Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

Lại bàn về lương hưu

Lại bàn về lương hưu

Nguyễn Đình Cống
24-10-2019
Nhân Quốc hội thảo luận về lao động và nghỉ hưu, tôi lại bàn một chút về lương hưu. Lại bàn, vì vào tháng 10 năm 2014 tôi đã viết thư gửi Quộc hội về việc này.
Lương hưu gồm 2 phần. Phần chính A là do người lao động đã đóng góp, được tích lũy, nay nhận lại. Phần phụ B thuộc an sinh xã hội, hỗ trợ người già. Hình như tại nhiều nước, người ta nhận lương hưu cho đến lúc chết. Với các nước việc này có lẽ bình thường, nhưng ở Việt Nam nó tạo ra bất công cho một số người.
Xét 2 trường hợp, bà Mai, trung tá quân đội và ông Hiền, giáo sư. Cả hai bắt đầu đóng bảo hiểm vào năm 23 tuổi. Bà Mai, vì ưu tiên này nọ, nghỉ hưu năm 46 tuổi, chết năm 98 tuổi, đóng bảo hiểm 23 năm, lĩnh lương hưu 52 năm . Ông Hiền cũng vì ưu tiên, nghỉ hưu năm 68 tuổi và chết năm 70 tuổi, đóng bảo hiểm 45 năm, lĩnh lương hưu 2 năm. Hai trường hợp tương đối đặc biệt nhưng không phải quá cá biệt, thể hiện sự bất công rất rõ ràng.
Trong lương hưu phần chính A nên tỷ lệ với tổng số đã đóng bảo hiểm và phần phụ B nên căn cứ vào tình trạng thực tế. Tôi đề nghị thời gian trả lương hưu không phải đến lúc chết mà tối đa bằng thời gian đóng bảo hiểm. Sau đó, khi còn sống, người hưu trí được nhận trợ cấp.
Khi người hưu trí chết quá sớm mà gia đình gặp khó khăn, có yêu cầu thì bảo hiểm cần trả cho gia đình họ một phần mà đáng ra họ còn được hưởng. Thí dụ với ông GS Hiền, đáng ra được hưởng lương hưu, mức tối đa là 45 năm. Ông mới nhận trong 2 năm, còn lại 43 năm. Khi gia đình ông có yêu cầu thì bảo hiểm cần trả cho họ, không phải toàn bộ mà chỉ một phần nào đó, bằng N%, trả một lần hoặc kéo dài. (Quốc hội và Bảo hiểm thảo luận và quyết định số N này, tôi đề nghị N=40).
Đối với người chết trước lúc nhận quyết định nghỉ hưu cũng nên dùng cách tính toán như vậy. Tôi cho rằng cách trả cho gia đình những người chết trước khi nghỉ hưu như hiện nay là bất hợp lý.
Với những người sống lâu (cầu mong cho nhiều người được như thế), sau khi hết thời hạn tối đa được nhận lương hưu họ có thể nhận hay không nhận trợ cấp. Họ tự giác không nhận khi có nhiều tiền của để dành, gia đình sung túc, con cháu sẵn sàng, đủ điều kiện nuôi dưỡng. Khi họ gặp khó khăn và có đơn yêu cầu thì bảo hiểm cần trợ cấp theo chính sách an sinh xã hội. Như vậy, bà trung tá Mai có quyền đương nhiên lĩnh lương hưu đến năm 69 tuổi ( 46+23 =69), sau đó bà có thể nhận hay không nhận trợ cấp.
Tôi biết đề nghị trên đây sẽ bị một số người phản đối. Phải chăng họ thuộc loại đóng góp thì ít mà muốn hưởng được nhiều. Vẫn biết rằng không thể nào có được công bằng, vẫn phải chập nhận một mức độ bất công nào đó, nhưng bất công như giữa bà Mai và ông Hiền trên đây là quá đáng, nó tạo ra tình huống cho một số người tìm đủ mọi cách để chỉ cần đóng góp loa qua mà ung dung nhận lương hưu suốt đời, phải chăng họ là những kẻ ăn bám được bảo lãnh.
Về lương hưu, còn có điều rất nhạy cảm khi thay đổi chế độ chính trị. Nghe nói ở nước Đức, sau khi thống nhất thì những người trước làm việc, đóng bảo hiểm cho Đông Đức vẫn được tiếp tục nhận lương hưu (trừ những kẻ bị kết tội).
Tôi không có số liệu đầy đủ về việc chế độ mới trả lương hưu như thế nào cho những người đã đóng bảo hiểm dưới thời Việt Nam Cộng hòa, trước 1975, chỉ nghĩ rằng chế độ mới nên xem xét, trả lương hưu cho một số người, đặc biệt là những người làm việc trong ngành y tế và giáo dục, có chính sách nhân đạo đối với những người bị tàn phế vì chiến tranh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.