Năng lực quản trị quốc gia: Càng nghĩ càng lo
26-10-2019
Thảm hoạ ô nhiễm nước sông Đà ảnh hưởng ước chừng 1 triệu dân thủ đô (250.000 hộ). Nghĩa là khoảng 1/10 dân số thủ đô bị ảnh hưởng. Không chỉ vì một xe đổ trộm dầu thải. Chính Nhà máy nước sông Đà đã có tình đánh tráo khái niệm giữa “nồng độ clo cao” với “nhiễm độc stygren). Và cả sự phản ứng vô cùng chậm trễ của chính quyền thủ đô!
Nhìn lại một thảm hoạ nào đó trong thời hiện tại chính là nhìn lại năng lực quản trị quốc gia. Và cảm giác của người viết là vô cùng lo lắng.
Phản ứng quá chậm!
Nhiều ngày sau sự cố ô nhiễm dầu đường ống nước sông Đà, UBND thành phố Hà Nội mới thừa nhận và “hỗ trợ” nước bằng… xe bồn tưới cây. Dân phát hiện mùi lạ trong nước “hỗ trợ” và đổ đi đồng thời truy vấn thì tài xế thừa nhận gấp quá chưa rửa xe bồn.
Tại sao có thể gọi là “hỗ trợ” khi dân trả tiền nước sinh hoạt và bao gồm cả phí bảo vệ môi trường và thuế VAT. Nếu cộng giá nước với phí bảo vệ môi trường rồi tính VAT nghĩa là thuế chồng thuế. Việc Công ty sông Đà báo lãi 70 tỉ đồng ngay giữa tâm điểm sự cố nước ô nhiễm càng làm nhân dân phẫn nộ hơn.
Dân phải dùng nước sinh hoạt có độc chất, kẻ bán biết có độc vẫn không cắt ngay nguồn độc và cũng chẳng thông báo người mua. Đó không đơn thuần là kinh doanh bất lương mà là vi phạm pháp luật trắng trợn. Vi phạm của họ thì cũng dễ xử lý thôi nếu đối chiếu quy phạm pháp luật hiện hành. Cái đáng lo hơn là phản ứng của chính quyền Hà Nội.
Những ngày im ắng của hệ thống chính quyền thủ đô chính là những ngày phơi nhiễm độc tố đúng nghĩa. Chuyên gia y tế Nguyễn Trọng An đã khẳng định: “Xylen hay styren gây ô nhiễm nước sông Đà đều có thể gây ung thư lẫn bệnh thần kinh, bệnh ngoài da nếu dùng nấu ăn và tắm. Cả hai hai chất này đều vượt ngưỡng rất cao trong vụ ô nhiễm nước sông Đà.”
Thật khó tưởng tượng! Một cuộc phơi nhiễm gần cả triệu người, trong nhiều ngày, mà vẫn chưa được gọi là thảm hoạ quốc gia. Và trong trường hợp này thì năng lực quản trị rủi ro của chính quyền thủ đô cũng cần coi là một thứ thảm hoạ được không? Và thuật ngữ “nước sinh hoạt an toàn nhưng khuyến cáo không uống, dùng nấu ăn” như một sự trêu ngươi vào sự thật khách quan, phủ định khoa học và phá vỡ luôn khái niệm an toàn.
Xin nhắc lại, 250.000 hộ dân bị ảnh hưởng chính là khoảng 1/10 dân số của trung tâm chính trị quốc gia. Và nếu không phải là một xe dầu thải đen ngòm mà là một xe độc chất khác cao hơn về độ độc hại, không màu không mùi thì sao? Cyanua chẳng hạn! Chỉ cách đây một năm tại Quảng Nam, một xe có chứa nhiều hoá chất đã bị bắt và con số hoá chất lên đến 625kg mà cyanua chiếm chủ yếu. Nếu là một cú đầu độc có chủ ý thì bao nhiêu người sẽ chết?
Càng nghĩ lại vụ việc càng thấy rùng mình!
Sự rùng mình ấy, người viết đã trải nghiệm qua vụ cháy Rạng Đông. Ngay từ đầu lên tiếng cảnh báo song dân chúng vẫn ở lại chờ kết luận nhà nước. Đến khi có kết luận từ Bộ Tài nguyên và Môi trường thì dân chúng lại nháo nhào dọn đi. Những ngày bên cạnh ngửi mùi thuỷ ngân bay hơi do phản ứng nhiệt sinh ấy thì sức khoẻ nhân dân quanh nhà máy sẽ “về đâu?”
Về đâu thì trên nguyên lý chung, phản ứng quá chậm trước các biến cố môi trường sẽ dẫn tới các hậu quả khốc liệt và lâu dài! Nhân dân rõ ràng là đối tượng bị động nhất, dễ tổn thương nhất nếu có biến cố môi trường xảy ra.
Câu hỏi về lực phòng vệ biến cố môi trường.
Dân Hà Nội đã đóng thuế, đóng phí và trả tiền nước mà ở một nơi có luật riêng (Luật Thủ đô) và các chính sách ưu đãi. Nhưng nhân dân thủ đô vẫn không thể dùng nước sạch. Chí ít, 1/10 dân số thủ đô đã “trải nghiệm” nước ô nhiễm đúng nghĩa qua vụ “nước sông Đà” như là một ví dụ khó chấp nhận về năng lực dự báo, ứng phó với các biến cố môi trường.
Từ cháy thuỷ ngân nhà máy Rạng Đông đến nhiễm dầu thải Công ty Sông Đà đều diễn ra rất bất ngờ, rất bị động trong cách xử lý. Vậy năng lực quản trị thủ đô của chính quyền Hà Nội nên được hiểu như thế nào đây? Lớn hơn nữa, năng lực quản trị quốc gia sẽ được hiểu như thế nào đây?
Hiểu thế nào thì tuỳ bạn nhưng tôi có thể khẳng định rất nhiều vùng tại Việt Nam khổ không kém Hà Nội, về nước sạch. 2.000 con sông tại Việt Nam đều có nguy cơ “chết” vì nước thải, trong đó, nhiều con sông đã “chết” thật sự. Sông ngòi ô nhiễm nghiêm trọng do các chất thải công nghiệp, chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, thuốc trừ sâu, vi khuẩn,… Sự cố “nước sông Đà” chỉ hé lộ một phần sự thật về ô nhiễm nguồn nước tại quốc gia này.
Lấy ví dụ chiếc xe tải chở dầu thải đã “tung tăng” từ Bắc Ninh đến Phú Thọ rồi qua Hoà Bình để đổ trộm chất thải. Chỉ một chiếc xe chạy đúng một chuyến đổ chất thải trộm đã làm nghiêng ngả đời sống 1/10 dân số thủ đô thông qua nguồn nước. Ai sẽ đảm bảo phòng vệ được những biến cố môi trường tương tự mà có thể lần sau sẽ là phá hoại có chủ đích.
Lấy thêm một ví dụ: Tìm hiểu thông tin thì được biết trước 1975, chính quyền Việt Nam Cộng Hoà cử một trung đội riêng để bảo vệ Nhà máy nước Biên Hoà. Nay không thấy bóng quân đội/công an bảo vệ nhà máy, chỉ lù lù một đống đất đá lập sông xung quanh ống hút nước chính của nhà máy này. Quá lạ lùng, quá sức mất cảnh giác; trong khi các báo cáo vẫn luôn nhấn mạnh về an ninh nguồn nước.
Giả sử có “sự cố” ở hai đập bùn đỏ bauxite Tây Nguyên và nhuộm đỏ sông Đồng Nai từ thượng nguồn đổ xuống thì trung tâm kinh tế lớn nhất đất nước là Đông Nam Bộ sẽ ra sao? Lúc ấy 16 triệu cư dân quanh sông đồng Nai có lẽ chỉ biết chờ viện trợ nước uống từ dưới các tỉnh miền Tây? Xin lỗi, ngay cả chính miền Tây cũng đã vào cơn hạn lớn nhất trăm năm và nguy cơ nước biển xâm nhập sâu. Lý do là Trung Quốc đã xây rất nhiều đập thuỷ điện để khống chế nguồn nước Mekong.
Hễ an ninh nguồn nước bị đe doạ như Hà Nội thì an sinh xã hội sẽ dễ bị phá vỡ. Hễ an ninh nguồn nước bị đe doạ như hạ nguồn Mekong thì an ninh lương thực quốc gia sẽ dễ bị tan vỡ. Đó há chẳng phải là những siêu nguy cơ hay sao?
Đáng lo hơn! Tôi chưa thấy các nhà quản lý đất nước nói về an ninh… khí trời. Chúng ta có thể nhịn uống vài ngày, nhịn ăn cả tuần nhưng chúng ta không thể ngưng… thở. Cũng tại hai trung tâm lớn đất nước là Hà nội và TP.HCM, bụi mịn PM2.5 hoành hành. Nhưng chí ít người viết với trải nghiệm 20 năm rong ruổi đất nước đã xác định có chí ít 50 nguồn thải siêu lớn với nhiều định dạng nguy cơ khác nhau. Cũng đều là những quả bom nổ chậm siêu lớn!
Rất nhiều những núi tro xỉ đốt lò của nhà máy ximang, nhà máy thép, nhà máy nhiệt điện tính bằng nhiều triệu tấn đang nằm chất đống như núi. Giả sử một cơ lốc vòi rồng hay những quả tên lửa tấn công kiểu “bất quy tắc” thì thứ bụi mịn nhỏ bằng 1/30-1/600 đường kính sợi tóc có thể bay vài trăm km. Khi ấy, loại bụi siêu nhỏ có khả năng ngấm thẳng vào máu qua bề mặt mao mạch con người sẽ gây ra thảm hoạ đến độ nào?
Thực sự không dám đoán. Chỉ biết về mặt nguyên tắc, gần như tuyệt đại đa số đám đông không có kỹ năng ứng phó sự cố môi trường sẽ gặp nguy hiểm ở mức cao, thậm chí rất cao! Xin vui lòng ghi nhớ cảnh báo của tôi: Xảy ra biến cố môi trường kiểu ấy sẽ chết rất nhiều người và kể cả còn sống thì nhiều người nữa cũng bị bệnh tật giày vò!
“Điều xấu nhất vẫn ở thì tương lai!” là dự đoán của Tiến sĩ Lê Xuân Thuyên. Vậy thì năng lực quản trị quốc gia nói chung và lực phòng vệ biến cố môi trường nói riêng, có lẽ không tốt lắm ở thì hiện tại.
“Có lẽ không tốt lắm…” là một cách dùng từ hết sức mang tính kiểm duyệt của cá nhân tôi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.