Hong Kong từ góc nhìn khác
Jackhammer Nguyễn
21-11-2019
Trận chiến tại Đại học Bách khoa Hong Kong là đỉnh điểm của cuộc cách mạng đòi dân chủ kéo dài gần nửa năm nay.
Người Việt Nam đặc biệt mẫn cảm với những hình ảnh liên tục đưa về từ Hong Kong, dẫn đến những lời ngưỡng mộ, chia sẻ, thương cảm,… ngập tràn các trang Facebook tiếng Việt, đặc biệt là hình ảnh các thiếu nữ Hong Kong, khi thì mệt nhoài sau một đợt trấn áp của cảnh sát, lúc thì bị còng tay dẫn đi trên nền trời đầy khói lửa,…
Dường như sự đồng cảm của người Việt với thanh thiếu niên Hong Kong bắt nguồn từ một kẻ thù chung, đó là Trung Hoa lục địa, kẻ đang âm mưu can thiệp ngày càng sâu vào Hong Kong, và… thềm lục địa Việt Nam.
Sự đồng cảm còn ở chỗ là nỗi khát khao dân chủ, đối với thanh thiếu niên Hong Kong là giữ cho được những gì còn lại, còn đối với người Việt Nam là chưa có những gì mình ao ước.
Đây đó cũng xuất hiện những bình luận trái chiều, trật chìa, nói rằng người Hong Kong đang tàn phá chính mình, bị “thế lực thù địch dẫn dắt”. Những bình luận ngu ngốc này không nhiều, nó là của những kẻ vừa mới được biết kem đánh răng là gì so với đồng chiêm cầu tỏm mới ngày hôm qua. Trong thời buổi điện tử này, sự ngu ngốc như vậy cũng là hiếm, không đáng để xem qua.
Tuy nhiên chúng ta thử nhìn câu chuyện Hong Kong từ những góc độ khác xem sao, vì công cuộc dân chủ hóa không chỉ là niềm cảm xúc với những giá trị nhân bản, mà còn đòi hỏi sự suy nghĩ tỉnh táo.
Những kẻ xâm lăng
Hong Kong sinh ra từ một cuộc xâm lăng. Cũng giống như Singapore, như Đông Dương, như Batavia (Indonesia), như các khu phố “Tây” Sài Gòn và Hà Nội.
Kẻ xâm lăng, với một trình độ xã hội cao hơn, đem đến cho kẻ bị xâm lăng những tiện ích mới về vật chất, những ý niệm mới về tinh thần. Hai điều quan trọng này bị chủ nghĩa dân tộc cực đoan (đôi khi pha trộn với cộng sản) giữa thế kỷ 20 che mờ mất. Mặc dù là những người dân thuộc địa, nhưng người Hong Kong bắt đầu biết đến tự do mà người Trung Hoa dưới đế chế nhà Thanh chưa bao giờ biết, cũng như những người dân Nam Kỳ thuộc địa hưởng tự do nhiều hơn những người sống dưới thời các quan lại triều Nguyễn ở đất bảo hộ Bắc và Trung kỳ.
Trong lịch sử loài người có rất nhiều ví dụ về những kẻ xâm lăng như vậy, như Napoleon chẳng hạn. Người bị các nhà dân tộc chỉ trích nặng nề lại là kẻ đem đến tinh thần khai phóng cho những vùng đất mà ông chinh phục, hay ảnh hưởng lên những kẻ thù của chính ông. Đâu phải ngẫu nhiên mà Người Đức Beethoven, người Anh Byron đều ca ngợi kẻ thù Napoleon của dân tộc họ.
Tuy nhiên, những người Trung Hoa chưa từng sống dưới “ách” thực dân Anh không hề biết điều đó, và trong cái không khí rất độc hại nửa dân tộc chủ nghĩa, nửa cộng sản, cộng thêm với hàng rào kiểm duyệt chưa từng thấy trong lịch sử loài người ở Hoa lục, thì chúng ta cũng đừng ngạc nhiên khi có những lời thóa mạ của những đám đông dân Hoa lục đối với đám đông người Hong Kong, nhân danh tinh thần yêu nước. Cũng có những người Việt Nam như thế.
Chủ nghĩa cộng sản mới của Bắc Kinh
Người ta vẫn đang tranh luận nhau là Hiến pháp Hong Kong hiện nay (basic law) là của ai đề ra? Vương quốc Anh, hay Đảng Cộng sản Trung Quốc?
Nếu như của người Anh đề ra, khi họ bắt đầu thương thuyết với Hoa lục từ những năm 1970, thì câu hỏi đặt ra là tại sau họ không thể chế hóa quyền tự do của người Hong Kong trước đó?
Nếu như người Tàu đề ra, thì Hong Kong quả là cái phòng thí nghiệm cho họ xem xét cận kề chủ nghĩa tư bản, ngay trong vòng kiểm soát của họ, không sợ ảnh hưởng đến đảng cầm quyền, vì qui mô giới hạn của lãnh thổ Hong Kong.
Sau hơn 20 năm, họ đã biết nhiều về chủ nghĩa tư bản, họ nắm được sức mạnh của những nhà tư bản, cũng như yếu huyệt của họ: tiền.
Theo phân tích của Andrew Nathan, một người am tường về Trung Quốc, trên tạp chí Foreign Affairs, thì Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban nhiều ơn mưa móc cho giới tài phiệt Hong Kong. Bên cạnh đó, sự phát triển của Thẩm Quyến, Thượng Hải đã làm cho vai trò cái nút tài chính của Hong Kong giảm sút.
Bắc Kinh tự tin hơn nhiều sau mấy chục năm làm quen với chủ nghĩa tư bản, họ thấy rằng những biến động xã hội như việc đang diễn ra ở Hong Kong có thể được chế ngự, như nước Pháp đã giải quyết cuộc nổi dậy của sinh viên năm 1968, hay là Occupy Wall Street của giới trẻ Mỹ mới cách đây vài năm. Họ không thể và không cần làm lại một Thiên An Môn. Năm 1989 họ còn quá lạ lẫm với một xã hội mở.
Dĩ nhiên để giải quyết cuộc khủng hoảng, xã hội và kinh tế, của Hong Kong không phải đơn giản. Đâu phải ngẫu nhiên mà giới trẻ Hong Kong tham gia cuộc nổi dậy nhiệt tình như vậy. Họ thấy trước tương lai ảm đạm của kinh tế Hong Kong, tương lai ảm đạm của việc làm, của nhà cửa đắt đỏ. Điều tương tự cũng đang ám ảnh Singapore, nơi có cấu trúc kinh tế gần giống với Hong Kong, và một thể chế cũng khá độc đoán.
Người Việt Nam làm gì đây?
Thế giới đổi thay rất nhiều từ khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ cách đây vỏn vẹn mới 30 năm. Trong suốt 30 năm ấy Trung Hoa cộng sản thay đổi nhiều nhất. Nhưng có một điều không đổi đó là sự toàn trị kiểu Trung Hoa (và nói rộng hơn là kiểu Đông Á), hình thành cả ngàn năm nay với những vị vua học trò của ông thầy cúng Khổng Tử.
Sự thay đổi về vật chất, cộng với sự bất biến về thể chế, cộng với nổi niềm bị phương Tây làm nhục cách đây hơn trăm năm, đã đưa đến một tham vọng đế quốc mới mà cũ. Mới là mới trong thế kỷ 21, cũ là những quan niệm đất đai lãnh thổ như của một triều đại thời trung cổ. Điều đáng ngại là tham vọng đế quốc đó được hậu thuẫn bởi một tỉ dân chưa bao giờ biết dân chủ là gì.
Người Việt chúng ta cũng chưa bao giờ biết dân chủ là gì, ngoại trừ 20 năm thử nghiệm và thất bại của Việt Nam Cộng hòa. Cho nên không ngạc nhiên khi chúng ta nghe ngóng những hình ảnh, tin tức từ Hong Kong với nhiều cảm xúc như vậy. Cảm xúc đến nỗi chúng ta ném hết cảnh sát Hong Kong vào chung một rọ với công an Trung Quốc. Chúng ta hãy nhớ lại cuộc nổi loạn vào năm 1996 của thuyền nhân Việt Nam tại trại tị nạn Hong Kong. Có đến 2000 người được huy động để trấn áp, và theo những ghi chép của báo chí thì họ đã bắn đến 1800 quả lựu đạn cay.
Chúng ta rất ghét Hoa lục, nhưng chúng ta lại dùng chữ Hán để viết bài ca ngợi cuộc nổi dậy Hong Kong, nào là Quang phục Hương Cảng (chứ không phải là Hong Kong), rồi mới đây tôi còn thấy đâu đó là Ngã Ái thủ túc (?), toàn là tiếng Hán Việt, nếu không muốn nói đấy toàn là tiếng Tàu.
Nếu những phân tích của Andrew Nathan là đúng, thì Hoa lục đã tạo nên một liên minh mà những người Hong Kong trẻ tuổi đòi dân chủ rất khó tấn công, đó là sự móc ngoặc giữa đám tư bản đỏ Hoa lục và giới tài phiệt Hong Kong.
Hãy nhìn những tòa cao ốc ở Hà Nội và Sài Gòn, giới tài phiệt đỏ ngày càng mạnh, mà chẳng phải người đàn bà giàu bậc nhất Sài Gòn, nhà đầu tư địa ốc Trương Mỹ Lan, cũng là một người Hong Kong hay sao?
Jackhammer Nguyễn, từ San Francisco
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.