Lại nói chuyện Trạng Quỳnh (Phần 2)
26-10-2019
Tiếp theo Phần 1
Chuyện hài dân gian của Trạng Quỳnh, dù có thực hay không, luôn thể hiện ý chí đấu tranh chống lại cái ác trong xã hội. Trạng luôn đứng về phía những người bị áp bức. Trạng không bao giờ thỏa hiệp với cường quyền. Đó là điều tôi muốn nói.
Chủ ý của tôi không phải là luận về VTV mà tôi đã quá hiểu. Phó thường dân như tôi cũng chẳng rỗi hơi đối thoại với các cơ quan tuyên truyền nhà nước làm gì. Nhiều bạn đọc cứ xúm vào chửi VTV trong bài trước, hơi lạc đề.
Tôi chỉ muốn nói về thái độ của các đồng nghiệp và con cháu của các bạn tôi đang làm việc trong đó. Nhiều ý kiến cho rằng: Những người bình thường làm được gì? Hãy thông cảm cho họ, ai cũng phải lo cuộc sống v.v.
Ai cũng xuýt xoa tâm đắc với câu nói của Albert Einstein: “Thế giới sẽ không bị đe dọa bới kẻ ác, mà chỉ sụp đổ bởi những người nhìn thấy cái ác mà làm ngơ”.
Nhưng khi đứng trước cái ác thì nhiều người lại hay tìm cách bào chữa cho sự trốn tránh trách nhiệm của mình. Xã hội văn minh, tỷ lệ người như vậy thấp hơn xã hội chậm phát triển.
Tới đây, nước Đức kỷ niêm 30 năm bức tường Berlin sụp đổ (9.11.1989). Cuộc đấu tranh kéo dài nhiều tuần lễ của hàng triệu công dân CHDC Đức đòi tự do đi lại, tự do ngôn luận, đòi cải cách xã hội đã hình thành một cơn lũ đè lên bức tường. Nhưng việc tháo chốt để mở cửa lũ lại do một sỹ quan STASI tại cửa khẩu Bornholmer Strasse.
Buổi tối hôm 9.11 định mệnh đó, khi hàng ngàn người dân Đông Berlin kéo đến cửa khẩu để đòi sang Tây Berlin sau 28 năm ngăn cách, trung tá an ninh Harald Jäger là người chỉ huy tối cao tại đó. Một số sỹ quan an ninh đã đề nghị dùng súng để giải tán đám đông. Họ đã mở tủ vũ khí, lấy AK-47 phát cho các binh sỹ. Nhưng Harald chặn lại được.
Ngay cả trong ngành công an Đông Đức cũng có điều lệnh cấm không được sử dụng vũ khí nếu không bị đe dọa tính mạng. Với lương tâm của một người tử tế, anh không cho phép bắn vào những đồng bào tay không tấc sắt, mặc dù có sỹ quan gọi họ là kẻ thù, là phản động.
Lắng nghe những người phụ nữ khóc, kể về nỗi nhớ nhung họ hàng bên kia hàng rào, Harald đã không cầm được lòng và anh nâng thanh chắn cửa khẩu. Dòng người hạnh phúc trong nước mắt tràn qua trước mặt anh sỹ quan biên phòng đang trống trải ê chề. Anh buồn vì biết rằng sư nghiệp biên phòng của anh sẽ chấm dứt.
Tin cửa khẩu Bornholmer vỡ đã xả van cho tất cả các cửa khẩu trên toàn tuyến biên giới Đông-Tây Berlin đúng vào lúc mà ở nhiều chỗ, đạn đã lên nòng súng đang chĩa vào đám đông dân chúng. Nếu Harald nổ súng bắn vào dân thì sớm muộn gì bức tường Berlin cũng bị lịch sử cuốn trôi, nhưng cái giá mà nước Đức và Châu Âu phải trả sẽ rất đắt. Lòng tự trọng của một sỹ quan, đạo đức của một công dân đã làm nên lịch sử là như vậy.
Ở Việt Nam, luật báo chí cũng cấm bôi nhọ, vu khống người khác. Nhưng khi có lệnh trên là phải chửi ai đó thì rất hiếm người làm báo nào dám dùng lương tâm của mình, dùng luật báo chí, để bảo vệ sự thật. Để vu khống mà không bị lật tẩy, cả trên lẫn dưới a dua nhau nói bóng nói gió, trích dẫn nửa vời, làm mờ hình ảnh v.v.
Xã hội nào – Nhân dân nấy, Nhân dân nào – Xã hội nấy.
Hai mệnh đề này quan hệ hữu cơ với nhau và quyết định sự phát triển của một đất nước, một dân tộc. Câu chuyện bức tường Berlin là như vậy. Đã có thời kỳ chế độ STASI biến hàng triệu người Đông Đức trung thực, trí tuệ thành một tập thể nói dối, đã biến thanh niên Đông Đức thành những kẻ giam hãm đồng bào mình. Nhưng cũng có những người Đức bình thường như chàng Michael bạn tôi, hay như anh công an Harald Jäger, đã đứng lên bảo vệ các giá trị dân tộc.
Đáng tiếc là nhiều người Việt Nam chỉ thích nêu vế thứ nhất để dễ dàng đẩy mình vào vai trò nạn nhân. Cùng nhau chặc lưỡi “yên cho lành“, “Xã hội nó thế mà, làm sao được“ là cái mặt nạ lương tâm được đeo rộng rãi. Ví dụ rõ nhất là mấy anh cảnh sát giao thông hay anh thuế vụ khi ăn chặn tiền phạt cũng biết xấu hổ. Xấu hổ nên mới lén lút, dấm dúi. Nhưng cái chặc lưỡi làm nhẹ đi sự cắn rứt của lương tâm. Nhiều biên tập viên, nhà báo cũng vậy.
“Đinh tặc“ rải đinh để kiếm tiền vá xăm lốp của nạn nhân. Nạn nhân sau khi đẩy xe toát mồ hôi, vớ được tiệm sửa mừng húm. Đó là một hình thức tội phạm mang dấu ấn Việt Nam. Đinh tặc bị cả xã hội khinh bỉ. Vậy các phòng công chứng, các công sở, các đại sứ quán… gây khó khăn để luộc lệ phí của dân cũng phải bị coi là “Đinh tặc giấy tờ“, “Đinh tặc visa“ chứ. Nhiều “Đinh tặc công chức“ hàng quý vẫn được bình là “Lao động tiền tiến“ – Có tiền là tiến.
Nông dân trồng rau độc theo kiểu “đinh tặc xanh“. Sư sãi đểu kiếm tiền bằng sự mê tín của dân là “Đinh tặc tâm linh“. Đinh tặc truyền thông, báo chí không kiếm ăn qua lệ phí của dân, mà bằng đánh thuê, đánh vào lương tâm xã hội, đánh vào lòng yêu nước. Trong cái mê hồn trận đinh tặc này, để bù tiền mãi lộ, người ta lại tìm cách luộc người khác bằng các trò “Đinh tặc học đường“, “Đinh tặc bệnh viện“. Hy vọng xóa đi các tội lỗi, người ta đem tiền bẩn đi cúng bọn “Đinh tặc tâm linh”… Cứ thế!
Bằng cái chặc lưỡi, mọi người đang tạo ra cái vòng luẩn quẩn này, cướp đi tương lai của con cháu.
Hôm qua tôi xót xa đọc tin mấy cháu trốn đi Anh bị chết trong xe lạnh. Với khoản tiền 35 ngàn bảng Anh, xấp xỉ một tỷ VNĐ, gia đình các cháu không thể thiếu ăn. Có lẽ họ đưa con đi vì mất hy vọng vào một xã hội đang suy đồi đạọ đức.
Cái vòng luẩn quẩn này chỉ có thể kết thúc vào một ngày nào đó, khi xuất hiện hàng loạt công dân cưỡng lại ước lệ, không chịu đi rải các loại đinh trên đây vào đời nữa.
Vi vậy tôi chỉ muốn nói chuyện với các cháu ở VTV, vì các cháu là con em của bạn bè, đồng nghiệp. Nói chuyện với đám trùm đinh tặc thì tôi chịu, vì hai bên không hiểu ngôn ngữ của nhau.
Trạng Quỳnh luôn lên án chế độ phong kiến thối nát. Nhưng thời của Trạng người nông dân không trồng rau độc, sư sãi thành tâm vì đạo, sỹ phu có khí tiết. Ngày đó người nước Nam không bỏ quê ra đi, chỉ có người Hoa, người Ấn, người Chà Và sang ta xin tỵ nạn. Nhưng áp bức bóc lột thì đầy rẫy.
Trạng Quỳnh vạch rõ nguyên nhân bằng cách chửi cha bọn Bảo Thái!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.