Thứ Tư, 20 tháng 11, 2019

20.11: Chúc mừng nhà giáo là chúc mừng gì nhỉ?

20.11: Chúc mừng nhà giáo là chúc mừng gì nhỉ?

Tôi xúc động và trân trọng cảm ơn tất cả các bạn. Tôi cũng chân thành cáo lỗi vì tôi không thể gửi lời cảm ơn đến cho từng bạn. Nếu viết lời cảm ơn cho từng bạn thì phải mất một buổi, và không chừng chỉ là những lời sáo rỗng.
Ngày 20.11, tôi dành thời gian tâm tình với những thầy cô già ở xa. Một lời thăm hỏi sức khỏe và động viên nhau vượt qua gian nan của nghề đưa đò. Vậy thôi!
Lãnh đạo đi thăm và chúc mừng là chuyện của lãnh đạo. Bao giờ cũng vậy, mỗi khi nhận lời chúc mừng xong, tôi cứ tự hỏi: “mừng cái gì nhỉ?”
Mừng lương cao ư? Thì mấy chục năm nay, ngành giáo vẫn giữ thu nhập dưới đáy so với các ngành nghề khác. Nhiều thầy cô có thu nhập tăng lên nhờ dạy thêm, nhưng cái việc bán cháo phổi để lấy từng xu trong túi người nghèo ấy có phải là vinh?
Mừng sức khỏe ư? Không có nghề nào làm cho con người già đi nhanh so với nghề dạy học, nếu thầy cô giáo thực sự tận tâm với nghề. Nhiều thầy cô mang bệnh tật đầy mình, vừa nghỉ hưu được một vài tháng chứ chưa đến năm đã vội bỏ đời mà đi.
Lương được ban phát cho cái giá rẻ mạt, sức khỏe phế tàn nhanh, không thể gọi là “cao quý” được. Một đời thầy giáo, nói như Nam Cao, như con ngựa già leo hết dốc này đến dốc khác, chúc mừng cái gì? Lời chúc không làm cho con ngựa già ấy trẻ đẹp lên như con tuấn mã được.
Mặc dù đã thông báo sớm cho học trò rằng, thầy đã nhận quà chung của sinh viên toàn khoa, đó là tất cả tấm lòng và niềm vui lớn lao, và sẽ không nhận thêm gì nữa. Vậy mà hai hôm nay lên lớp, các bạn lại tiếp tục tặng quà và hoa.
Dù món quà là một cuốn sổ, một bông hoa, nhưng vẫn là tiền. Các bạn nói, chẳng có gì lớn lao trong món quà bé mọn đó, thầy ạ. Nhưng tôi vẫn phải nói, rằng lòng tham của con người bắt đầu từ cái máng lợn, như trong truyện cổ tích Ông lão đánh cá và con Cá Vàng mà các bạn đã được học từ bé. Giá mà bà vợ ông lão đánh cá không có cái máng lợn lành lặn thay cho cái máng sứt mẻ thì bà đã không đòi có cái nhà, đòi lâu đài, đòi làm nữ hoàng và đòi làm cả Long Vương. Lòng tham luôn có tính chất leo thang và biến kẻ khác thành nạn nhân. Tôi không muốn các bạn thành ông lão bị hành hạ hết phen này đến phen khác.
Ngày Nhà giáo của chúng ta đang trên đà leo thang đến tột đỉnh của sự tham lam rồi. Đến lúc hãy trả nó về lại sự bình thường. Một nền giáo dục hướng đến dân chủ, nhân văn và khai phóng thì không ai phải hầu hạ ai, dù đạo lý “tôn sư trọng đạo” vẫn là đạo lý trường tồn.
Quà tặng là sản phẩm trao đổi của thời bộ tộc nguyên thủy, chính nó là nguyên nhân kích thích lòng tham và sự chiếm hữu, chiếm đoạt từ vật chất cho đến con người. Các chế độ xã hội trong quá khứ, bằng nhiều hình thức, đã từng mang con người làm quà tặng và biến con người thành nô lệ đấy!
Ảnh chụp màn hình hai bài báo về giáo dục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.