Thứ Ba, 29 tháng 1, 2019

Khi người dân Lý Sơn chỉ còn biết cầu nguyện Tổ quốc linh thiêng

Khi người dân Lý Sơn chỉ còn biết cầu nguyện Tổ quốc linh thiêng

28-1-2019
Thời điểm này năm ngoái tôi bị kẹt lại Lý Sơn 10 ngày do bão gió. Những ngày lang thang với đảo, thấm thía biết bao điều. Những bô lão, ngư dân, đình làng, giếng nước, những cây đa 400 tuổi chồm mình vươn ra đại dương…
Xúc động với hình ảnh mọi lăng, miếu, đình làng, chùa chiền cho đến những ngôi mộ gió, đều dàn hàng ngang bên thềm sóng. Biển chính là MINH ĐƯỜNG không chỉ với riêng Lý Sơn, mà còn là MINH ĐƯỜNG của cả dân tộc này!
Vậy mà khắp nơi, MINH ĐƯỜNG ấy đã bị bè lũ tham tàn cấu kết với quan chức, với chính quyền cướp bóc, băm nát để làm của riêng.
Để đến một ngày, đến lượt những đình đến, lăng miếu rêu phong linh thiêng của tổ tiên trên hòn đảo thanh bình, xinh đẹp và bất khuất Lý Sơn cũng sẽ bị “đóng cũi”, bị “gông xiềng” giữa những resort, những khối khách sạn, nhà ở, những chốn ăn chơi thác loạn cho những kẻ bợm bãi, đĩ điểm, thừa tiền!
Những bô lão Lý Sơn cuối cùng đành ngửa cổ kêu cứu Tổ quốc linh thiêng cứu vớt cho họ khỏi mang tội đánh mất quê hương trước Tổ tiên!
Tổ quốc ở đâu, có nghe thấy không???
_____
Toàn văn kiến nghị ngày 16.1.2019 của người dân Lý Sơn:
Chúng tôi ký tên dưới đây đại diện Ban khánh tiết, Ban tư vấn nhà Tiền hiền và Đình làng An Vĩnh; BKT Đình làng An Hải; Ban Tế tự Vạn Vĩnh Thạnh; hai xóm và bảy lân – đại diện 4 Ban vận động Đội đua thuyền truyền thống (Long, Lân, Quy, Phụng). Đại diện cho cán bộ và nhân dân trong xã, làm đơn kiến nghị khẩn thiết yêu cầu lên qúy cấp xem xét, can thiệp điều chỉnh địa điểm, dự án đầu tư phát triển khu thương mại và dịch vụ Du lịch Lý Sơn, trước mặt tiền của xã An Vĩnh đã được tổ tiên khai phá, xây dựng bảo vệ, phát triển và trao truyền cho con cháu suốt hơn 400 năm qua với những lý do chính đáng như sau:
Nguyên trong 2 ngày 20/12/2018 và 11/01/2019 một số cử tri, đại biểu của các khu dân cư trong xã đã được UBND xã An Vĩnh gửi giấy mời, nội dung cuộc họp “Tham gia trưng cầu ý kiến của nhân dân trong vùng về tham khảo thiết kế dự án đầu tư phát triển khu thương mại và dịch vụ du lịch Lý Sơn ngoài vùng nước cạn trên địa bàn xã An Vĩnh theo hướng chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, UBND huyện Lý Sơn”.
Phiên họp đầu tiên tại hội trường UBND xã An Vĩnh, đại biểu đi thưa thớt, ý kiến đa số không tán thành, phiên họp thứ hai tại nhà Văn hóa thôn Đông – xã An Vĩnh có mời đại biểu Ban Khánh tiết Đình làng An Hải cũng do Ban lãnh đạo công ty Hợp Nghĩa triển khai. Dưới sự chủ tọa của hai ông Nguyễn Viết Vy – Bí thư Huyện ủy Lý Sơn và ông Nguyễn Quốc Việt – Phó Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn. Tất cả 2 phiên họp, ý kiến của nhân dân đều bức xúc, bất an lo ngại cho tương lai xã An Vĩnh – Lý Sơn bị biến dạng (lợi bất cập hại) nếu công ty Hợp Nghĩa được quy hoạch thực hiện trong diện tích 54,65 ha, nối dài từ cảng Bến Đình đang được nhà nước xây dựng, mở rộng đường đi bộ và nâng cấp để ngắm cảnh biển từ cảng Bến Đình đến cảng cá xã An Vĩnh theo dọc đường bờ kè chắn sóng, che chắn hết mặt tiền của xã An Vĩnh.
Nơi đây chính là vành đai chắn sóng, bảo vệ đảo. Cảnh quan môi trường sinh thái được thiên nhiên ban tặng rất nhiều hải sản mà dân trên đảo đã nuôi sống suốt hơn 400 năm qua. Đây chính là mặt tiền di tích của một hòn đảo tâm linh mà từ xưa tổ tiên gọi nơi đây là: “minh đường” điểm linh thiêng tích tụ tài lộc, thanh bình, hạnh phúc. Nơi đây được du khách ví như “Thiên đường giữa biển khơi”, “vương quốc tỏi”, “quê hương hải đội Hoàng Sa” và đặc biệt là “đảo tâm linh”.
Tại đây di tích nối di tích, khởi đầu từ cảng Bến Đình di tích cấp tỉnh giếng Xó La. Ngoài vùng nước cạn là vũng Thầy tu bên trong bờ kè là dinh Bà Roi (Trinh Tịnh đường), lăng Tân di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh thờ vị thủy thần “Đồng đình Nam hải đại vương”, hiện lưu giữ bộ xương cá voi (cá ông) lớn nhất Đông Nam Á, Lân Vĩnh Hòa (dinh Chàm) di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh. Bên cạnh là trụ sở điện cáp ngầm điện lưới quốc gia nối từ đất liền ra đảo từ năm 2014. Tiếp theo là chùa Vĩnh Ân, đình làng An Vĩnh và Nhà tiền hiền được nhà nước tặng bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, hai nơi thờ đều có câu đối:
“Ân đức dựng xây miền đảo Lý
Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa”.
Tiếp đến là lăng Chánh di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Sở Âm Hồn (chùa Âm Hồn); những di tích bên trong và ngoài biển là Bến Đình, cảnh quan trên được lưu truyền 2 câu đối:
“Tiền hải, hậu sơn lưu thắng cảnh
Tha phương, bái vọng tưởng cố hương”.
Cảnh quan trước là biển sau lưng là 5 núi gồm: Giếng Tiền, Hòn Tai, Thới Lới, Hòn Sỏi, Hòn Vung thường gọi là Ngũ Hành Sơn. Bến Đình từ thời vua Gia Long, Minh Mạng đến thời Tự Đức nơi trước đây là điểm tổ chức lễ hội tế thần linh trong dịp xuân về và khao thưởng dân binh đi Hoàng Sa làm nhiệm vụ lịch sử và nơi đây ngày nay là điểm tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa của tỉnh Quảng Ngãi, nhằm tưởng niệm và tri ân các “hùng binh Hoàng Sa”. Nếu bồi lấp sẽ mất hẵn chứng cứ lịch sử lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, minh chứng chủ quyền tổ quốc làm mất di tích là vô tình tiếp tay cho kẻ địch xuyên tạc lịch sử ở một huyện đảo có vị trí địa chính trị vô cùng lớn lao của Lý Sơn. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được Bộ văn hóa thể thao và du lịch tặng bằng Di tích lịch sử văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Ngày 04/9/2019, Sở Giao thông vận tải Quảng Ngãi dự định xây cảng Bến Đình tại đây. Ban khánh tiết nhà Tiền hiền và đình làng An Vĩnh đã khẩn trương làm kiến nghị xin được di dời đi nơi khác. Nếu không sẽ mất hết di tích thờ tự và trường đua Bến Đình của xã An Vĩnh đã được ông Ngyễn Hòa Bình Bí thư TW Đảng, chánh tòa án Nhân dân tối cao, nguyên thời bấy giờ là Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi, đồng tình chấp thuận cho di dời đến địa điểm như hiện nay (xin đính kèm bản kiến nghị). Đặc thù của lễ hội đua thuyền tứ linh từ thời tổ tiên trao truyền cho biết bao thế hệ đời nay.
Ngày xưa là “cạnh độ tứ linh” là lễ thức dâng cúng thần linh và các bậc nhân thần có công với dân với nước trong 4 ngày xuân, chúc mừng năm mới trước tiên dâng lễ sau là hội, đây là môn thể thao độc đáo của Lý Sơn, cũng là món quà của quê hương cho những người con vì đất chật người đông mà phải “tha phương cầu thực” xa xứ chỉ đợi ngày Tết mới về quê xem hội đua thuyền. Thời tiết Lý Sơn vào dịp xuân về thường biển động, gió cấp 6, cấp 7 biển động mạnh “tháng giêng động dài, tháng hai động tố”.
Mặc dù biển động, mưa, gió mà dân vẫn mặc áo mưa động viên cỗ vũ lễ hội đua thuyền, không bỏ được. Vì dân ở đây tâm niệm vì lý do gì mà không tổ chức được, năm ấy tai họa sẽ ập đến mất mùa. Theo thiết kế của công ty Hợp Nghĩa phải tạo một trường đua ngoài nước sâu (ngoài gò sóng) thật nhiêu khê, tốn kém và nguy hiểm. Tất nhiên thuyền đua sẽ bị sóng đánh chìm, nước sâu không phải như đua trong gò sóng – vận động viên (dân bơi) đua thuyền, chuyên nghề nông nghiệp bơi lội không được sẽ bị đuối nước đầu năm có thể chết người thì hệ lụy không gì đắp nổi.
Ngày nay ai cũng thấy rõ Lý Sơn không chỉ là di tích lịch sử văn hóa quan trọng minh chứng cho chủ quyền biển đảo của Việt Nam mà là còn nét đẹp văn hóa tính nhân văn sâu sắc của người dân Lý Sơn trên đảo, nhằm thể hiện lòng tri ân đối với cha ông những Hùng binh Hoàng Sa đã hi sinh vì đất nước.
Kính thưa quý cấp!
Ngoài những lý do nêu trên từ ngày có điện lưới quốc gia, khách du lịch trong và ngoài nước đến với Lý Sơn, nhiều khi quá tải, nước ngọt không đủ để xử dụng khi thời tiết hạn hán, môi trường bị ô nhiễm, sản vật địa phương không đủ đáp ứng, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho nhân dân trên đảo. Lý Sơn cần được xây dựng và phát triển như chủ trương của nhà nước đề ra, nhưng các công trình, dự án phải có sự tham gia thẩm định của ngành văn hóa, ngành địa chất trước khi cấp phép đầu tư trên đảo, nhằm đảm bảo những công trình đó không ảnh hưởng đến di sản văn hóa, di sản tâm linh, di sản địa chất và phúc lợi chính đáng bền vững của nhân dân.
Đã nhiều lần UBND tỉnh hội thảo, tọa đàm xây dựng và phát triển du lịch tất cả đều đề nghị khuyến cáo phải bảo tồn nguyên trạng để làm hồ sơ công viên địa chất toàn cầu và phát triển du lịch bền vững. Đồng thời hợp với dự án bảo tồn biển.
Cán bộ và nhân dân xã An Vĩnh nói riêng đảo Lý Sơn nói chung khẩn thiết cầu xin tổ quốc thiêng liêng gia hộ độ trì cho quý cấp xem xét, cân nhắc không cấp phép cho công ty Hợp Nghĩa tại khu vực này, để thế hệ con cháu đời sau khỏi đắc tội với tổ tiên thuở trước, các nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử, các nhà địa chất, các du khách đến Lý Sơn khỏi oán trách con cháu Lý Sơn đời nay không biết trân trọng bảo quản, phát huy di sản được thiên nhiên ban tặng chỉ vì lợi ích nhỏ mà đánh mất quê hương.
Để xứng đáng với câu:
“Tổ tiên khai sáng xây cơ nghiệp
Hậu thế tâm thành nguyện phát huy”.
Xin chân thành cảm ơn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.