Tin Biển Đông: Hải Dương 8 đột ngột đổi hướng khảo sát
BTV Tiếng Dân
10-10-2019
Tàu Hải Dương 8 đang làm gì sau khi hoàn thành đường khảo sát thứ 6? Sáng nay, ông Phạm Thắng Nam cho biết: “Vào lúc 7.00 pm, chiều hôm qua, 9-10-2019 (giờ VN), HẢI DƯƠNG 8 đang di chuyển theo hướng trỏ đến bờ biển Việt Nam thì đột ngột dừng lại, quay đầu và di chuyển về hướng Đông. Đường di chuyển mới của HẢI DƯƠNG 8 vuông góc với các đường khảo sát cũ (đường 1,2,3,4,5,6)“.
Ông Nam dự đoán: “Có khả năng đường khảo sát mới và các đường tiếp theo sẽ chạy dọc theo chiều dài của các lô (block) thăm dò-khai thác dầu khí (6 lô): JINYIN 22, HUAYANG 10, HUAYANG 34, BISHENG 16, DANWAN 04 và DANWAN 22″. Đây là các lô dầu của VN, nằm trọn trong vùng đặc quyền kinh tế nước ta, nhưng Trung Quốc nhận vơ là của họ và đặt tên mới. Năm 2012, TQ đã từng mời các công ty quốc tế tham gia đấu thầu khai thác tại các lô này, nhưng không nước nào dám tham gia.
Chiều qua, khi xong đường khảo sát thứ 6, Hải Dương 8 đột ngột đổi hướng, tiến sâu vào lãnh hải Việt Nam. Lần khảo sát thứ 7 này khác với những lần trước là, thay vì vạch một đường “khảo sát” song song với kinh tuyến 111 độ Đông như các đường khảo sát trước, lần này Hải Dương 8 tạo một góc 45 độ so với đường kinh tuyến nói trên, nghĩa là hướng thẳng vào bờ biển Việt Nam.
Mọi người lo ngại là Hải Dương 8 sẽ tiến thẳng vào lãnh thổ Việt Nam, nhưng cũng may là sau đó nó đã quay đầu và di chuyển về hướng Đông, song song với đường vĩ tuyến. Ông Phạm Thắng Nam cho biết: Vào lúc 5h07 chiều 9/10, Hải Dương 8 chỉ cách bờ biển VN 82.6 hải lý, tức khoảng 153 km. Vẫn không rõ lãnh đạo CSVN sẽ làm gì nếu Hải Dương 8 dừng lại, đậu sát bờ biển nước ta?
***
Chiều qua, mọi người hồi hợp theo dõi diễn biến Hải Dương 8 tiến vào lãnh thổ VN. Trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông cập nhật lúc 16h04′ ngày 9/10/2019: “Tàu Hải Dương Địa Chất 8 vẫn tiếp tục đi sâu thêm một cách bất thường vào biển Việt Nam”. Ở thời điểm này, Hải Dương 8 chỉ cách mũi Đá Vách của vịnh Cam Ranh 86,6 hải lý.
Trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông tiếp tục cập nhật lúc 19h09′ ngày 9/10/2019. Vào thời điểm 18h32′, “sau khi vào cách mũi Đá Vách 74,1 hải lý, và đây cũng là điểm vào gần bờ nhất kể từ đợt khảo sát đầu tiên đến nay, tàu Hải Dương Địa Chất 8 đã quay ra. Có vẻ như chiếc tàu này thay đổi mô hình khảo sát, đan áo ở một góc độ mới”. 74,1 hải lý tương đương 137 km.
Trong tình hình tàu khảo sát Hải Dương 8 và các tàu hải cảnh Trung Quốc vẫn đang lộng hành trong EEZ của Việt Nam, báo Thanh Niên cảnh báo một nguy cơ khác: Quan ngại về tàu tiếp tế Trung Quốc ở Biển Đông. Tân Hoa xã vừa khoe khoang về tàu tiếp tế mới Tam Sa 2 đã hoàn tất chuyến hải hành đầu tiên từ TP Văn Xương, thuộc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, đến “TP Tam Sa”, là trung tâm hành chính do nước này xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa.
Thêm tàu tiếp tế, cũng có nghĩa là thêm khả năng hậu cần cho các tàu Trung Quốc đang hoành hành trên Biển Đông: “Với khả năng vượt trội của tàu Tam Sa 2, một số chuyên gia quan ngại rằng tàu này có thể giúp Trung Quốc gia cố sức mạnh ở Biển Đông, cung cấp thêm nguồn lực cho những hoạt động nhằm phục vụ yêu sách chủ quyền phi lý của nước này ở khu vực”.
Infonet đặt câu hỏi: Mỹ – Nhật – Ấn – Australia sắp liên minh tuần tra Biển Đông, “dằn mặt” Trung Quốc? Phát biểu tại hội thảo về quyền lực biển trước thềm cuộc thao diễn hải quân của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và các lực lượng hải quân nước ngoài, dự kiến diễn ra vào ngày 15/10 tới, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Kanwal Sibal bình luận: “Ấn Độ xem Trung Quốc là thách thức lớn nhất. Trong lịch sử, chưa từng có quốc gia nào mở rộng tầm ảnh hưởng với tốc độ như vậy”.
Về mục tiêu liên kết với Mỹ và các đồng minh nhằm kiềm chế Trung Quốc, ông Sibal chỉ ra: “Ý tưởng không phải là bao vây Trung Quốc. Mục tiêu ở đây là hạn chế một cách thực chất những hành vi mang tính phá hoại của Trung Quốc càng nhiều càng tốt”.
Diễn biến mới trong quan hệ Việt – Mỹ
RFA đặt câu hỏi: Mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam-Trung Quốc ra sao khi ông Trọng không đi Mỹ? Chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự kiến diễn ra vào cuối tháng 10, muộn hơn thì được lùi lại đến các tháng cuối năm 2019, nhưng có vẻ như khó có thể xảy ra.
ThS Hoàng Việt lưu ý, “chính sách đối ngoại của Việt Nam thì không phụ thuộc vào một mình ông Trọng và chính sách đối ngoại của Việt Nam với Hoa Kỳ cũng không phụ thuộc vào một mình ông Trọng trong trường hợp này, mà sẽ phụ thuộc vào quyết định của toàn bộ Bộ Chính trị”.
Ngay cả chuyến đi Mỹ của ông Trọng có xảy ra đi nữa, cũng sẽ chẳng mang lại kết quả gì tốt đẹp cho VN, bởi sau khi ông Trump ra lệnh rút quân khỏi Bắc Syria, bỏ rơi người Kurd, một đồng minh quan trọng đã từng kề vai sát cánh cùng với quân đội Mỹ chống lại IS trong nhiều năm qua, đã làm cho các đồng minh của Mỹ hoảng sợ. Điều này sẽ ảnh hưởng tới quyết định của các lãnh đạo CSVN, làm cho họ e dè và cảnh giác hơn.
Mời đọc thêm: Biển Đông và những diễn tiến(TP). – Địa chất hải dương 8 ngang ngược: Trung Quốc gặp nhiều rủi ro (PLTP). – Âm mưu độc chiếm Biển Đông bất chấp luật luật pháp quốc tế (VOV). – Chủ động dự báo để đấu tranh, giữ vững chủ quyền biển đảo(TP). – Chuyên gia luật hàng hải quốc tế lên án các hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông (Tin Tức). – Chuyên gia quốc tế kêu gọi hợp tác tuần duyên trên biển đối phó TQ (Zing). – Đoàn công tác Bộ Tổng Tham mưu thăm, kiểm tra tại Vùng 3 Hải quân (QĐND).
– Biển Đông dậy sóng: Quân đội Mỹ hiện diện tới đâu? (PLTP). – Ba cường quốc dùng sức mạnh áp đảo để cảnh cáo Trung Quốc ở Biển Đông (VnMedia). – Mỹ – Nhật – Ấn – Australia sắp liên minh tuần tra Biển Đông, “dằn mặt” Trung Quốc? (Infonet). – Philippines đánh tiếng với Nga để kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông (VOV). – Trung Quốc thử nghiệm ở Biển Đông công nghệ laser phát hiện tàu ngầm (RFI). – Vì sao Nga quyết định hỗ trợ Trung Quốc lập hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa? (PT).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.