Tình báo Mỹ: Bình Nhưỡng 'vẫn giữ vũ khí hạt nhân'
Khó có khả năng Bắc Hàn từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, báo cáo tình báo Mỹ cho biết, dù chính quyền Trump hy vọng điều này.
Báo cáo Đánh giá Mối đe dọa toàn cầu cũng cho biết Iran hiện không chế tạo vũ khí hạt nhân, nhưng các mối đe dọa tấn công mạng từ Trung Quốc và Nga "ngày càng tăng".
Cả hai nước này được cho là có thể đang tìm cách tác động đến cuộc bầu cử Mỹ năm 2020, báo cáo viết.
Giám đốc tình báo quốc gia Dan Coats và các giới chức tình báo khác điều trần tại Thượng viện hôm 29/1.
Triều Tiên "có phần chắc sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân" trong khi họ cố gắng đàm phán "các bước phi hạt nhân hóa một phần để có được những nhượng bộ quan trọng từ Mỹ và quốc tế", theo báo cáo.
Việc sở hữu vũ khí hạt nhân được coi là "quan trọng đối với sự sống còn của chế độ Bình Nhưỡng", tài liệu này viết.
Ông Trump và ông Kim đã gặp nhau tại Singapore vào tháng 6/2018 để thảo luận về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng đến nay có rất ít tiến triển về vấn đề này.
Báo cáo nhấn mạnh mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc và Nga, "cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ giữa thập niên 1950".
Cả hai quốc gia nêu trên đều được cho là có khả năng "gián điệp mạng" tinh vi và họ có thể tận dụng để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Năm 2018, Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran và đã áp các lệnh trừng phạt khắt khe hơn để ngăn chặn hành động của nước này.
Trong phiên điều trần tại Thượng viện, Giám đốc CIA Gina Haspel cho biết Iran "về cơ bản tuân thủ" thỏa thuận hạt nhân năm 2015 dù Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận.
Một trong 20 căn cứ vận hành tên lửa đạn đạo chưa được khai báo ở Bắc Hàn đóng vai trò là một trụ sở tên lửa, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) công bố hôm 21/1.
Reuters dẫn báo cáo cho biết: "Cơ sở vận hành tên lửa Sino-ri và tên lửa Nodong được triển khai tại địa điểm này phù hợp với chiến lược quân sự hạt nhân được phỏng đoán của Bắc Hàn."
Việc phát hiện một trụ sở tên lửa chưa được khai báo diễn ra ba ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump loan báo ông "hướng tới" một hội nghị thượng đỉnh khác để thảo luận về phi hạt nhân hóa với nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un vào cuối tháng 2/2019.
CSIS cho biết căn cứ Sino-ri chưa bao giờ được Bình Nhưỡng công khai và vì thế mà "dường như không phải là đối tượng của các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa".
Báo cáo lưu ý rằng các căn cứ vận hành tên lửa lẽ ra phải được khai báo, xác minh và dỡ bỏ trong bất kỳ thỏa thuận phi hạt nhân hóa nào.
"Bắc Hàn sẽ không đàm phán về những điều mà họ không tiết lộ," ông Victor Cha, một trong những tác giả của báo cáo cho biết. "Có vẻ như họ đang không nghiêm túc. Họ vẫn muốn có năng lực hạt nhân, ngay cả khi họ tuyên bố phá hủy các cơ sở đã được khai báo."
Nằm cách khu phi quân sự 212 km về phía bắc và rộng 18 km2, khu phức hợp Sino-ri đóng vai trò then chốt trong việc phát triển tên lửa đạn đạo có khả năng bắn đến Nam Hàn, Nhật và thậm chí cả đảo Guam, lãnh thổ Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương, báo cáo viết thêm.
Vài ngày trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã chọn xong địa điểm diễn ra cuộc gặp lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un cuối tháng Hai.
"Chúng tôi đã chọn được quốc gia nhưng sẽ thông báo sau."
"Kim Jong-un rất mong đợi sự kiện và tôi cũng thế," ông Trump nói với các phóng viên.
Hiện giới phóng viên nước ngoài đang đồn đoán Việt Nam là nơi được chọn.
AFP dẫn nguồn chính phủ Việt Nam nói "chuẩn bị hậu cần" đang diễn ra, có thể ở Hà Nội hay Đà Nẵng.
Hôm thứ Sáu, Nhà Trắng đã thông báo cuộc gặp lần hai giữa ông Trump và ông Kim sẽ diễn ra tháng Hai, theo sau chuyến thăm Washington của một tướng Bắc Hàn.
Kim Yong Chol, cánh tay phải của Kim Jong-un, đã gặp Tổng thống Trump hôm thứ Sáu, trong cuộc gặp kéo dài tới 90 phút.
Việt Nam 'sẵn sàng tạo điều kiện'
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được dẫn lời nói Việt Nam sẵn sàng làm nơi tổ chức cuộc này.
Trang Bloomberg cho hay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với họ rằng Việt Nam sẵn sàng tổ chức cuộc gặp, mặc dù Việt Nam chưa được chọn.
"Chúng tôi không biết về quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, nếu chuyện đó xảy ra thì chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để tạo điều kiện cho cuộc họp."
"Việt Nam đã phối hợp rất tốt với Hoa Kỳ trong quan hệ phát triển kinh tế và thương mại cũng như trong các lĩnh vực khác."
Ông Nguyễn Xuân Phúc trả lời phóng viên Haslinda Amin của Bloomberg TV.
Reuters dẫn một nguồn tin giấu tên nói rằng nhà lãnh đạo Bắc Hàn dự kiến sẽ tới thăm Việt Nam trong một "chuyến thăm chính thức cấp nhà nước" vào tháng 2.
Chỉ vài giờ trước khi ông Kim Yong Chol tới Mỹ, Tổng thống Trump - vốn đã tuyên bố chỉ một ngày sau kỳ họp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singpore hôm 12/6/2018 rằng mối đe dọa từ Bắc Hàn đã hết - công bố việc củng cố chiến lược phòng thủ tên lửa, là chiến lược coi Bắc Hàn như một "mối đe dọa đặc biệt".
Cuộc gặp lần đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều diễn ra hồi năm ngoái là cuộc gặp lịch sử đầu tiên từ trước tới nay giữa hai đương kim lãnh đạo của hai nước.
Tin liên quan
- Quan chức Bắc Hàn tới Mỹ, đồn đoán Kim gặp Trump ở Việt Nam
- Trump-Kim: Abe tới Mỹ giữa đợt sóng ngoại giao
- Mỹ: 'chuẩn bị thượng đỉnh Trump-Kim tiến triển tốt'
- Hà Nội có thể là địa điểm cho Trump-Kim gặp lần hai?
- Bắc Hàn thả ba tù nhân Mỹ trước đàm phán Trump-Kim
- Trung Quốc 'ủng hộ' Thượng đỉnh Trump-Kim lần hai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.