Người Việt đến Anh : Con đường sinh tử
Hoa tưởng niệm tại nơi phát hiện thi thể 39 di dân trong xe tải ở Grays, Essex (Anh) ngày 24/10/2019. |
(PLO) Hai người dân Hà Tĩnh đã nhờ tìm con là Phạm Thị Trà My (26 tuổi) và Bùi Thế Thắng (37 tuổi). Những người này có thể đã được đưa sang Trung Quốc trước khi sang Anh.
Theo tôi đây không phải là đường dây buôn người, mà là một thứ dịch vụ đưa người vượt biên trái phép, nạn nhân ra đi vì sinh kế. Và trên con đường ấy, không biết bao người đã bỏ xác, đã vùi thân trong tuyết nơi những cánh rừng Pháp, Nga, Latvia, Ba Lan.
Ba năm trước, tôi sang Anh. Ở cửa ra máy bay, ga quốc tế Nội Bài trong chuyến bay sang Anh rạng sáng 3-10-2016 có một phụ nữ trẻ và một đứa bé. Đây là lần đầu tiên cô về thăm nhà ở Yên Thành, Nghệ An sau nhiều năm ly hương.
Con đường tìm sinh kế của cô cũng như nhiều người Việt khác, qua Ba Lan rồi theo đường dây nhập cư lậu vào Đức, Pháp rồi vào UK. Theo lời cô kể, đó là một con đường gian nan mất đến sáu tháng.
Con đường sinh tử
Những người đồng hương hẹn chúng tôi ăn tối ở một nhà hàng khu Zone 3 (London). Nhiều người khác từ các tỉnh lân cận như Coventry, Cambridge, Norfolk cũng hẹn gặp để kể về cuộc sống ly hương của họ. Theo đó, qua Anh, trước đây nhiều người “trồng cỏ” (cần sa) thuê cho những đồng hương khác, nhiều người trong số họ sau vài năm có tiền gửi về quê mua đất, xây nhà; có người thành đại gia nhưng cũng không hiếm người vào tù.
Mấy năm gần đây, lượng người Việt trồng cần sa giảm đáng kể do cảnh sát truy quét gắt. Những người nhập cư lậu giờ đa phần làm lao động phổ thông, phục vụ trong nông trại hoặc làm nail.
Một nhóm đồng hương Hà Tĩnh ở Coventry kể làng mình người này dắt díu người kia qua Anh bằng con đường bất hợp pháp. Ơn trời, lao động lương thiện cần mẫn nên sáu tháng cũng đủ tiền gửi về trả nợ mấy trăm triệu đồng vay ngân hàng hoặc cầm cố nhà cửa nộp cho đường dây nhập cư lậu.
Khi hỏi ai dẫn qua, họ cho biết nghe truyền miệng người này người kia rồi tự đi tìm đường dây, người này chỉ cho người khác. Tiền đóng một lần ở Hà Tĩnh, Nghệ An, người của đường dây bảo đảm cho đến khi họ lên tàu rời Pháp.
Tin nhắn được cho là của cô gái Phạm Thị Trà My gởi cho mẹ ở Hà Tĩnh, Việt Nam trước khi chết. |
Một bạn tên Hoàng quê Quảng Bình nói nhớ nhà lắm, ban đầu định đi mấy năm, có chút tiền thì về nhưng giờ quê nhà Formosa thế chưa biết ra sao, với lại có giấy tờ gì đâu mà về hợp pháp. Hôm trước nghe tin ở nhà báo mẹ bị gãy chân, Hoàng khóc suốt một ngày. Ba cái tết rồi ly hương và không biết còn bao lâu nữa mới nhìn thấy quê nhà.
Cũng như Hoàng, Thơm- một cô gái trẻ làm nail ở Cambridge, nói qua đây được hai năm thì nghe tin cha ốm rồi mất, cô không thể về vì vừa trả nợ xong, chưa dành dụm được gì...
Họ kể tôi nghe về những người bạn băng rừng từ Ba Lan sang các nước..., không có nước uống, bất chợt gặp vũng nước trên mặt đất họ nhào đến uống. Họ cũng chẳng thể nào ngờ được có một lúc nào đó trong cuộc đời, vì bản năng sống còn, họ lại phải cúi xuống uống những giọt nước bẩn trong vũng.
Đã có trường hợp hai cha con cùng đi, con chết khi băng rừng, cha phải đào hố chôn vội rồi nuốt nước mắt mà đi tiếp. Trạm trung chuyển trên đất Pháp thường là một căn nhà kho bỏ hoang nào đó, khi nào cũng có mấy chục người Việt ngồi chờ “người của đường dây” đọc tên gọi mình để được đi, dù chuyến đi đó chẳng biết đến đâu.
Các chuyến đi từ Pháp sang Anh cũng có nhiều hạng. VIP thì được mối lái xe giấu mình nhưng rất đắt, còn các hạng khác thì tùy: ngồi trong thùng xe, trong thùng hàng hóa, xe chở thực phẩm lạnh, có người còn đu, nằm ở dưới càng ở gầm xe tải. Có nhiều người canh ban đêm, lúc lái xe ngủ để đợi sang phà, dùng dao rạch tấm bạt che để chui vào rồi dán tấm bạt lại, lái xe không hề biết. Từ lúc đó, họ bắt đầu phó mặc số phận của mình cho may rủi.
Nếu may mắn thoát qua được biên giới, khi thấy yên thì họ bật điện thoại lên, nếu thấy bắt được sóng điện thoại thì biết xe đã vào được lãnh thổ của Anh rồi. Một khi thấy xe dừng lại thì họ cắt rách bạt xe rồi tìm cách thoát ra ngoài, nhảy xuống và chạy ngay. Cảnh sát lùng sục, dùng cả chó nghiệp vụ, nhiều trường hợp họ dùng cả trực thăng, buổi tối thì dùng máy dò nhiệt để truy tìm...
Mưu sinh nơi đất khách
Để có thể vào đến Anh an toàn bằng đường rừng từ Nga, Ba Lan sang các nước khác trước khi đến Pháp là một chuyến đi sinh tử. Phần lớn những người đi vì gia đình quá khó khăn, phải vay nợ mà đi. May mắn sang được thì còn làm để trả lại. Còn bỏ xác ở giữa rừng hay ở xứ người thì coi như gia đình ở Việt Nam lại oằn lưng gánh thêm một món nợ hoặc để lại những nỗi đau không bao giờ nguôi ngoai cho người ở lại.
Tâm, một cô gái quê Can Lộc (Hà Tĩnh), kể những ngày tết nhớ nhà, ngồi làm móng cho khách hàng mà nước mắt cứ chực ứa ra. Ăn vội chén cơm trưa chan đầy canh mà vẫn có cảm giác nghẹn cứng… Với những hành trình như vậy, có khi sang đến đây đồng tiền gửi về cho gia đình ướt đẫm mồ hôi, nước mắt, có khi còn cả máu của họ. Song vì cuộc sống, vì hoàn cảnh gia đình, họ vẫn cứ ra đi.
Theo số liệu đã được cơ quan chức năng công bố vào cuối năm 2015, tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam chiếm chừng 2% dân số trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, đó chỉ là con số. Những người lao động có việc để làm, không thất nghiệp liệu có đủ chi phí nuôi mình và nuôi người mà họ có trách nhiệm cấp dưỡng hay không?
Những người Việt mà chúng tôi gặp ở Anh quốc ra đi chỉ với lý do duy nhất là sinh kế. Và họ đã đến Anh bằng con đường bất hợp pháp sau một hành trình sinh tử, chấp nhận cuộc sống ly hương, mang theo niềm hy vọng thay đổi cuộc đời cho người thân ở quê nhà...
Rời Anh, chúng tôi mang nặng trong lòng câu hỏi: Bao giờ sẽ không còn những cuộc ly hương tìm sinh kế nhọc nhằn như thế nữa?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.