Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2019

Viện Khổng Tử hay “viện” tuyên truyền “Học thuyết Nho giáo kiểu mới”?

Viện Khổng Tử hay “viện” tuyên truyền “Học thuyết Nho giáo kiểu mới”?

Trúc Nguyễn
10-10-2019
Nho giáo được sáng lập bởi Khổng Tử khoảng 500 trước Công nguyên ở Trung Hoa, sau đó được Mạnh Tử (sinh sau Khổng Tử 179 năm) chỉnh lý, hoàn thiện, cho nên Nho giáo còn được gọi là học thuyết Khổng – Mạnh. Chuỗi khái niệm đạo đức được biết đến nhiều của Nho giáo gồm Tam tòng, Tứ đức, Tam cương, Ngũ thường, Trung thứ, Chính danh… 
Có lịch sử “ngàn năm Bắc thuộc”, nước ta đã từng trải qua hàng thế kỷ bị thống trị bởi tư tưởng Nho giáo, coi là khuôn vàng thước ngọc để trị quốc, an dân. Thời văn minh, khai phóng ngày nay nhiều luận cứ, quan niệm của Nho giáo đã được chứng minh là lạc hậu, gia trưởng, trọng nam khinh nữ. Nhà Tống Nho là Trình Di cho rằng, “chết đói là chuyện nhỏ, thất tiết mới là chuyện lớn”, là đỉnh điểm phân biệt đối xử với phụ nữ của Nho giáo.
Fukuzawa Yukichi, nhà cải cách giáo dục đầu thế kỷ XX của Nhật Bản từng viết “Thoát Á luận”, nói về thoát ly sự kiềm tỏa của văn hóa tiểu nông, hình thức giả tạo của Nho giáo, được đánh giá có công khai mở văn minh, đặt tư tưởng nền móng đưa Nhật Bản trở thành quốc gia phát triển. Theo Fukuzawa: “Độc lập quốc gia phải bắt nguồn từ độc lập của mỗi cá nhân“!
Các nhà cách tân nước ta như Nguyễn Trường Tộ, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Phan Khôi… đã nhận ra cái “bẫy chính trị” của Nho giáo nên chủ trương thoát ly, nhưng vì hạn chế và hoàn cảnh lịch sử lý tưởng của các ông giữa đường bị đứt gánh. Các nhà khoa học danh tiếng TQ như Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vy, Lâm Ngữ Đường, Lỗ Tấn… cũng phê phán Khổng giáo là học thuyết dành cho giới cai trị, không phục vụ quyền lợi của nhân dân. Phê phán bệnh hình thức của các nhà Nho, mới đây Sử gia Lê Mạnh Thát nói: Mấy nhà nho lúc nào cũng “nam nữ thọ thọ bất thân” mà ông nào ông nấy đều năm ba vợ…
Những quan niệm tiến bộ của Nho giáo như “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín”, “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (điều mà mình không muốn thì đừng đối xử với người khác), “Chính danh” (Vua ra vua dân ra dân)… có tác dụng truyền cảm hứng nhưng máy móc áp dụng thì rơi vào luẩn quẩn, lợi bất cập hại.
Nhưng ở nước ta ngày nay vẫn còn một bộ phận quan chức, trí thức và dân chúng do thủ cựu hoặc do động cơ kinh tế, chính trị… đã ra sức bảo vệ đạo Nho, chữ Nho, cho rằng chúng thuộc phạm trù thánh hiền, không được phạm húy, bất khả luận bàn, thậm chí có ý kiến còn cho rằng việc thay thế hệ chữ Hán-Nôm sang tiếng Việt ngày nay là một bước thụt lùi về văn hóa… vô hình trung bắt cây cầu cho chính quyền Bắc Kinh áp đặt học thuyết Nho giáo kiểu mới lên nước ta, nhằm phục vụ ý đồ chính trị bành trướng.
Học thuyết Nho giáo kiểu mới của chính quyền Bắc Kinh
TQ đặt mục tiêu “thiết lập Học viện Khổng Tử ở 500 thành phố lớn trên thế giới vào năm 2020”, công khai cho rằng các Học viện Khổng Tử là một bộ phận quan trọng của bộ máy tuyên truyền của chính quyền. Núp bóng dưới mỹ từ “Học viện” nhưng khác với học viện Goethe, Hội đồng Anh… các Học viện Khổng Tử không hoạt động thuần túy văn hóa, khoa học, giáo dục, mà có những can thiệp mang hơi hướng chính trị. Học viện Khổng Tử đại học North Carolina State, Hoa Kỳ đã can thiệp, không cho trường mời đức Dalai Latma đến thuyết giảng là ví dụ.
Nhiều nước đã cho xây viện Khổng Tử trong khuôn viên các trường đại học, nhưng sự thiếu minh bạch của các viện này đã gây ra nhiều lo lắng. Theo BBC, xu hướng cho đóng cửa các Học viện Khổng Tử đang diễn ra. Đại học Arizona và San Diego đã đóng cửa các viện này. Ở Anh, Pháp, Thụy Điển và Đan Mạch cũng diễn ra việc tương tự. Tỉnh New Brunswick của Canada đã tuyên bố loại bỏ nhiều chương trình Khổng Tử ra khỏi các trường công lập…
Có thể nói cùng với “Một vành đai – một con đường”, Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB), chủ trương xây hệ thống Học viện Khổng Tử rộng khắp là bước đi có ý đồ chính trị của chính quyền Bắc Kinh. Các nước nghèo, yếu thế khi nhận những gói viện trợ, đầu tư của TQ, cho xây Học viện Khổng Tử thường trở nên ngoan, dễ bảo, giống như thân phận người phụ nữ trong Nho giáo, còn các “Nhà Nho TQ” thì gia trưởng, xảo biện, thao túng trên bàn cờ kinh tế, chính trị tranh thủ tối đa phần lợi cho họ.
Trung Quốc thường dựng ra một viễn cảnh có liên đới quyền lợi các vấn đề mang tầm khu vực và toàn cầu, gây đảo lộn các giá trị, quy chuẩn pháp lý, rồi vừa đấm vừa xoa trên bàn đàm phán. Hoặc như những con buôn lọc lỏi nâng giá món hàng lên hàng chục lần rồi thoải mái cho khách mua ngã giá, khi bán kiểu gì họ cũng thu về lợi khủng. Vẽ đường lưỡi bò trên Biển Đông rồi leo thang vũ trang, không chịu hội nghị đa phương, bắn tín hiệu đi đêm với từng nước nhỏ lẻ, với chính trị gia háu danh, háu sắc, tư lợi… là “bài” TQ áp dụng nhiều năm qua.
Philippines là một trường hợp “há miệng mắt quai”. Cam kết đầu tư hơn 9 tỉ USD vào Philippines trong chuyến thăm của chủ tịch Tập Cận Bình năm 2016 làm Tổng thống Rodrigo Duterte ngã theo TQ trên nhiều hồ sơ, nhưng sau 3 năm con số giải ngân thực tế chỉ là 124 triệu USD. Vị lãnh đạo này dường như đã “tỉnh” nên gần đây có động thái “rắn”, như tuyên bố sẽ đóng dấu thị thực hiện hình ảnh vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines trên Biển Đông lên hộ chiếu các du khách Trung Quốc.
Sri Lanka được TQ “mến thương” bằng chính sách ngoại giao “bẫy nợ”, khi nợ ngập mặt thì TQ thông qua Công ty China Merchants Port Holdings bỏ 1,12 tỉ USD mua 70% cổ phần cảng Hambantota, giành quyền điều hành kiểm soát 90 năm, đặt chính quyền Sri Lanka vào thế khó. Có lẽ sớm rút ra được bài học kinh nghiệm nên mặc dù phải trả chi phí bồi thường lớn, Malaysia đã tuyên bố khai tử dự án đường ống dẫn dầu hơn 3 tỷ USD do TQ tài trợ…
VN là một nước đang phát triển còn nhiều duyên nợ về thể chế chính trị, kinh tế, tương liên về địa hình, văn hóa với TQ, nên cần phải chiêm nghiệm những câu chuyện trên, rút ra bài học sâu sắt nhất. Dự án Đường sắt Cát Linh – Hà Đông vay vốn của TQ, do công ty của họ làm tổng thầu, theo Kiểm toán Nhà Nước, đã chi sai gần 3000 tỉ, trễ hạn gần chục lần, vẫn không biết quyết toán ra sao, là bài học nhãn tiền.
***
Học viện Khổng Tử ở VN khánh thành năm 2012 đặt ở đại học Quốc gia Hà Nội, nhưng xảy ra nhiều sự kiện nóng ở Biển Đông, học viện này có phát đi thông điệp nào có lợi cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta hay không, hay có thể họ đã làm điều ngược lại!? Nếu không đứng về phía chính nghĩa của nhân dân nước sở tại trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia… thì việc tồn tại của Viện này ngay giữa thủ đô là một sự thách thức.
Lễ gắn biển “Học viện Khổng Tử” tại trường ĐH Hà Nội hồi năm 2014. Ảnh: VnExpress
Có thể nói Vụ Tư Chính là cơ hội tổng kết “Công, dung, ngôn, hạnh” của chính quyền TQ để củng cố hồ sơ khởi kiện họ ra Tòa Trọng tài Quốc tế, đáp ứng mong đợi của nhân dân. Tiến hành các hoạt động ngoại giao phù hợp với tình hình mới như mời Đức Giáo Hoàng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đến thăm VN… vừa thể hiện chủ trương nước ta là một nước có tự do tôn giáo, vừa chứng tỏ tính đích thực về độc lập chính trị.
Công cuộc đấu tranh chủ quyền biển đảo là cuộc chiến đấu lâu dài và nhiều cam go, cho nên phải đưa thành quốc sách, phải tiến hành một cách tập trung bền bỉ chính danh và sáng tạo, không lung lay bởi những lời chót lưỡi đầu môi.
Tình bạn “Bốn tốt”, “16 chữ vàng” phải là tình bạn hai phía, nói đi đôi với làm, chứ không phải “yêu” đơn phương kéo dài hàng chục năm, không thấy hao tổn xuân sắc con gái nhà lành sao!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.