Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2021

Dân biết cả đấy – thưa ông

 

Dân biết cả đấy – thưa ông

Blog VOA

JB Nguyễn Hữu Vinh

29-1-2021

Có lẽ một trong ít câu nói của Nguyễn Phú Trọng mà tôi đồng ý, đó là câu “Dân biết cả đấy” khi ông ta nói về công tác cán bộ. Rằng cán bộ phải thế nọ, phải thế kia đừng thế này, đừng thế khác… vì “dân biết cả đấy”.

Đã từ rất lâu, trước khi Đại hội 13 ĐCSVN tiến hành, thì khắp nơi mọi chốn vấn đề nóng nhất vẫn là kết quả cuộc xổ số có tính chất quốc gia: Nhân sự sau đại hội đảng.

Vấn đề được gọi cho hoa văn, cho mỹ miều là “nhân sự” thực chất là việc chia chác ghế bàn trong bàn cờ chính trị Việt Nam sẽ ra sao, sau một đợt chia chác lại bằng cái gọi là “Đại hội đảng”. Những chiếc ghế quyền lực nào được giao vào ai, người nào sẽ ngồi lên ghế đó và phe nhóm nào sẽ thắng thế trong cuộc đấu âm thầm nhưng khốc liệt này…

Thật ra, những lời bàn luận, những tranh cãi, những lưu ý của cộng đồng mạng hay dư luận xã hội, chỉ là sự tò mò của nhiều người lắm khi rỗi việc mà thôi. Còn nếu nói người dân quan tâm đến những con người đó, những chiếc ghế đó để hy vọng điều gì tốt hơn, thì chỉ là sự hão huyền và ảo tưởng.

Bởi dù là ai, là nhân vật nào, dù có tài giỏi hay tốt đẹp đến đâu, ngồi vào những chiếc ghế quyền lực trong hệ thống này, khi hệ thống tư tưởng chưa hề thay đổi, thể chế cộng sản vẫn còn, thì tất cả đều như nhau và đều… đểu.  Chẳng ai hy vọng gì một sự đột phá hay cách mạng. Chiếc vòng kim cô Mác – Lenin, sự bạo tàn và thói ích kỷ, kiêu ngạo của người cộng sản bủa vây quanh họ, không để cho họ bất cứ một lối thoát nào ra khỏi thể chế độc tài đó.

Thế nhưng, không phải vì thế mà những thông tin gọi là dư luận, là vỉa hè kia là không đúng, không chính xác. Nhiều khi, những thông tin đó còn đúng hơn cả thông tin chính thống. Thậm chí, nhiều khi những thông tin từ dư luận đã buộc hệ thống chính trị lúng túng mà thay đổi luôn cả nội dung chính những kịch bản đã được soạn sẵn cho những vấn đề đã xảy ra.

Trước khi đại hội 13 của ĐCSVN khai mạc, nhiều thông tin về những cuộc đấu đá dữ dội trong nội bộ đảng CSVN được đưa ra dư luận bằng nhiều cách, nhiều ngõ ngách đã cho thấy rằng: Khi sự độc tài đến đỉnh điểm, thì mọi điều đều có thể xảy ra mà không gây bất ngờ cho bất cứ ai.

Những cuộc mặc cả, đấu đá, loại bỏ lẫn nhau bằng nhiều phương pháp, bằng nhiều cách, đặc biệt sử dụng chiêu “Chống tham nhũng”, “đốt lò”… đã có tác dụng và hiệu quả cho phe thắng thế trong đảng.

Và những tiềm năng, những cơ hội của “phe củi” đã vị vặt đến mức tối đa. Hàng loạt quan chức được đưa lên thần tốc, làm mưa làm gió thời Nguyễn Tấn Dũng bị đưa vào lò bất kể “củi tươi hay củi khô”. Kể cả những kẻ có chiếc “Kim bài miễn tử” mang tên Ủy viên trung ương, thậm chí Ủy viên Bộ chính trị cũng không thoát khỏi cuộc thanh trừng nội bộ.

Điều đó khá rõ ràng, bởi điều ai ai cũng biết, dưới thời Nguyễn Tấn Dũng, vai trò của Đảng bị Dũng coi nhẹ và Dũng đã hoành hành như chốn không người, coi đảng chẳng ra gì. Và đó là cái tội lớn nhất của Dũng mà Nguyễn Phú Trọng không thể tha thứ ngay cả khi đã tuyên bố “về làm người tử tế”.

Tương tự, những trường hợp, kể cả là tội phạm của “phe lò” được che chắn lỹ lưỡng và đưa ra mặc cả sát sạt. Nhiều nhân vật thuộc “phe lò” bị báo chí nhắc đến, bị người dân chỉ mặt, vạch tên rõ ràng bởi không chỉ vi phạm mà là tội phạm hẳn hoi như Vũ Kim Cự, người trực tiếp có trách nhiệm vụ đưa Formosa và đầu độc biển Hà Tĩnh hay nhiều nhân vật khác đều “bị hạ cánh an toàn”.

Thế nhưng, phe này bại thì nhóm khác lại nổi lên, chỉ vì đơn giản là chưa bao giờ trong nội bộ đảng hết những sự lục đục và những chiếc ghế quyền lực vẫn có sức hấp dẫn rất lớn.

Và điều đơn giản nhất, đó là trong đám chóp bu kia, đều dạng “cá mè một lứa” chẳng con nào nhỉnh hơn con nào để có thể chọn lựa chắc chắn.

Có thể nói, không có cuộc đấu nào là đơn giản trong đảng, thế nhưng, cuộc đấu ở Đại hội 13 này là cuộc đấu khốc liệt và kết quả của nó là gì?

Trước tình hình người dân đọc vanh cách các nội dung của những “hội nghị trung ương” mà ở đó, tỷ lệ phiếu bầu bao nhiêu, uy tín từng cá nhân trong chóp bu đảng như thế nào… dù đảng giấu kín như đám xã hội đen bàn việc cướp, thì dân vẫn biết và mạng xã hội cũng kịp thời đưa lên để người dân rõ, nhà cầm quyền phải đưa ra cái gọi là “danh sách những tài liệu mật” nhằm ngăn chặn.

Điều mà những người trong đảng không đặt ra câu hỏi: Những thông tin vỉa hè, nhưng chính xác kia từ đâu ra, nếu không phải chính ở nội bộ đảng đang lục đục đến mức chẳng ai tin ai? Chính vì thế nhóm này, phe kia đã tung ra những điều đằng sau mà đảng muốn giấu kín, để cho cái gọi là sự đoàn kết nhất trí cao trong đảng như có thật.

Và rồi những thông tin được xì ra cho biết: Vấn đề của đảng không nằm ở phương hướng, đường lối phát triển hoặc những vấn đề có tính đột phá nhằm giúp đảng bước ra khỏi vũng lầy khủng hoảng từ lâu ở mọi mặt từ tư tưởng, đường lối, lý luận và nhân sự đảng.

Điều mà các cuộc họp hành, bàn bạc kín kín hở hở kia, chỉ là sự chia chác những chiếc ghế quyền lực trong đảng và trong hệ thống chính trị Việt Nam.

Nguyễn Phú Trọng, người đã từng tự nhận rằng: Tuổi cao, sức yếu, trình độ, năng lực hạn chế đã bỏ hết mọi việc liên quan, chỉ nhằm cho việc chia chác ghế bàn trong khóa tới, nhằm cài cắm chắc chắn nhất cho đám đàn em, để bảo vệ cái gọi là “sự lãnh đạo tuyệt đối” của đảng, thắt chặt hơn nữa chiếc gông cùm, vòng kim cô lên đầu lên cổ nhân dân.

Nguyễn Phú Trọng giữ tiểu ban nhân sự của Đại hội, và qua đó, chọn lọc, đưa ra những mưu mẹo, những quy định… nhằm loại bỏ tất cả đối thủ cho phe nhóm của mình.

Thế nhưng, sự đời đâu có một chiều như mong muốn. Những màn đấu đá kịch liệt trong đảng, những gương mặt được đưa lên để mặc cả, chia chác đã không đạt được ý đồ của mỗi bên.

Và cuối cùng, thì Nguyễn Phú Trọng lại muối mặt thò ra mục đích cuối. Đó là việc ông ta ngồi lỳ lại trên chiếc ghế quyền lực của mình. Chiếc ghế mà chỉ qua hai nhiệm kỳ vừa qua, đã là một gánh nặng quá mức với sức khỏe và trình độ, năng lực của Nguyễn Phú Trọng, nhưng là chiếc ghế đem lại nhiều nhất những quyền lực và bổng lộc mà ai trong đảng cũng mơ ước.

Khi những thông tin này được đưa ra ngoài, cả xã hội ngỡ ngàng.

Người ta ngỡ ngàng không vì sự nhiệt tình của đảng viên Nguyễn Phú Trọng trong việc “chấp hành sự phân công của đảng” như lời ông ta nói. Mà người ta ngỡ ngàng vì chẳng lẽ trên cương vị một quan chức ở cấp cao nhất, khi mà tứ phía có “tai mắt nhân dân”, có đồng chí, đồng đội cùng với những lời hô hào, quyết tâm của Nguyễn Phú Trọng rằng: “Kiên quyết loại ra khỏi Trung ương những kẻ có tham vọng quyền lực, có mưu đồ cá nhân” thì Nguyễn Phú Trọng lại ngang nhiên liếm lại bãi nước bọt đã nhổ ra của mình?

Và người ta hỏi nhau: Vậy cái ghế Tổng bí thư kia, nó không có quyền lực gì sao? Còn kẻ cố bám vào chiếc ghế đó, là người không tham vọng quyền lực thì tham vọng điều gì?

Vậy cả cái đảng với mấy triệu đảng viên vốn được tự ca ngợi là tinh hoa của dân tộc, khoa học của khoa học, là những người ưu tú nhất kia chẳng thể tìm ra được một kẻ nào xứng đáng hơn một ông già đã bại liệt ngay cả việc sinh hoạt cá nhân còn không tự lo nổi, còn đầu óc thì cả nước đã tặng cho danh hiệu “lú lẫn” từ lâu?

Rõ ràng điều này: Khi Nguyễn Phú Trọng cứ cố thủ ở lại trên chiếc ghế TBT, nghĩa là điều 17 trong Điều lệ Đảng CSVN bị vô hiệu hóa khi đã quy định rằng không ai được ngồi chiếc ghế này quá 2 nhiệm kỳ.

Và cái đảng kia, một đảng được tự xưng là tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh là sức mạnh của mình, tại sao lại để một mình cá nhân Nguyễn Phú Trọng có thể thao túng và khi cần thì bất chấp mọi điều lệ, quy định để cố thủ cái ghế của mình. Như vậy, cái Điều lệ đảng, vốn được coi như là cẩm nang, nguyên tắc, còn được coi trong hơn người Mỹ giữ Hiến pháp và còn quyền lực hơn cả súng đạn hoặc bom nguyên tử đã vì quyền lực cá nhân mà Nguyễn Phú Trọng cho vào sọt rác?

Nhưng, điều người dân ngạc nhiên hơn, không chỉ là việc cả cái đảng kia với mấy triệu đảng viên đã nhu nhược câm lặng cho anh lú diễn hề, không chỉ là việc gần 100 triệu dân Việt Nam vốn rất hăng hái tranh cãi đến chia rẽ vì cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, mà chẳng mấy ai quan tâm đến cuộc bầu bán, chia chác ngay trên đầu, trên cổ mình.

Mà điều người ta ngạc nhiên nhất, ở đây lại chính là Nguyễn Phú Trọng với những lời lẽ đao to, búa lớn và sự ngô nghê lừa đảo cả đất nước, cả thế giới như trò diễn “Tôi hết sức ngạc nhiên được bầu lại chức vụ này dù tôi đã từ chối vì tuổi cao, sức yếu và khả năng, năng lực có hạn”.

Bởi người ta thấy rõ, những ngày qua, những lời của Nguyễn Phú Trọng về nhân sự đảng đều là những từ ngữ sáng choang, rạng ngời tư cách và liêm sỉ… Rằng thì là “Công tác nhân sự phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học, nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự công bằng, trong sáng, khách quan. Đặc biệt là phải có con mắt tinh đời trong việc giới thiệu, đánh giá, lựa chọn cán bộ”.

Phải chăng, cái khoa học, công tâm, công bằng, trong sáng và khách quan, tinh đời ở đây mới chọn ra được chính ông ta?

Việc Nguyễn Phú Trọng hô hào rằng: “phải đặt sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết; kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, chạy chức, chạy quyền…”thì chỉ riêng việc xé bỏ điều lệ đảng, chỉ riêng việc tập trung mọi mưu đồ, thời gian và công sức cũng như bằng mọi cách, kể cả vô liêm sỉ nhất để đoạt lấy và chiếm giữ ngai vàng quyền lực, thì chẳng cần nói, ai cũng biết thực chất đằng sau câu nói đó là gì.

Và có một điều Nguyễn Phú Trọng hình như không biết. Đó là ông ta tưởng với những lời lẽ hào nhoáng, với hệ thống tuyên truyền hùng hậu, dàn báo chí xu nịnh và hệ thống cán bộ nhu nhược chỉ biết cúi mặt nhẫn nhục cho ông ta diễn hề thì người dân không biết những gì thật sự đang diễn ra trong nội bộ đảng và hệ thống chính trị?

Xin thưa là không.

“Dân biết cả đấy”. Vấn đề là họ có nói hoặc không thèm nói thôi. Thưa ông!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.