nói về các biện pháp chống thù ghét người Mỹ gốc Á. Ảnh: Thiện Lê/NV

Mời đọc thêm: Phụ tá giáo viên bị tấn công trong lúc đợi xe buýt ở Rosemead (NV). – Tấn công bạo lực nhắm vào người gốc Á gia tăng ở Mỹ (VTC).

Tình hình Miến Điện

Tình hình đàn áp người biểu tình ở Miến Điện vẫn tiếp diễn: Lực lượng an ninh Myanmar bắn cảnh cáo, mạnh tay giải tán người biểu tình, VTC đưa tin. Hôm nay, hàng ngàn người biểu tình đã tập trung trước một trung tâm mua sắm nổi tiếng ở TP Yangon, tiếp tục phản đối cuộc đảo chính 1/2. 

Biểu tình phản đối đảo chính quân sự diễn ra nhiều ngày liên tiếp ở Myanmar. Ảnh: AP/VTC

Trước phản ứng của đám đông biểu tình, lực lượng an ninh “đã nổ súng cảnh cáo và ít nhất một người biểu tình đã bị các sĩ quan bắt giữ. Lực lượng an ninh đã đuổi những người biểu tình ra khỏi tuyến phố chính, cũng như xung quanh thành phố Yangon”. Tin cho biết, nhiều người biểu tình phải chạy vào nhà dân để ẩn náu.

Zing đưa tin: Cảnh sát Myanmar bố ráp biểu tình trong đêm. Đêm qua, cảnh sát Myanmar đã bố ráp khu phố Tamwe ở TP Yangon để giải tán cuộc biểu tình chống lại một quan chức được bổ nhiệm trong quân đội. Các nhân chứng cho biết, cảnh sát chống bạo động đã bắn chỉ thiên và quăng lựu đạn gây choáng khi đám đông đang tập trung. Đã có 23 người bị bắt, trong đó có 10 phụ nữ, họ sẽ bị khởi tố “với những cáo buộc liên quan đến cuộc biểu tình”.

RFI có bài: Nghi kỵ Trung Quốc, quân đội Miến Điện mua thêm vũ khí của Nga. GS David Camroux, ở ĐH Khoa học Chính trị Paris cho biết: “Giới quân sự Miến Điện luôn có thái độ ngờ vực Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng không ưa thích gì giới tướng lĩnh Miến Điện. Tuy không rõ nét như Việt Nam, nhưng người Miến Điện có một thái độ nghi kỵ Trung Quốc khá lớn. Mối ngờ vực này được thấy rõ ở việc từ một thập niên nay, giới quân sự Miến Điện mua nhiều vũ khí từ Nga hơn là Trung Quốc”

Mời đọc thêm: Tình hình Myanmar: Kết quả bầu cử 2020 bị hủy bỏ, rộ tin một nhà báo Nhật Bản bị bắt trong cuộc biểu tình ở Yangon (TG&VN). – Dân Myanmar cưỡi voi biểu tình chống đảo chính (VOA). – Anh trừng phạt 6 sĩ quan Miến Điện, biểu tình chống đảo chính tiếp diễn (RFI). – Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing bị Anh trừng phạt (TĐ). – Hành động quyết liệt giữa đêm của quân đội Myanmar (NLĐ). – Toyota hoãn khai trương nhà máy mới tại Myanmar do đảo chính (DNVN). – ASEAN sẽ tổ chức cuộc họp đặc biệt về tình hình Myanmar (TTXVN).  

***

Thêm một số tin: – Giá xăng tiếp tục tăng lần thứ 6 liên tiếp (RFA). – Mùa xuân là tết trồng cây hiểu sao cho đúng? (BBC). – Hai cán bộ huyện đánh bạc tại công sở được sắp xếp công việc mới (CL). – Phường, xã đông dân ở TP.HCM xin tăng cán bộ vì quá tải công việc (VNN). – Cần Thơ liên tiếp phạt tiền Facebooker ‘xúc phạm lãnh đạo đảng’ (NV). – Mỹ thật sự cần làm gì để cạnh tranh hiệu quả với Trung Quốc? (PLTP). – Mỹ không kích Syria: Chuyên gia Trung Quốc nói ‘Mỹ đã trở lại’ (TP).