Đà Nẵng, nơi những “con kền kền” ăn trên xác người (Kỳ 1)
Quế Hương
21-11-2019
Ngày 22/10/2019, sản phụ L.H.P.T, sinh năm1987, trú quận Hải Châu, nhập Bệnh viện Phụ nữ để sinh con, sau khi gây tê tuỷ sống để mổ bắt con, thì chị co giật, tê liệt tứ chi và hôn mê sâu, rồi tử vong.
Gia đình đau đớn nhận xác về mai táng, với giải thích của bác sĩ “do thuyên tắc mạch ối”.
Mới đây nhất, khoảng 8 giờ sáng 17/11, sản phụ V.T.N.S, sinh năm 1987, trú quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng, nhập viện Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng để chờ sinh mổ. Đến 11h20 cùng ngày, các bác sĩ tiến hành gây tê tủy sống, mổ lấy thai nhi, thì chị S nguy kịch, co giật, tê liệt. Dù được chuyển sang Bệnh viện công lập Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, nhưng đến khoảng 20h cùng ngày, bệnh nhân S. tử vong.
Cũng ngày 17/11/2019, chị N.T.H, 33 tuổi, trú quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, nhập Bệnh viện Phụ nữ, trong tình trạng chuyển dạ, được chuyển vào phòng mổ ngay. Sau khi gây tê tủy sống, chị H cũng bị triệu chứng như chị S, tê liệt tứ chi, rơi vào hôn mê, dù được chuyển sang bệnh viện công lập tuyến trên, BV Đa khoa Đà Nẵng, nhưng tiên lượng cực nặng, khó qua khỏi.
Xem tình cảnh ba người phụ nữ đáng thương đến đau lòng, họ đến bệnh viện trong trạng thái sức khoẻ và thai sản bình thường, nhưng lại ra đi trong tức tưởi, đớn đau, oan khuất. Những đứa trẻ bỗng mồ côi mẹ lúc chưa chào đời, mẹ mất để nỗi đau tột cùng cho người ở lại.
Theo lãnh đạo sở Y tế Đà Nẵng, trong thời gian nhập viện, các bác sĩ BV Phụ nữ đã dùng thuốc Bupivacain WPW Spinal 5,5% Heavy để điều trị cho 3 bệnh nhân. Loại thuốc này do Ba Lan sản xuất, Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CPCI – Chi nhánh Đà Nẵng cung ứng.
Theo thông tin từ công ty CP Dược phẩm Trung ương CPCI – Chi nhánh Đà Nẵng, tính từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị đã cung ứng 12.550 ống Bupivacaine cho các bệnh viện, trung tâm y tế từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. Bệnh viện Phụ nữ nhập lô thuốc 01DB0619 gồm 250 liều, sử dụng 130 liều, số còn lại bị niêm phong để chờ kết quả xét nghiệm.
Thuốc của Ba Lan hay Trung Quốc? Thuốc dỏm hay tay nghề bác sĩ dỏm? Câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp.
Trên trang cá nhân, nhà báo Lê Phi, trưởng Văn phòng báo Pháp luật TP HCM tại Đà Nẵng công bố lá thư đẫm nước mắt của một người chồng mất vợ:
“Không ai hiểu được cảm giác đó của tôi khi nhìn thân xác vợ tôi sau khi đem từ bệnh viện về nhà. Mặt biến dạng, chân tay thì bầm đen, gần như cả người, ngực thì hơn hàng chục mũi kim quấy vào, bụng thì vết mổ may ẩu rướm máu và nhiều vết thương khác. Nhìn như một cái xác được trang điểm để doạ ma trong các lễ Halloween vậy…
Tôi muốn nợ gì trả đó, nhưng nghĩ lại, con mình chẳng lẽ mất mẹ giờ cha cũng không, nên tôi kiềm chế hết cỡ. Thật sự bình tĩnh, không ai nhận ra được sau lưng sự bình tĩnh đó là sự máu lạnh tột độ, chỉ cần bên kia không đến xin tha thứ, mà nói điều gì xóc gan, thì tôi nghĩ có chuyện thật tồi tệ xảy ra rồi đấy…
Khi tôi biết được sự thật do thuốc, tôi sốc nặng lắm, vì vợ tôi không đáng bị chết oan uổng như vậy. Nếu do tai nạn bệnh tật, rủi ro trong nghề nghiệp cứu chữa bệnh, tôi còn chấp nhận lời xin lỗi, vì thuốc sẽ gây chết người nhiều ca hơn nữa, nên giờ tôi không thể ngồi im được nên viết ra những gì cảm nhận mình nên chia sẻ…”.
Lê Phi viết thêm: “Các vị đã biết thuốc này có vấn đề vô cùng nguy hiểm đến các sản phụ khi gây tê để mổ bắt thai nhi nhưng các vị không thu hồi loại thuốc này để thay thế bằng loại thuốc khác. Các vị đã có những báo cáo về loại thuốc này ‘không gây mê hoàn toàn, làm tụt huyết áp kéo dài, và một số trường hợp gây ra sốc, co giật’…nhưng các vị đã không làm gì cả.
Sự khốn nạn đến tận cùng. Không khác gì VN Pharma!”
***
Vậy Bệnh viện Phụ nữ là bệnh viện nào? Tại sao nhiều sản phụ lại chọn nơi này?
Quay trở lại 10 năm trước. Vào tháng 5/2009, “lãnh chúa miền Trung” Nguyễn Bá Thanh đã cắt băng khánh thành Bệnh viện Phụ nữ, do Hội bảo trợ phụ nữ nghèo và bất hạnh, kêu gọi phụ nữ toàn TP góp tiền xây dựng. Khi đưa vào hoạt động, Nguyễn Bá Thanh lại giao cho vợ mình là Lê Thị Quý toàn quyền quản lý. Tiến sĩ Phan Gia Anh Bảo, ngày ấy, hoặc Bs Võ Xuân Phúc hiện nay, là giám đốc, tiếng là thế, song thực ra chỉ là người làm thuê ăn lương. Nếu ai muốn biết rõ thì tìm gặp bác sĩ Anh Bảo để hỏi.
Mười năm về trước nữa, chắc không ai quên cơn “đại hồng thuỷ” lịch sử tháng 11/1999. Lũ lụt đã làm ngập trắng 10 tỉnh, thành phố miền Trung, 595 người chết (Thừa thiên Huế chết 352 người), 41.846 ngôi nhà bị cuốn trôi, 570 trường học bị cô lập và phá hủy, thiệt hại ước tính 500 triệu đô la. Ngày ấy, y tá Lê Thị Quý đang học “chuyên tu” bác sĩ tại Huế, Nguyễn Bá Thanh đã nhờ một máy bay trực thăng ra Huế đưa vợ về. Khi Lê Thị Quý tươi cười trên không trung, thì dưới đất những tiếng kêu cứu thảm thiết, khóc than xé trời, đoạn đường từ cố đô về Đà Nẵng trắng một màu tang chế…
Sau khi khai trương Bệnh viện Phụ nữ, để bệnh viện của vợ “ăn nên làm ra”, Nguyễn Bá Thanh cho xây dựng tốc hành một Trung tâm sản nhi tại ngoại ô Ngũ Hành Sơn, cách BV Đa khoa Đà Nẵng gần 20 km.
Tháng 5/2011, Nguyễn Bá Thanh chỉ đạo Phạm Hùng Chiến, giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng ra quyết định, chuyển khoa Sản và khoa Nhi ra khỏi BV Đa khoa, về trung tâm mới.
Chiến vốn là bạn cùng lớp Học sinh miền Nam số 1 Đông Triều, Quảng Ninh cùng Bá Thanh. Vì thế, cả nước không có người thứ hai, dù chỉ là anh cử nhân X-quang không hơn không kém, Phạm Hùng Chiến vẫn được bố trí làm giám đốc BV Đa khoa Đà Nẵng và hai nhiệm kỳ làm giám đốc sở Y tế.
Bệnh viện lớn nhất Đà Nẵng không còn khoa Sản, Bệnh viện C của Bộ Y tế cũng không có khoa Sản, từ đó, phụ nữ nội thành Đà Nẵng muốn khám chữa bệnh, sinh sản… phần lớn đổ về BV Phụ nữ của Lê Thị Quý cho gần. Và rồi cái giá họ phải trả là khá đắt: Sinh mạng của cuộc đời mình.
Hai ngày trước khi nghỉ hưu, thứ trưởng thường trực Bộ Y tế đã ký công văn số 5069/BYT-BM-TE ngày 29/8/2019 gởi hoả tốc cho các tỉnh thành, “về sử dụng phương pháp vô cảm gây tê vùng trong mổ lấy thai“.
Công văn nêu rõ:
– Mặc dù Bộ Y tế đã ban hành các văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh việc áp dụng phương pháp vô cảm trong mổ lấy thai, tuy nhiên trong thời gian gần đây, một số địa phương vẫn xảy ra các trường hợp tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh có liên quan đến tai biến sau thủ thuật vô cảm bằng phương pháp gây tê vùng (bao gồm cả gây tê tủy sống đơn thuần trong mổ lấy thai và gây tê ngoài màng cứng để giảm đau trong đẻ).
Thế nhưng có lẽ, BV Phụ nữ của Lê Thị Quý đã bỏ ngoài tai. BV Phụ nữ công không ra công, tư không ra tư. Giờ đây ai sẽ phải chịu trách nhiệm?
Chiều 21/11/2019, Thứ trưởng BYT đã cấp tốc vào Đà Nẵng để theo sát chỉ đạo, các bác sĩ sản khoa hàng đầu Việt Nam từ BV Từ Dũ cũng bay ra ĐN để tiếp ứng, hầu cứu sống sản phụ đang hôn mê…
Lúc này, bà Ngô Thị Kim Yến, Đại biểu Quốc hội khoá 14, Thành uỷ viên, đại biểu HĐND TP khoá 9, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng đang bận họp tại Hà Nội và trả lời báo chí bên hành lang quốc hội.
Vậy người đàn bà vô cảm đến lạnh lùng, vô trách nhiệm Ngô Thị Kim Yến là ai?
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.