Thứ Tư, 23 tháng 10, 2019

Bàn về ổn định xã hội

Bàn về ổn định xã hội

Nguyễn Đình Cống
23-10-2019
Nhân kỳ họp Quốc hội cuối năm 2019, tôi muốn nêu vấn đề ổn định xã hội, mong các vị đại biểu quan tâm, đem ra thảo luận tại Quốc hội. Tôi đã nghe QH thảo luận nhiều vấn đề của đất nước, nhưng chưa bao giờ nghe thảo luận việc này.
Ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng xã hội nước ta ổn định, chưa bao giờ có được tình hình tốt đẹp như bây giờ. Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng nói: Xã hội ổn định. Từ đó nhiều quan chức cũng nói theo như vậy. Tôi xin bàn về các ý kiến này.
Khi các ý vừa nêu là đúng thì đó là may mắn cho đất nước, nhưng nếu chúng không đúng với thực tế, sai với sự thật thì sẽ gây tác hại lớn vì đó là một nhận định cơ bản, quan trọng để Đại hội ĐCS vạch đường lối, để Quốc hội và Chính phủ vạch kế hoạch phát triển đất nước.
Cần phân biệt ổn định chính trị và ổn định xã hội. Để phát triển rất cần ổn định xã hội. Ổn định chính trị là một trong những điều kiện để tạo nên ổn định đó.
Trong cơ học, ổn định thường được xét ở dạng tĩnh và có các mức khác nhau: phiếm định, bất biến và tạm thời. Ổn định tạm thời như ngôi nhà cao, kết cấu và nền móng yếu, bình thường vẫn đứng yên, nhưng khi gặp rung lắc mạnh (do động đất hoặc gió bão) sẽ đổ sập, như công trình bằng gỗ, bên ngoài sơn phết đẹp đẽ, nhưng bên trong bị mối, mục, mọt làm ruổng nát, chỉ cần một tác động hơi nặng từ ngoài là tan rã.
Sự ổn định về chính trị và xã hội thường thuộc dạng động, tạm thời, có mức độ cao thấp khác nhau về bền vững.
Ổn định trong dạng động nghĩa là nó không giữ nguyên một trạng thái lâu dài mà thường chịu sự tác động, tạo ra thay đổi để chuyển sang một trạng thái ổn định khác.
Điều kiện để có ổn định chính trị bền vững cao là một chính quyền mạnh, trong sạch, thực thi công việc một cách QUANG MINH CHÍNH ĐẠI, được sự tin cậy và tự nguyện ủng hộ của dân.
Những người cho rằng VN có chính trị rất ổn định vì không thấy những cuộc bạo loạn hoặc biểu tình lớn, không thấy các phe phái chính trị công khai đấu tranh tại nghị trường. Nhưng đó chỉ là bề ngoài. Chính quyền cố giữ sự ổn định không phải bằng thực chất, không bằng sự quang minh chính đại mà bằng các thủ đoạn, chủ yếu là bằng tuyên truyền dối trá để ngu dân và bằng công an trị để kìm kẹp dân. Sự ổn định như vậy là rất tạm thời, kém bền vững.
Chính quyền của Việt Nam gồm 3 tầng (Đảng, Chính phủ, Mặt trận) chồng chéo, dẫm đạp lên nhau, đầy rẫy tham nhũng, mà nguy hiểm nhất là tham nhũng quyền lực từ trên cao và tham nhũng vặt từ mọi xó xỉnh, mọi ngõ ngách. Nhà nước gì mà lãnh đạo lo lắng tạo lồng nhốt quyền lực, ra hết nghị quyết này đến nghị quyết khác, làm trong sạch tổ chức, chống chạy chức chạy quyền? Chính quyền gì mà bị dân gán cho 6 chữ “hèn với giặc, ác với dân”?
Sự ổn định của một nền chính trị như vậy chỉ là rất tạm thời, nó đang bị xói mòn từ nền móng và mục ruỗng từ bên trong. Khi nhìn các vị thuộc hàng nguyên thủ quốc gia nói về ổn định tôi phát hiện thấy thần sắc các vị không bình thường, một vầng u ám trên khuôn mặt, một giọng nói không tự tin. Phải chăng trong thâm tâm họ biết rõ sự chông chênh của chế độ, nhưng ngoài miệng cố lên giọng để tự trấn an và lừa dối.
Về ổn định xã hội: Nói rằng VN có ổn định xã hội thì đó mới chỉ là một phần sự thật. Có thể tìm ra một số nơi mà nhân dân yên ổn làm ăn, lại có vài vùng là nơi đáng sống, có một số người thỏa mãn với tình hình hiện tại. Nhưng từ đó mà suy ra rằng toàn xã hội ổn định thì đã phạm sai lầm lớn về phương pháp và tư duy.
Hỏi, có thể xem xã hội ổn định không, khi mà:
+ Nó chịu sự thống trị của một đảng chuyên quyền, tự đặt mình cao hơn luật pháp, với các nhóm lợi ích thao túng xã hội bằng các thủ đoạn của tư bản dã man. Dưới sự thống trị như vậy, sự áp bức, sự bất công là điều mà một số người dân phải chịu đựng.
+ Môi trường sống nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng, bị phá nát do con người gây ra, ngay cả giữa thủ đô Hà Nội.
+ Vì ý thức hệ, vì hận thù mà dân tộc chưa có được hòa hợp thực sự.
+ Oan khuất của dân ít được giải quyết mà ngày càng chồng chất.
+ Tệ nạn gian dối, trộm cướp, lừa đảo, bạo lực xảy ra thường xuyên ở nhiều nơi.
+ Sự lộng hành của các thế lực nổi và chìm thuộc công an, sự kết án bừa bãi và đối xử vô nhân đạo đối với các tù nhân lương tâm.
+ Sự tuyên truyền dối trá càng ngày càng làm dân mất lòng tin vào chính quyền.
+ Sự xuống cấp thảm hại của đạo đức, của giáo dục, sự lãnh đạm trước bất công và tai họa.
Những bất ổn của xã hội được phản ảnh đầy trên báo hàng ngày. Thế nhưng tại sao các vị đứng đầu Nhà nước vẫn khăng khăng cho rằng xã hội rất ổn định? Phải chăng đó là sự tự lừa dối và cố tình lừa dối nhân dân?
Tôi đề nghị các cơ quan khoa học tổ chức hội thảo, Quốc hội và Đại hội Đảng tổ chức thảo luận và đánh giá về ổn định xã hội. Khi sự ổn định này có vấn đề thì các kế hoạch của Nhà nước cần ưu tiên cho nó chứ đừng vì vội vã phát triển kinh tế mà làm cho tình hình ổn định xã hội ngày càng xấu đi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.