Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2019

Nói phong trào tranh đấu Hong Kong “thất bại” là quá sớm

Nói phong trào tranh đấu Hong Kong “thất bại” là quá sớm

21-11-2019
Bây giờ mà nói đến sự “thắng bại” của “phong trào tranh đấu” ở Hong Kong là quá sớm. Gọi chung là “phong trào tranh đấu Hong Kong” vì dân Hong Kong yêu sách (và thách thức) Bắc Kinh rất nhiều điều, chia làm nhiều “phe”, đại khái có thể phân làm ba nhóm yêu sách:
Thứ nhất, yêu sách về dân chủ. Việc này khởi đầu bằng “phong trào dù vàng” năm 2014 chống lại việc “cải cách bầu cử” của Bắc Kinh. Nói là “cải cách” nhưng thực chất là Bắc kinh hạn chế quyền bầu cử của dân Hong Kong. Từ nay Đặc khu trưởng được Hội đồng bầu cử bầu ra mà 1/2 nhân số Ủy ban này do Bắc Kinh chỉ định. Công cuộc tranh đấu này đến nay cho thấy “bế tắc”.
Thứ hai, yêu sách về “tư pháp độc lập”. Tranh chấp này bắt nguồn từ yêu sách “bãi bỏ luật dẫn độ”. Bắc Kinh đã nhượng bộ, luật này xem như bãi bỏ. Nhưng đôi co về “thẩm quyền tối cao” giữa tư pháp Hong Kong và Hiến pháp lục địa về phán quyết “đeo mặt nạ lúc biểu tình” còn hứa hẹn nhiều màn “ngoạn mục”.
Thứ ba, yêu sách Bắc Kinh tôn trọng cam kết “quốc gia hai chế độ”.
Nếu ta so sánh “tranh đấu Hong Kong” với các cuộc tranh đấu (vũ trang hay chính trường) của các nhóm dân thiểu số khác trên thế giới, ta thấy “tuổi tranh đấu” của Hong Kong là “trẻ sơ sinh”. Một vài thí dụ:
Tranh đấu cho một quốc gia độc lập của Palestine đã kéo dài hơn 6 thập niên. Tổ chức này đầu tiên đã dùng phương pháp “khủng bố” để tranh đấu khiến các quốc gia trên thế giới “nhìn nhận”. Sau đó dùng phương pháp chính trị để tổ chức nhà nước và lập chính quyền. Dầu vậy đến nay mục tiêu tối hậu vẫn chưa đạt được. Palestine chỉ mới là “quốc gia dự khuyết” ở LHQ trong khi đất đai của “quốc gia” này bị “thực dân” Do Thái gậm nhấm lần hồi. Thế yếu của Palestine là không được sự ủng hộ của Mỹ.
Các tổ chức vũ tranh ở Châu Âu như ETA (Tây Ban Nha), IRA, Sin Fén (Bắc Ireland)… đa số đều sử dụng bạo lực để “tranh đấu giành độc lập”. Tất cả đều không (hay chưa) đạt được mục đích, mặc dầu các tổ chức này thành hình từ 1/2 thế kỷ. Một số thay đổi đường lối đấu tranh: Đấu tranh nghị trường thay vì vũ trang (Sin Fén).
Vì vậy nói phong trào tranh đấu Hong Kong “thất bại” là quá sớm.
“Luật dẫn độ” bị bãi bỏ đã là một sự thành công lớn lao. Phong trào được sự ủng hộ của dư luận thế giới. Ở Mỹ lưỡng viện QH vừa bầu Luật về nhân quyền và dân chủ cho Hong Kong. Chỉ cần chữ ký của tổng thống là luật này có hiệu lực. Nội dung điều luật này tuy không cho phép Mỹ “can thiệp vào nội bộ của TQ”, nhưng nó có khả năng răn đe, không cho phép Bắc kinh đàn áp dân chúng biểu tình hay vi phạm những cam kết về “quốc gia hai chế độ”. Các quốc gia Châu Âu cũng sẽ có phản ứng chung, nếu Bắc Kinh có các biện pháp mạnh tay. Các điều này cho thấy dân Hong Kong đã thành công nhiều hơn là các tổ chức tranh đấu vừa kể ở trên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.