Đôi lời với ông Thuận Hữu, chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, TBT báo Nhân Dân
23-10-2019
Ông Thuận Hữu nói khi mở máy ra thì thấy “mạng xã hội chửi từ trên xuống dưới, không chừa một ai; chửi tràn lan cơ quan công quyền như hát hay”.
Ông là một nhà báo thì nên phát biểu như một người có trách nhiệm với xã hội. Ông phải nêu rõ ai là người chửi, người ta chửi vì cái gì, chửi có đúng hay sai, không thể nêu một nhận xét vơ đũa cả nắm như vậy được. Cá nhân tôi không tin ai đấy rảnh rỗi đến mức chỉ thích lên mạng chửi vô cớ.
Ông là một nhà báo, vậy ông có biết là đội ngũ dân oan đang tăng lên từng ngày trên đất nước này không? Ông là nhà báo, vậy ông có viết một dòng nào nói về những người dân khốn khổ, bị cướp đất như ở Thủ Thiêm, Vườn Rau Lộc Hưng, Dương Nội hay về hàng trăm dân oan đang màn trời chiếu đất ngày đêm kêu gào từ năm này sang năm khác với hy vọng tìm được công lý không?
Nếu không thì ông hãy im miệng hộ để tôi khỏi bực mình. Làm nhà báo mà không lên tiếng đấu tranh với bất công xã hội thì nhà báo ấy là dạng nhà báo rởm rít, nhà báo nửa mùa, nhà báo một chiều, chỉ biết bê đít quyền lực để hưởng chút lợi lộc.
Làm nhà báo thì điều tiên quyết cần phải có là tư tưởng ủng hộ sự thật, ủng hộ tự do ngôn luận, tự do chia sẻ và truy cập thông tin, không có điều ấy thì là báo cô ăn hại, không phải báo chí.
Ông nói ông lo ngại về vấn đề văn hóa, trong đó có mạng xã hội: “Mạng xã hội tác động ghê gớm đến sinh hoạt, tập quán phong tục, nhất là với giới trẻ đang có những giá trị về đạo đức xã hội bị lung lay”, Thôi, xin ông đừng đạo đức giả thế cho tôi nhờ. Mạng xã hội chưa bao giờ làm gì gây hậu quả nghiêm trọng như cướp đất của dân, chưa tham nhũng của dân một đồng, chưa vẽ ra những dự án làm thiệt hại cho ngân sách cả bao nghìn tỉ.
Giới trẻ được đào tạo dưới mái trường XHCN, được đào tạo về đạo đức công dân trong nhà trường, sao vì MXH mà giá trị đạo đức của chúng lung lay được? Chúng nhìn vào những “tấm gương lớn” như các bộ trưởng đạo đức giả như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và bao quan chức, tướng tá tham nhũng để học đấy. Ông có thể nêu ra một vài ví dụ nhân vật nào trên MXH đã làm gương xấu cho thế hệ trẻ được không?
Ông nói: “Cảnh sát sợ cả người vi phạm quay phim, chụp ảnh.” Tại sao phải sợ? Nếu cảnh sát làm tốt phận sự của mình thì sợ cái gì? Quyền giám sát là của công dân, là nhà báo mà sao ông không hiểu điều này?
Ông Thuận Hữu dẫn câu chuyện tại Thái Lan, có trường hợp lên mạng xã hội xúc phạm nhà vua một câu thôi là bị bỏ tù. Ông nói mà không tìm hiểu, biết một điều nhưng bi bô lung tung. Vị vua hiện tại ở Thái Lan là một người ăn chơi vô độ, không có đóng góp gì cho đất nước, cho người dân Thái Lan nhưng bởi họ đã có bộ luật cấm đụng tới vua vì bất cứ lí do nào.
Ông mang cái dẫn chứng ấy ra vì muốn nước ta áp dụng một thứ luật tương tự chăng? Ông muốn chính quyền thực sự thành một chính quyền độc tài, độc đoán như vậy sao? Ông Thuận Hữu là một nhà báo, mỗi khi mở miệng hay đặt bút về bất cứ vấn đề gì, ông nên tìm hiểu cặn kẽ cội nguồn của một vấn đề.
Riêng về vấn đề tin giả mạo của ông Thuận Hữu, tướng Sùng Thìn Cò, ĐB Trần Đình Gia thì tôi đồng ý. Tôi chỉ tôn trọng sự thật. Nói xấu, bịa đặt thông tin là không chấp nhận được và cơ quan có trách nhiệm cần phải có biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, kẻ nào tung tin giả thì chỉ đánh lừa công luận được 1,2 lần. Tôi thì thấy dạng nhà báo nửa mùa như ông Thuận Hữu mới đáng lo lắng.
Ông là chủ tịch hội nhà báo mà thủ cựu, kém hiểu biết như vậy thì chẳng trách báo chí đang mất dần uy tín với người đọc.
Xu thế của xã hội văn minh là tự do ngôn luận, công dân nào cũng có quyền phản biện, quyền phản ánh sự thật, quyền được truy cập và chia sẻ thông tin. Thông tin, sự thật như là tia hồng ngoại diệt vi trùng vi khuẩn tham nhũng, dối trá, ngăn chặn hành động chụp mũ những tiếng nói phản biện là “thế lực thù địch” là “phản động”, ngăn chặn hành động chà đạp nhân quyền của người dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.