Kinh hoàng! Năm 2050, miền Nam chìm dưới nước biển
1-11-2019
Miền Nam Việt Nam có thể chìm dưới mặt biển trong 30 năm tới, hậu quả của thay đổi khí hậu. Gần một phần tư dân số VN hiện đang sống trong những vùng sẽ bị chìm ngập, theo một nghiên cứu vừa được công bố tại Hoa Kỳ.
Theo New York Times, ngày 29/10, những cuộc nghiên cứu mới nhất của Climate Central, một tổ chức khoa học tại New Jersey, số nạn nhân của hiện tượng nước biển dâng cao sẽ gấp 3 con số dự đoán trước đây, đe doạ xoá bỏ nhiều thành phố lớn miền duyên hải trên thế giới, trong đó có các tỉnh miền Nam Việt Nam.
Các tác giả bản bản nghiên cứu, công bố thứ Ba vừa qua, cho biết đã áp dụng một phương pháp mới, chính xác hơn, để tính độ cao của đất và nước biển, căn cứ theo các dữ kiện do vệ tinh cung cấp, để kết luận là những dự đoán trước đây quá lạc quan.
Phương pháp nói trên cho thấy khoảng 150 triệu dân hiện đang sống trên các vùng sẽ chìm dưới nước trước 2050.
SÀI GÒN CHÌM DƯỚI NƯỚC
Theo Climate Central, “miền Nam Việt Nam có thể hầu như biến mất”. Bản đồ bên trái dưới đây cho thấy những vùng ven biển sẽ bị ngập nước trước 2050, theo dự đoán trước đây. Bản đồ bên phải: hầu hết miền Nam sẽ bị chìm ngập, theo Climate Central.
Vẫn theo tổ chức trên, một phần của Sài Gòn, trung tâm kinh tế VN, sẽ chìm dưới nước. Hiện nay, trên 20 triệu người Việt đang sống trong những vùng sẽ bị chìm ngập. Những dự đoán này chưa tính những dữ kiện khác, như sự tăng trưởng dân số hay nạn lở đất ven biển trong 30 năm tới.
Tại Thái Lan, trên 10% dân số sống trên những vùng bị đe doạ, theo Loretta Hieber Girardet, cư dân Bangkok, phụ trách kế hoạch giảm thiểu hậu quả của thảm hoạ thiên nhiên tại Liên Hiệp Quốc.
VIỄN ẢNH KHỦNG KHIẾP
Hiện tượng thay đổi khí hậu sẽ đe doạ các thành phố trên nhiều phương diện, theo Loretta Hieber Girardet. Ngoài nạn bị trực tiếp đe doạ, các thành phố sẽ phải tiếp nhận các nông hay ngư dân nghèo, di cư tới kiếm việc làm. “Đó là một viễn ảnh khủng khiếp”, theo bà Hieber Girardet.
Tại Thượng Hải, một trong những trung tâm kinh tế quan trọng nhất Á Châu, nước biển sẽ cuốn trôi trung tâm thành phố và những vùng phụ cận.
Trên khắp thế giới, nhiều thành phố lớn, kể cả các di tích văn hoá, lịch sử sẽ chìm dưới nước. Climate Central kết luận: mặc dù viễn ảnh đáng sợ, những vùng trên không nhất thiết bị khai tử, nếu có những biện pháp thích ứng.
Trên khắp thế giới, nhiều thành phố lớn, kể cả các di tích văn hoá, lịch sử sẽ chìm dưới nước. Climate Central kết luận: mặc dù viễn ảnh đáng sợ, những vùng trên không nhất thiết bị khai tử, nếu có những biện pháp thích ứng.
Benjamin Strauss, tổng giám đốc Climate Central nói: hiện nay, 110 triệu người đã và đang sống dưới mực nước biển, nhờ các hệ thống đê điều, các đập nước. Để tránh tai hoạ, các thành phố sẽ phải đầu tư rất nhiều trong kế hoạch phòng ngừa, và phải khởi công sớm, trước khi quá trễ.
Dina Ionesco, thuộc tổ chức điều hợp di dân quốc tế, nói, các quốc gia phải nghĩ tới, ngay từ bây giờ, kế hoạch di dân nội địa, đưa dân tới những vùng an toàn hơn. Bà cho hay đã báo động nhiều lần sẽ có những cuộc di dân lớn chưa từng thấy trong lịch sử.
Theo tướng Castellaw, thuộc tổ chức Center for Climate, tai hoạ dân mất đất sống vì thay đổi khí hậu, sẽ đe doạ sự ổn định xã hội, chính trị trên thế giới. Ông nói: đó không phải chỉ là một vấn đề môi sinh, đó còn là một vấn đề nhân đạo, an ninh và quân sự
VN ĐÃ LÀM GÌ ĐỂ ĐƯƠNG ĐẦU VỚI TAI HOẠ?
Đọc báo cáo Climate Central và bài báo trên New York Times, người ta không khỏi đặt câu hỏi: Việt Nam đã có kế hoạch gì để đương đầu với đại hoạ trong những năm tới, ngoài những sáng kiến kiểu mỗi nhà trang bị một cái chum hứng nước, hay cõng nước lên núi chữa lửa, hay vơ vét thật nhanh để mua nhà ở ngoại quốc?
Những nước láng giềng đã ráo riết chuẩn bị. Lấy thí dụ Indonesia. Chính phủ Indonesia coi viễn ảnh thủ đô Jakarta chìm dưới nước biển trước 2050 là một thực tế không thể nhắm mắt làm ngơ. Họ đã quyết định … rời thủ đô Jakarta về phía đông Bornéo, ngày nay là một khu rừng hoang.
Những ai đã có dịp ghé Jakarta khó tưởng tượng người ta có thể bỏ một thành phố sầm uất, với 10 triệu dân, để xây một thủ đô mới. Và đó không phải là một dự án trên giấy tờ. Dự án, với ngân khoản khởi đầu khổng lồ 40 tỉ dollars, sẽ bắt đầu thực hiện trong vài tháng tới, từ đầu năm 2020!
Việt Nam sẽ làm gì, hay đúng hơn, không làm gì, không phải là chuyện riêng của một tập đoàn cầm quyền, của một đảng.
Đó là chuyện chung của toàn dân, vì liên hệ tới mạng sống của 20 triệu người, một phần tư dân số. Mỗi người phải lên tiếng, phải có thái độ, đòi hỏi. Không thể thờ ơ với mạng sống của chính mình, của con cháu mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.