Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

Bản tin ngày 24-10-2019

Bản tin ngày 24-10-2019

Quan hệ Trung Quốc – Campuchia
Zing đưa tin: Trung Quốc viện trợ 85 triệu USD để Campuchia phát triển quân đội. Báo Khmer Times xác nhận, thỏa thuận này được ký bởi Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh và người đồng cấp TQ Ngụy Phương Hòa, trong cuộc gặp tại Bắc Kinh ngày 20/10/2019. Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia cho biết, ông Ngụy Phương Hòa đã khẳng định TQ sẽ viện trợ và giúp Campuchia phát triển lĩnh vực quốc phòng.
Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh và người đồng cấp Trung Quốc, ông Ngụy Phượng Hòa, tại Bắc Kinh ngày 20/10. Ảnh: Khmer Times/Zing
Sự phát triển của mối quan hệ TQ – Campuchia trong thập niên vừa qua, cùng các khoản viện trợ tài chính, khí tài bất thường của Bắc Kinh cho Phnôm Pênh, đã được các nhà quan sát thạo tin cảnh báo. Không nên quên rằng Campuchia giáp với Tây Nguyên và miền Nam VN, một trong các mục đích chính của TQ khi tấn công VN năm 1979 cũng là để giải vây cho Khmer Đỏ.
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Kéo dài thêm 20 km?
Báo Lao Động đặt câu hỏi: Kéo dài đường sắt Cát Linh – Hà Đông thêm 20km liệu có khả thi? Bộ Giao thông Vận tải dự kiến sẽ xây thêm tại Hà Nội 8 tuyến đường sắt đô thị khu vực trung tâm với chiều dài 305km, “đặc biệt là sẽ kéo dài tuyến 2A (Cát Linh – Hà Đông) từ Hà Đông đến Xuân Mai với chiều dài khoảng 20km, theo hướng quốc lộ 6, bố trí đề pô tại Xuân Mai. Đồng thời, kéo dài tuyến số 3 từ Nhổn đi đô thị vệ tinh Sơn Tây theo hướng quốc lộ 32, chiều dài khoảng 30km, bố trí đề pô tại Sơn Tây”.
GS.TS Nguyễn Hồng Thái, phó chủ tịch Hội Kinh tế vận tải đường sắt VN đưa ra lý do, thị trấn Xuân Mai “có thể trong vài chục năm nữa nó sẽ là thành phố vệ tinh, nếu tính dự toán cho tương lai thì là việc bình thường vì phần lớn kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông luôn đi trước 1 bước và tầm nhìn dài hạn từ 20-30 năm”.
Báo Dân Trí có bài: Người dân hoài nghi, lo sợ với dự án giao thông, thưa Bộ trưởng Thể! Tác giả bình luận, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông là “một biểu tượng về các kỷ lục tồi tệ, từ việc đội vốn, chất lượng công trình không đảm bảo, gây tai nạn, ách tắc giao thông… đến sự chậm trễ tới cả gần chục lần lỗi hẹn và hiện tại, cũng chưa biết khi nào thì tuyến đường này đi vào vận hành thương mại. Cho nên có sự hoài nghi, lo sợ và cả chán nản của người dân cũng là điều dễ hiểu”.
ĐBQH tranh luận về thời gian làm việc
Sáng 23/10/2019, Quốc hội bắt đầu thảo luận về Bộ luật Lao động (sửa đổi). Có nhiều ý kiến trái chiều, mâu thuẫn gay gắt, là quy định về phương án giờ làm thêm và giờ làm việc bình thường, các ĐBQH đã tranh luận nảy lửa tại nghị trường về giờ làm việc của người lao động, VnEconomy đưa tin.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng “giữ như quy định giờ làm việc bình thường như hiện nay là phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế và rất nhân văn”. Rất “nhân văn” nên người công nhân phải làm đến kiệt sức trong khi bữa ăn không đủ dinh dưỡng.
Đáp lại lời ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quyết Tâm bật khóc khi tranh luận về tăng giờ làm thêm, theo Zing. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu: “Tôi không biết đại biểu Lộc nghe từ đâu để nói chính sách này nếu Quốc hội thông qua sẽ nhân văn và tự nguyện? Nhân văn và tự nguyện trên cơ sở nào? Tính tự nguyện nghe từ đâu? Nếu nói là nghe từ người lao động thì tôi lấy làm lạ. Tôi thực sự bất ngờ với nhận định này của đại biểu Lộc vì tôi nghe rất nhiều công nhân và người làm công tác công đoàn nói công nhân không muốn làm thêm giờ, dù thực tế họ cần làm thêm giờ”.
Không rõ bà Tâm có ý gì khi diễn màn “bật khóc” giữa hội trường, nhưng bà đã cố gắng diễn cho tròn vai của mình và nói: “Hãy nhìn vào cuộc sống thực tế của người công nhân, nhìn vào dáng vẻ của người công nhân, tâm thế của người công nhân khi đến làm việc. Hãy nhìn vào những đứa trẻ mà cha mẹ phải gửi về quê”
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Nước càng nghèo thì thời gian lao động càng tăng lên, báo Tiền Phong đưa tin. Bộ trưởng Bộ Lao động, TB&XH Đào Ngọc Dung lập luận rằng: “Nước càng giàu thì thời gian lao động càng ít. Nước càng nghèo thì thời gian lao động càng tăng lên”. Thật ra, những nước giàu làm việc hiệu quả hơn, không lãng phí thời gian, trong khi những nước nghèo làm nhiều vẫn đó. Vấn đề quan trọng là, tăng năng suất lao động, để mỗi giờ làm việc hiệu quả hơn, thay gì tăng giờ làm việc.
Loạt bài về Tam Đảo II của Sun Group 
Báo Phụ Nữ TP HCM bàn về dự án Tam Đảo II: Con voi chui qua hàng loạt lỗ kim. Một dự án có quá nhiều sai phạm nhưng vẫn được cho qua, trong khi Bộ TN&MT đánh giá dự án “chưa nằm trong quy hoạch sử dụng đất, đề nghị rà soát lại sự cần thiết thực hiện dự án”.Còn Bộ Xây dựng lại bảo “trong quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam”, rồi kết luận, thống nhất với tỉnh Vĩnh Phúc về việc “cần thiết đầu tư xây dựng dự án”. Hai văn bản của Chính phủ được hai bộ này viện dẫn đều được ký trong quý I/2013.
Nhóm phóng viên cũng nêu thắc mắc: “Điều đáng thắc mắc là, căn cứ vào đâu để mặc nhiên coi dự án dưới 50ha và không trình ra Quốc hội? Khi được hỏi, những chuyên gia xây dựng dự án đầy kinh nghiệm đã hỏi ngược lại: ‘Có dự án nào dưới 50ha mà đường vào lại hàng trăm héc-ta không? Có dự án nào xấp xỉ 500ha mà lại tách ra một hạng mục nào đấy dưới 50ha để không phải báo cáo Quốc hội?’.”
Quy hoạch dự án Tam Đảo II. Nguồn: ĐTM dự án Tam Đảo II/PNTP
Đường trăm tỉ mới làm đã hư
Báo Công Lý dẫn thông báo của UBND tỉnh Gia Lai về vụ đường 250 tỷ đồng mới làm đã hỏng: Nguyên nhân do lớp đất yếu. Chính quyền tỉnh Gia Lai khẳng định: “Nguyên nhân chủ yếu do 2 lớp đất yếu (trạng thái dẻo mềm đến dẻo chảy) nằm phía dưới lớp vỏ cứng, phân bổ rộng khắp khu vực sự cố và xuất hiện nước ngầm, chưa phát hiện được để xử lý triệt để trong quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án, gây mất ổn định công trình”
Có lẽ lâu nay quan chức CSVN đổ lỗi cho trời nhiều quá, nên giờ cũng bắt đầu biết ngại và chuyển sang… đổ tội cho đất, kiểu gì thì họ cũng phải tìm cho bằng được nguyên nhân nào đó không liên quan đến họ. 
Một số hình ảnh tại điểm xảy ra sụt, lún. Nguồn: CL
Ngày 23/10, ông Mai Anh Đồng, TGĐ Công ty CP 471, ở TP Vinh, Nghệ An, là đơn vị thi công đoạn đường HCM qua huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai bị sụt lún, đã thừa nhận: Chưa có phương án, kinh phí cụ thể khắc phục đường 250 tỉ mới làm đã nứt toác, theo báo Người Lao Động.
Ông Đồng cho biết: “Trước mắt chủ đầu tư đàm phán nhờ nhà thầu thi công dỡ hết đoạn đường bị sụt lún. Sau đó phía chủ đầu tư sẽ cho người nghiên cứu, xem xét địa chất rồi sẽ đưa ra giải pháp. Khi đó mới đưa ra được kinh phí khắc phục, thời gian sửa chữa”. Nghĩa là có nguy cơ tốn thêm trăm tỉ nữa cho nhiều công đoạn, mà chưa biết con đường này có thật sự được sửa đàng hoàng không. 
Thêm đoạn đường tương tự ở Lâm Đồng: Đường 80 tỷ ở huyện Đạ Tẻh chưa bàn giao đã sụt lún nghiêm trọng, theo báo Pháp Luật Plus. Đó là tuyến đường Đạ Pal – Tôn K’Long được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt ngày 30/10/2015, chủ đầu tư là Trung tâm quản lý khai thác công trình công cộng huyện Đạ Tẻh, nguồn vốn từ Ngân sách Trung ương. Người dân sống trên tuyến đường này phản ánh, hầu hết tuyến đường “đều xảy ra tình trạng sạt lở, sụt lún, nứt gãy tạo thành nhiều rãnh sâu, lộ rõ phần móng siêu mỏng”.
Tuyến đường sạt lở, sụt lún, nứt gãy rất nghiêm trọng. Nguồn: PL Plus
Ai chịu trách nhiệm cung cấp nước sạch cho dân?
Trang VnExpress dẫn lời các chuyên gia, cho rằng: Chính quyền cần chịu trách nhiệm về an ninh nước sạch. LS Trương Xuân Hải, đoàn Luật sư Hà Nội, nói về cung cấp nước sạch cho dân: “Đây là vấn đề hệ trọng, liên quan đến nhiều người, nhiều khu vực nên trách nhiệm bảo vệ an ninh an toàn phải do nhà nước đảm nhiệm“.
PGS. TS Ứng Quốc Dũng, cựu hiệu phó trường Đại học Xây dựng, nói: “Nước gắn chặt an ninh quốc gia, an toàn cho tất cả người dân. Vì vậy, chính quyền phải có trách nhiệm xây dựng các đới bảo vệ. Còn nhà máy nước, đơn vị cấp nước chịu trách nhiệm trước chính quyền (đại diện cho người dân) về chất lượng nước đầu ra. Hợp đồng giữa chính quyền với nhà máy nước phải rõ ràng trách nhiệm với cộng đồng“.
Tác giả Thủy Nguyễn, trường ĐH Oregon, Mỹ, có bài: Thiếu nước sạch: Khủng hoảng sắp tới ở Việt Nam. “Hiện tại, không có công ty nước nào ở Việt Nam tích trữ đủ nước sạch dự trữ để cung cấp cho khách hàng của họ trong hơn vài ngày. Nếu một sự cố tương tự xảy ra với bất kỳ công ty nào khác, khách hàng của họ sẽ chịu đựng tình huống tương tự“.
Không chỉ nước sông Đà, mà Nhà máy nước sông Đuống cũng có vấn đề. VietNamNet có bài: Nhà máy nước sông Đuống 5.000 tỷ chưa nghiệm thu đã đưa vào sử dụng. Khoảng 4 ngày trước lễ khánh thành nhà máy sông Đuống này, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội, cân nhắc việc tổ chức khánh thành công trình nhà máy nước mặt sông Đuống, giai đoạn 1, do chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng.
Xe container sập hố, đè vỡ đường ống nước DN400 của nhà máy nước mặt sông Đuống hồi tháng 6/2019. Theo Cục Giám định hiện trường cho thấy chất lượng thi công đường ống chưa đảm bảo các yêu cầu theo thiết kế. Ảnh: DV/VNN
Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Vì sao giá nước Nhà máy mặt sông Đuống đắt hơn sông Đà?Ông Tạ Đức Hoàng, TGĐ Nhà máy nước sông Đuống trả lời, “dự án nhà máy nước mặt sông Đuống có quy mô công suất 300.000 m3/ngđ, tuyến ống truyền dẫn 81km tổng vốn đầu tư 4.998 tỷ (Trong đó CPGPMB là 521 tỷ và tuyến ống dài hơn 35 km so với tuyến ống sông Đà, Sử dụng nguồn vốn vay thương mại)”.
Diễn biến truyền thông nói trên của báo “lề đảng” cho thấy, luồng dư luận khẳng định rằng đang có cuộc chiến giữa các thế lực “bán nước” ở thủ đô CSVN là hoàn toàn có cơ sở. Nhà máy nước sông Đà, sông Đuống hay các nguồn cấp nước khác đều có ít nhiều sai phạm và người dân thủ đô CSVN đã bị buộc dùng nước bẩn để giữ “ổn định chính trị”.
Báo Tiền Phong đặt câu hỏi về vấn đề xử lý cặn dầu thải: Chi phí lên tới 50 triệu/m3?Đại diện một công ty môi trường ở Hà Nội được cấp phép xử lý dầu thải cho biết, giá xử lý dầu thải thông thường dao động từ 6.000-7.000 đồng/lít, tương đương 6-7 triệu đồng/m3: “Còn đối với cặn dầu thì việc xử lý vô cùng phức tạp, thông thường chúng tôi không nhận xử lý những loại cặn dầu như vậy”.
Một đơn vị xử lý môi trường khác xác nhận, “cặn dầu là loại đã qua rất nhiều lần lọc để tái sử dụng, đến cặn là không thể chưng cất được nữa. Về xử lý có thể lên đến 50 triệu/m3. Nếu xử lý theo phương án đốt cũng rất hại lò, nên phải kỳ công đốt từng chút một”. 
Tin môi trường 
VietNamNet có bài: Khi nước thải từ trang trại lợn cách chỗ cấp nước sinh hoạt vài km. Vụ trại lợn Japfa nằm cách hồ Đầm Bài, nguồn cung cấp nước cho các hộ dân ở khu vực Tây Nam TP Hà Nội, chỉ khoảng 1 km, cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, TS Hoàng Dương Tùng thừa nhận, ở VN chưa có quy hoạch nguồn nước: “Có nơi nước xả thải từ trang trại lợn chỉ cách nơi cấp nước sinh hoạt vài cây số. Đây là lỗ hổng lớn nhất trong quản lý nguồn nước hiện nay”.
Báo Dân Sinh bàn về hiện tượng ô nhiễm không khí: Sát thủ thầm lặng nhưng đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ, người già, phụ nữ. Với tình hình ô nhiễm ở VN, một nghiên cứu vào năm 2018 của TS. Nguyễn Thị Trang Nhung và cộng sự ở trường Đại học Y tế công cộng, cho thấy tỷ lệ nhập viện do bệnh viêm phổi ở trẻ em Hà Nội có liên quan đến sự gia tăng của nồng độ các chất ô nhiễm không khí.
Tác hại của ô nhiễm không khí đã trở nên rõ ràng, nhưng nhiều người VN vẫn tiếp tục đốt than tổ ong từ Nam ra Bắc. Với các quán cơm, nhất là quán cơm bình dân, than tổ ong là nguồn nhiên liệu rẻ so với các nhiên liệu khác, cho nên người VN vẫn sử dụng để kinh doanh, bất chấp hậu quả. 
Gian lận thi cử
Sau khi TAND tỉnh Hà Giang và Sơn La mở lại phiên tòa xử vụ gian lận thi cử THPT 2018 ở các tỉnh này và bắt đầu điều tra, xét xử thêm một số phụ huynh mua điểm, đến lượt vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình cũng sắp bị đưa ra xét xử. Ngày 23/10/2019, VKSND Tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố 15 đối tượng trong vụ gian lận điểm thi ở Hoà Bình, báo Tiền Phong đưa tin. Các bị can gồm lãnh đạo, quan chức Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình, một số cán bộ ngành giáo dục và công an của tỉnh này.
Theo cáo trạng, trong Kỳ thi THPT quốc gia tại Hòa Bình, bị can Nguyễn Quang Vinh, cựu Trưởng phòng khảo thí Sở GD&ĐT tỉnh này đã cùng các bị can khác “lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, lợi dụng quan hệ cá nhân để cấu kết, can thiệp bài làm theo hướng nâng điểm cho 65 thí sinh gồm 64 em thi năm 2018 và 1 em dự thi năm 2017”.
Trang Đời Sống VN có bài: Truy tố hành vi ‘cảm ơn’ bằng 300 triệu đồng vụ gian lận thi cử Hòa Bình. Bài báo bàn về trường hợp bị can Đỗ Mạnh Tuấn, cựu Hiệu phó Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy đã can thiệp bài thi để nâng điểm cho 2 thí sinh. Sau khi có kết quả, bị can Hồ Chúc, cựu giáo viên Trường THPT Thanh Hà, đã đưa 300 triệu đồng cho Tuấn để “cảm ơn”.
Tin giáo dục
Chuyện ở Hà Nội: Hé lộ nhiều sai phạm tại trường Đoàn Thị Điểm cơ sở 2, báo Pháp Luật Net đưa tin. Trường Đoàn Thị Điểm cơ sở 2 tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội, tổ chức tuyển sinh và đào tạo trái phép 2 cấp học là tiểu học và trung học cơ sở, từ năm 2012 đến nay nhưng vẫn chưa bị cơ quan chức năng nào xử lý. Cơ sở này còn vi phạm về trật tự xây dựng, chưa nghiệm thu PCCC, chưa đủ điều kiện để đưa vào khai thác và sử dụng.
Từ năm học 2012-2013 đến năm học 2019-2020, cơ sở 2 của trường Đoàn Thị Điểm vẫn chưa được cấp phép đào tạo các bậc Tiểu học và THCS, nhưng đã có 7 lớp học với 193 học sinh ở giai đoạn đầu, còn đến nay số lớp đã tăng lên thành 28 lớp với 870 học sinh.
***
***
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.