Liên quan sự kiện 39 người Việt Nam chết trong thùng xe tải đông lạnh ở Anh
Không muốn nói thêm về vụ 39 người bị ướp lạnh trong container ở Anh. Nhưng vì tự trọng dân tộc mà phải viết thêm mấy dòng.
Trước cái chết phi lý của đồng loại, hai phe nước mắt và lạnh lùng đều có cái lý nào đó, khó chê trách. Nhưng đáng chê trách là báo chí và chính quyền. Báo chí hết đánh tráo 39 nạn nhân người Việt là người Trung Quốc thì lại đánh tráo tội lỗi cho chính phủ Anh. Báo Tuổi trẻ ngang nhiên tuyên bố lỗi hoàn toàn do chính sách nhập cư của một số quốc gia giàu có đã dựng tường, siết chặt nhập cư trái phép dẫn đến hàng vạn người ở quốc gia nghèo phải nhập cư lậu qua thùng container và chết bi thảm. Còn chính quyền địa phương thì dùng một từ "đáng tiếc" ráo hoảnh, đến lượt Bộ Ngoại giao Việt Nam thì chỉ bày tỏ nỗi đau buồn hay chia sẻ với gia đình nạn nhân là xong!
Chán không thể tả!
Đạo đức, tình người đã nghèo nàn, ứng xử văn hóa tối thiểu cũng không!
Báo Tuổi trẻ chỉ trích chính phủ Anh ngăn cản quyền tự do đi lại, quyền nhập cư (ném hẳn chữ "trái phép") dẫn đến người dân nước nghèo phải đi lậu hay nhập cư trái phép, khác nào tư duy của kẻ cướp hồ đồ. Rằng do mày kín cổng cao tường hay khóa kỹ nhà mày mà tao phải vượt tường hay bẻ khóa nhà mày dẫn đến gây tai nạn cho tao, mày phải chịu trách nhiệm!
Hỏi báo Tuổi trẻ: Luật Việt Nam có chống vượt biên hay nhập cư trái phép không mà hồ đồ viết những câu như lời tướng cướp vô pháp vô thiên vậy? Xin lỗi, tôi cũng chưa hề nghe tướng cướp nào phát ngôn như vậy khi bị bắt hay bị trừng phạt!
Công an Việt Nam bắt hàng loạt bọn người Trung Quốc sang ta sản xuất ma túy, buôn người, đánh bạc, làm phim sex, khi dẫn độ chúng về Trung Quốc, nếu chúng cũng lý luận như vậy thì sao? Chẳng hạn, nếu báo Trung Quốc chỉ trích rằng, do Việt Nam siết chặt cửa khẩu ngăn cản quyền tự do đi lại, quyền nhập cư, chống cờ bạc, đĩ điếm và ma túy quyết liệt, mới có chuyện người Trung Quốc lén lút hình thành các ổ tội phạm thì phía ta sẽ trả lời sao? Phía Việt Nam phải chịu hoàn toàn trách nhiệm ư?
Tôi hình dung khi thấy Chính phủ Anh hào hiệp điều tra đưa tội phạm buôn người ra ánh sáng, cung cấp danh tính và cúi đầu chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình người bị nạn, thậm chí hứa giúp đỡ Việt Nam đưa miễn phí thi hài các nạn nhân về nước mà một số kẻ hồ đồ ở phía Việt Nam đã tấn tới đổ lỗi và quy hết trách nhiệm cho chính phủ Anh.
Cho tôi góp ý thẳng một câu đến Bộ Ngoại giao Việt Nam. Rằng, trong lời cảm ơn chính phủ Anh đã hào hiệp giúp đỡ Việt Nam, hãy nói một lời xin lỗi chân thành đến toàn thể người dân Anh và chính phủ Anh. Chúng tôi, vì quản lý chưa tốt trong xuất khẩu lao động, trong quản lý con người và biên giới mà đã gây ra bao hệ lụy, phiền toái cho nước bạn!
Năm trước, có một thằng cu trèo tường nhà tôi hái trộm xoài vào nửa đêm bị té suýt gãy tay gãy chân. Tôi bắt được và khuyên: "Lần sau muốn ăn xoài, con xin đàng hoàng bác cho, đừng leo tường nữa!". Nó bị té đau, khóc chứ không biết nói gì. Nhưng thằng bố nó thì nói gọn lỏn: "Lỗi tại cái tường nhà ông cao quá!". Ôi cái văn hóa, đạo đức xứ ta từ dân đến quan hình như đều nhiễm một thói xấu như vậy. Nói như anh Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, rằng "do thiếu kinh phí" chăng?
|
1. Nhiều nạn nhân ‘nô lệ thời hiện đại’ ở Anh xuất phát từ Việt Nam
Viễn Đông
Các “nô lệ thời hiện đại” ở Anh xuất phát từ 130 nước, trong đó Việt Nam thuộc nhóm đầu, theo báo cáo của Bộ Nội vụ Anh.
Theo phúc trình công bố trong tháng này, Việt Nam đứng thứ hai sau Albania về nơi xuất phát của các “nô lệ thời hiện đại”. Trung Quốc đứng thứ ba trong danh sách.
|
Nhiều "nô lệ thời hiện đại" người Việt "làm việc" tại các nơi trồng cần sa trái phép ở Anh.
Thông tin này gây chú ý trong dư luận Việt Nam, nhất là sau vụ 39 tử thi được phát hiện trong thùng xe tải đông lạnh ở Anh hôm 23/10.
Thoạt đầu, tin cho hay, toàn bộ các nạn nhân là “công dân Trung Quốc”, nhưng sau đó một số gia đình người Việt lên tiếng nói rằng con em họ có thể nằm trong số những người tử vong khi bị đưa “lậu” tới Anh. Hôm 1/11, cảnh sát Anh tin rằng tất cả 39 người là công dân Việt Nam.
Báo cáo của Bộ Nội vụ Anh cho biết rằng chính phủ nước này “tiếp tục hợp tác với các nước xuất phát, nơi có con số lớn những người dễ bị tổn thương bị đưa lậu vào Anh”, trong đó có việc triển khai Quỹ chống Nô lệ Hiện đại với giá trị hơn 33 triệu bảng ở ba nước gồm Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam cũng nhận được hỗ trợ từ Quỹ Bảo vệ Buôn bán Trẻ em với giá trị khoảng hơn 2 triệu bảng trong giai đoạn từ năm 2017 tới 2019.
Theo phúc trình trên, hơn 36 nghìn người dễ bị tổn thương ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, “đã được cung cấp các dịch vụ nhằm giúp ngăn chặn họ trở thành các nạn nhân hoặc giúp họ phục hồi sau khi bị bóc lột”.
Thông điệp của Đại sứ Anh Gareth Ward ngày 2/11/2019 về vụ việc 39 người chết ở Essex, Anh. Posted by UK in Vietnam
Một bài viết liên quan tới Việt Nam được nhiều người đọc nhất trên trang web của Bộ Ngoại giao Anh là về việc hai nước hồi tháng 11 năm ngoái thông báo hợp tác xử lý vấn đề “nô lệ thời hiện đại”.
Khi đó, Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm và Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid “đã ký một biên bản ghi nhớ về buôn người, theo đó mở đường cho việc phối hợp hơn nữa về chia sẻ thông tin, hỗ trợ các nạn nhân và công tác ngăn chặn”.
Theo phía Anh, nhiều nạn nhân “nô lệ thời hiện đại” ở Anh “xuất phát từ Việt Nam”, và chỉ riêng năm 2017, chính quyền Anh nhận dạng 738 nạn nhân là từ Việt Nam.
Ông Javid được trích lời nói rằng “phối hợp với các nước như Việt Nam, nơi xuất phát của nạn nhân buôn người, thực sự mang tính sống còn nhằm ngăn chặn tình trạng nô lệ hiện đại diễn ra và không ngừng truy lùng các thủ phạm”.
Trong một bài viết được nhiều tờ báo đăng tải hồi tháng Chín, Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward, viết rằng “những người Việt Nam di cư trái phép sang Anh là họ lựa chọn ra đi với mong ước về một mức thu nhập có thể trả nợ và nuôi sống gia đình”.
“Nhưng họ không lường được rằng, ở mảnh đất bên kia địa cầu, nếu họ chỉ là lao động trái phép, họ chính là những ‘nô lệ thời hiện đại’”, ông Ward viết.
“Nói đến mua bán người, có lẽ các bạn sẽ nghĩ đến Trung Quốc hay các nước láng giềng như Lào và Campuchia. Trên thực tế, người Việt Nam không chỉ bị mua bán đến các nước có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam mà còn tới các nước trong khu vực châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia và thậm chí còn tới châu Âu, trong đó có Vương quốc Anh”, đại sứ Anh viết.
“Ở nước Anh, chúng tôi sử dụng khái niệm ‘nô lệ thời hiện đại’ với hàm ý bao gồm mua bán người vì nạn nhân bị mua bán thường bị ép làm việc trong những điều kiện vô cùng tồi tệ, cả về thể xác lẫn tinh thần. Những năm gần đây, Việt Nam luôn là nước có số người nghi là nạn nhân của mua bán người và nô lê hiện đại cao nhất tại Anh, chỉ xếp sau Albania”.
Ông Ward viết rằng “khác với các nạn nhân bị mua bán sang các nước láng giềng với thủ đoạn thường gặp như bắt cóc, gạ gẫm hay lừa gạt, những nạn nhân người Việt Nam tại Anh là những người tự nguyện ra đi, với giấc mơ về một miền đất hứa, kì vọng về cơ hội cải thiện kinh tế cho bản thân và gia đình”.
“Rất nhiều trong số họ là những người đến từ những huyện còn khó khăn của Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình”, nhà ngoại giao hàng đầu của Anh ở Việt Nam viết.
Nghệ An và Hà Tĩnh là hai tỉnh có nhiều hộ gia đình đã lên tiếng về khả năng con em họ có thể nằm trong số 39 thi thể bị phát hiện trong xe tải đông lạnh ở Anh hôm 23/10.
V.Đ.Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/nhiều-nạn-nhân-nô-lệ-thời-hiện-đại-ở-anh-xuất-phát-từ-việt-nam/5150597.html
-------
2. Nghệ An bắt 8 người liên quan đến vụ 39 người chết ngạt ở Anh
RFA 11-04-2019Công an tỉnh Nghệ An tiến hành khởi tố vụ án và bắt giữ 8 người liên quan 39 người chết ngạt trong thùng lạnh chở hàng phát hiện ở Essex, Anh Quốc.
Ảnh minh họa: Chuyên viên giám định, cảnh sát và chiếc xe tải chở 39 nạn nhân chết ngạt chụp hôm 23/10/2019. AFP
Truyền thông trong nước loan tin ngày 4 tháng 11 dẫn phát biểu của Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, bên hành lang Quốc hội với báo giới như vừa nêu.
Theo lời của ông Nguyễn Hữu Cầu thì Công an tỉnh Nghệ An đã phối hợp các cơ quan trung ương tập hợp danh tính, lấy mẫu AND và vân tay của 21 người nghi vấn để phục vụ công tác giám định.
Công an tỉnh Nghệ An vào ngày 3 tháng 11 cũng cho bắt giữ 8 người liên quan đến đường dây đưa người ra nước ngoài và sẽ tiếp tục điều tra làm rõ.
Vào sáng ngày 4 tháng 11, Tỉnh ủy Nghệ An đã họp về vụ việc liên quan; tuy vậy theo ông Nguyễn Hữu Cầu cần phải tuân thủ chỉ đạo của chính phủ trung ương. Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết vào ngày 3 tháng 11, phó thủ tướng thường trực Chính Phủ, ông Trương Hòa Bình và phó thủ tướng Vũ Đức Đam tiến hành chỉ đạo cuộc họp liên ngành bàn cách đưa số người Việt bị thiệt mạng tại Anh Quốc về nước.
Vào ngày 1 tháng 11, Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng cho bắt giữ hai người và triệu tập một số người đến để xét hỏi liên quan nghi vấn dính líu đến vụ 39 người thiệt mạng ở Anh Quốc.
Tại Hà Tĩnh có 10 gia đình trình báo có người thân không liên lạc được sau khi có tin 39 người thiệt mạng như vừa nêu.
Quảng Bình và Thừa Thiên- Huế cũng trình báo có hai trường hợp.
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/nghe-an-pro--11042019075434.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.