Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

Nếu còn trọng chữ tín thì hãy tuyên bố từ chức

Nếu còn trọng chữ tín thì hãy tuyên bố từ chức

Nếu ông Trần Tuấn Anh (Bộ trưởng Công Thương) là một người trọng chữ tín, công chúng sắp thấy ông tuyên bố từ chức! Còn không thì sao?
***
Khoảng giữa năm 2016, dù sự kiện nước thải của nhà máy thép thuộc Tập đoàn Formosa hủy diệt vùng biển phía Bắc miền Trung vẫn còn rất nóng, chính phủ Việt Nam tiếp tục làm dân chúng bàng hoàng khi bổ sung dự án xây dựng nhà máy thép tại khu vực Cà Ná (Ninh Thuận) của Tập đoàn tôn Hoa Sen vào qui hoạch ngành thép.
Tuy Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen hứa với Thủ tướng Việt Nam sẽ “giao hết tài sản nếu để xảy ra sai phạm về môi trường” nhưng tháng 11 năm đó, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn bày tỏ sự bất an về quy hoạch ngành thép. Họ nhấn mạnh, quy hoạch ấy vi phạm điều mà ông Phúc đã cam kết với dân chúng: Không đổi môi trường lấy dự án!
Ông Trần Tuấn Anh đã bác bỏ tất cả các khuyến nghị vì: Việt Nam thiếu… thép. Phải phát triển các doanh nghiệp tầm vóc quốc gia. Quy hoạch ngành thép được soạn – lập một cách khoa học, cẩn trọng. Ngoài Tập đoàn tôn Hoa Sen, sắp tới sẽ có Tập đoàn Hòa Phát xây dựng một nhà máy thép ở Dung Quất (Quảng Ngãi)…
Bất lực trong việc khuyên can, một đại biểu Quốc hội tên là Lưu Bình Nhưỡng ráng vớt vát: Các đại biểu Quốc hội khuyến nghị vì không muốn có bất cứ hệ luỵ nào đối với nhân dân, với đất nước. Liệu ông Trần Tuấn Anh có dám cam kết, nếu có hệ luỵ nào xảy ra, ông sẽ nhận trách nhiệm và xin từ chức hay không (1)?
Vào thời điểm đó, ông Trần Tuấn Anh không trả lời yêu cầu của ông Lưu Bình Nhưỡng vì… hết giờ, song sau đó, qua báo chí, ông tuyên bố, ông không ngại từ chức (2)! Nếu hệ luỵ xảy ra ở một dự án và liên quan đến trách nhiệm của Bộ Công Thương, ông sẵn sàng chịu trách nhiệm, thậm chí vì là Bộ trưởng ông sẽ chịu trách nhiệm cao hơn.
Tuy ông Trần Tuấn Anh tỏ ra rất khẳng khái trong việc sẵn sành nhận trách nhiệm nhưng ông Phúc vẫn ra lệnh tạm dừng thực hiện dự án xây dựng nhà máy thép tại khu vực Cà Ná của Tập đoàn tôn Hoa Sen. Các chuyên gia kinh tế và môi trường đã chỉ ra nhiều yếu tố đáng ngại cho cả kinh tế lẫn môi trường mà chính phủ không dám bỏ qua (3)!
***
Đầu tuần này, hôm 22 tháng 10 năm 2019, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức một buổi đối thoại giữa dân chúng xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn với đại diện Tập đoàn Hòa Phát, chủ đầu tư “siêu dự án thép”, tọa lạc trong Khu Kinh tế Dung Quất. Đại diện Hòa Phát đã chính thức nhận lỗi, hi vọng dân chúng hạ hỏa…
Phân tích, khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế, môi trường, phản ứng của dân chúng, đại biểu Quốc hội về qui hoạch ngành thép chỉ cản được dự án xây dựng nhà máy thép ở Cà Ná. Đầu năm 2017, chính phủ Việt Nam vẫn gật đầu cho Hòa Phát xây dựng “Khu liên hợp sản xuất gang thép” ở Dung Quất, trị giá 60.000 tỉ, công suất 4 triệu tấn/năm (4).
Từ cuối năm 2017 đến nay, “Khu liên hợp sản xuất gang thép” của Tập đoàn Hòa Phát ở Dung Quất đã trở thành ác mộng của dân chúng địa phương. Hết vì “đá chạy, cát bay” do dùng mìn phá núi sát các khu dân cư, đường sá nát bấy vì xe vận tải ra vào liên tục, mùa khô thì bụi mịt mù, mùa mưa thì lầy lội…
Đó là chưa kể đến chuyện chưa bồi thường, dân chưa giao đất nhưng Tập đoàn Hòa Phát đã tổ chức đào xới, san ủi, kể cả san ủi mồ mả… Từ đầu tháng 8 đến nay, dân chúng xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn đã bao vây “Khu liên hợp sản xuất gang thép” của Tập đoàn Hòa Phát ở Dung Quất… bốn lần!
Chẳng riêng dân, ở buổi đối thoại vừa kể, ngay cả Bí thư huyện Bình Sơn cũng sẵng giọng, yêu cầu Hòa Phát đừng hứa suông và phải tự xét xem vì sao dân chúng chỉ chống Hòa Phát chứ không cản trở những doanh nghiệp khác cũng đầu tư vào Khu Kinh tế Dung Quất như Hòa Phát (5)?..
Dẫu đang trong giai đoạn xây dựng, chưa sản xuất được mẻ thép nào nhưng hai năm vừa qua, rõ ràng “siêu dự án thép” của Hòa Phát ở Khu Kinh tế Dung Quất đã gây ra nhiều chứ không phải một… hệ lụy. Cuộc đối thoại giữa đại diện Hòa Phát với dân chúng xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi giống như buổi… tổng kết các… hệ lụy!
***
Cứ như những gì ông Trần Tuấn Anh đã tuyên bố hồi cuối năm 2016. Nào là: Không riêng dự án thép của Tập đoàn tôn Hoa Sen ở Cà Ná, nhiệm vụ của một Bộ trưởng là phải bảo đảm không để xảy ra bất kỳ thiệt hại và hệ lụy nào! Nào là: Sẵn sàng chịu trách nhiệm cao hơn!… Có lẽ chỉ nay mai, nội các của ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ khuyết một Bộ trưởng đang điều hành Bộ Công Thương?
Chưa hết, ngoài vai trò Bộ trưởng Công Thương, ông Trần Tuấn Anh còn là đại diện cho dân chúng Quảng Ngãi tại Quốc hội. Để dân xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn bị Hòa Phát đẩy đến chỗ chưa đến ba tháng phải bao vây “Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát – Dung Quất” bốn lần, dám ông Anh sẽ xin thôi làm đại diện của dân Quảng Ngãi ở Quốc hội?
Nếu ông Anh tự thấy không xứng đáng làm Bộ trưởng và từ nhiệm, rồi tự vấn và xấu hổ mà xin thôi làm người đại diện cho “ý chí, nguyện vọng” của dân Quảng Ngãi ở Quốc hội, sẽ chẳng ai ngăn được ông xin rút ra khỏi BCH TƯ đảng CSVN khóa 12! Quy hoạch nhân sự chủ chốt cho BCH TƯ đảng CSVN khóa 13 chắc chắn sẽ bị xáo trộn!
Còn ông Trần Tuấn Anh không từ chức thì sao? Chẳng sao cả! Cách nay ba năm, bên cạnh tuyên bố sẵn sàng từ chức, sẵn sàng nhận trách nhiệm cao hơn vì là Bộ trưởng, ông Trần Tuấn Anh có đính kèm điều này: Tôi là đảng viên của đảng, tôi thực hiện nhiệm vụ của mình cũng là theo sự phân công của đảng (6)!
Nói cách khác, tuy ông Trần Tuấn Anh sẵn sàng từ chức, không ngại nhận trách nhiệm khi các dự án nói chung và dự án thép nói riêng có… hệ lụy nhưng ông không hành động như ông đã tuyên bố, không phải vì ông không tôn trọng chữ tín mà là vì đảng không… phân công ông đứng ra nhận trách nhiệm hay từ chức!
Tương tự, những tuyên bố kiểu như: Không đánh đổi môi trường lấy dự án! Không đánh đổi chủ quyền lấy tình hữu nghị viển vông!… Không thế này… không thế kia… không bao giờ đúng nhưng không ai xấu hổ, không ai bận tâm và tiếp tục đưa ra vô số tuyên bố khác là vì đảng ta chỉ thạo lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối chứ chưa… thí điểm nhận sai!
Chú thích

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.