Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2019

Ngô Đào - "Phỏng vấn" bác nông dân

Ngô Đào - "Phỏng vấn" bác nông dân


Tiện thể việc bạn quý gửi thùng quà "Rau củ nhà trồng được" từ vùng cao về, vừa ngồi chén khoai lang bở tơi vừa gật gù trò chuyện với bác giúp việc:

- Bây giờ khó mà tìm được những giống ngô nếp ngon như trước, toàn ngô lai…

- Ôi làm gì còn, chúng tôi toàn phải ra mua giống ở cửa hàng.

- Sao các bác không tích trữ lại như các cụ ngày xưa í, hạt nào to mẩy thì để lại làm giống? Lúa cũng thế, sao phải phụ thuộc vào cửa hàng bán giống?

- Ôi nông dân chúng tôi giờ lười lắm, đến đi gặt lúa cũng ngại phải thuê nữa là ! Mà vì gặt lúa cũng sợ ô nhiễm vì phải phun thuốc chống rầy nâu, ngày hôm trước phun ngày sau gặt, phải đi ủng vào í !

- Sao gặt đến nơi rồi mà còn phun làm gì ?

- Ôi không phun thì rầy nó ăn nhanh lắm, cháy lúa, lên phải gặt non ! Rồi còn nạn chuột nữa, nhiều lắm !

- Ai bảo các bác bắt hết cả rắn rồi thì phải chịu chuột thôi !

- Vầng, đấy là còn đánh cả thuốc chuột rồi đấy ! Giờ nông dân chúng tôi còn phải phun cả thuốc diệt cỏ lên bờ nữa vì cỏ cao ngút đến ngang hông, đi đường bờ không nhìn thì lại sụt chân xuống !

- (Tròn cả mắt) Sao các bác không tự tay đi làm cỏ sạch sẽ đồng ruộng bờ đi mà phải dùng thuốc diệt cỏ ? Bác có biết nó nguy hại thế nào không ?

- Thì biết chứ ! Giờ người ta toàn chết vì Ung chứ không chết vì Già nữa!  Nhưng mà làm nông giờ được mấy đồng mà còn lỗ, đi làm trên thành phố thế này còn có đồng để ra chắc chắn.

Chợt se lòng khi nhớ đến chùm thóc treo trên nóc bếp lửa bập bùng giữa nhà của người dân tộc Cadong mà chúng tôi đặt chân tới trú đêm nhờ. Những bao tải thóc chất chồng gọn ghẽ trên gác bếp, bao để ăn và bao làm giống được phân chia gọn ghẽ. Lúa chín thậm chí được tuốt bằng tay vào các bao tải chứ làm gì có công cụ nào khác (thậm chí không phải là dùng cái lược tuốt lúa). 

Chùm thóc treo trên bếp lửa kia là nghi thức tạ ơn trời đã cho họ giống lúa ngon mà họ cần lưu giữ đời này qua đời khác. Việc tích trữ những bao thóc vừa đủ ăn cho cả năm, không bán ra ngoài dù có trả giá tiền cao để có được hạt hạo giã tay của họ. Chỉ cần nhai chậm rãi những hạt cơm gạo lứt ấy trong miệng với chút lạc rang muối vừng…đã đủ thấy vị ngọt đậm đà cứ muốn lưu mãi trong miệng.

Ai văn minh hơn ai ? Ai "phát triển" hơn ai ? Người Kinh định khai hóa cái gì ?

NGÔ ĐÀO 20.10.2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.