Hỏi đáp nhanh: Donald Trump bị luận tội lần hai
Huỳnh Minh Triết
26-1-2021
Cựu Tổng thống Trump chính thức bị luận tội lần hai. Sẽ có nhiều khác biệt so với lần trước.
Ông Donald Trump đã kết thúc nhiệm kỳ tổng thống và chuẩn bị ra tòa án luận tội tại Thượng viện lần thứ hai. Dưới đây là những gì bạn cần biết về vụ việc này.
Ông Trump bị luận tội gì?
Ngày 13/1, Hạ viện bỏ phiếu luận tội ông Trump với tội danh kích động bạo loạn chống lại chính quyền Hoa Kỳ, khi người ủng hộ ông tấn công Điện Capitol hôm 6/1. Hạ viện phê chuẩn việc luận tội Trump lần hai với kết quả bỏ phiếu là 232-197.
Hôm thứ Hai 25/1, Hạ viện đã gửi Điều khoản luận tội, hay cáo trạng, lên Thượng viện.
Tiếp theo ra sao?
Điều I, Khoản 2 và 3 của Hiến pháp Mỹ quy định: Duy nhất Hạ viện có quyền luận tội và duy nhất Thượng viện có quyền mở phiên xử để kết tội.
Luận tội hay đàn hạch chỉ là bước đầu tiên để kích hoạt tiến trình trừng phạt tổng thống hoặc một quan chức bị coi là phạm tội ăn hối lộ, phản quốc hoặc các tội trạng nghiêm trọng khác.
Lãnh đạo khối đa số tại Thượng viện Chuck Schumer (Đảng Dân chủ) thông báo phiên xét xử sẽ bắt đầu vào ngày 8/2. Việc kéo dài ngày xử án này là kết quả đàm phán giữa ông Schumer với các nghị sĩ Đảng Cộng hòa. Lý do là để cho ông Trump có đủ thời gian chuẩn bị bào chữa.
Nhưng ông Trump hết làm tổng thống rồi cơ mà?
Đúng vậy. Theo Hiến pháp, mục đích chính của đàn hạch và xét xử là phế truất tổng thống hoặc một quan chức chính quyền. Ông Trump đã xuống chức, tức là không còn cần phải phế truất ông khỏi vị trí tổng thống nữa.
Tuy vậy, Hiến pháp cũng không cấm việc xét xử luận tội một tổng thống đã rời nhiệm sở. Những người muốn luận tội còn muốn hủy tư cách tái tranh cử của Trump vào năm 2024.
Donald Trump phát biểu trước những người ủng hộ vào hôm 6/1, kêu gọi họ tiến về tòa nhà Quốc hội. Ảnh: Nytimes.
Ngày 12/1, cựu thẩm phán J. Michael Luttig viết trên tờ Washington Post rằng Quốc hội không còn quyền hiến định để tiếp tục thủ tục luận tội đối với Donald Trump sau khi ông rời nhiệm. Lý do là vì theo Hiến pháp, Thượng viện chỉ có quyền kết tội, hoặc tha bổng tổng thống đương nhiệm. Ngay sau đó, một số chính trị gia Đảng Cộng hòa lên tiếng kêu gọi hủy phiên xử tại Thượng viện.
Tuy nhiên, vào ngày 15/1, Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội ra một thông báo, theo đó mặc dù Hiến pháp không quy định rõ ràng, hầu hết các học giả kết luận rằng Quốc hội vẫn có quyền luận tội và xét xử một cựu tổng thống.
Laurence Tribe, giáo sư Đại học Luật Harvard, tranh luận rằng việc xét xử Trump là hợp hiến bởi vì trách nhiệm của Thượng viện trong quá trình luận tội bao gồm hai phần riêng biệt: phế truất và tước quyền cách tái tranh cử.
Khoản III, Điều I của Hiến pháp Mỹ quy định quyền hạn của Thượng viện như sau:
“Phán quyết trong các vụ buộc tội này không được vượt quá phạm vi cách chức và tước quyền của bị cáo trong việc đảm nhận một chức vụ danh dự hoặc có lợi lộc trong chính quyền Hợp Chúng Quốc.”
Theo đó, Tribe viết, việc cựu tổng thống không còn có thể bị cách chức là một chuyện. Nó không liên quan đến việc người này có thể bị cấm vĩnh viễn, không được nắm giữ chức vụ tương lai trong chính quyền nếu bị kết tội.
Steve Vladeck, chuyên gia luật của CNN, cho rằng việc Thượng viện có quyền cấm một cá nhân nắm quyền trong tương lai là bằng chứng rõ ràng cho thấy việc xét xử một cựu quan chức là hợp hiến.
Nếu không, một người có thể tránh khỏi việc bị tước quyền nắm giữ chức vụ về sau bằng cách từ chức ngay trước khi bị phế truất, Vladeck lập luận.
Akhil Reed Amar, giáo sư luật Đại học Yale cũng đồng tình với hai đồng nghiệp của mình. Ông nhận xét: “Thật là vô lý nếu bạn có thể thoát tội bằng cách từ chức trước khi bị định tội”.
Chính vì vậy, việc kết tội Trump sau khi ông hết nhiệm kỳ có thể nhằm đạt hai mục đích: trừng phạt về mặt danh dự và tạo cơ sở để Quốc hội cấm Trump tranh cử năm 2024.
Hôm thứ 19/1, Chuck Schumer, lãnh đạo khối đa số Thượng viện phát biểu: “Chúng ta cần phải lập ra tiền lệ rằng một tổng thống phạm tội nghiêm trọng nhất phải bị xử phạt bằng những công cụ nghiêm túc nhất mà Hiến pháp ban cho chúng ta – bị Thượng viện luận tội và kết tội, cũng như cấm nắm giữ chức vụ trong tương lai”.
Đã có ai bị kết tội sau khi hết nhiệm kỳ chưa?
Tiền lệ đứng về phía những người muốn luận tội Trump. Dẫu không phải là tổng thống, nhưng Thượng viện đã từng xử một quan chức nội các sau khi ông này từ chức.
Người ủng hộ Donald Trump bao vây và tiến vào tòa nhà Quốc hội vào ngày 6/1. Ảnh: Will Oliver/ EPA.
Năm 1876, khi Hạ viện chuẩn bị bỏ phiếu luận tội Bộ trưởng Chiến tranh William Belknap vì cáo buộc ăn hối lộ, Belknap tới Nhà Trắng, đưa đơn từ chức cho Tổng thống Ulysses S. Grant và bật khóc.
Nhưng Belknap không thoát. Hạ viện vẫn bỏ phiếu và thông qua điều khoản luận tội ông. Thượng viện vẫn tổ chức phiên xử với lập luận rằng việc từ chức không thể được dùng để biện hộ cho cáo trạng, nếu không, các quan chức chính quyền chỉ cần từ chức để thoát khỏi bị kết tội hoặc đàn hạch.
Tuy vậy, kết quả cuối cùng Belknap được tha bổng sau phiên xử bởi không đủ 2/3 số thượng nghị sĩ đồng ý kết tội ông.
Vậy là ông Trump sẽ bị cấm tái tranh cử nếu bị kết tội?
Không. Việc Thượng viện đồng ý kết tội ông Trump trong phiên xử luận tội không đồng nghĩa với việc ông sẽ tự động bị cấm ra tranh cử trong tương lai. Thượng viện sẽ cần tổ chức một phiên bỏ phiếu riêng, và chỉ cần đa số quá bán (51 phiếu) để cấm ông Trump ra tranh cử sau này.
Có hai tiền lệ trong lịch sử giúp Thượng viện Mỹ thiết lập thủ tục bỏ phiếu lần hai này.
Lần thứ nhất là vào năm 1862, khi West Hughes Humphreys, một thẩm phán liên bang bị Hạ viện luận tội. Tới phiên xử ở Thượng viện, các nghị sĩ quyết định sẽ tổ chức hai phiên bỏ phiếu riêng biệt, một là để cách chức Humphreys, phiên còn lại để quyết định xem có cấm ông nắm quyền về sau hay không.
Kết quả: 2/3 Thượng nghị sĩ đồng ý phế truất Humphreys ở lần bỏ phiếu thứ nhất. Ở lần thứ hai, Thượng viện chỉ cần đa số quá bán để tước quyền tiếp tục nắm giữ chức vụ công của cựu thẩm phán.
Một điều trùng hợp thú vị là cáo trạng luận tội Humphreys có đoạn: “Khi coi thường trách nhiệm công dân của mình, Humphreys đã cố gắng dùng các phát ngôn công khai để kích động bạo loạn và nổi dậy chống nước Mỹ”.
Tiền lệ thứ hai xảy ra vào năm 1913 với kịch bản tương tự. Thẩm phán liên bang Robert Archbald cũng bị 2/3 số nghị sĩ Thượng viện phế truất và sau đó bị hủy tư cách làm công chức trong tương lai qua một phiên bỏ phiếu đạt đa số quá bán (39-35).
Các tiền lệ này cho thấy rằng nếu ông Trump bị Thượng viện kết tội, ông cũng sẽ phải đối mặt với một phiên bỏ phiếu thứ hai để cấm ông ra tranh cử từ nay về sau.
Tất nhiên, Thượng viện nếu muốn kết tội được ông Trump là chuyện rất khó khăn. Cần ít nhất 67 phiếu, tức là ít nhất 17 phiếu của Đảng Cộng hòa để Thượng viện có thể kết tội ông. Không đủ số lượng này thì ông Trump được tha bổng.
Thế thì lần luận tội này khác gì với lần trước?
Một số người nói rằng đây chỉ là hành động cay cú trả thù của Đảng Dân chủ bởi việc luận tội Trump sau khi ông xuống chức không chỉ vô nghĩa mà còn bất khả thi. Ở lần luận tội thứ nhất năm 2019, chỉ có một thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa bỏ phiếu thuận cho cáo buộc Lạm dụng quyền lực. Nhưng lần này có thể sẽ khác.
Những người ủng hộ Trump tiến chiếm tòa nhà Quốc hội vào ngày 6/1. Ảnh: AP.
Thứ nhất, vai trò của ông Trump trong vụ bạo loạn hôm 6/1 đã khiến nhiều nghị sĩ Cộng hòa quay lưng lại với ông. Tại Hạ viện, 10 dân biểu Đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu luận tội Trump, trong đó có bà Liz Cheney, nhân vật đứng số ba của đảng này ở Hạ viện. Tại Thượng viện, lãnh đạo Mitch McConnell (Đảng Cộng hòa) được cho là đang muốn xóa hết ảnh hưởng chính trị của Trump khỏi đảng. Trong ngày cuối cùng làm lãnh đạo khối đa số, ông McConnell đã chỉ trích ông Trump kích động bạo lực: “Đám đông đã được mớm cho những lời dối trá. Họ đã bị Tổng thống và những người có thế lực khác kích động”.
Kết quả phiên xử sẽ khác lần trước nếu ông McConnell thuyết phục thêm đủ 16 thượng nghị sĩ đồng ý kết tội Trump.
Thứ hai, có các tin đồn rằng ông Trump đang rục rịch chuẩn bị lập Đảng Ái Quốc (Patriot Party) để quay trở lại chính trường vào năm 2024 (dù cũng có những thông tin mới nhất rằng ông đang “suy nghĩ lại” về ý định này). Nếu thật sự xảy ra, đây sẽ là một nguy cơ hủy diệt đối với Đảng Cộng hòa bởi khối cử tri ủng hộ Trump trong đảng này còn rất mạnh. Việc kết tội rồi cấm Trump ra tranh cử có thể cứu Đảng Cộng hòa khỏi nguy cơ bị chia năm xẻ bảy trong các cuộc bầu cử tiếp theo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.