Thứ Tư, 30 tháng 10, 2019

Bản tin ngày 29-10-2019

Bản tin ngày 29-10-2019

Tin Biển Đông
Báo Thanh Niên đưa tin: Quốc hội sẽ họp riêng về công tác đối ngoại, tình hình Biển Đông. Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận, nội dung công tác đối ngoại mà Phó thủ tướng, Bộ trưởng BNG Phạm Bình Minh báo cáo trước QH, bao gồm cả tình hình Biển Đông và tác động của cuộc chiến tranh thương mại, nhưng những thông tin này không được công khai cho người dân biết.
Vấn đề căng thẳng Biển Đông liên quan đến chủ quyền quốc gia, quyền lợi dân tộc, mà hơn 90 triệu người VN cả ở trong và ngoài nước đều có quyền được biết tường tận. Quốc hội CSVN lấy quyền gì để ngăn người dân biết? Hay là họ sợ Tàu đến độ phải giấu dân? Đến khi người dân vì bất bình chuyện chủ quyền rồi xuống đường, thì lãnh đạo CSVN lại vu khống họ “kích động, gây rối” để có cớ đàn áp, kết tội.
Facebooker Phạm Thắng Nam có video clip, ghi lại toàn bộ hành trình đối đầu của Hải Dương 8 với Khanh Hoa 01015 trong đợt khảo sát thứ IV, từ 27/9 đến 25/10/2019. Trong đó, “các quỹ đạo mầu vàng là các quỹ đạo khi tàu di chuyển với tốc độ trung bình, khoảng 5-6 knots. Các đường mầu đỏ xác định tàu di chuyển với tốc độ chậm, chỉ khoảng 1-2 knots, hoặc tạm ngừng lại. Còn các đường mầu xanh thể hiện tàu di chuyển với tốc độ nhanh, từ 10-15 knos. Các đường gạch ngang đứt rời được vẽ trong khoảng thời gian tàu tạm thời ngắt AIS”.
RFI đặt câu hỏi về quan hệ Việt Nam, Malaysia, Philippines: Gác tranh chấp, chống Trung Quốc ở Biển Đông? Trước tình hình TQ lộng hành ở Biển Đông như “ao nhà”, ông Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của trường Quân sự Pháp, đặt vấn đề:
“Điều đáng tiếc là ba nước bị Trung Quốc ức hiếp chỉ biết phản đối, bám sát theo dõi hoạt động của tàu thuyền của Trung Quốc do quá chênh lệch về tiềm lực quân sự. Đơn lẻ không làm nên chuyện, tại sao chưa bao giờ Việt Nam, Philippines và Malaysia ngồi lại với nhau, bàn về bất đồng chủ quyền của ba nước để có thể hợp lực chống Trung Quốc?”
Vụ phim có “đường lưỡi bò”: Quyền Cục trưởng bị giáng chức
Thông Tấn Xã VN đưa tin: Để ‘lọt’ phim có ‘đường lưỡi bò,’ Quyền Cục trưởng Điện ảnh bị kỷ luật. Vụ bộ phim hoạt hình “Everest: Người tuyết bé nhỏ” có hình ảnh “đường lưỡi bò” được chiếu ở Việt Nam suốt 10 ngày, Bộ VH-TT&DL quyết định áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với bà Nguyễn Thị Thu Hà, Cục trưởng Cục Điện ảnh và bà Lý Phương Dung, cấp phó của bà Hà, đồng thời kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với ông Nguyễn Danh Dương, GĐ Trung tâm Chiếu phim Quốc gia.
Nguyễn Thị Thu Hà và cảnh trong phim “Everest – Người tuyết bé nhỏ”. Ảnh: TP
Ban Cán sự đảng Bộ VH-TT&DL đã thống nhất thôi giao nhiệm vụ Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh đối với bà Nguyễn Thị Thu Hà từ ngày 28/10. Lãnh đạo Bộ này cũng đã giao Cục Điện ảnh áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với ông Khuất Duy Tân, Trưởng phòng Phổ biến phim và ông Trần Trung Dũng, Trưởng phòng Nghệ thuật.
Bên cạnh đó, Bộ VH-TT&DL còn xử phạt CGV 170 triệu đồng vì phát hành phim có ‘đường lưỡi bò’, theo Zing. Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam, là đơn vị nhập khẩu bộ phim “Everest: Người tuyết bé nhỏ” đã bị phạt 170 triệu đồng và bị buộc tiêu hủy tang vật vi phạm, gồm các file phim kỹ thuật số đã nhập, các tài liệu quảng cáo phim. Thứ trưởng Tạ Quang Đông bình luận: “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá đây là bài học sâu sắc trong công tác quản lý điện ảnh nói riêng và lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung”.
Mời đọc thêm: Thay người đứng đầu Cục Điện ảnh vì để lọt hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp trong phim chiếu rạp “Người tuyết bé nhỏ” (ANTĐ). – Công chiếu phim cài cắm ‘đường lưỡi bò’: Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh bị giáng chức (VTC). – Lọt phim có “đường lưỡi bò” ra rạp, lãnh đạo Cục Điện ảnh bị giáng chức (LĐ). – CGV bị phạt 170 triệu đồng vì nhập phim có “đường lưỡi bò”(VNE). Không riêng vụ bê bối phim “đường lưỡi bò”, bà Hà còn dính vụ bê bối khác: Diễn biến loạt bê bối tại Cục Điện ảnh: Quyền Cục trưởng Nguyễn Thị Thu Hà biến xe công thành “xe nhà” (PLVN).
Họp QH: Không chất vấn vấn đề tham nhũng!
Từ ngày 28/10, QHCSVN đã bắt đầu tuần làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 8, nhiều vấn đề được đưa ra chất vấn, nhưng vấn đề tham nhũng không có trong danh sách chất vấn, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc đưa ra lý do: “Ít đại biểu lựa chọn, nhóm vấn đề trên đã không trở thành nhóm vấn đề được chất vấn chính thức tại kỳ họp này”
Vấn nạn tham nhũng khiến ngân sách nhà nước bị bòn rút, đầu tư công lãng phí, không hiệu quả, còn gánh nặng nợ công ngày càng gia tăng, nên không thể có chuyện người dân không quan tâm. Vấn đề là cái trò chất vấn, trả lời này ngay từ đầu đã là màn kịch do quốc hội của đảng CSVN “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, người dân không can thiệp được, quan chức CSVN tùy nghi tự biểu diễn. 
Màn kịch “chất vấn” dự kiến kéo dài từ ngày 6 đến 8/11/2019, trong 3 ngày, 4 bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn, theo báo Lao Động. Thông tin này được ông Nguyễn Hạnh Phúc thông báo vào chiều 28/10, 4 bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn gồm: Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. 
Vụ đại náo Tịnh thất Bồng Lai
Báo Kiến Thức so sánh vụ Sư Thích Thanh Toàn, Tịnh thất Bồng Lai: “Cháy nhà” mới “tòi” ra sự thật sốc? Trong khi vụ sư Thích Thanh Toàn gạ tình nữ phóng viên bị phát giác khiến nhiều sai phạm khác bị lộ và ông này phải xả giới, hoàn tục thì “vụ việc Tịnh thất Bồng Lai bị đám côn đồ gây náo loạn mới lộ ra việc tịnh thất này không phải tự viện của Giáo hội Phật giáo quản lý mà là cơ sở hoạt động bất hợp pháp”.
Ông Hồ Trường Ca, Chủ tịch UBND xã Hoà Khánh Tây, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An thừa nhận, tịnh thất Bồng Lai là một cơ sở tôn giáo tự phát và không được công nhận: “Thực tế cơ sở này do một người từ TP HCM xuống Long An lập nên. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An cũng không công nhận đây là cơ sở thờ tự chính thống do Giáo hội Phật giáo địa phương quản lý. Vì vậy thực chất ở đó là ‘biến gia thành tự’ với khoảng 20 người từ nhiều nơi đến sinh sống và có nuôi một số trẻ em cơ nhỡ”.
Báo Thanh Niên nhận định vụ đại náo ‘tịnh thất Bồng Lai’ để tìm con: Công an xuống hiện trường ‘hơi chậm’. Liên quan đến vụ gần 50 người đại náo “tịnh thất Bồng Lai” để tìm người vào tối 24/10, ông Hồ Trường Ca cho biết khi xảy ra sự việc, một số người liên tục điện thoại báo về UBND xã và công an xã, công an đã xuống hiện trường nhưng “do nhóm người này quá đông và tạo áp lực lớn trong khi lực lượng ít nên không thể giải quyết ổn định. Vì vậy cần có sự hỗ trợ của công an huyện”.
Ông Ca bình luận: “Từ trụ sở UBND xã, kể cả công an huyện cách ‘tịnh thất Bồng Lai’ chừng 5 km, nhưng thời gian khá lâu anh em xuống tới là hơi chậm, dù đã tiếp nhận thông tin”. Tại vì mấy tay côn đồ này chỉ gây rối chứ không đụng đến vấn đề chính trị. 
Cập nhật vụ Asanzo
Ngày 28/10/2019, Tổng cục Hải quan đã tổ chức họp thông báo kết quả xác minh, kiểm tra liên quan đến Công ty Asanzo. Báo Thanh Niên dẫn lời Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan: Asanzo là giả hết rồi. Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chỉ ra, Công ty Asanzo và nhãn hiệu Asanzo đã có 3 vi phạm: Giả mạo nhãn hiệu, lừa dối người tiêu dùng khi quảng cáo không đúng sự thật, trốn thuế và có dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng hoá.
Ông Cẩn kết luận: “Tóm lại Asanzo nhập khẩu linh kiện cấu thành nên 1 cái tivi, trong đó 98% giá trị là nhập khẩu, chỉ có 2% lắp ráp bằng 12 bàn 45 m2. Asanzo coi là dây chuyền công nghệ nhưng thực tế chỉ có mấy cái ốc vít. Đây là dấu hiệu giả mạo xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ, ông viết Made in Việt Nam mà chả có cái gì của Việt Nam”.
Trong cuộc họp báo nói trên, sau thông báo của Tổng cục Hải quan, đến lượt Bộ KH&CN chỉ rõ hàng loạt sai phạm của Asanzo về sở hữu trí tuệ, theo trang Chất Lượng VN. Cụ thể, “qua kiểm tra ngẫu nhiên 20 sản phẩm, đoàn kiểm tra Bộ KH&CN phát hiện có 12 sản phẩm vi phạm quy định nhãn. Đây là những hàng hóa được nhà nhập khẩu bán lại cho Công ty Asanzo. Mở rộng phạm vi điều tra, do những đơn vị nhập khẩu đến lúc đó không tồn tại ở địa chỉ đăng ký nên Bộ KH&CN không làm việc trực tiếp để xử lý được”.
Zing đưa tin: Vợ ông Phạm Văn Tam rút lại số tiền trốn thuế 500 tỷ đồng. Cơ quan thuế cho biết, Asanzo đã sử dụng hóa đơn đầu vào của các công ty không còn hoạt động, chủ yếu do người lao động trong doanh nghiệp đứng tên giúp đại diện pháp luật để nhập linh kiện bán lại cho chính Asanzo:
“Qua xác minh tài khoản ngân hàng, tiền lại được chuyển ngược về Tập đoàn Asanzo hoặc cá nhân bà Nguyễn Thị Hiền (vợ ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Tập đoàn) và các cá nhân là người lao động tại các công ty thuộc Tập đoàn Asanzo. Số tiền mà bà Hiền đã rút ra ước tính hơn 500 tỷ đồng”
Lô hàng 4,3 tỷ Mỹ kim đội lốt hàng Việt vào Mỹ trốn thuế?
Hải quan VN vừa chặn đứng cả triệu tấn nhôm trị giá hơn 4 tỷ USD định “đội lốt” xuất xứ Việt Nam đi Mỹ, báo Hải Quan đưa tin. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết: “Vụ việc do một tập đoàn có công nghệ, dây chuyền, nhưng lại nhập khẩu nhôm thỏi, nhôm thanh, nhôm bán thành phẩm nhằm đưa ra các sản phẩm để xuất khẩu đi Mỹ và một số nước khác. Bởi do chênh lệch thuế suất. Nếu nhôm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ phải chịu thuế khoảng 15%, nhưng nhôm của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ phải chịu thuế lên đến 374%”.
Ông Cẩn thừa nhận, “tình hình vi phạm xuất xứ hàng hóa đang có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại của các cường quốc chưa có hồi kết”. Nhiều lô hàng không rõ xuất xứ từ TQ vẫn đang tràn vào VN. 
Tin giáo dục
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh nhận được đơn xin ở lại lớp của một ông bố 34 tuổi, gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Ban giám hiệu trường Tiểu học B thị trấn Phú Hòa, Thoại Sơn, An Giang. Ông bố cho biết, con gái ông là Lê Thị Như Quỳnh vừa học xong lớp 1 tại trường, hiện đang học lớp 2, nhưng không biết đọc, biết viết.  
Thư có đoạn: “Kính thưa Ban giám hiệu, sau một năm được quý trường dạy bảo, đến nay con tôi chỉ biết đọc vài chữ cái và không thể ráp vần, không biết đọc biết viết. Do càng học càng ngu mà nhà trường ép buộc phải lên lớp 2 nên cháu muốn xin ở lại lớp 1 để khi nào biết chữ sẽ tự nguyện lên lớp 2. Rất mong Ban giám hiệu cho phép cháu ngồi lại lớp cho đúng năng lực trình độ!
Vụ Phòng GD-ĐT bỏ quên phụ huynh: Thêm nhiều trường bị phản ánh “tận thu” đầu năm, theo báo Dân Trí. Một phụ huynh chia sẻ về tình hình lạm thu ở Đắk Nông: “Trường nào cũng huy động phụ huynh đóng góp, dù nói là tự nguyện nhưng ai cũng hiểu là áp đặt. Nhà trường thì ‘đẻ’ ra hàng loạt khoản thu theo kiểu ‘tận thu’ của phụ huynh. Thế nhưng chúng tôi thắc mắc, kinh phí chi thường xuyên của nhà trường ở đâu mà động cái gì cũng kêu phụ huynh đóng góp”.
Tin môi trường
Hiện tượng quen thuộc nhưng diễn biến ngày càng phức tạp ở TP.HCM: Triều cường gây ngập trên diện rộng, theo báo Pháp Luật TP HCM. Chiều 28/10, tại một số tuyến đường như Trần Não, Nguyễn Văn Hưởng, Trần Ngọc Diện (quận 2), Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (quận 7), Phú Định (quận 8), Hồ Học Lãm (quận 8, quận Bình Tân), quốc lộ 50, quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh)… nước từ triều cường ngập sâu tới nửa bánh xe.
Tình hình ở Nam Định: Dân bức xúc vì ô nhiễm từ cảng than, clinker, theo báo Tài Nguyên và Môi Trường. Một người dân thôn Ngọc Chấn, xã Yên Trị, huyện Ý Yên kể: “Tình trạng bụi bặm ô nhiễm do hoạt động của cảng bên kia sông Đáy thuộc tỉnh Ninh Bình làm ảnh hưởng đến người dân Nam Định chúng tôi đã diễn ra từ nhiều năm nay. Các núi than, clinker dọc ở cảng hầu như không được che chắn bạt chống bụi, có chăng thì cũng che chắn rất sơ sài”.
***
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.