Khó biết bao nhiêu…
27-10-2019
Tại Việt Nam, có một người tù tôi vô cùng kính trọng: Trần Huỳnh Duy Thức. Không bàn đến các yếu tố chính trị của anh ấy hay của chế độ, chỉ riêng việc kiên định con đường của mình, đã rất đáng phục anh Thức rồi. Chẳng phải những người cộng sản trước 1975 cũng từng rất kiên định đấy sao?
Qua một câu chuyện khác đang rất nóng: cô gái Việt Nam và tin nhắn “Con đang chết! Con không thở được! Con xin lỗi mẹ!” Chưa có kết luận nào quanh cái chết của cô ấy hay 39 nạn nhân trong xe thùng đông lạnh ở Anh. Nhưng cũng không thể phủ nhận một thực trạng đang diễn ra tại quốc gia này: Những lao động “xuất khẩu chui” đã, đang và nhiều khả năng sẽ còn tìm một phương trời mới mưu sinh.
Họ kiên định một giấc mơ thoát nghèo! (Dù phương thức hiện thực hoá giấc mơ ấy có thể không đúng. Và thậm chí trả giá…)
Tôi đã đến. Ở lại. Tìm hiểu. Chia sẻ. Và đau! Ở cái “tứ giác” mà tôi cho là khốn khổ nhất Việt Nam: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá. Dân bốn tỉnh ấy chịu khó. Không chịu khó không được! Gió Lào mùa hè táp mặt cháy da. Mùa đông rét độc, rét hại đến trâu bò còn chết. Mưa kèm theo lũ lẫn “kèm” sinh mệnh, tài sản người dân.v.v… Nhân sĩ xứ ấy nếu không tài hoa nhất mực ắt cũng có chỗ hơn người. Nội chuyện uỷ viên Trung ương, uỷ viên Bộ Chính trị qua các thời kỳ cũng đầy rẫy. Tỉ phú đô la đầu tiên của Việt Nam cũng nằm trong “tứ giác” ấy.
Và tỉ lệ tội phạm cũng cao nhất quốc gia!
Nhân tài nhiều mà sao quê hương vẫn nghèo? Đó là câu hỏi rất lớn nếu coi “tứ giác” ấy là một hình mẫu thu nhỏ của Việt Nam. Cái giấc mơ thoát nghèo nặng gánh khiến con người phải học giỏi hơn, làm nhiều hơn hoặc làm… liều hơn. Nhưng nếu chỉ kiên định một giấc mơ thoát nghèo có lẽ chưa đủ bởi thực trạng của “tứ giác khốn khổ” đã nói lên tất cả. Năm nào cũng chi nhiều/thu ít, cũng phải chờ ngân sách trung ương rót về từ nhiều nguồn thu khác của cả nước. Năm nào cũng không cứu đói thì cứu trợ thiên tai. Năm nào cũng có tiêu cực to trên mặt báo…
Nhìn rộng ra đất nước há chẳng chút sai khác ư? Năm nào cũng đi vay để trả bội chi ngân sách. Cũng tham nhũng hoành hành. Cũng nợ công và nhân dân oằn lưng thuế, phí.v.v…
Xuất khẩu lao động ở Bắc miền Trung là một xu thế. Vậy lấy chồng ngoại không phải là một xu thế ư? Cũng là rời khỏi quốc gia theo một sự kiên định cùng cực để thoát khỏi sự cùng cực kiên định.
Nói thẳng ra, đau xót là như nhau!
Cô gái miền Trung chết vì ngạt thở gây xót thương thì cô gái miền Tây chết vì chồng ngoại bạo hành có đáng xót thương không? Giả sử 39 người chết trong thùng xe đông lạnh đều là người Việt thì tôi vẫn tiếp nhận sự thật đó một cách bình thản. Số liệu người chết vì ung thư mỗi ngày (xin nhấn mạnh là mỗi ngày) của Việt Nam là 315 người, gấp 8 lần số người chết vừa nêu. Nạn nhân ung thư thì không đau đớn ư?
Vẫn là nói thẳng ra, đau đớn là như nhau!
Sẽ dần quen thôi những thuật ngữ mà đám đông còn xa lạ: Tị nạn chính trị, tị nạn giáo dục, di tản môi trường,… Nhưng những xót đau ấy thực ra đã được cảnh báo từ sớm. Chỉ là các cảnh báo ấy quá lẻ loi. Thậm chí, cơ hội thay đổi sau cảnh báo bị “khép lại”. Và đám đông thì không biết cho đến khi hậu quả lớn dần đến mức không thể không biết.
Rời Tổ Quốc là một lựa chọn. Tôi tôn trọng sự lựa chọn ấy; bởi nếu không có dòng tiền kiều hối, kinh tế đất nước có lẽ sẽ rất tệ. Nhưng có lẽ sau quyển sách Bên Thắng Cuộc của nhà báo Huy Đức thì người Việt còn cần một quyển sách mang tên “Bên Bỏ Cuộc” để thấy những góc độ chưa phơi bày của xã hội từ sau 1975.
Ai hô vang rực rỡ, cứ hô. Ai hậm hực, cứ hậm hực. Ai bỏ đi, cứ đi. Ai im lặng, cứ im lặng. Thắng cuộc, thua cuộc hay bỏ cuộc đều là những mặt của đời sống “chọn phe” hôm nay.
Chỉ là nỗi ưu tư của người viết khi nghĩ về đất nước hôm nay sao thấy giống như lời thơ của Evghenhi Vinokurov:
“Thế kỷ hai mươi. Ai phiêu bạt trên đường
Giữa lửa cháy có khi nào sực nghĩ
Làm thú vật, làm thánh thần cũng dễ
Chỉ có làm người khó biết bao nhiêu!”
Giữa lửa cháy có khi nào sực nghĩ
Làm thú vật, làm thánh thần cũng dễ
Chỉ có làm người khó biết bao nhiêu!”
Quá lạ lùng cho thằng tôi khi thế kỷ 21 sắp xong niên kỷ thứ hai mà vẫn nỗi ưu tư “Chỉ có làm người khó biết bao nhiêu!” Làm người, luôn là một giải pháp hữu hiệu nhất cho mọi vấn đề và khó thực hiện nhất trong suốt lịch sử con người…
Sẽ có bao nhiêu người Việt hôm nay kiên định làm người?
P/s: Ông Karl Marx có câu: ”Chỉ có thú vật mới quay lưng với nỗi khổ đau của đồng loại để làm đẹp bộ da (lông) của mình.” Mỗi cá nhân có lẽ bắt đầu “thú hoá” khi họ bỏ cuộc làm người. Điều đó không hề khó.
Ở đâu cũng vậy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.