Nghiệp đoàn tự do là con đường dân chủ hóa sắp tới?
Jackhammer Nguyễn
4-1-2021
Trong một bài viết gần đây trên Tiếng Dân, tôi có đưa ra kết luận rằng, phong trào đối kháng ở Việt Nam thực sự đã tan rã vào năm 2020. Có thể có bạn đọc không đồng ý, cho rằng hơi bi quan, nhưng tôi thấy, đó là một thực tế mà chúng ta cần nhìn nhận để có thể đi bước tiếp theo, thay vì tự huyễn hoặc chính mình. Thực tế đó là, đảng cộng sản vẫn còn rất mạnh và những người chống lại họ thì rất yếu, chưa đủ sức trở thành lực lượng đối trọng với họ.
Hãy thử nhìn lại xem những người đối kháng từ trước đến nay, họ là ai?
Đa số họ cư trú ở các thành thị lớn nhỏ trên đất nước Việt Nam. Một số đông, khi bắt đầu dấn thân vào hoạt động đối kháng là sinh viên. Những người nằm trong guồng máy của chế độ, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, cũng trở thành lực lượng đối kháng. Một số chức sắc tôn giáo, trong đó mạnh nhất là nhóm Công giáo và một số luật sư, nhà báo, nhà văn, nhà thơ, là những nhân vật đối kháng.
Chúng ta thấy rằng, những người Việt sống ở đô thị này không thể đại diện cho số đông dân chúng Việt Nam hiện nay, với 60% sống ở nông thôn. Đã có những nhóm nông dân bị mất đất trở thành đối kháng, được gọi là dân oan. Tuy nhiên các nhóm dân oan này cũng chỉ là thiểu số và hoạt động đối kháng của họ được chỉ huy bởi những người ở đô thị, không xâm nhập được vào vùng thôn quê rộng lớn của đất nước, nơi các chi bộ đảng cộng sản có ảnh hưởng vô cùng lớn.
Có những trường hợp ngoại lệ, như gia đình bà Cấn Thị Thêu, một nông dân hiểu rất rõ tình trạng nông dân và nông thôn Việt Nam, nhưng hoạt động của bà nhanh chóng bị công an cộng sản đàn áp khốc liệt.
Vậy, để phong trào dân chủ hóa Việt Nam phát triển, phải chăng là nên chuyển hướng về nông thôn?
Tôi không nghĩ đó là ý hay, vì hai lý do: Thứ nhất là cơ sở của đảng cộng sản rất mạnh ở nông thôn; thứ hai là nông thôn Việt Nam sẽ biến đổi sâu sắc trong thời gian tới, với hàng triệu, nếu không muốn nói hàng chục triệu người sẽ rời bỏ làng quê trở thành công nhân trong các thành phố và các khu công nghiệp. Xu hướng này sẽ không giảm đi trong nhiều chục năm tới khi mà có phần chắc là Việt Nam sẽ phát triển mạnh công nghiệp chế tạo, sử dụng nhiều công nhân.
Vì thế tôi cho là, sắp tới đây hoạt động nghiệp đoàn tự do sẽ rất quan trọng cho dân chủ hóa ở Việt Nam.
Quá khứ thành công và thất bại
Và hoạt động đó phải thay đổi, để tránh những thất bại liên tục trong quá khứ cho đến nay.
Hoạt động nghiệp đoàn tự do tại Việt Nam đã từng đạt được những thành công lớn khi huy động được những cuộc biểu tình đến hàng ngàn người trong một số khu công nghiệp. Với sự trợ giúp của một số tổ chức người Việt hải ngoại và nghiệp đoàn quốc tế, phong trào nghiệp đoàn tự do Việt Nam nghĩ ra được những hoạt động rất thông minh, như là tổ chức hoạt động nghiệp đoàn cho công nhân Việt Nam đi xuất khẩu lao động chẳng hạn.
Nhưng hiện nay các tổ chức nghiệp đoàn độc lập hầu như chỉ còn là cái tên, không còn hoạt động thật sự. Việc này là kết quả của sự đàn áp khốc liệt của chính quyền cộng sản VN, nhưng bản thân họ là nguyên nhân lớn hơn cho sự thất bại của họ. Điều quan trọng nhất là đấu tranh cho quyền và cuộc sống của những người công nhân trong nước, nhưng đa số những nhà tổ chức lại sống ở nước ngoài.
Việc sống ở nước ngoài không phải là điều trở ngại, thậm chí còn có thể giúp đỡ được nhiều cho phong trào trong nước với nguồn lực vật chất, quan hệ với các quốc gia và nghiệp đoàn Tây phương, nhưng các nhà tổ chức ấy sa đà vô tổ chức hình thức, đấu đá nội bộ vì danh nghĩa,… tất cả đã triệt tiêu hoạt động của các tổ chức nghiệp đoàn độc lập mới manh nha được vài năm.
Nhưng sức sống của nghiệp đoàn độc lập vì nhu cầu tranh đấu cho đời sống công nhân vẫn còn. Gần đây có tin vui là, những nhóm nghiệp đoàn trong nước, hoạt động bí mật đã bắt đầu hình thành trở lại.
Hoạt động nghiệp đoàn sắp tới đây sẽ có những lợi thế và trở ngại như sau:
Lợi thế
Sự giúp đỡ quốc tế: Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do với EU, nơi có hoạt động nghiệp đoàn rất mạnh và những chính phủ rất nghiêm chỉnh trong đòi hỏi quyền lợi của công nhân. Sức ép của EU lên nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam về chuyện nghiệp đoàn sẽ là quan trọng.
Một quốc gia có nghiệp đoàn rất mạnh là Úc, rất có khả năng gần gũi hơn với Việt Nam về kinh tế và thương mại trong tương lai.
Nghiệp đoàn tại Mỹ được mong đợi là sẽ mạnh lên trong thời gian tới để giải quyết chuyện tụt lại của vùng đất công nghiệp chế tạo, đồng thời khuynh hướng cấp tiến chống lại các tập đoàn công nghiệp, tài chính lớn cũng mạnh lên. Nước Mỹ với nghiệp đoàn mạnh, sắp tới đây có nhiều hoạt động thương mại kinh tế với Việt Nam là một điều kiện rất thuận lợi.
Phong trào nghiệp đoàn độc lập tuy bị đàn áp và tan rã, nhưng để lại một số khá đông những hạt nhân của phong trào nghiệp đoàn trong tương lai.
Bản thân nhà nước cộng sản Việt Nam cũng công nhận sự cần thiết phải có nghiệp đoàn độc lập cho công nhân.
Khó khăn lớn hơn nhiều so với thuận lợi
Tầng lớp công nhân Việt Nam mới thoát ra từ nông dân, không phải là nhóm xã hội lâu đời như ở châu Âu. Ý thức nghiệp đoàn của công nhân Việt Nam rất thấp, vì thế trong thời gian ngắn trước mắt, không mong đợi sẽ có sự hình thành những tổ chức lớn như là Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan.
Công nhân Việt Nam vẫn bị chi phối bởi khái niệm công đoàn của nhà nước, mà thật ra chỉ là cánh tay nối dài của Đảng Cộng sản để kiểm soát xã hội.
Đảng Cộng sản Việt Nam chắc chắn sẽ tìm cách thao túng các tổ chức nghiệp đoàn độc lập trong tương lai. Để làm việc này, họ có hai cách: Cách thứ nhất là dựng lên những nghiệp đoàn độc lập giả do họ chi phối; cách thứ hai là dung túng cho những hoạt động kiểu mafia trong môi trường công nhân, giả danh là nghiệp đoàn.
Có khả năng là cả hai cách thức nói trên đều đã được Đảng Cộng sản Việt Nam triển khai. Cho tới nay, nhiều nhà quan sát vẫn đặt dấu hỏi nghi vấn về sự kiện công nhân ở khu công nghiệp Bình Dương, đổ ra đường đập phá các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan hồi năm 2014, là có bàn tay giật dây của các tổ chức mafia như thế, với sự dung túng của công an cộng sản.
Tôi chưa bao giờ tin rằng Đảng Cộng sản Việt Nam có thiện ý cho phép nghiệp đoàn độc lập hoạt động. Một nhà hoạt động nghiệp đoàn là tác giả Bùi Thiện Tri có đưa ra nhận xét trong một bài viết trên Tiếng Dân về sự chậm trễ trong việc ban hành các quy định về nghiệp đoàn độc lập cho công nhân, là một minh chứng cho điều đó.
Người cộng sản vốn không thích những tổ chức mà họ không kiểm soát được. Những nhóm hoạt động môi trường nhỏ bé, các hoạt động từ thiện theo mùa mà còn bị đàn áp, huống hồ gì những tổ chức nghiệp đoàn.
Nhưng hiệp định đối tác thương mại với liên Âu cho thấy rằng, người cộng sản bắt buộc phải thay đổi cho sự tồn tại của chính họ. Những nhà hoạt động nghiệp đoàn độc lập và dân chủ hóa Việt Nam liệu có tranh thủ được sự thuận lợi đó hay không?!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.