Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021

Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc (1935-2021), người để lại nhiều dấu ấn cải cách

 

Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc (1935-2021), người để lại nhiều dấu ấn cải cách

Huy Đức

27-1-2021

Ông Nguyễn Đình Lộc, cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp (người ngồi giữa) trong một cuộc họp. Ảnh: Báo Giáo Dục

Thời kỳ sau Đổi Mới, tiến sỹ Nguyễn Đình Lộc là một trong những người để lại dấu ấn lên tiến trình lập hiến và lập pháp của Việt Nam nhiều nhất. Cho dù được đào tạo theo tinh thần “pháp chế xã hội chủ nghĩa”, ông Lộc vẫn chịu ảnh hưởng bởi tư duy pháp quyền từ thế hệ cha anh Tây học.

Ông Lộc biết rõ không gian hình thành Hiến pháp 1959, Hiến pháp, theo ông, mới thực sự là “Hiến pháp Hồ Chí Minh”. Ông tham gia với vai trò chuyên viên khi Quốc hội làm Hiến pháp 1980. Và, là “Chủ biên” của Hiến pháp 1992 – Hiến pháp đưa nước ta căn bản thoát ra khỏi mô hình Xô – Viết.

Những Bộ luật quan trọng sau đó, thiết lập những hành lang pháp lý căn bản cho kinh tế thị trường hình thành, ông đều đóng vai trò quan trọng nhất như: Bộ Luật Dân sự 1995; Bộ Luật Hình sự 1999.

Tôi chứng kiến cuộc tranh luận nảy lửa giữa ông, lúc ấy đã là Bộ trưởng Tư pháp và Chánh án TAND Tối cao Phạm Hưng khi Quốc hội thảo luận Luật Tổ chức Tòa án. Chánh án Phạm Hưng muốn Tòa án Tối cao quản lý tòa theo ngành dọc. Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc ủng hộ phương án Bộ Tư pháp phối hợp với Tòa án Tối cao quản lý tòa địa phương.

Ông Lộc cho rằng, tòa án không phải là một cơ quan hành chính để cấp trên quản lý cấp dưới mà là một cơ quan xét xử. Theo ông, việc tòa án cấp dưới phụ thuộc tòa án cấp trên về mặt tổ chức là nguyên nhân nảy sinh hiện tượng “thỉnh thị án”, hiện tượng “án bỏ túi”.

Bộ Tư pháp, trong kỳ họp ấy, còn gửi đến các đại biểu Quốc hội một “sách trắng” cho thấy: Nhiều tòa án cấp tỉnh đã xếp lịch cụ thể để lên thỉnh thị án; năm 1988, do tòa hình sự Tòa án Nhân dân Tối cao có văn bản chỉ thị tòa án Hà Nam Ninh xử một bị cáo năm năm tù mà bị cáo này đã bị ức chế, dùng súng bắn hai cán bộ tòa án rồi tự sát.

Chiều ngày 5-10-1992, Quốc hội đã quyết định để Bộ Tư pháp phối hợp với Tòa tối cao quản lý tòa địa phương. Cho dù “thỉnh thị án” vẫn tồn tại dưới nhiều cách thức. Quyết định này đã có ảnh hưởng rất nhiều.

Trong thời kỳ chuẩn bị Hiến pháp 1992, tôi có rất nhiều cuộc phỏng vấn, trò chuyện với ông. Thời làm Bộ Luật Dân sự 1995, tôi tiếp tục phỏng vấn và có vài tranh luận với ông, cả trên báo và trong phòng Bộ trưởng. Cả về tư duy và nhận thức, những “diễn biến” trong ông, từ Hiến pháp 1992 đến “Nhóm kiến nghị 72”, là một tiến trình. Sở dĩ có tiến trình đó, bởi ông còn là một trí thức không ngừng học hỏi.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Lộc là người rất có ảnh hưởng lên những cải cách tư pháp trong thập niên 1990. Những ảnh hưởng có được đó không chỉ vì những chức vụ ông nắm giữ mà còn vì tư duy và mức độ uyên thâm của ông thường vượt lên những người cùng địa vị và cùng thời khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.