Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2019

Nguyễn Trọng Chức - Hồng Kông : Nghệ thuật trong đấu tranh chính trị

Nguyễn Trọng Chức - Hồng Kông : Nghệ thuật trong đấu tranh chính trị



Những ngày Hồng Kông sôi sục những cuộc biểu tình quy mô lớn, khởi đầu từ đòi hủy bỏ dự luật dẫn độ theo lệnh của Bắc Kinh cho đến yêu cầu đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải từ chức, lên án bạo quyền của cảnh sát… Người biểu tình đã có sự hỗ trợ đắc lực của nghệ thuật đường phố, nghệ thuật của sự phản kháng, nghệ thuật gắn liền với đấu tranh chính trị, vì quyền tự do tối thượng cho người dân lãnh thổ Hồng Kông.

Nghệ thuật của sự phản kháng ở Hồng Kông được thể hiện hết sức đa dạng và thông minh; bằng nhiều phương cách, thủ pháp, từ khâu thiết kế cho tới phổ biến đến hàng triệu người dân. 

Các banner, biểu ngữ, bích chương không chỉ được căng trên những đường phố chính mà còn được gửi trực tiếp đến cư dân Hồng Kông thông qua Bluetooth và Wi-Fi ngay sau khi chúng được sáng tạo. Các tác phẩm thiết kế đó có nhiều loại tùy theo mục đích: kêu gọi xuống đường biểu tình, lên án chính quyền tay sai của Tàu cộng, cổ vũ và ca ngợi sự đoàn kết các tầng lớp người dân chống bạo quyền… 

Một chủ đề chính được đưa vào các poster phản kháng là khẩu hiệu “Be water” (hãy như nước), lấy cảm hứng từ võ thuật của ngôi sao Hồng Kông Lý Tiểu Long. Theo đó các cuộc biểu tình, xuống đường tuần hành diễn ra linh hoạt, thích ứng với mọi hoàn cảnh, vào bất cứ lúc nào, bất kỳ nơi đâu… như nước chảy mọi ngả, muôn nơi không thể ngăn chặn được. 

Các cuộc tuần hành, biểu tình không có người lãnh đạo, mọi người biểu tình tự lãnh đạo mình. Hồi tháng 7, khi đoàn người biểu tình tràn vào chiếm trụ sở Hội đồng lập pháp Hồng Kông, phóng viên CNN đã hỏi một cô gái tham gia biểu tình về kế hoạch sắp tới của cô và được trả lời: “Chúng tôi không biết. Chúng tôi đi theo đoàn người biểu tình. Chúng tôi muốn như nước chảy”.

Nghệ sĩ thị giác Kacey Wong, một nhà hoạt động tích cực của phong trào phản kháng, cho biết các loại poster được đến cư dân với tốc độ nhanh nhất để họ có thể in ngay trước khi đến với các cuộc biểu tình: “Nhiều đứa trẻ ở Hồng Kông đã được dạy về thiết kế và biết sử dụng thuần thục computer, các em được học các phần mềm như Photoshop từ tiểu học. Ấn loát ở Hồng Kông lại rất nhanh và rẻ; chúng tôi gửi file buổi sáng, buổi chiều bạn đã có poster”. 

Không chỉ có mạng xã hội là nền tảng để phổ biến các thông điệp phản kháng, các “Bức tường Lennon” được “dựng” nhanh chóng khắp nơi trong thành phố với hàng ngàn mảnh giấy màu kêu gọi xuống đường cùng với các poster. “Bức tường Lennon” được đặt tên từ một bức tường ở Prague (thủ đô Tiệp Khắc ngày trước) những năm 1980, được người dân dán kín những lời ca lấy cảm hứng từ các ca khúc của nhóm Beatles, nội dung chống lại chính quyền cộng sản lúc bấy giờ.

Các “Bức tường Lennon” cũng rất phù hợp với chiến lược “Hãy như nước” bởi chúng có thể được “dựng” nhanh chóng ở bất cứ góc phố nào, mảng tường nào ở mọi khu dân cư, các ngóc ngách chằng chịt của Hồng Kông …

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.