Thứ Tư, 30 tháng 1, 2019

Cuối năm phóng sinh chữ nghĩa

Cuối năm phóng sinh chữ nghĩa

30-1-2019
Thật có lỗi khi nhận đến quyển sách thứ hai của anh Phan Trang Hy gửi tặng mà chưa có một lời cảm ơn anh. Thời sự và công việc thường nhật lôi cuốn đến mức gần như tôi không còn khoảng trống dành cho một sự thư giãn tối thiểu là đọc sách văn nghệ, trừ phi đó là những quyển sách có tính thời sự.
Sáng nay ngồi café một mình, cầm quyển sách mới tặng của anh Phan Trang Hy, bỗng dưng có hứng thú đọc liền một mạch. Có lẽ bởi cái truyện đầu tiên có tên lạ: “Phóng sinh chữ nghĩa”.
Ảnh bìa sách “Phóng sinh chữ nghĩa” của nhà văn Phan Trang Hy
Sau ngày 23 tháng Chạp, tôi ngán tận cổ cái cảnh người Việt phóng sinh động vật. Không biết cái lũ người quỷ ám kia sau mỗi lần phóng sinh như vậy đã hưởng được phúc đức gì khi “chim trời, cá nước” bị biến thành “chim lồng, cá chậu” trong trò chơi phóng sinh tàn nghiệt đến mức một đời chim cá bị cầm tù nhiều lần để được phóng sinh nhiều lần?
Từ ông Táo của dân gian đến ông Phật của Phật giáo khi khúc xạ qua tâm của người Việt hiện đại đã thành quỷ quái. Và tôi hình dung, người Việt sẽ bị quả báo bằng cuộc đày đọa trăm năm nữa mới có tự do đích thực.
Sự thực, người Việt đã từng phóng sinh cho chính mình suốt bốn nghìn năm trường kỳ giống như trò chơi phóng sinh động vật hôm nay. Những cuộc đổ máu để có tự do rồi tự tròng vào cổ chiếc gông nô dịch, rồi lại phóng sinh, và sau mỗi lần như vậy, người ta khắc vào chiếc gông hai chữ “tự do” để giữ sự ổn định .
Không biết anh Phan Trang Hy có “phóng sinh chữ nghĩa” bằng trò chơi như vậy không?
À thì ra câu chuyện của anh có hậu và thú vị hơn nhiều. Cái anh công chức nuôi con cá La Hán mang trên mình 4 chữ Tàu, ngẫu nhiên mà nó từng mang lại cho anh vận hên được thăng quan. Nhưng cái dòng chữ trên người của nó lại vừa như Phật ám lại vừa như Quỷ ám. Tùy tâm mà người ta đọc ra những điều tốt đẹp hay xấu xa. Nhưng dù tốt, dù xấu, những điều ấy đã cầm tù con người trong từ trường của những dòng chữ biến ảo ma ma phật phật đó. Rốt cuộc, anh ta đã phóng sinh con cá, dù nó có trị giá hàng trăm triệu.
Mọi sự nô dịch đều do chữ nghĩa. Con người bày trò phóng sinh cho động vật nhưng không phóng sinh nổi cho chính mình vì chính chữ nghĩa cầm tù con người.
Các nhà cách mạng tin rằng có thể cầm tù con người về thể xác, quyết không thể cầm tù tinh thần. Điều đó có thể đúng cho các nhà cách mạng có tư tưởng khai phóng chứ không đúng cho đám đông. Đám đông thường bị xỏ mũi bởi những tư tưởng huyễn hoặc nhưng lại cả tin về sự tự do. Tôi không nói đám đông dân chúng mà nói đến đám đông được trí thức hóa. Thành phần này thường bị nô dịch hơn cả nhưng lại tự hào là người rành chữ nghĩa.
Phóng sinh chữ nghĩa là thực chất là tự phóng sinh cho chính mình. Đọc xong cái truyện này, tôi day dứt một câu hỏi: liệu trí thức Việt có đủ tỉnh táo và dũng khí tự phóng sinh như anh công chức kia, hay tất cả vẫn đang hứng thú được nhốt tù trong mớ chữ nghĩa bịp bợm mà cha ông ta từng tự hào cả ngàn năm trước?
Tập truyện viết nhiều về biển đảo với nỗi lòng canh cánh của những người dân chài bình dị. Rất cảm động khi những con người bình dị ấy xem biển đảo như một phần máu thịt của mình, sống nhờ biển và chết về với biển. Một đảo bị mất là một phần máu thịt của Mẹ Biển bị cắt ra trong nỗi đau vô hạn của những người con sinh ra và sống chết cùng với biển.
Tôi hình dung, chính những con người ít học này mới không bị nô dịch bởi những tín điều bịp bợm, giả dối trong mớ chữ nghĩa trên kia. Mặc dù đọc các truyện của Phan Trang Hy, không khí tín ngưỡng phủ trùm trên trang sách, ăn sâu trong lòng người dân biển, nhưng đó là tín ngưỡng về người Mẹ Biển vĩ đại với tình yêu thương bao la dành cho những người con đất Việt chứ không phải ảnh hưởng bởi thứ tôn giáo huyễn hoặc nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.