Để giữ Hoàng Sa và Trường Sa lại thật gần
Nguyên Sa
Bất chấp những tranh cãi còn chưa có hồi kết về chủ quyền, Trung Quốc đã ngang nhiên chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa từ hàng chục năm nay. Với thế lực của mình, chính quyền Bắc Kinh, không nghi ngờ gì, sẽ tiếp tục leo thang trong việc giành quyền kiểm soát trên biển Đông.
Giữ Hoàng Sa và Trường Sa “ở trong tim”, trong tình thế đó, nghe có vẻ lãng mạn. Nhưng đó lại là cách tốt nhất và bền vững nhất để mỗi người dân Việt Nam góp phần giữ gìn đất nước. Hoàng Sa và Trường Sa sẽ không mất đi, nếu như có 100 triệu người Việt hiểu biết, tin tưởng, và gần gũi với hai địa danh này, dù là trong tâm trí. Vì chính trong cảm thức tập thể đó, đất nước hình thành.
Sự gần gũi với hai quần đảo truân chuyên có thể bắt đầu từ một cuốn từ điển nhỏ.
Ảnh vệ tinh chụp nhóm Trăng Khuyết (Crescent Group), thuộc quần đảo Hoàng Sa. Nguồn: USGS/NASA Landsat /Orbital Horizon/Gallo Images/Getty Images.
“Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam!”
Với những nỗ lực tuyên truyền về biển đảo từ trước đến nay, có lẽ người dân Việt Nam nào cũng thuộc lòng lời khẳng định này. Số người thực sự có được một hình dung nào đó về hai quần đảo thì ít hơn. Những người thực sự có cơ hội đặt chân đến hay nhìn tận mắt hai vùng lãnh thổ trường kỳ nằm trong tranh chấp này còn ít hơn nữa. Với số đông công chúng, những gì họ quen thuộc có lẽ chỉ là một câu nói nghe nhiều đến mức nằm lòng, và những bài hát về chủ đề biển đảo không ngừng được phát trên truyền hình, như “Nơi đảo xa”.
Trường Sa và Hoàng Sa quả là có vẻ rất xa.
Bản thân biển đảo, hàng hải lại là một vấn đề phức tạp. Nếu không có sẵn mối quan tâm nghiên cứu về chủ quyền biển đảo, một độc giả thông thường có lẽ sẽ chẳng bao giờ bỏ ra vài trăm nghìn đồng để mua một cuốn sách trình bày dữ kiện lịch sử chứng minh chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa. Thông tin trên báo chí cũng thường đi vào những cuộc tranh chấp địa chính trị xoay quanh hai quần đảo này.
Nhưng chúng ta không cần phải đến được Hoàng Sa hay Trường Sa, cũng không nhất thiết phải quan tâm đến địa chính trị hay chủ quyền quốc gia hoặc công pháp quốc tế để bắt đầu tìm hiểu về biển đảo. Mọi thứ có thể khởi nguồn từ một vài hình ảnh, một vài cái tên, một vài hình dung được tạo nên từ một cuốn sách nhỏ.
Cuốn sách “Để đảo xa thành gần” của nhóm Trúc Nam Sơn có thể gợi nên hứng thú cho những người muốn bắt đầu tìm hiểu về hai vùng lãnh thổ nhiều thăng trầm của đất nước. Nhóm Trúc Nam Sơn, gồm sáu thành viên chính, là những nhà nghiên cứu hàng đầu về biển Đông. Sách được Quỹ Nghiên cứu Biển Đông ra mắt và công bố miễn phí cho công chúng vào năm 2013, nhân dịp kỷ niệm 25 năm trận hải chiến Trường Sa (14/3/1988).
Đá Chim Yến (trái), thuộc quần đảo Hoàng Sa và Đá Suối Ngọc (phải), thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh chụp từ sách “Để đảo xa thành gần”.
Các tác giả đã dành ra một năm để kết hợp những bức ảnh chụp các hòn đảo qua vệ tinh của Google với dữ liệu từ cuốn sách “Hàng hải chỉ nam – Biển Đông và Vịnh Thái Lan” (Sailing Directions Enroute – South China Sea and the Gulf of Thailand) của Cục Tình báo Địa Vệ tinh thuộc quân đội Mỹ.
Bằng cách đó, họ tạo nên một cuốn từ điển địa lý, dù chỉ dày hơn 100 trang, nhưng có một đóng góp độc nhất vô nhị. Những thông tin chi tiết, những mô tả tỉ mỉ về hơn 100 đảo, đá, bãi cạn, cồn cát, vòng san hô, phá, thềm ở Hoàng Sa và Trường Sa, kết hợp với những bức ảnh màu được lựa chọn công phu, tạo nên một cuốn sách vừa có tính tham khảo cao, lại vừa dễ hiểu và gợi hứng thú.
Các tác giả chia sẻ trong sách rằng họ đã rất ngạc nhiên vì “vẻ đẹp phi thường” của hai quần đảo, dù chỉ được nhìn thấy qua hình ảnh vệ tinh. Đọc sách, ta thấy như được đi một chuyến ra đảo, cùng với một hướng dẫn viên có hiểu biết chi tiết ở tầm chuyên viên tình báo Mỹ và một niềm say mê bất tận dành cho hai quần đảo này. Bạn thậm chí có thể xem sách với một bạn nhỏ thích tìm hiểu về địa lý, bắt đầu cùng xây dựng những nhận thức đầu tiên về Hoàng Sa và Trường Sa.
Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích không chỉ cho những người quan tâm đến biển đảo, mà còn có thể đóng vai trò như một cuốn cẩm nang thiết thân cho những người đi biển: những thủy thủ, ngư dân hay những người đang sống và làm việc trên các giàn khoan ngoài khơi.
Có thông tin về hướng gió, dòng chảy, hướng lũ. Có cả chỉ dẫn về hướng tàu chạy thế nào cho an toàn, thuyền mành Trung Quốc trông ra sao, và cá thì thường trú ẩn ở đâu. Chẳng hạn:
“Thông thường thì thuyền mành Trung Hoa có cánh buồm nhỏ nhất nằm phía trước. Thuyền buôn lớn có năm cột buồm, với hai cánh buồm nhỏ nằm phía sau”.
“Những chỗ nguy hiểm nhất ở Biển Đông thường được bao quanh bởi các vùng nước sâu, làm cho phương pháp đo độ sâu bằng thủy âm thành vô dụng khi tiếp cận chúng. Khi tiến gần tới một điểm nguy hiểm, cần chạy tàu với hướng mặt trời chiếu từ phía đuôi tới mới có thể dễ dàng nhận thấy các vùng nước cạn hoặc sóng tràn”.
Ở mỗi phần giới thiệu về một vùng biển lớn đều có nêu rõ những dấu hiệu nhận biết vùng nguy hiểm và những lưu ý khi tiếp cận. Chúng vừa tỉ mỉ lại vừa chu đáo, thể hiện quan tâm đến sự an toàn của người đi biển.
Đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh chụp từ sách “Để đảo xa thành gần”.
Có hơn 100 cái tên địa danh khác nhau được nhắc đến trong cuốn từ điển địa lý này. Các tác giả đã dày công đối chiếu các tên gọi này trong nhiều ngôn ngữ khác nhau để tạo ra những mối liên kết hữu ích cho việc tra cứu thông tin thêm. Ở phần chú thích của từng địa danh còn có cả thông tin về nơi đóng quân của quân đội Việt Nam và tình hình tranh chấp về chủ quyền cho đến thời điểm đó.
Có những cái tên mỹ miều như Bãi Huyền Trân (Alexandra Bank), Bãi Quế Đường (Grainger Bank), Đảo Nam Yết (Tizard Bank). Cũng có những cái tên dung dị như Bãi Vũng Mây Nhỏ (Johnson Patch), Đá Đền Cây Cỏ (Western Reef), hay Đá Hoa Lau (Swallow Reef).
Bạn đọc quan tâm đến đến trận chiến ở Gạc Ma năm 1988 cũng có thể có thêm kiến thức về địa danh này. Gạc Ma là một rạn đá (reef) có tên tiếng Anh là Johnson, nằm ở tọa độ 9 độ 42 phút vĩ Bắc và 114 độ 7 phút kinh Đông, thuộc vùng quần đảo Trường Sa. Bạn có thể sẽ lần đầu tiên biết được rằng đá ở Gạc Ma là “đá núi lửa màu nâu với san hô trắng viền rìa bên trong”; và ở phía Tây Nam của rạn đá, nước biển đổi màu.
Có những cái tên có lẽ chưa từng được nghe đến, cũng có những thứ khác chỉ có trong tiếng Anh hoặc tiếng Trung mà chưa bao giờ tồn tại trong tiếng Việt. Điều này cũng là một lời nhắc về cách chúng ta đang nuôi dưỡng và giáo dục cảm thức về chủ quyền lãnh thổ của mình.
Sau khi đọc xong cuốn sách, nhận thức về Hoàng Sa và Trường Sa của người đọc có thể mở rộng ra, không còn chỉ là một khẩu hiệu hay tên những trận chiến, mà được cụ thể hóa thành những cái tên đảo, bãi, đá, cồn cát, thềm san hô.
Sự gắn kết với một nơi chốn có thể bắt đầu chỉ từ một cái tên thân thương.
Phạm Đoan Trang từng giới thiệu cuốn sách “Để đảo xa thành gần” ngay từ khi nó ra mắt vào năm 2013. Đoan Trang đã từng là một thành viên của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, và là cây bút đi đầu trong việc viết về vấn đề biển Đông và quan hệ Việt – Trung từ năm 2008. Đoan Trang gọi cuốn sách nhỏ này là “một nỗ lực để Hoàng Sa, Trường Sa luôn trong tim”.
Bất chấp những tranh cãi còn chưa có hồi kết về chủ quyền, Trung Quốc đã ngang nhiên chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa từ hàng chục năm nay. Với thế lực của mình, chính quyền Bắc Kinh, không nghi ngờ gì, sẽ tiếp tục leo thang trong việc giành quyền kiểm soát trên biển Đông.
Giữ Hoàng Sa và Trường Sa “ở trong tim”, trong tình thế đó, nghe có vẻ lãng mạn. Nhưng đó lại là cách tốt nhất và bền vững nhất để mỗi người dân Việt Nam góp phần giữ gìn đất nước. Hoàng Sa và Trường Sa sẽ không mất đi, nếu như có 100 triệu người Việt hiểu biết, tin tưởng, và gần gũi với hai địa danh này, dù là trong tâm trí. Vì chính trong cảm thức tập thể đó, đất nước hình thành.
Mở cuốn sách này có thể là bước đầu tiên để bạn đến gần hơn với hai vùng lãnh thổ nhiều truân chuyên của đất nước.
Bạn có thể tìm đọc quyển sách “Để đảo xa thành gần” theo đường link này.
***
Bài viết nằm trong chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
N.S.
Nguồn: luatkhoa.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.