Thứ Ba, 1 tháng 1, 2019

Nhân vụ 152 người trốn lại Đài Loan nghĩ về danh dự dân tộc

Nhân vụ 152 người trốn lại Đài Loan nghĩ về danh dự dân tộc

Nhân viên cơ quan di trú Đài Loan áp tải ba người được cho là trong số 152 người Việt mất tíchBản quyền hình ảnhHSU TSUN-HSU/AFP/GETTY IMAGES
Image captionNhân viên cơ quan di trú Đài Loan áp tải ba người được cho là trong số 152 người Việt mất tích
Hết vụ này tới vụ khác, nỗi nhục quốc thể bao giờ mới dứt?
Hơn 150 du khách Việt mất tích ở Đài Loan - nhiều khả năng là bỏ trốn - chưa từng có trong lịch sử du lịch của Đài Loan và của cả du khách Việt Nam.
Nào có phải một, hai người gì. Đằng này là toàn bộ 152 người. Họ không những làm xấu mà còn làm xấu ở quy mô thật lớn đến mức không người dân nước nào bì kịp. 
Vừa trước vụ này cũng có tin bốn người Việt vừa bị tuyên án tù ở Singapore vì qua nước người ta ăn trộm quần áo. Trước đó một người Việt ở Úc bỏ kim khâu trong dâu tây khiến ngành nông nghiệp nước này điêu đứng.
Đó chỉ là những vụ việc mới nhất. Nếu thống kê cho hết những vụ việc ô nhục của người Việt ở nước ngoài từ trước đến giờ thì có lẽ phải hết cả sớ Táo Quân.
Danh dự của người Việt còn được bao nhiêu mà các vị này cứ phá cho bằng sạch? Để rồi dân Việt mãi không dám ngẩng đầu lên nhìn thiên hạ.

Hộ chiếu không quyền lực

Để xem thanh danh của người Việt đứng đâu trên trường quốc tế, trong chừng mực nào đó chúng ta có thể dựa vào bảng xếp hạng mức độ quyền lực của các hộ chiếu. Hộ chiếu nào xếp hạng càng cao thì có nghĩa là quốc gia đó càng được nhiều nước tín nhiệm và ngược lại.
Trong bảng xếp hạng mới nhất được công ty tư vấn và cư trú toàn cầu Henley & Partners công bố hồi tháng 10 thì hộ chiếu Việt Nam xếp hạng 90 trên tổng số 199 hộ chiếu. 
Mặc dù phía sau người Việt còn hơn trăm nước, nhưng kết quả trên không khiến chúng ta tự hỏi, nói như lời một vị lãnh đạo Việt Nam, thì mình có làm sao mà người ta mới dựng hàng rào chặn mình vào ra trong khi người dân nước khác thì họ dang rộng hai tay chào đón?
Người Việt nào có xin thị thực du lịch tự túc vào nước Đông Á như Hàn, Nhật hay Đài mới thấu đoạn trường như thế nào. 
Riêng với Đài Loan thì bản thân tôi đã thấm thía.
Nhóm người Việt nghi ngờ thuộc nhóm 152 du khách Việt mất tíchBản quyền hình ảnhTAIWAIN NIA/CƠ QUAN DI TRÚ QUỐC GIA ĐÀI LOAN 
Image captionNhóm người Việt nghi ngờ thuộc nhóm 152 du khách Việt mất tích
Số là tôi đang phối hợp xin visa cho một số cô chú người quen ra Giêng đi Đài Loan. Các cô chú này đã lớn tuổi, đã nghỉ hưu, gia đình ở Việt Nam đề huề, có nhà cửa đất đai đàng hoàng, có tài khoản trong ngân hàng, có thu nhập ổn định hàng tháng, cũng đã từng đi du lịch nước ngoài. Lẽ dĩ nhiên, họ không có động cơ gì trốn ở lại Đài Loan cả.
Ấy vậy mà họ đã bị 'quần' cho lên bờ xuống ruộng và cuối cùng bị từ chối.
Tôi cảm thấy tự ái dân tộc thật sự: mình du lịch đến đất nước họ là đem tiền bạc đến cho họ chứ có phải đi xin đâu? Lẽ ra họ phải hoan nghênh không hết chứ?
Để xin visa tôi đã đặt sẵn hết vé bay và khách sạn nên giờ đây nên tôi phải nhờ công ty du lịch giúp đỡ về visa. Mọi việc vừa mới xúc tiến thì đùng một cái xảy ra vụ 152 người không thích sống đàng hoàng ở nhà mình mà thích trốn chui trốn lủi trong nhà người ta. 
Thế là bao nhiêu tiền bạc đổ vào chuyến đi tan tành theo mây khói!
Tôi và các cô chú kia là nạn nhân của 152 người này, và tôi tin chắc rằng còn rất nhiều người Việt khác cũng tiền mất tật mang giống như chúng tôi. 

Cùng chung vận mệnh

Tức mình vì cách đối xử của họ coi người Việt mình như đối tượng phạm tội tiềm tàng, nhưng nghĩ đi thì phải nghĩ lại: nếu mình cũng trong hoàn cảnh như họ, nếu giả sử người họ vào nước mình rồi làm đủ điều tệ hại thì mình có phải có những biện pháp phòng ngừa như thế không?
Thế nên việc làm của phía Đài Loan là không thể trách họ được. Có trách là trách những người đã bỏ trốn kia. Nhưng tôi và những người Việt đàng hoàng khác có lỗi gì đâu mà cũng lãnh đủ?
'Lỗi' của chúng tôi, theo cách nhìn của Đài Loan cũng như của các nước khác, là có cùng chung hộ chiếu giống như họ. Chúng tôi và họ cùng hòa làm một trong một nồi canh mà chỉ cần trong đó có một con sâu hay vết bợn thôi thì cả nồi canh sẽ bị vứt bỏ.
Những người Việt đàng hoàng và những người Việt phá hoại đều sống chung trong một ngôi nhà mà những kẻ phá hoại đó thay vì gia cố, bồi đắp cho nó thêm vững chắc thì họ lại gặm nhấm, phá phách khiến cho căn nhà đó trở nên rách nát, tả tơi. Dĩ nhiên, cùng sống chung trong một căn nhà thì tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng khi nó bị hư hỏng. Nói cách khác, tất cả người Việt đều gắn chặt với nhau trong cùng một vận mệnh.
Nếu có người Việt có thành tích vẻ vang trên trường quốc tế, chúng ta được thơm cùng; ngược lại, nếu có người Việt nào làm chuyện tai tiếng ở nước ngoài, chúng ta đều thấy hổ lây. Đội tuyển bóng đá Việt Nam chỉ có vài chục người, nhưng khi họ vô địch, tất cả người Việt đều có cảm giác mình là vô địch Đông Nam Á.
Theo số liệu của Cục Du lịch Đài Loan, từ 2015, có khoảng 414 du khách đến Đài Loan đã mất tích, trong đó có 409 người đến từ Việt Nam, còn lại là 5 người Campuchia.Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionTheo số liệu của Cục Du lịch Đài Loan, từ 2015, có khoảng 414 du khách đến Đài Loan đã mất tích, trong đó có 409 người đến từ Việt Nam, còn lại là 5 người Campuchia.
Người dân Mỹ dù nghèo nàn, vô gia cư, hút sách, phạm pháp đủ thứ nhưng nếu ra nước ngoài với hộ chiếu Mỹ thì họ vẫn được nhìn với ánh mắt tôn trọng, còn người Việt dù trong nước có là người đức cao trọng vọng thì khi đem theo hộ chiếu Việt Nam vẫn bị nhìn với ánh mắt dò xét.
Thế mới thấy, cái 'cùng chung vận mệnh' đó ảnh hưởng đến chúng ta nhiều thế nào, nhất là trong thời đại thế giới giao lưu nhiều như ngày nay.
Tuy nhiên, 'mía sâu có đốt, nhà dột có nơi', tại sao chỉ một vài người Việt phá hoại mà cả dân tộc không thể ngẩng cao đầu? Người Việt cũng như bất kỳ dân tộc nào khác cũng có người này người khác, tại sao lại quơ đũa cả nắm?
Giữa người Việt với nhau thì dù ai có làm gì đi nữa thì cũng chỉ là một cá nhân, còn nếu ra nước ngoài, do khác biệt dân tộc mà người Việt được nhìn nhận không chỉ là một cá nhân mà còn là đại diện cho cả dân tộc Việt. Chẳng phải người Việt nghe tin người Trung Quốc sang Việt Nam lừa đảo này nọ rồi đánh giá là người dân Trung Quốc đều như vậy cả sao?

Tiếng xấu vang xa

Vậy thì những người Việt phá hoại đã phá 'ngôi nhà chung' đó đến mức nào? Tôi tự hỏi có còn góc nào trên thế giới mà người Việt không mang tai mang tiếng?
Châu Á như nước Nhật đã không lạ gì những người Việt ăn cắp hàng trong siêu thị. Châu Âu thì đầy những vụ buôn người liên quan đến người Việt, trong đó có buôn người sang Anh để trồng cần sa. Châu Phi thì người Việt sang đấy buôn sừng tê giác đẩy loài này vào diện khẩn nguy. Châu Mỹ thì có đại sứ quán tại Chile ngang nhiên phơi vây cá mập trong khuôn viên.
Nhiều trẻ em Việt Nam bị đưa vào Đài Loan bất hợp pháp
Còn ở Mỹ, người Việt đa phần đã trở thành 'người gốc Việt' nhưng tật xấu không vì thế mà bớt đi. 
Người gốc Việt nào ở Mỹ mà không biết chuyện có đi làm nhưng giấu để ăn welfare hay làm ăn buôn bán lấy tiền mặt để trốn thuế. Ít có nơi công cộng nào ở Mỹ để bảng yêu cầu cẩn thận tài sản tiền bạc như ở Thương xá Phước Lộc Thọ ngay giữa Little Saigon. Mặc dù 'người gốc Việt' không còn chung vận mệnh với người Việt trong nước nhưng vì là 'gốc Việt' nên những gì xấu mà họ làm cũng ít nhiều bị liên hệ với cái 'gốc' đó và ảnh hưởng đến cả cộng đồng gốc Việt.
Nói đâu xa, ngay ở những nước láng giềng, những nơi mà dân Việt có điều kiện sang dễ dàng nhất thì tiếng tăm người Việt vì thế cũng từa lưa theo. 
Từng sống ở Thái Lan trong nhiều năm, tôi chưa từng nghe hay thấy có giựt dọc hay cướp bóc gì nhưng đến khi báo chí đưa tin thì là người Việt sang trà trộn vào đám đông móc túi. Người Thái thuần thành, hiền lương rất yêu thương chó hoang nên khi chứng kiến truyền hình quay lại những chiếc xe tải nhét đầy những con chó bị bắt trên đất Thái để đưa về Việt Nam giết thịt họ cảm thấy rất bất nhẫn. Thiệt tình tôi không biết giấu mặt đi đâu trước các bạn Thái!

Tầm nhìn đầy gang

Người Việt đại đa số vốn xưa nay hiền lành, chân chất do bắt nguồn từ văn minh nông nghiệp lúa nước. Nhưng văn minh nông nghiệp cũng dẫn đến một điểm yếu chết người: người Việt suy nghĩ quá nhỏ, tầm nhìn không quá một gang tay. Điều này đặc biệt có ảnh hưởng trong mối tương quan giữa cá nhân và dân tộc.
Những người biến mất ở Đài Loan có lẽ họ chỉ thấy họ kiếm thêm được chút tiền nữa. Nhưng họ có thấy số tiền của mà xã hội đã bỏ ra để truy tìm và đưa họ về nước không? Họ có thấy bao nhiêu tiền bạc của những người khác vì họ mà đổ sông đổ biển không? Họ có thấy bao nhiêu công ty du lịch phải lao đao và bao nhiêu người làm công ăn lương có nguy cơ bị mất nồi cơm? Họ có thấy bao nhiêu người Việt khác có nhu cầu chính đáng sau này khó lòng mà sang Đài Loan lao động, du lịch, du học, công tác hay thăm thân không? Họ có biết hành động tùy tiện, vô kỷ luật, gian trá của họ đã hạ thấp uy tín của người Việt trong mắt các đối tác trên thế giới, nhà đầu tư nước ngoài và bạn bè quốc tế hay không? 
Một khi uy tín đã bị sứt mẻ thì mọi cơ hội học hỏi, hợp tác, đầu tư hay làm ăn đối với người Việt sẽ trở nên khó khăn hơn. Tóm lại họ có thể được một mà đất nước chắc chắn mất cả trăm cả ngàn.
Khi đa số người Việt chỉ chăm chăm vào cái lợi trước mắt của cá nhân họ thì khó mà mong họ nhìn thấy lợi ích lớn hơn của đất nước, của dân tộc.
Cá nhân dù hùng mạnh đến đâu vẫn hữu hạn, nhưng dân tộc thì mãi trường tồn. Vô lượng mãi về sau, dân tộc luôn còn đó nhưng lần lượt từng cá nhân sẽ tan biến sạch trơn như bong bóng xà phòng. Theo lý đó thì mỗi cá nhân sinh ra là để phụng sự cho sự trường tồn của dân tộc chứ không phải bắt dân tộc phục vụ cho mình. 
Vậy cho nên, mỗi cá nhân biết hy sinh lợi ích của cá nhân mình cho dân tộc thì dân tộc sẽ vững mạnh. Dân tộc mạnh, cái nhà chung đó mạnh thì cá nhân mình, đồng bào mình và con cháu mình cũng được lợi. Ngược lại, mỗi cá nhân phá phách, gặm nhấm làm cho căn nhà chung đó xiêu vẹo đổ sập xuống sẽ chôn luôn mình và tất cả đồng bào mình.
NIA nói đã phát hiện được 17 em được đưa từ Việt Nam sang Đài Loan trong thời gian 2013-2016Bản quyền hình ảnhNIA
Image captionNIA nói đã phát hiện được 17 em được đưa từ Việt Nam sang Đài Loan trong thời gian 2013-2016

Nên thương hay giận?

Vào lúc này, với sự quyết liệt của chính quyền Đài Loan thì 152 người này không thể trốn mãi được. Từng người một sẽ bị tóm hết, bị thẩm vấn, phạt tiền, bị tống khứ về nước để hứng chịu búa rìu dư luận. Tiền mất hết, trắng tay mà chẳng được gì: du lịch thì trốn chui trốn lủi, công việc gì đó thì có thấy đâu, lại còn ôm thêm cục nợ và bị đuổi về trong ê chề, nhục nhã.
Nếu biết trước có kết cục như vậy thì họ có đi không? Nhưng họ nghĩ sao mà 152 con người cùng một lúc có thể 'biến mất' êm thấm ở một hòn đảo bé tẹo như vậy? Họ nghĩ sao mà chính quyền Đài Loan có thể để yên cho từng ấy con người làm việc bất hợp pháp? Có lẽ ngoài công việc kiếm được nhiều tiền như người ta hứa hẹn ra họ không còn thấy gì nữa hết. Vậy thì mong chi họ nghĩ đến quyền lợi đất nước.
Nếu nhận thức của họ đơn giản thế thì tội nặng nhất là những kẻ đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của họ để gạt tiền, tổ chức cho họ đi (khó mà tin 152 người hành động mà không có sự tổ chức). 
Nếu xét như thế thì họ cũng chỉ là nạn nhân - đáng thương hơn đáng giận. Nhưng dù có là nạn nhân đi nữa thì những gì họ nhận lãnh cũng đích đáng, không phải vì hậu quả họ gây ra mà còn vì họ cần bài học nhớ đời để nâng cao nhận thức để về sau không bao giờ tái phạm. 
Nhưng nếu họ quả thật cùng quẫn, bí bách đến nỗi không còn con đường khác thì sao? Hoàn cảnh có thể cảm thông nhưng không thể lấy đó mà biện hộ cho hành động được. Đạo lý người Việt bao đời nay vẫn là 'giấy rách phải giữ lấy lề'. Khổ thì người khác cũng khổ nhưng tại sao làm bậy chỉ có anh? Ai khổ cũng làm bậy thì xã hội còn ra thể thống gì? Chẳng lẽ anh khổ anh được tự tiện xâm nhập nhà người ta bất hợp pháp sao? Anh làm vậy chẳng những tổn thương lòng tự trọng của mình mà còn chà đạp lòng tự trọng của dân tộc nữa. 
Nhưng khổ gì mà đến nỗi phải ra nước ngoài làm bừa vậy? Không còn đường sống? Tôi không tin đến mức như vậy. Có thể ở Việt Nam vẫn còn rất cơ cực nhưng nếu anh chịu làm lụng thì lẽ nào không nuôi nổi bản thân mình? Bao người miền dân miền Trung khổ cùng khổ cực vào Sài Gòn buôn gánh bán bưng, bán vé số, nhặt vé chai, đi giúp việc nhà họ vẫn sống được đó thôi.
Cho nên, nhìn đi nhìn lại nhiều khả năng họ bỏ trốn ra nước ngoài chỉ vì họ mong kiếm được nhiều tiền hơn mà thôi. Kiếm nhiều tiền ai mà chẳng ham? Vấn đề là anh không thể phạm pháp để thỏa mãn lòng tham của mình.
Đó là chưa kể tâm lý chung của nhiều người Việt rất là sính ngoại, vọng ngoại. Không hiểu sao người Việt trong nước, nhất là ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, lúc nào cũng mơ tưởng cuộc sống ở nước ngoài để đổi đời. Nước ngoài làm việc còn cực gấp mấy lần nước trong. Sống ở nước ngoài nằm không có người bưng cơm cho ăn chắc? Mọi người chỉ thấy Việt kiều có tiền bạc gửi về và mỗi lần về nước thì xông xênh nhưng đâu có biết rằng đằng sau đó là nước mắt chan cơm. Mà những Việt kiều họ sĩ diện đâu dám thể hiện sự thật cho mọi người biết khiến ảo tưởng lại càng thêm ảo tưởng.
Tuy nhiên, nói gì đi nữa thì chắc chắn vụ việc này cũng gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh nghiêm khắc đối với giới lãnh đạo Việt Nam.
Làm sao mà, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã thoát khỏi kiếp nô lệ nhưng nay lại có biết bao dân Việt lưu lạc khắp nơi làm cu li cho người.
Làm sao mà, đất nước chưa bao giờ có được vị thế như ngày hôm nay mà vẫn có những người tìm đủ mọi cách dứt áo ra đi tìm đường sinh nhai ở xứ khác.
Cho dù đó không phải làn sóng ra đi ồ ạt như ở Venezuela hay đoàn di dân các nước Trung Mỹ nhưng nhất thiết vẫn phải tìm hiểu rõ ngọn ngành gốc nôi sự việc để tìm phương cách giải quyết sinh kế cho người dân.
Nói tóm lại, thay vì mỗi người dân Việt tìm mọi cách để lấy hộ chiếu nước ngoài trong khi chà đạp lên hộ chiếu nước mình thì tại sao chúng ta không chung tay giữ gìn hộ chiếu của nước mình và làm cho nó ngày càng đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế?
Điều đó có gì là xa vời: mỗi người chỉ cần ứng xử đàng hoàng đúng mực khi ra nước ngoài với ý nghĩ rằng mỗi người Việt chúng ta đều là đại diện của dân tộc mình.
Bài thể hiện quan điểm riêng của người viết, thạc sỹ chuyên ngành Quan hệ Quốc tế tại University of California, San Diego và từng là thực tập sinh ở CSIS và Stimson.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.