Thứ Ba, 26 tháng 1, 2021

Kẻ sĩ của nền pháp quyền dang dở

 

Kẻ sĩ của nền pháp quyền dang dở

Tâm Chánh

25-1-2021

Ông Nguyễn Đình Lộc cùng nhóm “Kiến nghị 72“. Ảnh: internet

Một khung cảnh không hẳn đáng buồn nhưng lại thấm buồn khi nhận tin cựu bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc từ trần.

Ông Nguyễn Đình Lộc là một trụ cột luật học XHCN ở Việt Nam. Nhưng bản thân ông cũng không thể sử dụng tri thức ấy bảo vệ cho hành động đúng đắn của mình, cùng nhóm 72 trình bày ý kiến sửa đổi nền chính trị toàn trị của đảng.

Sự nghiệp của ông là những mảnh vá, chắp nối những lí lẽ biện minh cho tính bất toàn của nền luật học XHCN, khi áp đặt nó thân phận chính thống.

Nhưng đó lại là một luận văn sinh động về sự phát triển tư tưởng pháp luật ở Việt Nam, từ chỗ là công cụ của chế độ cầm quyền, đến tạo ra khuôn khổ cầm quyền của chính chế độ ấy.

Bản luận văn ấy đang dang dở.

Ngay từ chính vai trò bộ tư pháp mà ông là một bộ trưởng quả cảm và liêm chính. Cho đến nay, chỉ trong phạm vi pháp luật về tố tụng, dường như thực tế đang cùng lúc tồn tại ảnh hưởng từ các lò luật học chi phối cách hiểu pháp luật: lò luật học từ các trường an ninh, cảnh sát, lò luật học truyền thừa từ đại học pháp lí, và lò luật học mạnh về nghiên cứu luật học. Đây là một thực tế gian nan cho tiến trình cải cách tư pháp vốn được khai sinh dưới thời bộ trưởng tư pháp Nguyễn Đình Lộc.

Ông là một kẻ sĩ thực thụ của giới luật học, không cần thêm lời truyên bố “dù sao thì trái đất vẫn quay”.

Điều đó nhất quán trong hành trang tư tưởng của ông, từ chính những lần ông phải tham gia với tư cách là một giáo sư đỏ của đảng, như các lần biên soạn và sửa đổi hiến pháp sau 1975.

Nó nhất quán với phẩm đức một người thầy lôi cuốn, say sưa truyền cảm hứng.

Nó càng nhất quán với tư cách liêm chính của một bộ trưởng hào sảng, cởi mở.

Thế hệ nhà báo ù ù cạc cạc với những kiến thức về thể chế, về pháp quyền, các lí luận về quyền lứa chúng tôi tìm thấy trong các phát biểu của ông chỗ dựa tìm đến các hiểu biết mạch lạc. Rồi được bổ túc bằng các cuộc tiếp xúc cởi mở, khi thì phỏng vấn riêng, khi thì tụ tập năm ba người.

Chưa bao giờ tôi nghe trong các dịp gặp gỡ đó, ông nói theo lối tranh thủ chia sẻ về thành tích hay khó khăn của bộ. Lần nào cũng vậy là những điều say sưa về câu chuyện pháp quyền.

Có lần tôi còn bạo gan “rủ” bộ trưởng, có công tác trong Nam ghé nói chuyện với đội ngũ Tuổi Trẻ. (Hồi đó trẻ măng mà sao khoái đội ngũ thế. Với lại tôi còn nghĩ bộ trưởng một bộ còn mới mẻ như bộ tư pháp phải cần đến báo chí tụi tôi).

Vậy mà một buổi sáng bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc sau một cú điện thoại đã đến thật. Như lệ thường ông đầy cảm hứng.

Tôi thực sự biết ơn ông. Ngay cả khi ông không còn trong nhân gian nhỏ bé nhưng bụi bặm và trần ai này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.