Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

Hồ sơ tử tù Hồ Duy Hải – Kỳ 6: Bốn cán bộ đột tử và tin nhắn kinh hoàng

Hồ sơ tử tù Hồ Duy Hải – Kỳ 6: Bốn cán bộ đột tử và tin nhắn kinh hoàng

Anh Vũ
5-12-2019
Công an điều tra hiện trường vụ 2 nhân viên Bưu điện Cầu Voi bị sát hại vào năm 2008. Ảnh: Minh Sơn.
Luật sư Trần Hồng Phong đã nêu trong bài viết đăng trên blog của mình về hiện tượng ngẫu nhiên kỳ lạ: 4 người tham gia trong vụ án Hồ Duy Hải đều bị đột tử. Trước đó, dư luận cũng có nhiều lời dồn đoán về hiện tượng này với nhiều suy diễn khác nhau, và có người suy đoán đây là luật nhân quả, bởi họ làm điều ác với Hải?
Nhưng 1 chi tiết bất ngờ đã hé lộ…
Người đột tử đầu tiên là Công an viên xã Nhị Thành, Huỳnh Văn Minh. Anh này bị đột tử vào năm 2009, khi đang trực đêm tại xã Nhị Thành. Tuy nhiên theo tìm hiểu của PV, thì Minh không tham gia trong vụ án và nếu có chỉ là vai trò phụ giúp không quan trọng, vì ngay từ đầu trách nhiệm điều tra vụ án do Phòng Cảnh Sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Phòng CSĐT) thuộc Công an tỉnh Long An thụ lý.
Ngay trong lần đầu tiên Trưởng Công an xã Nhị Thành mời đến làm việc, Hải đang về nhà nội ở TP. HCM, đã gọi điện hỏi ông trưởng công an xã về thời gian và địa điểm làm việc và được hướng dẫn là đến thẳng trụ sở Phòng CSĐT tại chân cầu sắt Tân An. Vì vậy, cái chết của ông Minh, công an viên, tuy xảy ra trên địa bàn vào thời điểm diễn ra vụ án nhưng chỉ là sự tình cờ ngẫu nhiên không có liên quan và không ảnh hưởng đến vụ án!
Tuy nhiên với 3 người còn lại đều có vai trò quan trọng, và cái chết của họ ảnh hưởng rất lớn đến việc làm rõ bản chất sự thật của vụ án.
1. Nhân chứng bí ẩn đoán được lời khai của Hải trước tòa
Người đột tử thứ hai là Công an viên Nguyễn Thanh Hải, chết năm 2010 vì tai nạn giao thông ngay trên đường từ tỉnh lộ vào trụ sở UBND và công an xã. Tuy là công an viên, nhưng Thanh Hải có vai trò quan trọng trong vụ án, bởi là nhân chứng. Tuy nhiên sự xuất hiện của Thanh Hải trong vụ án lại rất bí hiểm.
Theo lời bào chữa của luật sư Nguyễn Văn Đạt và đơn kêu oan của luật sư Trần Hồng Phong, thì trong tất cả các bản ghi lời khai của Hồ Duy Hải trong giai đoạn điều tra, Hải đều nhận tội. Nhưng sau khi có kết luận điều tra, lần đầu tiên gặp Hải, luật sư Đạt đã nghe Hồ Duy Hải kêu oan, cho rằng không thực hiện hành vi giết người. Nhưng Hải không nói chi tiết…
Khi ra tòa sơ thẩm, lần đầu tiên Hải công khai kêu oan. Trả lời câu hỏi của tòa, nếu không giết người vì sao biết được diễn tiến vụ án? Hải mới giải thích là do nghe công an viên Nguyễn Thanh Hải kể lại toàn bộ, nên thuật lại. Ngay lập tức, đại diện viện kiểm sát đã lấy ra tờ giấy cam kết của Nguyễn Thanh Hải, khẳng định không tiếp xúc, nói chuyện với Hồ Duy Hải về diễn tiến vụ án.
Điều kỳ lạ, bí hiểm ở đây là vì sao Viện Kiểm sát đoán được Hải sẽ kêu oan và nêu lý do này để chuẩn bị sẵn tờ cam kết ấy?
Bí ẩn nữa là bản cam kết này được thu thập và trình bày tại phiên tòa lại sai về quy trình thực hiện thu giữ theo quy định tố tụng, nhưng lại được tòa sơ thẩm chấp nhận xem như là chứng cứ bác bỏ lời kêu oan của Hải!
Kỳ lạ hơn, chứng cứ quan trọng này cũng không được tòa cập nhật đưa vào hồ sơ vụ án, và đến nay đã không còn dấu vết. Tại phiên tòa phúc thẩm, chi tiết này đã được nhắc lại trong phần xét hỏi nhưng rất tiếc tòa đã không triệu tập nhân chứng Thanh Hải để tiến hành đối chất.
Khi được tòa hỏi, Hồ Duy Hải đã trả lời (trích nguyên văn từ Biên bản phiên tòa): “Bị cáo có nói, có nghe ngóng những người đi xem về, nói có 2 người bị giết chết ở Bưu điện Cầu Voi. Nghe kể nhân viên của xã Nhị Thành đến bảo vệ hiện trường vụ án, nên bị cáo lái xe đến UBND xã Nhị Thành gặp Hải, và Hải (Thanh Hải – PV) thuật lại cho bị cáo nghe”. Điều này có cơ sở! Vì tại thời điểm ấy, Hồ Duy Hải là dân quân xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Nên việc dân quân quen biết, nghe công an viên xã kể chuyện vụ án là bình thường.
Nhưng trước câu trả lời khá rõ ràng ấy, chủ tọa phiên tòa đã hỏi vặn lại Hồ Duy Hải 1 câu vô lý và phi lô gích: “Theo bị cáo, công an viên có được đến hiện trường không?”. Theo thực tế Hải không thể biết và theo pháp luật Hải cũng không cần phải biết điều này.
Tuy nhiên, cái chết bất ngờ của Nguyễn Thanh Hải làm cho câu hỏi: vì sao viện kiểm sát đoán trước câu trả lời của Hải trước phiên tòa để chuẩn bị trước bản cam kết, phải rơi vào ngõ cụt.
2. Trưởng phòng CSĐT yêu cầu sếp cũ bào chữa cho bị cáo, sau đó đột tử
Người đột tử thứ 3 là Trưởng phòng CSĐT Phạm Văn Tiến, Phó Ban chuyên án. Ông Tiến là người trực tiếp chỉ đạo điều tra án và là người phát ngôn với báo chí. Nhiều bài báo trong thời điểm điều tra đã dẫn nguồn từ thông tin của thượng tá Phạm Văn Tiến. Ông đã thể hiện quyết tâm phá án là: “Cái chết của 2 cô gái quá thương tâm. Bằng mọi giá chúng ta phải tìm cho ra hung thủ”.
Trong những biện pháp bằng mọi giá ấy có việc làm kỳ lạ là ngay sau khi khởi tố vụ án, ngày 1/4/2008, Phòng CSĐT đã có công văn trưng cầu trực tiếp với Đoàn Luật sư tỉnh Long An, yêu cầu đích danh luật sư Võ Thành Quyết làm luật sư chỉ định cho Hồ Duy Hải mà gia đình hoàn toàn không hay biết! Điều này trái với quy tắc hỗ trợ pháp lý cho bị can, bị cáo, đó là cơ quan tố tụng phải gởi công văn trưng cầu luật sư đến Trung tâm Hỗ trợ pháp lý, rồi trung tâm sẽ giới thiệu luật sư cho gia đình lựa chọn, sau đó mới chuyển yêu cầu đến đoàn luật sư.
Kỳ lạ hơn nữa là thời điểm này, công an điều tra liên tục khám xét nhà Hồ Duy Hải đến mức đào cả nền nhà, vào phòng em gái Hải thu giữ cả nữ trang dược mua của tiệm vàng Ngọc Sương có chứng từ hẳn hoi.
Và điều bất ngờ, khi luật sư Quyết vốn là thủ trưởng tiền nhiệm của thượng tá Tiến. Vào tháng 6/2008, sau khi gia đình Hải buộc lòng ký hợp đồng với ông Quyết, thì thượng tá Tiến đã gọi điện kiểm tra xem gia đình Hải có thật đã thuê luật sư Quyết chưa. Khi gia đình Hải xác nhận, đưa ra số hợp đồng thì ngay lập tức việc khám xét chấm dứt.
Sau đó, khi gia đình thuê luật sư Đạt bào chữa thì cơ quan điều tra và tòa án vẫn chỉ tiếp tục chấp nhận ông Quyết là luật sư chỉ định!
Và ông Tiến còn được dư luận quan tâm khi điều tra vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị đốt. Nhưng sau vụ án này, ông được chuyển sang phụ trách phòng chống ma túy. Ông bị đột tử trong trụ sở cơ quan, ngay trong cuộc họp vào năm 2012. Đây là cái chết bất ngờ, đột ngột, bởi vào đêm trước đó, 1 cán bộ cấp dưới cùng ông đi nhậu và đưa ông về cho biết, ông vẫn khoẻ mạnh bình thường.
Hệ quả cái chết của ông là việc điều tra, làm rõ lại vụ án ở nhiều vấn đề, trong đó có chuyện vì sao chỉ định luật sư Quyết, sẽ rất khó khăn!
3. Lời nhắn kinh hoàng của ông Kiểm sát viên cao cấp
Khi tham gia vụ án này, người đột tử cuối cùng là Kiểm sát viên cao cấp thuộc Viện Kiểm sát phúc thẩm, Viện Kiểm sát tối cao tại TP.HCM, ông Trần Ngọc Lẫm. Ông là người giữ quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm xử Hồ Duy Hải.
Quê tại Thủ Thừa, Long An, ông Lẫm từng làm Trưởng Phòng Kiểm sát kinh tế của Viện Kiểm sát tỉnh Long An, trước khi chuyển về Viện Kiểm sát Phúc thẩm.
Ông Lẫm được bạn bè đồng nghiệp quý trọng là người giỏi nghiệp vụ, sinh hoạt mực thước. Điều trớ trêu là ông Lẫm không phải người xa lạ mà chính là bạn học của bà Nguyễn Thị Rưởi (dì ruột Hồ Duy Hải và là người đồng hành với bà Loan – mẹ Hải, đi kêu oan).
Theo lời bà Rưởi, các cựu học sinh cùng học với bà và ông Lẫm hàng năm thường tổ chức họp mặt, và bà vẫn thường đi dự. Nhưng từ khi vụ án xảy ra bà buồn và mặc cảm nên nhiều lần vắng mặt. Gần đây do bạn bè khuyến khích, thúc đẩy, bà có đi dự và gặp mặt ông Lẫm nhưng không nhắc đến chuyện vụ án. Nhưng trước khi mất, trong lần đi dự hội thảo ở Hà Nội, ông Lẫm đã điện thoại cho 1 bạn chung của 2 người, nhờ nhắn lại bà Rưởi như sau: “Nói với nó (bà Rưởi), đừng trách tôi đứng ra tuyên tử hình Hồ Duy Hải, chứ nó không biết ai xúi tôi tuyên. Hãy trách người xúi tôi xử”.
Và qua người bạn này, ông Lẫm còn khuyên: “Gia đình hãy theo ông luật sư Nguyễn Văn Đạt kêu oan đi, ông này giỏi lắm!”.
Ngay trong phần tranh luận tại phiên tòa, ông Lẫm cũng thừa nhận điều quan trọng là trong vụ án này các cơ quan tố tụng đã bỏ qua hành vi hiếp dâm qua hình ảnh thể hiện trên hiện trường. Nhưng điều kỳ lạ là ông không hề kiến nghị hủy án điều tra lại trước tình trạng vi phạm tố tụng nghiêm trọng để sót người lọt tội.
Ông Lẫm bị đột tử năm 2013, tại gia đình, được xác định là do tai biến mạch máu não. Hệ lụy cái chết của ông trong vụ án này qua lời nhắn với bà Rưởi là câu hỏi ai là người xúi ông xử y án tử hành Hồ Duy Hải sẽ mãi mãi không có lời đáp.
Phải chăng chính vì lời xúi, sức ép nào đó cần đổ tội cho Hồ Duy Hải mà ông Lẫm đã vượt lên pháp luật chấp nhận bỏ qua chuyện lọt tội hiếp dâm? Bởi điều tra tội hiếp dâm, sẽ lòi ra nhân vật khác?
*** Chúng tôi đã tìm hiểu về 4 cái chết này không phải chuyện hiếu kỳ, cũng không nhằm nói đây là chuyện “giết người diệt khẩu” như 1 kỳ án, mà chỉ phân tích vai trò cái chết của từng người trong mối liên quan đến vụ án, ảnh hưởng như thế nào nếu phải xét xử lại vụ án.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.