Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2019

Con chim lạ: Nguyễn Vinh Hiển – Hoàng Khởi Phong

Con chim lạ: Nguyễn Vinh Hiển – Hoàng Khởi Phong

Chu Sơn
1-11-2019
Nhà văn, nhà thơ Hoàng Khởi Phong. Ảnh: Trương Thị Thịnh vẽ
Sau thời gian một tháng bị tạm giam – thẩm vấn tại ty cảnh sát Tuyên Đức (Đà Lạt) tôi được đưa qua đồn quân cảnh Đà Lạt để truy tố tội đào ngũ. Khoảng 3 giờ chiều một ngày đầu tháng 12. 1974, đồn quân cảnh Đà Lạt làm các thủ tục tiếp nhận tôi. Thẩm vấn tôi là một trung sĩ, anh ta hỏi tên tuổi, nghề nghiệp để ghi hồ sơ.
Khi nghe tôi khai là nhà báo, anh ta quay qua người chuẩn úy ngồi bên cạnh nói: “Chỉ huy trưởng của mình cũng là nhà báo”. Tôi hỏi: “Chỉ huy trưởng của các anh tên gì”? Người chuẩn úy nói: “Ông ấy tên là Nguyễn Vinh Hiển, làm thơ ký tên Hoàng Khởi Phong. Tôi nói: “Cho tôi gặp chỉ huy trưởng của các anh”. Người chuẩn úy nói: “Ông ấy đã đi ra ngoài”.
Làm thủ tục xong, người trung sĩ dẫn nhốt tôi trong một phòng nhỏ ở dãy nhà sau dành cho quân phạm. Căn phòng rộng khoảng 2 mét, sâu khoảng 4 mét chỉ có duy nhất một cửa ở phía trước. Trong bầu không khí ngột ngạt và tối tăm ấy, tôi nghĩ về tối Nô en tôi đến nhà Hoàng Khởi Phong năm ngoái: Tôi có việc cần ở Đà Lạt vài ngày.
Chiều 24.12.1973 tôi từ Sài Gòn lên, tình cờ gặp Trần Hữu Lục trên đường từ bến xe lên khu chợ Hòa Bình. Trần Hữu Lục nói: “Tối nay nếu chưa có hẹn thì theo tôi đến nhà Hoàng Khởi Phong chơi, có một buổi tụ hội văn nghệ sĩ Đà Lạt ở đó”. Tôi hỏi: “Hoàng Khởi Phong là ai?”. Trần Hữu Lục nói: “Là một sĩ quan quân cảnh, đồng thời là một văn thi sĩ khát khao sáng tác, muốn tìm tòi một hướng và một cách biểu hiện độc đáo cho riêng mình…”
***
Khoảng 6 giờ chiều, có tiếng gọi ở phía cửa: Ra đây, ra đây. Tôi ra trong ánh sáng lờ mờ, không thấy rõ mặt người, chỉ nghe tiếng hỏi: “Anh là ai mà đòi gặp tôi?” Tôi nói tôi là Chu Sơn. Người ấy bảo vào lại trong chờ. Khoảng 7 giờ tối tôi nghe cửa mở và tiếng gọi: Chu Sơn, Chu Sơn ra đây. Tôi ra và gặp đại úy Nguyễn Vinh Hiển tức là Hoàng Khởi Phong. Chúng tôi tay bắt mặt mừng. Hoàng Khởi Phong nói bây giờ ông về nhà tôi, có nhiều người đang chờ chúng ta ở đó.
Chúng tôi lên xe jeep. Hiển vừa lái xe vừa nói: “Tôi và ông mới gặp nhau một lần, có lẽ chúng ta là “oan gia”, đất nước này là “ngõ hẹp”. Đêm Nô en năm ngoái ông đọc thơ tại nhà tôi. Sau đó tôi bị an ninh quân đội điều tra. Nha Quân cảnh quyết định điều tôi qua Pleiku, một nơi hẻo lánh, để tôi không còn tụ họp bạn bè văn nghệ. Tối nay nhân sinh nhật con trai đầu, tôi muốn bạn bè tụ họp lần cuối ở Đà Lạt, ra Tết ta, cả gia đình tôi qua bên đó. Không ngờ ông lại xuất hiện trong tư cách người tù của tôi. Quả là “oan gia ngõ hẹp”.
Cũng như đêm Nô en năm trước, nhiều khuôn mặt quen thân như Trần Hữu Lục, Thân Trọng Minh, Đoàn Đại Oanh, Trần Hoài (họa sĩ) trong số khoảng 40 người ngồi kín hai bên dãy bàn duy nhất giữa phòng khách to rộng. Khi chúng tôi vào, còn hai chiếc ghế trống ở đầu bàn. Chúng tôi đứng sau ghế.
Hoàng Khởi Phong mở lời, tôi nhớ đại khái: “Hôm nay sinh nhật cháu Quang đầy ba tuổi. Các bạn đã có quà mừng. Nhưng món quà đặc biệt của con trai tôi đêm nay là sự tham dự của anh Chu Sơn, một người bạn không bình thường, ba nó mời về từ nhà tù quân cảnh. Tôi mong rằng con trai tôi, cháu Quang, khi lớn lên, đất nước thanh bình để không có những người bạn tù như cha nó tối nay”.
Sau tiệc, Hoàng Khởi Phong không đưa tôi trở lại đồn quân cảnh, anh mời tôi ngủ tại nhà. Chúng tôi trò chuyện suốt đêm, chuyện thơ văn, chuyện chiến tranh và tình cảnh đất nước. Hoàng Khởi Phong tặng tôi tập thơ xuất bản năm 1970: Phục hồi quyền chức làm người. Nhan đề tập thơ cứ như một tuyên ngôn chính trị.
Cảm nhận ban đầu của tôi chưa chính xác. Qua trò chuyện tôi mới vỡ lẽ ra rằng Hoàng Khởi Phong bức xúc trước tình cảnh đất nước, anh khẳng định sứ mệnh dấn thân của người làm văn hóa, văn nghệ: đấu tranh cho sự tự do, nhân ái, công bằng và phát triển xã hội. Anh chống Cộng quyết liệt, vì cho rằng Cộng sản là nguồn cội của những tội lỗi, những đau khổ, những tai ương, hoạn nạn cho bản thân anh, gia đình, dân tộc và đất nước. Vì Cộng sản mà gia đình anh và gần một triệu người miền Bắc phải từ bỏ quê cha đất tổ di cư vào Nam. Anh phẫn nộ và khẳng định cụ thể: “Đám lãnh tụ Cộng sản miền Bắc, gặp ai anh bắn nấy, trừ Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp”. Nhưng đồng thời, Hoàng Khởi Phong cũng bày tỏ sự bất mãn trước tình trạng tham nhũng và lệ thuộc Mỹ của các tướng ở Sài Gòn.
Bất mãn, phẫn nộ mà không tuyệt vọng, “không ru ngủ phản chiến như Trịnh Công Sơn”, không trốn tránh trách nhiệm của nhà văn trước lịch sử. Đấy là cảm nhận của tôi sau khi nghe Hoàng Khởi Phong giải bày tâm sự.
Đêm đó thức khuya, nhưng hôm sau thức dậy chúng tôi đều thoải mái và vui. Hoàng Khởi Phong chở tôi đi ăn sáng ở khu phố chợ Hòa Bình và ngồi cà phê Tùng. Khoảng 8 giờ chúng tôi mới vào lại đồn quân cảnh.
Về thủ tục hành chính, chỉ cần một vài ngày là quân cảnh Đà Lạt làm xong thủ tục chuyển tôi xuống tòa án quân sự Nha Trang để truy tố và xử phạt tội đào ngũ. Nhưng chỉ huy trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã không vội làm công việc đơn giản ấy. Vì nhà thơ Hoàng Khởi Phong muốn “bạn thơ” ở chơi Đà Lạt “càng lâu càng tốt”. Tôi ở đồn quân cảnh từ sáng đến chiều. Tôi đọc sách báo, Hoàng Khởi Phong làm nhiệm vụ của đại úy Nguyễn Vinh Hiển. Thỉnh thoảng tôi còn đi ra ngoài có việc riêng. 5 giờ chiều Hoàng Khởi Phong chở tôi về nhà, tắm táp, ăn uống và tiếp tục chuyện trò, sáng hôm sau lại ra khu chợ Hòa bình cà phê. Cứ như thế đến hơn 15 ngày.
Câu chuyện chúng tôi xoay quanh vấn đề Hoàng Khởi Phong nêu: “Sứ mệnh văn nghệ”, và vấn đề “hòa bình, hòa giải, hòa hợp dân tộc” của tôi. Một hôm tôi hỏi Hoàng Khởi Phong:
– “Làm thế nào để hòa giải hai con người: nhà thơ Hoàng Khởi Phong và đại úy quân cảnh Nguyễn Vinh Hiển”?
Hoàng Khởi Phong nói:
– “Trong tôi là một khối mâu thuẫn: Quân cảnh là khuôn phép, là kỷ luật quân đội, gần như tuyệt đối. Nhà thơ là tự do, cũng gần như tuyệt đối. Hai cái gần như tuyệt đối ở hai cực đối lập tồn tại trong cùng một con người, một bản thể, là tôi! 
Làm thế nào để hòa giải? Tôi vào lính đã 13 năm. Tôi làm thơ hơn 13 năm. Suốt 13 năm câu hỏi ông vừa nêu cứ lặp đi lặp lại trong tôi, và trong tôi luôn diễn ra cuộc đối kháng và cuộc tự hòa giải. Tôi đã là người lính vô kỷ luật, nhưng vô kỷ luật vừa đủ để đừng bị đuổi ra khỏi ngành, để khỏi phải cầm súng ra chiến trường. Có thể nói tôi vào lính để trốn lính. Tôi trốn lính không phải vì sợ chiến đấu, sợ chết chóc, thương tật và ngại gian khổ. Nhưng chiến đấu theo lệnh của Mỹ và các ông tướng tham nhũng ở Sài Gòn thì chỉ có lợi cho họ, cho Cộng sản, không có lợi gì cho nhân dân đất nước và bản thân tôi cả. 
Tôi đã ở quân cảnh 13 năm tròn, sáu lần bị điều chuyển đơn vị công tác vì tôi vô kỷ luật. Trong tôi còn có một mâu thuẫn nghiêm trọng là vừa làm lính Việt Nam Cộng Hòa, và vừa làm người Việt Nam. Tôi lờ mờ nhận ra rằng làm văn nghệ và làm người Việt Nam có những điểm chung nhất. Sứ mệnh của người viết văn, làm thơ, vẽ tranh, sáng tác âm nhạc, kịch nghệ… là để làm người Việt Nam trước thực tại bọn cai trị ở Hà Nội và ở Sài Gòn đã và đang điều hướng nhân dân (đặc biệt là quân đội) đi lệch, đi ngược quyền lợi dân tộc. 
Tôi thích tụ tập anh em văn nghệ là để lắng nghe những tiếng nói khác, để tìm cho mình, cho cộng đồng một hướng đi, một cách thế sống và sáng tạo nghệ thuật. Tôi không muốn tiếp tục làm lính để trốn lính như tôi đã làm 13 năm qua. Tôi không muốn hô hào chém giết đến “thắng lợi cuối cùng” hoặc “tử thủ” như văn nghệ tuyên truyền từ hai bên chiến tuyến. Tôi cũng không đồng tình với những ca khúc ru ngủ mà Trịnh Công Sơn gọi là phản chiến. Tôi muốn sống hết mình trong trách nhiệm dân tộc và sáng tác trung thực, nhân bản trong tự do”.
Càng nghe Hoàng Khởi Phong giải bày tâm sự, tôi càng có cảm tưởng trong anh ứ tràn những suy nghĩ, những giằng xé khắc khoải, những khát vọng sống và lao động nghệ thuật. Nơi Hoàng Khởi Phong có cái gì đó sâu thẳm của một văn nhân, đồng thời có cái gì đó thô ráp, hung bạo nhưng hào hiệp nghĩa tình của một hảo hán thời tao loạn.
Có lần Hoàng Khởi Phong hỏi tôi vì sao ông đào ngũ. Tôi nói bởi tôi sợ. Tôi sợ vì phải giết ai đó. Ai đó có thể là anh em tôi, là bạn tôi, là thầy tôi, là họ hàng, láng giềng và chắc chắn là người Việt Nam da vàng mũi tẹt. Tôi giết họ là giết chính bản thân mình. Tôi đã làm thơ chống chiến tranh từ 1960. Năm 1965 Mỹ đỗ quân, tôi làm thơ chống Mỹ. Sau hiệp định Paris, người Mỹ ra đi, tôi đào ngũ vì chủ trương hòa bình, hòa giải, hòa hợp dân tộc. Tôi cũng như ông: Không thể chiến đấu dưới cờ bọn độc tài tham nhũng ở Sài Gòn. Vấn đề ý thức hệ Cộng Sản, đảng Cộng sản, có thể tôi sai, ông đúng: “Không ai có thể có tự do được dưới sự cai trị của đám Trường Chinh – Lê Duẩn…”. Những chọn lựa của chúng ta lúc này là tương đối. Tôi chọn cái tương đối Dân tộc và Xã hội chủ nghĩa. Ông chọn cái cái tương đối khác là Tự do và Tư bản thực dân đế quốc chủ nghĩa. Hoàng Khởi Phong cãi lại: “Còn có dân tộc nữa đâu dưới chế độ Cộng sản?”
Đêm cuối cùng tại nhà Hoàng Khởi Phong, tôi trằn trọc mãi, không ngủ được vì hai câu anh vừa mới nói: “Không có Tự Do và không còn Dân Tộc trong chế độ Xã hội chủ nghĩa”. Tôi nhớ bức thư Ngô Kha viết cho tôi tại nhà bà dì ở An Cựu, tôi cũng nhớ câu chuyện của ông cụ người Huế trong lòng chiếc máy bay C130. Tôi kết nối ý lời của ba người không quen biết nhau đó lại: “Không có hòa giải hòa hợp, không có độc lập tự do, không có dân tộc và hòa bình đích thực trong đất nước do người Cộng sản cai trị”. Nhưng rồi tôi cố xua đi những ý lời “đen tối” ấy để ru ngủ bằng những giấc mơ mà không đầy nửa năm sau, thực tế đã chứng minh là hảo huyền khi chính phủ hòa giải Dương Văn Minh phải dong tay đầu hàng trước xe tăng và họng súng của quân chính phủ (ảo) “Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam”, chính phủ của “Liên minh (ma) các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình”.
Sáng hôm sau Hoàng Khởi Phong lại đưa tôi ra khu Hòa Bình như thường lệ mười lăm ngày trước đó. Tại cà phê Tùng, tình cờ chúng tôi gặp Trần Hữu Lục. Trần Hữu Lục nói nhỏ với tôi rằng dân biểu Đinh Văn Đệ nhắn là cảnh sát Tuyên Đức đã nhận được điện của cảnh sát Huế và Sài Gòn rằng “đương sự là Việt cộng tái hoạt động”. Ty cảnh sát Tuyên Đức chờ ông đại tá tỉnh trưởng đang đị họp ở Sài Gòn về ký quyết định đưa tôi trở lại ty cảnh sát Tuyên Đức để điều tra lại.
Tôi không quen dân biểu Đinh Văn Đệ. Sau này tôi mới biết ông là trưởng khối quốc phòng tại hạ nghị viện quốc hội Việt Nam Cộng Hòa.
Trên xe jeep từ cà phê Tùng về đồn quân cảnh, tôi nói với Hoàng Khởi Phong là cảnh sát Tuyên Đức vừa nhận được điện báo của cảnh sát Huế và cảnh sát Sài Gòn rằng “tôi là Việt cộng tái hoạt động”. Cảnh sát Tuyên Đức chờ ông đại tá tỉnh trưởng đi họp ở Sài Gòn lên ký quyết định đưa tôi trở lại ty cảnh sát để điều tra. Tôi thông báo với Hoàng Khởi Phong như thế, chưa đề nghị gì thì anh đã nói: “Tôi sẽ chở ông trốn”.
Tôi vô cùng cảm kích trước quyết định hào hiệp của Hoàng Khởi Phong. Tôi nói: “Cám ơn ông về tất cả, ông cứ làm lơ để tôi trốn, như thế ông sẽ ít trách nhiệm hơn”. Tôi nói lời chia tay với Hoàng Khởi Phong trên chiếc xe jeep do anh cầm lái. Về tới đồn quân cảnh, Hoàng Khởi Phong vào phòng chỉ huy trưởng, tôi vào phòng sinh hoạt của đồn đọc sách báo như mọi ngày. Khoảng 10 giờ tôi qua phòng thường trực xin phép người sĩ quan trực nhật đi ra ngoài. Tôi đã làm như thế vài ba lần trong mười mấy ngày trước nên người sĩ quan trực không nghi ngại gì, ông ta vui vẻ nhận lời.
Không có tâm lý căng thẳng, nặng nề của một tên tù vượt ngục, tôi rời đồn quân cảnh Đà Lạt với hình ảnh tốt đẹp của người bạn thơ và những ký ức không rời về con chim lạ Nguyễn Vinh Hiễn – Hoàng Khởi Phong.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.