Thứ Hai, 28 tháng 10, 2019

39 người chết, rồi thì sao?

39 người chết, rồi thì sao?

26-10-2019
Ảnh: internet
39 người – mà rất có thể toàn người Việt – đã bị chết trong công-ten-nơ đông lạnh khi tìm cách vào Anh. Có lẽ không có cái chết nào kinh khủng hơn thế, khi 39 người nhận ra là mình sắp chết trong một chiếc quan tài khổng lồ, đóng kín bằng sắt thay vì tương lai tươi sáng mà họ mong chờ. Còn hơn cả bị chôn sống ở Cam-pu-chia, còn hơn cả bị xịt hơi ngạt trong các trại tập trung của Đức.
Nhưng rồi thì sẽ ra sao?
Tất cả các thảm kịch khiến nhiều người chết, nhiều người bị ảnh hưởng, đều khiến cho rất rất nhiều người quan tâm đến các nguyên nhân dẫn đến thảm kịch. Từng cá nhân trong cộng đồng tự nguyện bỏ qua rất nhiều mối quan tâm khác để dồn sự chú ý đến sự kiện thảm kịch, tự quàng chấn thương tâm lý vào mình. Đó chính là động cơ thôi thúc họ tạo ra sức ép dư luận, buộc những người có thẩm quyền phải đưa ra giải pháp ngăn ngừa những thảm kịch tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Nhưng ở Việt Nam, rất có thể thảm kịch này cũng sẽ bị rơi vào quên lãng như những thảm kịch tồi tệ đã từng diễn ra trong thời gian vừa qua: Cháu bé mới đi học bị chết vì để quên trên xe đưa đón học sinh, cháy nhà máy bóng đèn phíc nước rạng đông khiến thủy ngân bay ra ngoài, sự cố ô nhiễm dầu ở nhà máy nước sông đà, bão lũ ngập hết năm này qua năm khác… Tất cả mọi sức ép dư luận sẽ lại bị cuốn đi theo rừng cờ đỏ, sau mỗi lần đội tuyển bóng đá quốc gia thắng trận.
Vì sao thế?
Vì ở Việt Nam, người dân thực sự không có người đại diện cho các vấn đề cộng đồng dù cho có rất nhiều hội đoàn nhà nước, có hội đồng nhân dân các cấp, có quốc hội. Hãy hỏi mỗi người dân, có mấy ai nhớ tên người đại diện cho mình ở các hội đồng nhân nhân, ở quốc hội, hay một hội đoàn nào đó mà họ là thành viên?
Khi không có người đại diện thực sự, chuyên nghiệp, toàn tâm toàn ý thì sẽ không thể có người tiếp tục theo đuổi gây sức ép lên những người có thẩm quyền, để giải quyết vấn đề trước mắt, để ngăn ngừa sự kiện tương tự sẽ xảy ra trong tương lai. Sau một vài tuần xảy ra sự kiện, người dân lại quan tâm đến các sự kiện gần gũi với mình hoặc các vấn đề xã hội khác. Nếu không có người đại diện thực sự, chuyên nghiệp mọi chuyện lại tiếp tục rơi vào quên lãng. Chấn thương tâm lý của mỗi người dân, của cả một tập thể, sẽ bị dồn tích lại, ngày một dầy thêm.
Có lẽ hơn bao giờ hết, Việt Nam cần thay đổi luật bầu cử, cần ban hành luật về hội để người dân có cơ hội tìm được người đại diện thực sự cho mình, cho cộng đồng mình đang sinh sống để liên tục gây sức ép cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vấn đề chung mà họ phải đối mặt.
Điều tôi thực sự lo sợ là, nếu không thay đổi sớm, bi kịch lớn hơn cho dân tộc sẽ xảy ra một khi nỗi đau của người dân bị dồn nén tới mức không thể nén thêm được nữa!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.