Thứ Ba, 5 tháng 1, 2021

Hội nghị Trung ương 15, nhân sự đặc biệt và đề cử “tứ trụ” (Phần cuối)

 

Hội nghị Trung ương 15, nhân sự đặc biệt và đề cử “tứ trụ” (Phần cuối)

Phạm Vũ Hiệp

4-1-2021

Tiếp theo phần 1

Tám Ủy viên Bộ Chính trị quá độ tuổi tái cử theo quy định là:

– Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (sinh năm 1944, 77 tuổi);

– Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng (sinh năm 1953, 68 tuổi);

– Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, nhiệm kỳ 2016 – 2021 (sinh năm 1953, 68 tuổi);

– Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (sinh năm 1954, 67 tuổi);

– Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (sinh năm 1954, 67 tuổi);

– Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (sinh năm 1954, 67 tuổi);

– Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng (sinh năm 1954, 67 tuổi);

– Phó thủ tướng Trương Hòa Bình (sinh năm 1955, 66 tuổi).

Tám ủy viên Bộ Chính trị quá tuổi: Trọng, Phúc, Ngân Lịch — Nhân, Phóng, Vượng, Bình

Ông Trọng rút lui vì già yếu và bệnh tật. Năm trong số bảy người còn lại được đánh giá cao gồm: Phúc, Vượng, Ngân, Bình, Lịch. Nếu chỉ được chọn đề cử 2 trong số 5 người, thì phải xem vị trí mà họ sẽ “so găng”.

1. Tranh chức Tổng bí thư: 

Ở vị trí này, chỉ có ba người đủ tầm đấu với nhau là: Nguyễn Xuân Phúc, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Thị Kim Ngân.

Trong quá khứ, Thủ tướng nhảy lên làm Tổng bí thư (TBT) chỉ có mỗi Đỗ Mười. Thường trực Ban bí thư lên nắm TBT thì có Nguyễn Văn Linh và Lê Khả Phiêu. Chủ tịch Quốc hội làm TBT có Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng.

Xét từng nhân sự:

i) Nguyễn Xuân Phúc: Từng ngồi ghế Ủy viên Bộ Chính trị hai khoá, đương kim tứ trụ. Phúc nhiều uy tín, phiếu tín nhiệm tại Trung ương cao. Ngặt nỗi theo vùng miền, dân từ vĩ tuyến 17 trở vào, xét lịch sử chỉ có độc mỗi Lê Duẩn ngồi ghế Tổng Bí thư.

ii) Trần Quốc Vượng: Từng ngồi một khoá trong Ban Bí thư, một khoá là Ủy viên BCT. Uy tín không cao nhưng ông Vượng được tiếng trong sạch, lại là dân “miền Bắc có lý luận” và được Nguyễn Phú Trọng hậu thuẫn.

Phe ủng hộ ông Vượng cho rằng, ông ấy sẽ quyết liệt chống tham nhũng. Chọn ông Vượng sẽ giữ được tinh thần “đốt lò” của ông Trọng, lấy lại uy tín của Đảng trong nhân dân.

Phe không ủng hộ thì đánh giá ông Vượng là người bảo thủ, giáo điều. Chọn Tổng Bí thư là chọn người cầm trịch của Đảng, lèo lái đất nước giàu về kinh tế, hùng mạnh về quốc phòng, nở mặt với quốc tế… chứ không phải chỉ suốt ngày đóng cửa đánh nhau, thanh trừng phe phái.

iii) Nguyễn Thị Kim Ngân: Hai khoá là Ủy viên Bộ Chính trị, đương kim tứ trụ, uy tín cao, phiếu tín nhiệm Trung ương cao. Ngôi vị TBT đảng cộng sản VN chưa từng có tiền lệ dành cho phụ nữ.

Hơn nữa, tuổi 67 với nữ cũng là một điểm trừ của bà Ngân. Thế nhưng, nếu cặp Vượng-Phúc không ai chịu ai, đôi khi “ngư ông đắc lợi” lại là bà Ngân.

Theo Quy định 214, ban hành ngày 2/1/2020, tiêu chuẩn hàng đầu của TBT “Có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân” thì ưu thế được giữ lại của ông Phúc vẫn khá hơn.

Phúc, Vượng Ngân, ai sẽ là Tổng bí thư?

2. Tranh chức Chủ tịch nước: 

Vị trí này, cơ hội được đề cử sẽ chia đều cho cả bốn người: Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân, Trương Hoà Bình và Ngô Xuân Lịch. Hai nhân vật Phúc, Ngân đã nói ở trên, còn lại là:

– Trương Hoà Bình, một khoá Ban Bí thư, một khoá Ủy viên Bộ Chính trị. Sáu Bình vốn khiêm nhường, gia đình vợ con không điều tiếng gì, chỉ sắp bước qua tuổi 66 (sinh ngày 13/4/1955), lại là đương kim Phó thủ tướng thường trực, cơ hội ông Bình được giữ lại rất lớn. Nhiều người đánh giá, nếu không nắm được Chính phủ, chức Chủ tịch nước (CTN) có thể sẽ thuộc về ông Bình.

– Ngô Xuân Lịch, một khoá Ban bí thư, một khoá Ủy viên Bộ Chính trị. Tiền lệ có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh được kéo lên ghế Chủ tịch nước. Ngô Xuân Lịch có uy lực là đang nắm binh quyền trong tay.

Trong số 12 đời Chủ tịch nước, thì phía Nam đã nắm giữ ghế này đến 8 lần:

– Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) quê Quảng Nam

– Tôn Đức Thắng (1888-1980) quê An Giang

– Nguyễn Hữu Thọ (1910-1996) quê Long An

– Võ Chí Công (1912-2011) quê Quảng Nam

– Lê Đức Anh (1920-2019) quê Thừa Thiên-Huế

– Trần Đức Lương (1937) quê Quảng Ngãi

– Nguyễn Minh Triết (1942) quê Bình Dương

– Trương Tấn Sang (1949) quê Long An

Tranh chấp ghế này Chủ tịch nước khoá XIII cũng có thể có sự tham gia của Nguyễn Xuân Phúc và Trương Hoà Bình.

Theo Quy định 214, tiêu chuẩn hàng đầu cho vị trí Chủ tịch nước phải là người “Có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp“.

Chiếu theo văn bản này, Trương Hoà Bình và Nguyễn Thị Kim Ngân nổi trội hơn. Vì vậy, Chủ tịch nước thứ 13 sẽ được chọn từ phía Nam có xác xuất cao hơn.

Các nhân vật này tranh chiếc ghế Chủ tịch nước: Phúc, Bình, Ngân, Lịch

3. Tranh chức Thủ tướng Chính phủ:

Cuộc đua được đồn đoán sẽ thuộc về Trương Hoà Bình và Vương Đình Huệ.

– Vương Đình Huệ chỉ có một khoá Ủy viên Bộ Chính trị. Mặc dù trẻ, Huệ lại được ông Trọng hậu thuẫn tối đa, nhưng trong Bộ Chính trị nhiều người không ưa Huệ, ra Trung ương cũng thế.

Tính từ sau năm 1975, qua bảy đời Thủ tướng, thì phía Nam chiếm năm và phía Bắc chỉ có hai.

Quy định 214 đưa ra tiêu chuẩn hàng đầu cho Thủ tướng là: “Tư duy nhạy bén, năng động, quyết đoán, quyết liệt, quyết định kịp thời những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến lĩnh vực hành pháp“.

Cuộc chiến đấu sẽ gay go, phức tạp và hấp dẫn. Gần 100 Uỷ viên trung ương khoá XII sắp nghỉ hưu đã cài cắm xong đệ tử của mình, họ chẳng gì phải sợ và không dễ bị Bộ Chính trị sai khiến.

Nhưng nếu Sáu Bình được giữ lại và đề cử chức Chủ tịch nước, thì ghế Thủ tướng chắc chắn sẽ thuộc về Huệ.

Ai sẽ ngồi vào ghế Thủ tướng chính phủ, Huệ hay Bình?

4. Tranh chức Chủ tịch Quốc hội:

Đồn đoán cặp đấu này tương đối thú vị: Phạm Bình Minh sẽ tranh cùng Trương Thị Mai. Cả hai đều trẻ, mới tham gia Ủy viên Bộ Chính trị khoá XII.

– Trương Thị Mai xuất thân từ Đoàn thanh niên, sống lâu lên lão. Nếu Trung ương muốn “tứ trụ” có phụ nữ, không có chọn lựa nào khác ngoài Mai.

Quy định 214 đưa ra tiêu chuẩn, Chủ tịch QH phải “Có năng lực nổi trội, toàn diện trong các lĩnh vực công tác, nhất là trong việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và trong việc chỉ đạo thể chế hoá đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng“.

Phạm Bình Minh xuất sắc hơn Trương Thị Mai mọi mặc. Minh là con nhà nòi, nhưng lý lịch được đào tạo tại trường Luật Quốc tế và Ngoại giao Fletcher, trực thuộc Đại học Tufts của Hoa Kỳ, không biết có là rào cản, ngăn Minh bước vào tứ trụ hay không.

Nếu “tứ trụ” được cơ cấu hai già, hai trẻ và kiêng kị “bóng hồng”, thì Phạm Bình Minh là lựa chọn duy nhất.

Vị trí Chủ tịch QH là cuộc đấu của hai người miền Bắc: Phạm Bình Minh và Trương Thị Mai

Như đã nói ở phần 1, những người cộng sản với “tam thập lục kế”, thủ đoạn và tàn bạo. Ở giờ phút quyết định, họ sẵn sàng tung hết chiêu thức. Vũ khí mà các “đồng chí” thường dùng để tiêu diệt nhau được cóp từ Trung Cộng: Tham nhũng, lập trường giai cấp, gái gú… Đến đời ông Trọng, được gọi mỹ miều hơn: Quá khứ xuất thân, bản lĩnh chính trị và đạo đức lối sống.

Ngồi trong “tứ trụ” vẫn bị hạ bệ như thường. Để ngăn chặn thủ tướng Võ Văn Kiệt làm TBT khoá VIII, cố vấn Nguyễn Văn Linh và Lê Phước Thọ vận động, công khai chỉ trích gia đình ông Kiệt tham nhũng, buôn lậu. Phe bảo thủ giáo điều trong Đảng khi ấy “chụp mũ” ông Kiệt vô số tội.

Vi phạm “nguyên tắc tập trung dân chủ” và gái, cũng là thứ mà hai cố vấn Đỗ Mười và Lê Đức Anh kết tội để hạ gục đương kim TBT Lê Khả Phiêu, khi ông này muốn tái cử khoá IX. Gần đây nhất là song kiếm hợp bích Trọng – Sang tấn công 3X cũng với vấn đề “gia đình, vợ con và đạo đức lối sống”, buộc ứng viên TBT khoá XII Nguyễn Tấn Dũng phải buông gươm.

Chính trường là chiến trường. Đất nước văn minh số 1 như Hoa Kỳ, dù trải qua 44 đời tổng thống chuyển giao quyền lực ôn hòa, nhưng đến đời thứ 45, một tay tổng thống con buôn như Trump, dù thua cuộc rành rành nhưng vẫn nằm vạ, “cố đấm ăn xôi”, tiếp tục bám ghế.

Chính trường Việt Nam còn khốc liệt hơn thế nữa. Với người cộng sản, rất khó để biết ai là đồng minh, ai là kẻ thù, bởi ngoài mặt họ luôn tỏ ra ủng hộ nhau, nhưng mỗi người đều lận trong mình con dao găm, quyết chiến với đối thủ của họ, giành ghế bằng mọi giá.

Cho nên, có lẽ còn quá sớm để đưa ra bộ khung tứ trụ, bởi tính bất ngờ luôn là cách mà những người cộng sản sử dụng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.