Biển Đông nguy hiểm như thế nào?
3-12-2019
Trong khi các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đang được bàn cãi sôi nổi trong quan hệ quốc tế, thì chúng có trọng lượng tương đối nhỏ trong kế hoạch lớn về vấn đề an ninh của Trung Quốc.
Cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều nhấn mạnh đếntầm quan trọng chiến lược ở Biển Đông trong các tài liệu chính thức gần đây của họ.
Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc 2019 nhấn mạnh: Các hòn đảo ở Biển Đông và quần đảo Điếu Ngư là những phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc. Trung Quốc cam kết giải quyết các tranh chấp liên quan, thông qua việc đàm phán với các quốc gia có dính líu trực tiếp, trên cơ sở tôn trọng các sự kiện lịch sử và luật pháp quốc tế. Trung Quốc tiếp tục cộng tác với các nước trong khu vực để cùng bảo vệ hòa bình và sự ổn định. Họ kiên quyết duy trì tự do hàng hải và hàng không của tất cả các quốc gia theo luật pháp quốc tế và bảo vệ an ninh các tuyến thông tin liên lạc trên biển.
Chiến lược Quốc phòng năm 2018 của Mỹ đã liệt kê Trung Quốc cùng với Nga là những đối thủ ngang hàng. Nó tuyên bố: thách thức mà Trung Quốc đưa ra đặc biệt đáng sợ… Trung Quốc đang sử dụng các biện pháp quân sự, bán quân sự và ngoại giao để cưỡng ép các đồng minh và đối tác của Mỹ, từ Nhật Bản đến Ấn Độ; thách thức luật pháp quốc tế và tự do hàng hải trên các tuyến đường thủy quan trọng như Biển Đông; làm suy yếu vị thế của Hoa Kỳ ở Đông và Đông Nam Á; và mặt khác,tìm kiếm một vị trí thống trị địa chính trị.
Một cuộc khảo sát gần đây của Pew Global Attitude cho thấy, suy nghĩ tiêu cực của công chúng Mỹ về Trung Quốc trong năm 2018 đã tăng từ 47% lên 60%, và 24% xem Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu của Mỹ.
Biển Đông có phải là nguyên nhân dẫn đến sự xung đột quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không? Hậu quả đối với các quốc gia trong khu vực là gì? Dự án khảo sát do Đại học Griffith và Đại học Tsinghua phối hợp thực hiện và các cuộc khảo sát của các nhà nghiên cứu Trung Quốc trong Quan hệ Quốc tế (IR), tại hội nghị thường niên của Cộng đồng Khoa học Chính trị và Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, từ năm 2014 đến 2017, cho thấy các mối đe dọa lớn nhất của Trung Quốc trong 10 năm sắp tới là Đài Loan, Bắc Triều Tiên, và Biển Hoa Đông (ESC), chứ không phải Biển Đông (SCS).
Tranh chấp lãnh thổ là mối đe dọa hàng đầu đối với nền an ninh quốc gia Trung Quốc, và quan hệ Mỹ-Trung, Đài Loan và Biển Đông ngày càng trở nên nguy hiểm. Tuy nhiên, Biển Đông chỉ là những xung đột ngoại giao và quân sự ở quy mô thấp. Theo cuộc khảo sát, Biển Hoa Đông (ESC) nguy hiểm hơn và Mỹ có nhiều khả năng can thiệp vào cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Trong năm 2017, 71% những người tham gia nghĩ rằng trật tự dựa trên quy tắc đã bàn trong cuộc hội thảo ở Shangri-La là “hợp lý” hay “rất hợp lý”. Tuy vậy, mặc dù có tranh chấp ở Biển Đông (SCS), quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN phần lớn vẫn “tốt” hay “rất tốt”.
Một bài viết trong các ấn phẩm khoa học Trung Quốc đăng trên các tạp chí IR hàng đầu của Trung Quốc tán thành kết quả cuộc khảo sát khi phân tích Biển Đông nguy hiểm nhưng không xung đột. Các học giả Trung Quốc cho rằng những tranh chấp ở Biển Đông phản ảnh sự khác biệt trong nhận thức về trật tự quốc tế giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc nhấn mạnh trật tự quốc tế dựa vào chủ quyền thì Mỹ, Việt Nam và Philippines nhấn mạnh trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Việc Hoa Kỳ tham gia vào Biển Đông có hai mặt: kìm hãm Trung Quốc nhưng cũng có thể khuyến khích các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ hành xử rủi ro, dẫn đến việc leo thang ngoài ý muốn ở Biển Đông. Học giả Trung Quốc chỉ trích các phương tiện truyền thông đã tập trung quá nhiều vào chiến lược của Trung Quốc và phóng đại chuyện Trung Quốc xây dựng đảo, vốn “sẽ không hữu ích để giảm bớt căng thẳng vì không quốc gia nào muốn xung đột.” Họ nhấn mạnh đến nhu cầu phối hợp tổ chức giữa các nhà ngoại giao, quân đội và thương mại, hải cảnh, cơ quan thủy sản, khí tượng, v.v.
Họ cũng đề xuất xây dựng hợp tác hàng hải song phương, đặc biệt là với ASEAN, tham vấn và quản lý khủng hoảng, cứu hộ và cứu trợ thảm họa hàng hải, ngư nghiệp, bảo vệ môi trường hàng hải, bảo vệ sự đa dạng của đại dương và các dự án nghiên cứu khác. Về phán quyết của Hague, các học giả Trung Quốc cho là không hợp lệ, không thể áp dụng và thiên vị.
Nếu các học giả Trung Quốc là kim chỉ nam cho quan điểm của giới tinh hoa chính trị Trung Quốc, thì những phát hiện trên cho thấy, mặc dù mức độ quan trọng trong chương trình nghị sự an ninh của Trung Quốc gia tăng, Biển Đông đã không trở thành bãi chiến trường giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trung Quốc không nhận thấy mối nguy hiểm nghiêm trọng ở Biển Đông so với Biển Hoa Đông, vì Hoa Kỳ đã công khai tuyên bố cam kết liên minh của Mỹ với Nhật Bản bao gồm cả quần đảo Điếu Ngư / Senkaku. Thay vào đó, các học giả Trung Quốc tin rằng Biển Đông chỉ là sân chơi để các cường quốc, đặc biệt là Hoa Kỳ và Trung Quốc, thể hiện quyết tâm chiến lược và sức mạnh quân sự của họ.
Các tranh chấp ở Biển Đông được coi như một phần của cuộc cạnh tranh an ninh Mỹ-Trung: nguy hiểm, nhưng có thể kiểm soát được. Hoạt động Tự do Hàng hải (FON) của Hoa Kỳ là yếu tố tối cần để Hoa Kỳ chứng tỏ quyết tâm và vai trò lãnh đạo của mình với việc “thách thức các yêu sách hàng hải quá đáng và bảo vệ quyền tiếp cận các tuyến đường thủy theo luật pháp quốc tế”.
Mặc dù Trung Quốc nhấn mạnh đến sự toàn vẹn lãnh thổ trong vấn đề Biển Đông, các hành động của Bắc Kinh mang ý nghĩa tượng trưng hơn đối với quần chúng trong nước và để gửi thông điệp rõ ràng đến Hoa Kỳ và những nước khác. ASEAN và các diễn viên khác trong khu vực có thể thận trọng nắm lấy cơ hội chiến lược này để tăng cường nỗ lực xây dựng các thể chế hiện có. Họ cũng có thể dựa vào các thể chế quốc tế và luật pháp quốc tế để giới hạn hành vi của các nhà nước, đặc biệt là nhà nước Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.