Thứ Tư, 27 tháng 1, 2021

TỤC TIỄN TÁO QUÂN CỦA VN VÀ TQ KHÁC NHAU NHƯ THẾ NÀO?

 

TỤC TIỄN TÁO QUÂN CỦA VN VÀ TQ KHÁC NHAU NHƯ THẾ NÀO?

Tranh Táo Quân Việt Nam.
Tục tiễn Táo quân của Việt Nam 
và Trung Quốc khác nhau như thế nào?

Hậu Thạch tổng hợp

08:05 - 11 tháng 2, 2015 

Cùng là những nước Á Đông nên văn hóa Việt Nam và Trung Quốc có nhiều nét giống nhau. Một trong những điểm tương đồng thú vị ấy là phong tục tiễn Táo quân ngày Tết. 

Nguồn gốc 

Ở Việt Nam ngày "ông Công ông Táo" bắt nguồn từ sự tích Táo quân hay "ba ông đầu rau". Dù sự tích này có nhiều dị bản nhưng đều theo một mô-típ chung đó là câu chuyện về ba người, do những hoàn cảnh éo le mà trở thành hai chồng một vợ. Sau khi mất họ vẫn yêu thương nhau nhưng không muốn chia lìa. Cảm động vì điều đó Ngọc Hoàng phong họ làm Táo quân (hay ba ông đầu rau) quản việc bếp núc gia đình, và ngày 23 tháng Chạp hàng năm phải về trời trình báo việc hạ giới. (Ảnh: Tranh dân gian Đông Hồ)


Với Trung Quốc, Táo Quân, hay Táo Vương còn được tôn kính gọi là "Đông trù tư mệnh Táo chủ Thần quân" nghĩa là vị thần cai quản việc bếp núc cũng như bản mệnh, phúc họa của mỗi gia đình. Nguồn gốc Táo quân của người Trung Quốc cũng rất đa dạng và phong phú nhưng truyền thuyết về cặp đôi "thần bếp" với chồng tên Tô Cát Lợi và vợ Vương Thị được xem là phổ biến hơn cả. Người Trung Quốc cũng làm lễ Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, một số nơi ở phía nam thì tổ chức muộn hơn một chút vào ngày 24 tháng Chạp. (Ảnh: Tranh Dân gian Đông Bắc Trung Quốc)

Địa điểm tiến hành lễ
 


Người Việt thường bày mâm cỗ trước bàn thờ gia tiên để làm lễ tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời. Họ quan niệm Táo quân không chỉ đơn thuần là vị thần bếp mà còn được coi là Thổ công, Thổ địa, vị thần cai quản mọi việc trong gia đình. Vì vậy có thể nói Táo quân là một vị thần tối thượng trong mỗi gia đình Việt. (Ảnh:Đời sống pháp luật)
 


Trong khi đó người Trung Quốc lấy gian bếp là địa điểm chính để tiến hành nghi lễ tiễn Táo Quân lên thiên đình. Họ quan niệm Táo quân mang ý nghĩa quan trọng nhất là cai quản việc bếp núc và duy trì ngọn lửa hạnh phúc cho gia đình.(Ảnh: An Dương tân văn mạng)

Đồ cúng




Người Việt sắm đồ cúng thường có 3 chiếc mũ ông công, trong đó hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Những đồ vàng mã này sẽ được hóa (đốt đi) sau lễ cúng ông Táo. (Ảnh : Ngôi Sao) 




Đồ cúng của người Trung Quốc đơn giản hơn một chút. Họ chỉ cần đi mua một bức tranh có hình Táo quân về rồi dán vào bức tường phía trên bếp, sau đó tiến hành các nghi thức cúng bái. (Ảnh: An Dương tân văn mạng)

Mâm lễ



Mâm lễ của người Việt trong ngày cúng ông Công ông Táo được chuẩn bị rất tươm tất bao gồm: Đĩa xôi, gà luộc, rượu, hoa quả... Nếu nhà nào gói bánh chưng trước Tết thì còn bày thêm một hoặc hai chiếc bánh lên mâm lễ. (Ảnh: VOV)


Trong khi đó mâm lễ của người Trung Quốc sẽ thịnh soạn tùy từng gia đình nhưng không thể thiếu các món bánh gạo hay kẹo lạc truyền thống. (Ảnh: Baidu.com)

Phương tiện để Táo quân lên chầu trời



Đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm người Việt thường tìm mua 3 chú cá chép về để cúng Táo quân. Theo quan niệm của người Việt cá chép vượt của Vũ Môn sẽ hóa rồng và bay lên thiên đình. Vì vậy chúng trở thành phương tiện đi lại của các vị thần Táo. Sau khi cúng ông Táo xong mọi người sẽ tìm ao hồ, sông suối rồi thả cá chép xuống nước như một nghi thức phóng sinh. (Ảnh: Ngôi Sao)
 

Với người Trung Quốc, Táo quân của họ sẽ lên thiên đình bằng ngựa. Bởi vậy mỗi gia đình Trung Quốc thường cúng một con ngựa tre trong ngày này để giúp các vị Táo đi lại thuận tiện hơn. (Ảnh: Hải Điến mạng).


5 nhận xét :

  1. Riêng về cá chép,
    rất nhiều người lẫn lộn ba khái niệm 
    CÁ ÔNG TÁO 
    với CÁ HÓA RỒNG 
    và CÁ PHÓNG SINH.
    Cá hóa rồng phải đợi đến tháng ba, có mưa rào, 
    cá chép ngược dòng nước chảy, đi vật đẻ, 
    người ta nói nó đi vượt VŨ MÔN để hóa rồng, 
    và chỉ con nào vượt qua được thác (cửa Vũ) mới hóa rồng được. 
    Đằng này 
    cá cho Ông Táo cưỡi lên Thiên Đình, 
    đi từ 23 tháng chạp, đến 30 đã về, 
    khứ hồi trong có bảy ngày thì hóa rồng vào lúc nào.
    Còn việc phóng sinh, 
    thì người ta thả nhiều loại động vật, 
    cá thì giống nào cũng được, 
    không cứ cá chép, 
    và không nhất thiết ngày nào.
    Và quan trọng nhất là việc phóng sinh là "trả tự do vô điều kiện" 
    không giao phó bất cứ một nhiệm vụ nào. 
    Đằng này cá Ông Táo phải làm phương tiện "phi cơ chuyên dụng" 
    cho Ông đi và về giữa hai phi trường Nhà Bếp và Thiên Đình mà.
    Rồi sau đó số phận cá ra sao thì do Ông Táo quyết định
    và may mắn nhất là được làm CÁ CHÉP TỰ DO.

    Chân Không tôi xin cẩn cáo để các Cao Minh cẩn cứu.

    Trả lời
    Trả lời
    1. Có lý, minh bạch. Hay phết.

    2. Xuân Tóc Đỏ09:39 11 tháng 2, 2015

      Ôi vậy ra cá chép phải trút bỏ hết các tế bào sinh sản đang có ra khỏi cơ thể thì mới hóa rồng được sao.
      Người làm vậy có được không.

    3. Tôi chả bàn chuyện mình không biết làm chi cho mất thời gian.

  2. Có điều này muốn được thỉnh tiến sỹ Xuân Diện cùng các cao nhân chỉ giáo. Đó là: 
    Như ta đã biết Táo Công gồm 2 ông + 1 bà và "phương tiện" lên trời các vị ấy là cá chép. Vậy xin hỏi khi mua cá để cúng ông Công ông Táo có cần phải để ý đến GIỚI TÍNH CỦA NHỮNG CHÚ CÁ ấy hay không? 
    Tôi đã hỏi một số người. Có 3 ý kiến khác nhau như sau:
    1- Chọn CẢ 3 LÀ CÁ ĐỰC với lý do: Cá đực khỏe, giúp các Táo đi lại nhanh đặng kịp buổi chầu.
    2- Chọn 1 chị cái cho Táo bà và 2 chú đực cho các Táo ông với lý luận: PHƯƠNG TIỆN và NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN có HỢP GIỚI TÍNH với nhau thì mới dễ vận hành.
    3- Chọn 1 chú đực cho Táo bà và 2 chị cái cho các Táo ông với lập luận: ÂM phải đi với DƯƠNG và ngược lại; như thế mới thuận theo thuyết âm dương ngũ hành.
    Đặc biệt lưu ý: Nếu là cá cái thì không được mua con đang có chửa, vì như thế sẽ phạm luật "bảo vệ bà mẹ và trẻ em"...
    Xin tiến sỹ Xuân Diện và các cao nhân chỉ đạo cho phải lẽ. 
    Cám ơn rất nhiều!

    Trả lời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.