Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2021

Trung Quốc đang tổ chức du lịch như thế nào tại Hoàng Sa của Việt Nam?

 

Trung Quốc đang tổ chức du lịch như thế nào tại Hoàng Sa của Việt Nam?

Đỗ Hùng

27-1-2021

Một cái mà Trung Quốc gọi là “làng chài” trên Bãi Ba Ba. Ảnh: Hải Hiệp Bưu luân

CNN mới có bài viết trong mục Du lịch về hoạt động du lịch của Trung Quốc tại Hoàng Sa, quần đảo của Việt Nam mà Trung Quốc đã chiếm lần hồi vào nhiều giai đoạn, đến năm 1974 thì họ nổ súng cưỡng chiếm nốt phần còn lại từ Việt Nam Cộng Hòa.

Theo bài báo, hoạt động du lịch tới Hoàng Sa bắt đầu từ năm 2013 với quy mô khiêm tốn, tới đầu 2020 thì gián đoạn do Covid-19 và mới nối lại từ tháng 12.2020 (Vụ nối lại này thì bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, có phản đối!).

Dò tìm trên mạng bèn thấy hiện Công ty Cổ phần Eo biển Hải Nam (海峡股份, Hải Hiệp Cổ phần) vận hành hai chiếc tàu du lịch (bưu luân, 邮轮) mang tên Nam Hải Chi Mộng (南海之梦) và Trường Lạc Công Chúa (长乐公主) chạy từ Tam Á ở đảo Hải Nam tới Hoàng Sa. Tàu Chi Mộng có 10 tầng, chở được 893 người, còn tàu Công Chúa chở 466 người.

Đây là những con tàu hàng cũ được độ lại và chuyển đổi công năng sang chở khách du lịch. Tàu Chi Mộng có rạp hát, căn tin, phòng oánh bài. Trên hành trình, du khách tham gia các trò chơi hâm nóng tinh thần ái quốc (yêu nước Trung Quốc) và xem bộ phim Nam Hải phong vân (南海风云). Đây là một phim tuyên truyền láo của Trung Quốc về Hải chiến Hoàng Sa do hãng phim Bát Nhất của quân đội nước này sản xuất năm 1976.

Không phải ai cũng có thể mua tua này, với giá từ 4k đến 30k nhân dân tệ. Những người có lý lịch sạch mới được mua.

CNN cho biết trong hành trình ba đêm bốn ngày, du khách sẽ đến thăm Bãi Xà Cừ (mà Trung Quốc gọi là Ngân Tự, 银屿) và Bãi Ốc Hoa (Trung Quốc gọi là Toàn Phú, 全富). Tuy nhiên, mình đọc trên trang Hải Hiệp Bưu luân (海峡邮轮) của Hải Hiệp Cổ phần bèn thấy họ quảng cáo ba điểm đến, ngoài hai điểm trên thì còn có thêm Bãi Ba Ba, mà Trung Quốc gọi là Áp Công (鸭公).

Cả ba điểm này đều thuộc cụm Lưỡi Liềm (mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Lạc). Đây là cụm đảo mà Trung Quốc nổ súng cưỡng chiếm từ tay Việt Nam Cộng Hòa trong sự kiện được biết đến với tên gọi Hải chiến Hoàng Sa 1974. (Hoàng Sa thường được chia thành hai cụm: Lưỡi Liềm và An Vĩnh, trong đó phần lớn An Vĩnh vốn đã bị Trung Quốc chiếm đóng từ giữa thế kỷ trước.)

Ốc Hoa, Ba Ba và Xà Cừ là những bãi nhỏ, phần lớn đều chìm dưới nước mỗi khi triều lên, nhưng ở đấy Trung Quốc đã lập những “làng chài”.

Cô Yan Huang (Hoàng Diễm?), 30 tuổi và đang làm nghiên cứu ở Đại học Griffith của Úc, sau khi đi hai chuyến ra Hoàng Sa bèn về làm một bài báo công phu hơn tám ngàn từ (bằng tiếng Anh, ở đây: shorturl.at/lryF0).

“Tuy nhiên, khi đến đảo thì du khách cũng chỉ loanh quanh mấy làng chài để mua đồ, ăn uống, chụp hình, ngắm cảnh quan và bơi trong một vùng biển kín,” cô Huang viết.

“Làng chài” (fishing villages) mà cô Huang miêu tả thì trên trang của Hải Hiệp Cổ phần tiết lộ rõ hơn. Theo đó, Bãi Xà Cừ có hơn một chục ngư dân sinh sống, có thiết bị khử mặn và máy phát điện chạy dầu. Bãi Ba Ba có hơn 100 ngư dân sinh sống.

Trong “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hải Nam 2017-2030” (海南省旅游发展总体规划), chính quyền Trung Quốc cho biết sẽ mở thêm các tuyến tàu du lịch mới và các chuyến bay chở khách tới Hoàng Sa. Xa hơn, họ còn bày tỏ tham vọng xây các khu nghỉ mát kiểu Maldives khắp Biển Đông, bao gồm những nơi họ chiếm đóng phi pháp ở bãi Scarborough và quần đảo Trường Sa. Đây chính là một phần trong tham vọng Con đường tơ lụa trên biển của Bắc Kinh.

Tua Hoàng Sa này của Trung Quốc được thiết kế cho mục đích chính là tuyên truyền chính trị, còn đi thăm thú chỉ là phụ.

Một cô tên là Yan Wang (Vương Ngạn?), 29 tuổi, sau khi đi về tỏ ra thất vọng: “Tôi bỏ tiền ra để được thư giãn chứ không phải chuốc thêm căng thẳng và âu lo. Cái tính chất nghiêm trọng của chuyến du lãm này vì thế không dành cho những ai chỉ muốn đi chơi thuần túy.”

Đả đảo Trung Quốc xâm lược!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.