Giấc mơ được ‘mở miệng’
Lê Tự Do
Bác Hồ dạy rằng: “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra”.
Năm 2020 khép lại với nhiều vấn đề, tạo nên nhiều cuộc bàn luận: từ câu chuyện đầu năm với những bất cập trong vấn đề thổi nồng độ; rồi thì câu chuyện ông chủ pate Minh Chay - “ăn chay trường, con kiến còn không nỡ giết”; phát thanh viên đài truyền hình quốc gia Việt Nam - VTV đã gọi những người bán hàng rong ở hè phố Sài Gòn là ký sinh - ký sinh trùng; chữ nghĩa trong sách Tiếng Việt 1; học sinh sử dụng điện thoại; bầu cử Mỹ… và cả con vi-rút đến từ Vũ Hán, Trung Quốc: Corona Virus (Covid-19).
Bước sang tháng đầu năm 2021, người dân lại tiếp tục bàn ra tán vào về vấn đề bầu cử ở đất nước cách xa Việt Nam nửa vòng trái đất; đại hội Đảng với hy vọng dàn nhân sự mới sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa đời sống của người dân, nhất là trong giai đoạn khó khăn do Covid-19 gây ra. Một trong những vấn đề mà được nhiều báo chí ở Việt Nam đưa tin (mỗi báo đưa mỗi kiểu khác nhau) là việc đưa ra xét xử ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.
Trên thế giới cũng như một số người ở Việt Nam đều cho rằng báo chí là quyền lực thứ 4, bên cạnh lập pháp - hành pháp - tư pháp. Đó là câu chuyện ở nước ngoài, về đến đất nước hình chữ S, cái gọi là quyền lực thứ 4 phải chịu sự chi phối bởi nhiều thứ.
Có thể nói, với Điều 4.1 Luật báo chí năm 2016, thì báo chí ở Việt Nam chưa thật sự là quyền lực thứ 4 cũng không có gì là lạ. “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân”.
Người làm báo luôn hướng tới đời sống của nhân dân, bên cạnh đó là những vấn đề thời sự diễn ra hằng ngày (cướp của, giết người, tai nạn giao thông, hỏa hoạn…). Đằng này, cái chức năng đó thay vì đứng đầu tiên, thì nó lại ở vị trí cuối cùng. Vô hình chung, nếu như có vấn đề gì đó mà ít nhiều đụng chạm đến một trong những chức năng đầu, tiếng nói của người dân sẽ thua cuộc?
Nói nào ngay, một vấn đề chịu sự chi phối bởi luật của một quốc gia sở tại là điều đúng đắn, Việt Nam lại là một đất nước có một hệ thống luật phải nói là khá đầy đủ, dù có đôi lúc thực thi những điều luật đó có lẽ cũng hơi cảm tính.
Ông Trung, một người dân sinh sống ở miền Đông Nam Bộ chia sẻ suy nghĩ về hai chữ tự do: “Tự do mà mình không nói được, cái đó không phải tự do. Tự do là phải là sự thật, chứ không phải tự do để nói không có, nói có, nước nào cũng vậy thôi. Ăn nhằm cái nhà lãnh đạo người ta chấp nhận cái điều kiện đó, thí dụ như thế”.
Điều 4.2, Luật báo chí 2016, khoản c có nêu rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí: “Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân”. Có thể nói, thay vì chính quyền phải tốn công, tốn sức cho việc thu thập ý kiến của người dân, thì việc đó đã có lực lượng phóng viên, nhà báo của các tờ báo thực hiện. Xét thêm về vấn đề thời gian, nhanh nhạy, kịp thời, có lẽ các phóng viên cũng nhanh hơn.
Và nếu đã là diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân thì phải chăng nên khuyến khích, cổ vũ, hỗ trợ nền báo chí tư nhân hơn chứ? Bởi trên hết, họ biết họ nên làm cái gì để có thể phát triển tờ báo trên cơ sở tuân thủ luật pháp Việt Nam.
L.T.D.
VNTB gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.