Thành quả dân chủ và quyền con người của Việt Nam đến đâu?
Quang Nguyên
Báo Quân đội Nhân dân(1) online có bài viết: "Không thể phủ nhận thành quả dân chủ và quyền con người của Việt Nam” của TS Cao Đức Thái - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Bài viết có nhiều điểm sai, dưới đây chúng tôi trình bày một số trong đó.
|
TS nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh viết: Một trong những đặc trưng nổi bật nhất của chế độ dân chủ là thiết lập và duy trì nguyên tắc “thiểu số phục tùng đa số”. Ông đã không biết hay cố tình quên vế sau của nguyên tắc dân chủ là “thiểu số phải được tôn trọng”. Chính do không tôn trọng quyền của thiểu số mà tình trạng bất công xảy ra đầy rẫy ở VN, khiến cái gọi là tôn trọng nhân quyền và dân chủ ở VN bị công kích bởi chính người Việt trong nước, ngoài nước, trên các diễn đàn thế giới.
Tại các các cuộc họp định kỳ của hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc (2) Việt Nam phải nhiều lần nhận các bản ghi nhớ về những thiếu sót về nhân quyền trong nước.
Chính quyền VN nhiều lần hẹn lần hẹn lữa để sửa đổi sai lầm, nhưng hàng chục năm qua, tình trạng vẫn không thay đổi là bao. Hồ sơ tố cáo vi phạm nhân quyền ở VN càng ngày càng cao hơn trong hồ sơ cứu xét của LHQ.
Ngày 4-5 tháng 11 này diễn ra hội nghị Tự Do Tôn Giáo và Niềm Tin FoRB, những vi phạm quyền tự do tôn giáo và niềm tin của 11 nước vùng Đông Nam Á sẽ được đem ra trình bày, mổ xẻ và phê phán. Các đại sứ, quan chức Liên Hiệp Quốc phụ trách vấn đề này, các vị đại diện các tòa đại sứ, các quốc gia trong vùng Đông Nam Á, đại diện nhiều tổ chức NGO có các hoạt động liên quan sẽ lắng nghe, tìm hiểu và đặt vấn đề với các quốc gia liên quan để tìm biện pháp giải quyết.
Việt Nam là một nước bị nhắc đến nhiều nhất. Trong những hội nghị trước, không hề thấy bóng đại diện Việt Nam.
Ông Tiến sĩ này còn viết “Chế độ dân chủ ở Hoa Kỳ có đặc trưng là luôn có hai đảng chính trị thay nhau lãnh đạo cầm quyền”.
Có hai đảng chính trị thay nhau lãnh đạo cầm quyền không phải đặc trưng chế độ dân chủ Mỹ. Mỹ là một quốc gia dân chủ, đa đảng, trong các cuộc bầu cử có hàng chục đảng ra tranh cử, đảng Cộng sản Mỹ cũng đưa người ra tranh cử như các đảng khác ở các vị trí từ cấp city, county, cho đến tiểu bang (thống đốc), quốc gia (tổng thống), đảng nào thắng đảng đó cầm quyền. Nếu nói như ông TS chế độ dân chủ ở Hoa Kỳ có đặc trưng là luôn có hai đảng chính trị thay nhau lãnh đạo cầm quyền thì Hoa kỳ đã trở thành một nước không dân chủ vì chỉ hai đảng thay nhau cai trị.
Singapore từ sau độc lập chỉ có một đảng cầm quyền, đảng Nhân Dân Hành Động, PAP, nhưng không bị gọi là chế độ độc tài đảng trị như VN, Bắc Hàn, Trung quốc, Cu Ba, vì nước này có nhiều đảng đối lập, cùng đua nhau tự do tranh cử, nhưng chỉ đảng Nhân Dân Hành Động thắng, đôi khi gần như tuyệt đối.
VN không có dân chủ trong các cuộc “tự do bầu cử’, người dân không có quyền bầu cho ai khác ngoài nhũng người được đảng chỉ định ra ứng cử. Câu đảng cử dân bầu cho thấy rõ điều này. Người gọi là dân biểu không phải đại diện cho dân. Đảng cộng sản VN lãnh đạo dân VN không qua bầu cử. Đây là chế độ độc tài, độc đảng cai trị.
Ông Thái viết: [trong thể chế dân chủ] “Quyền lực của nhà nước được chia ra làm 3 nhánh: Lập pháp, hành pháp và tư pháp”.
Thực tế VN không có 3 nhánh đó. Hệ thống cai trị của VN quy tụ chỉ dưới quyền một đảng. Tháng 7 vừa qua, Tạp chí Cộng sản có bài : Nhập khẩu thuyết “Tam quyền phân lập” hay lá bài cổ xúy bất ổn chính trị, xung đột quyền lực của TS Tần Hậu Thành, trong ban tổ chức trung ương (3). Đảng CSVN cho đến nay vẫn khăng khăng không áp dụng tam quyền phân lập, họ xem đó là nguyên nhân gây bất ổn chính trị và tranh giành quyền lực.
Chủ tịch Quốc hội được đề cử bởi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, các chức vụ trong Quốc hội cũng phải qua đảng bổ nhiệm (3), hơn 90% đại biểu Quốc hội là quan chức trong các cơ quan hành pháp và là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những đảng viên này nói và làm theo chỉ thị của đảng và đặt quyền lợi của đảng trên quyền lợi của cử tri, nhân dân.
Quốc hội Việt Nam lệ thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam. Tổ chức và hoạt động của Quốc hội phải làm theo chỉ thị của đảng.
Ngày 29/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội nghe Tờ trình Dự án Luật tổ chức Quốc hội của Bộ Tư pháp gửi sang. Luật về tổ chức Quốc hội, như lời Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, tuân theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Mục đích của việc sửa đổi Luật lần này chủ yếu là nhằm thể chế hóa chủ trương trong Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương về tổ chức và hoạt động của Quốc hội!
Dự thảo luật này ‘cho phép “Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua dự án luật” mà bó tay Quốc hội không cho soạn thảo và ban hành luật, có nghĩa Quốc hội không là một cơ quan lập pháp.
Để thêm bằng chứng về ‘tự do dân chủ ở VN’, có lẽ ý ông muốn nói về quyền tự do ngôn luận, ông TS viết “Theo thống kê chưa đầy đủ, cho đến nay, Việt Nam đã có 858 cơ quan báo chí in; 105 cơ quan báo điện tử; 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí; 66 đài phát thanh, truyền hình”. Kể ra số lượng media như vậy là quá thừa, bội thực với người dân Việt, tỉnh nào cũng có vài tờ báo, đài phát thanh, truyền hình, không kể loa phường, loa xã, nhưng tất cả đều trong tay các “đồng chí đảng viên tổng biên tập”, các đồng chí phải tuân hành chỉ thị của đảng và Ban Tuyên giáo trung ương.
Báo cáo năm 2019 của tổ chức Phóng Viên không Biên Giới - một tổ chức đấu tranh cho tự do báo chí - Việt Nam sắp hạng 176/180 nước (4).
Ông Cao Đức Thái viết tiếp: ”Ở nhiều quốc gia phương Tây, dân chủ thường gắn với các hoạt động chống chính phủ của các tổ chức phi chính phủ (NGOs)… Đó là các cuộc tụ tập đông người, phá hủy các công trình công cộng, xúc phạm cá nhân, quan chức từ cấp thấp cho đến tổng thống. Quyền tự do báo chí cũng có nội dung tương tự”.
Không ngờ ông Thái xúc phạm đến các tổ chức xã hội dân sự, NGO đến như vậy. Chắc chắn ông không hiểu các tổ chức NGO là gì, thậm chí ông cũng không hiểu NGO nghĩa là gì!
NGO là tổ chức xã hội phi chính phủ, phi chính phủ chứ không phải vô chính phủ hay chống lại chính phủ như ông viết ở trên: “hoạt động chống chính phủ của các tổ chức phi chính phủ (NGOs)”!
Có nhiều trang web nói về NGO. Nhiều trang ở VN (5) ông nên đọc kỹ họ nói về NGO như thế nào: “Những cơ quan, tổ chức và nhóm phi Chính phủ được thành lập bao gồm nhiều cá nhân, được trả tiền hoặc tình nguyện, cam kết giải quyết một loạt các vấn đề như bảo vệ môi trường, cải thiện mức sống của thế giới thứ ba, chấm dứt nạn xâm phạm nhân quyền, cung cấp lương thực và thuốc men cho những nơi diễn ra chiến tranh, tăng cường phát triển tôn giáo hay đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ. Một điểm nổi bật nhất của các tổ chức phi chính phủ là việc các tổ chức này tạo ra những hệ thống gắn kết và mạng lưới kết nối những cá nhân xuyên quốc gia”.
Ông nên nhớ các tổ chức NGO từ chối tài trợ của chính phủ, họ hoạt động độc lập với chính phủchứ không phải chống chính phủ. Các tổ chức xã hội dân sự hoạt động tuân thủ quy tắc bất bạo động, không “tụ tập đông người, phá hủy các công trình công cộng, xúc phạm cá nhân, quan chức từ cấp thấp cho đến tổng thống” như ông vu khống.
Mỗi năm các nước trong vùng Đông Nam Á có hội nghị các tổ chức dân sự, NGO. Việt Nam năm nào cũng gửi người tham dự, nào là Hiệp hội Nông dân, Hội Phụ nữ… Nhưng tất cả các tổ chức xã hội vùng ĐNA đều biết rõ các NGO của VN đều là GONGO – Government-organized non-governmental organization – tổ chức phi chính phủ của chính phủ, được dựng lên, được tài trợ nuôi dưỡng bởi chính phủ, đội lốt các nhóm xã hội dân sự, nhằm tăng thêm lợi ích chính trị của chính phủ và xin tài trợ của các tổ chức dân sự ngoại quốc. Nếu ông muốn rõ, có thể hỏi ông Nguyễn Đình Bin, một cựu quan chức ngoại giao VN, tham mưu cho các nhóm GONGO này mỗi năm.
Trong bài viết của ông Tiến sĩ này, điều ông viết đúng nhất là nhận định của người trong và ngoài nước đối với nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam: "Đàn áp về nhân quyền ở Việt Nam ngày càng gia tăng"; "các quyền của người dân, trong đó có dân chủ, quyền lập hội, biểu tình… không được thực hiện, trái lại ngày càng bị bóp nghẹt”.
Trước những ý kiến kiểu như của ông TS. Cao Đức Thái thì tốt nhất chỉ cần dẫn lời nhà văn Mark Twain: "Chẳng thà đừng nói để người ta tưởng mình ngu còn hơn là mở miệng ra để người ta không còn nghi ngờ gì nữa".
Tranh luận với những đầu óc như thế để làm gì? Thời gian và công sức để làm việc khác có ích hơn nhiều, kể cả chỉ ngồi tán gẫu, không làm gì.
2-11-2019
|
TLTK:
(2) http://webtv.un.org/meetings-events/human-rights-treaty-bodies/human-rights-committee/125th-session/watch/consideration-of-viet-nam-3580th-meeting-125th-session-of-human-rights-committee/6012936847001/?term=http://webtv.un.org/meetings-events/human-rights-treaty-bodies/human-rights-committee/125th-session/watch/consideration-of-viet-nam-contd-3581st-meeting-125th-session-of-human-rights-committee/6013104672001/?term=https://www.voatiengviet.com/a/nhan-cuoc-hop-hoi-dong-nhan-quyen-lien-hop-quoc/4282876.html
https://moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=29972
/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/nhap-khau-thuyet-tam-quyen-phan-lap-hay-la-bai-co-xuy-bat-on-chinh-tri-xung-ot-quyen-luc?inheritRedirect=false
Q.N.
VNTB gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.